Thursday, March 28, 2024

Trút gánh lo, co gánh nợ

Chuyện nợ nần nhân buổi đầu năm…

 

Nguyễn Xuân Nghĩa

 

Những người mang nghiệp viết báo thường phải bóc lịch sớm hơn thiên hạ.

Khi độc giả chuẩn bị lễ Tạ Ơn vào cuối tháng 11 thì nhiều người đã đau đầu lo báo Xuân. Năm nay Tết Nhâm Thìn lại đến sớm và gây bất lợi cho giới tiểu thương mình vì thu hẹp mùa mua sắm. Làm dáng một chút thì ta gọi đó là “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu” – lo trước cái lo của thiên hạ!

Cũng thế, đầu tháng 12, khi lãnh đạo Âu Châu đề nghị giải pháp đẩy lui khủng hoảng thì nhiều người viết đã sớm nghĩ đến đầu năm 2012: Tới lượt Ðan Mạch (Denmark) làm chủ tịch của Liên Hiệp Âu Châu. Xứ Bắc Âu này không mặn với chuyện hợp nhất và năm 1992 còn đòi tu chỉnh thỏa ước Maastricht! Ngày một Tháng Giêng cũng là lúc Hoa Kỳ giữ vai chủ tịch nhóm G-8, gồm bảy nước công nghiệp hóa Tây phương (kể cả Nhật) và Liên Bang Nga. Sự thể nhỏ nhặt ấy sẽ chi phối ra sao thời sự của Âu Châu, Hoa Kỳ và Liên Bang Nga trong năm mới?

Ðấy là lúc mình nhìn rộng ra ngoài khuôn khổ của một quốc gia trong bối cảnh ngắn và suy đoán ra những chuyển động lớn trong một viễn ảnh dài hạn hơn.

Kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm (recession) từ đầu năm 2008, rồi đụng đáy vào Tháng Bảy năm 2009 mà chưa bật dậy và thất nghiệp còn cao. Bây giờ là lúc bước vào năm thứ năm, khi thế giới hoang mang về tương lai trước mặt và hoài nghi khả năng ứng phó của đệ nhất siêu cường kinh tế toàn cầu.

Cái nôi của tư bản chủ nghĩa và nền dân chủ lâu đời và vững mạnh nhất địa cầu đang bị chìm trong biển nợ… Trong bối cảnh ấy, khi quý độc giả đọc bài này, kết quả vòng sơ bộ của đảng Cộng Hòa tại Iowa vào ngày Thứ Ba mùng ba thì chỉ là một ánh chớp.

Nhìn trong trường kỳ, như người viết đã ghi trong số Xuân Nhâm Thìn Người Việt, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia có ưu thế hơn hẳn các cường quốc trên thế giới và trong lịch sử (bài “Sơn Tiên Thủy Long” ở trang 28). Sự hãn hữu ấy có ý nghĩa gì trong ngắn hạn?

Bài viết này sẽ trình bày chuyện tương đối ấy – như một lời chào mừng đầu năm khi nước Mỹ đẩy sóng ra khơi.

***

Trước hết, “các nước Tây phương” hiện bơi trong nợ nần. Thật ra, đây là hiện tượng chung của thế giới công nghiệp hóa và là trào lưu dài hạn.

Người ta thường so gánh nợ với tổng sản lượng nội địa của cả năm (gọi tắt là GDP). Từ 20 năm qua, 1980 đến 2010, thì 18 nền kinh tế đứng đầu thế giới đã vay mượn gấp đôi: Gánh nợ từ 160% đã vượt 320% GDP. Con số tổng hợp do tổ chức OECD khảo sát cần được điều chỉnh và phân giải cho ba thành phần: Công trái (nợ của chính phủ), nợ của tư nhân và của doanh nghiệp (không thuộc loại tài chánh). Nợ của chính phủ tăng 425%, của doanh nghiệp tăng 300% và của tư nhân tăng 600%! Chính chúng ta có góp phần hào phóng hay hào sảng cho chuyện đi vay đó.

Hồ hởi sảng nên giờ này mới hốt hoảng bậy khi đến ngày tính sổ trả nợ.

Mà trả bằng gì? Bằng sức sản xuất và đóng thuế của những người có khả năng lao động.

Dân số các nước Tây phương nói chung đã bị lão hóa. Người ta lập gia đình trễ hơn và có con ít hơn. Kết quả là thành phần lao động giảm dần và tỷ số người cao niên cần hưu liễm và chi phí y tế lại tăng. Ðó là “gánh nợ chìm” của khu vực nhà nước, là hồ sơ an sinh xã hội hay y tế (Social Security hay Medicare) thường nghe nói đến trong các cuộc tranh cử. Nó cao gấp bội.

Nhưng Hoa Kỳ là ngoại lệ – nhờ có dân số rất trẻ trong các nước Tây phương.

Dân số trẻ vì đẻ nhiều và đẻ nhiều là nhờ di dân, đa số lại là những người trẻ – trẻ mới kịp chạy vào bằng mọi cách! Vào đến xứ này, hợp pháp hay không, di dân đều sẽ trước sau đi cầy, đóng thuế trực tiếp hay gián tiếp, và cuối đời thì có tiền hưu hoặc trợ cấp. Tính chuyện được thua thì nước Mỹ vẫn có lời! Có lời và lời than là hai chuyện khác nhau. Nước Mỹ này gian thật…

Mà lãnh thổ lẫn tổ chức của xứ này thì có thể nuôi một dân số gấp ba. Tranh luận hay biểu tình về chánh sách di dân, kể cả xảo thuật hợp thức hóa di dân lậu để họ đi bầu cho đảng Dân Chủ, không thể khỏa lấp chuyện đó.

***

Năm nay, truyền thông Tây phương, vốn dĩ tự do nhất và có truyền thống ồn ào nhất, đều nói đến chuyện thắt lưng buộc bụng để tiết kiệm và trả nợ nhiều hơn.

Nhưng khi kinh tế chưa khởi sắc mà người người đều tiết giảm chi tiêu để trả nợ thì làm sao tài hóa lưu thông? Vụ Tổng khủng hoảng năm 1929-1933 sở dĩ kéo dài và lan rộng – thành Thế Chiến II – một phần cũng là do phản ứng kiêng khem đó! Bây giờ, mở tờ lịch hay tờ báo, ta hoa mắt vì chữ kinh tế khắc khổ. Làm như chưa đủ khổ vậy!

Vì vậy, viễn ảnh suy trầm chuyện có thật.

Người ta còn e rằng nếu kinh tế Mỹ lại suy trầm – tăng trưởng giảm trong hai quý liên tiếp – thì Âu Châu bị suy thoái (depression): Không chỉ tăng trưởng thấp hơn mà còn sụt nặng. Và Nhật thì chưa ra khỏi đáy vực toang hoác từ 1990 đến nay, trong khi Trung Quốc mà đạt mức tăng trưởng 8% là mừng. Dưới mức đó thì xứ này có loạn như đã bắt đầu manh nha.

Nếu muốn trả nợ, cả tư nhân và chính phủ, người ta chỉ thoát khỏi nguy cơ suy trầm bằng cách xuất cảng nhiều hơn. Nhưng nếu xứ nào cũng đòi xuất thì… ai nhập? Khi ba nền kinh tế sở trường về xuất cảng là Trung Quốc, Nhật Bản và Ðức đều tận dụng nghề riêng để khỏi suy sụp thì các xứ kia tính sao? Trong “các xứ kia”, ngoài khối công nghiệp hóa Tây phương còn có các nước đang phát triển, các nước “tân hưng” vừa phát triển. Họ mua bằng gì?

Cả thế giới lo sợ suy trầm sẽ phải phối hợp để cùng nhau điều chỉnh chuyện mua bán xuất nhập chứ không thể trút gánh lo cho xứ khác. Bối cảnh ấy báo hiệu nhiều tranh chấp về mậu dịch. Kịch bản nguy nhất là tinh thần “cho kẻ khác đi ăn mày”, bần cùng hóa bạn hàng của mình bằng đòn bảo hộ mậu dịch. Thuật ngữ kinh tế gọi là “beggar thy neighbour”.

Khi ấy mình mới thấy ra vài điều hãn hữu khác của Hoa Kỳ.

Kinh tế Mỹ ít lệ thuộc vào xuất cảng hơn ngần ấy nước công nghiệp: 88.5% thị trường tiêu thụ là xài đồ Mỹ. Hoa Kỳ chỉ nhập có hơn 11%, mà một số không ít lại do doanh nghiệp Mỹ chạy qua đầu kia sản xuất để bán ngược về nhà!

Kinh tế Mỹ quả là mắc nợ ngập đầu – đến độ chính khách cãi cọ lung tung, làm như cả nước sắp phá sản vì vỡ nợ. Nhưng gánh công trái (nợ của khu vực chính phủ) không như cảnh nợ nần của các hộ gia đình. Sự thật vẫn là Mỹ nợ Mỹ hơn là nợ nước ngoài.

Và trong mối quan hệ nợ nần với thiên hạ, người ta quên khoản nợ của xứ khác với kinh tế Mỹ. Nói cho dễ hiểu: Khi Hoa Kỳ mắc nợ một đồng thì cũng lại là chủ nợ một khoản tiền là 89 xu (89% của gánh ngoại trái). Lý do bất ngờ là người có tiền đầu tư để kiếm lời thì vẫn tìm vào nơi gửi gấm an toàn nhất: Thị trường Hoa Kỳ!

Bốn năm qua, cả thế giới cứ nhắc lại lời tiên báo của Marx về chuyện tư bản giẫy chết, hoặc sự suy tàn của Hoa Kỳ. Ít ai giải thích được vì sao đầu tư vào công khố phiếu Mỹ vẫn là nghiệp vụ có lời nhất – cả năm ngoái thì lời 9.6% – dù trái phiếu Mỹ bị sụt mức tín nhiệm vào mùng năm Tháng Tám làm cả nước buồn như đưa đám vậy.

Chuyện lý thú là trong mấy năm hoạn nạn đó, truyền thông Mỹ lại là trung tâm “ai báo” đứng đầu thế giới, với sự phụ họa của các chính khách Hoa Kỳ: Họ muốn bán báo hay mua phiếu nên trút gánh lo lên đầu chúng ta.

Chứ trong trận đại hồng thủy về nợ nần, con tầu Noê của Mỹ không thuộc loại “ba lốc đầu bạc” của thuyền nhân năm xưa – mà vẫn có cái dạng của một hàng không mẫu hạm! Ghét thật!

MỚI CẬP NHẬT