Thursday, March 28, 2024

Truyện ngắn Lê Minh Hà và, những cửa sổ đóng kín

 


Du Tử Lê


 


Bằng vào kinh nghiệm sống và, óc quan sát tinh tế của một nhà văn, khi chọn cho mình con đường văn chương hiện thực xã hội, Lê Minh Hà đã viết một cách điềm tĩnh, dễ dàng như thò tay vào túi lấy ra một vật vốn sẵn đấy.










Nhà văn Lê Minh Hà.


Có dễ vì thế mà Lê Minh Hà đã gây được sự chú ý đáng kể, ngay từ những truyện ngắn đầu khi cho phổ biến trên một số diễn đàn văn học hải ngoại như Hợp Lưu, Văn, Văn Học… (1)


Nói tới sự dễ dàng, điềm tĩnh tới mức lạnh dưới không độ của ngòi bút Lê Minh Hà, nhiều người cho rằng cô có cái may mắn hơn nhiều bạn văn khác của cô, ở chỗ cô sớm vượt thoát khỏi những vạch phấn cấm kỵ, những rào cản văn chương khắt khe, nếu cô còn ở Hà Nội.


Nhờ được sống, thở không khí tự do ở nước ngoài, nên Lê Minh Hà có cơ hội gửi tới độc giả của mình, những mảnh đời đen tối. Phần chìm lấp dưới tầng sâu của những tảng băng hiện thực xã hội hôm nay.


Tôi nghĩ, những ai không hay chưa trải qua những ngày sống, như Lê Minh Hà đã sống, quan sát, ghi nhận… có thể sẽ ngạc nhiên không ít, khi bắt gặp trong cõi giới truyện ngắn Lê Minh Hà, những nhân vật như Ả Hoài. Một nhân vật nữ, được tác giả mô tả là “người đâu xấu người, xấu nết, xấu đến cả c.” nữa. Và, một nhân vật nam không có tên, được tác giả gọi là “chàng” – Một bác sĩ không sống nổi với đồng lương bác sĩ ở bệnh viện huyện, phải bán nhà, để lại vợ con, chạy chọt hầu lọt được vào danh sách “xuất khẩu lao động” qua đông Ðức… trong truyện ngắn “Có chồng.” (2)


Cũng nhờ đôi mắt người chứng, đôi mắt nhà văn của Lê Minh Hà, thể hiện qua ngòi bút châm biếm lạnh dưới không độ của cô mà, người ta được biết, phần nào đời sống của những người được “xuất cảng lao động” qua Ðông Âu.


Ngòi bút Lê Minh Hà điềm nhiên, nhẩn nha khiến những độc giả nhiều tình cảm có thể chảy nước mắt; khi cô ghi nhận từng sự kiện, từng bước chân trong hành trình lao công thời đại mới. Từ giai đoạn chạy chọt, hối lộ, thậm chí bán vợ, đợ con, để được vào danh sách “lao động xuất cảng,” tới những hoạt cảnh phũ phàng khi những kẻ được coi là “may mắn,” bắt đầu cuộc sống mới nơi xứ người.


Không có những truyện ngắn, như những bản cáo trạng nghiêm khắc của Lê Minh Hà, chúng ta sẽ không thể tưởng, nghĩ rằng, những kẻ được coi là “may mắn,” “thành phần được ưu đãi” ở Việt Nam hiện nay, sau khi đến xứ sở mà họ được “xuất cảng” tới, lại là những đời sống bầm giập, tối tăm, bất trắc và chua cay đến thế!


Có người cho rằng, trước đây, thời tiền chiến, theo khuynh hướng văn chương tả chân, hiện thực xã hội, chúng ta có Nam Cao, Vũ Trọng Phụng,… thì ngày nay, chúng ta đang có được một Lê Minh Hà!


Nhắc tới Nam Cao, nhiều người thường liên tưởng ngay tới truyện “Chí Phèo” của ông. Nam Cao đã cực tả nhân vật Thị Nở của mình, như một người đàn bà không thể xấu hơn. Ðã vậy, Thị Nở còn mắc bệnh… dại. Một thứ nửa khùng nửa điên, khiến mọi người phải xa lánh, né tránh, thì, ngày nay, nhân vật Ả Hoài của Lê Minh Hà, tuy cũng là người cực xấu, nhưng chị lại bị mọi người xa lánh, e ngại vì “cái mác chiến sĩ thi đua,” qua đoạn văn tả chân sau đây:


“Vào xí nghiệp từ hồi mười tám, nhoáng cái nhìn quanh đã chẳng còn mấy người để ả gọi anh xưng em. Ả biến thành ‘chị ấy’, ‘bà ấy’ nơi của miệng thiên hạ lúc nào không biết. ‘Bà ấy tính cũng quái như người’. ‘Người đâu xấu người, xấu nết, xấu đến cả cứt’. Người ta cứ nửa đùa nửa thật nửa thương nửa ghét ả như thế. Nào ả có làm gì ai! Một thân một mình ở giữa một khu tập thể quanh năm suốt tháng ồn ào tiếng mẹ trẻ réo con tiếng chồng đay vợ ban ngày, tiếng rúc rích ban đêm sát liếp, ả đâm thù ghét cái hạnh phúc thực ra rất lem nhem mà thiên hạ bày trước mắt. Ả thành người đi sớm về muộn; thành chiến sĩ thi đua năm này qua năm khác. Người ta đâm ngại ả. Cái sự chăm chỉ quá đáng của ả, cả cái mác chiến sĩ thi đua kia nữa làm cho người ta mất thoải mái lúc tranh thủ uống ấm chè hay hóng hớt nhau trong giờ làm việc…” (3)


Chỉ cần bằng vào đoạn văn vừa trích dẫn, người đọc tinh ý sẽ nhận ra rằng, những bất hạnh của thân phận Thị Nở trong “Chí Phèo” của Nam Cao, là những khiếm khuyết bẩm sinh. Nó nằm ngoài tác động của xã hội, thời thế. Nhưng Ả Hoài, nhân vật của Lê Minh Hà, ngoài sự khiếm khuyết về nhan sắc, vốn bẩm sinh, thì những cái xấu còn lại, dẫn tới sự xa cách, né tránh của những người chung quanh, lại do tác động của môi trường sống. Một trong những hệ quả của môi trường sống không lành mạnh đó là “bệnh thành tích!”


Chưa kể, giữa hai người đàn ông từng giúp Thị Nở và “Ả” Hoài biến thành… đàn bà, cũng là một khác biệt gay gắt! Dù cho họ gặp nhau ở một điểm: Sự kiện làm tình với 2 người đàn bà kia, không hề khởi đi từ thương yêu mà, chỉ vì nhu cầu sinh lý tự nhiên. Bởi vì, nếu Chí Phèo của Nam Cao là tên cùng đinh, bất hảo của xã hội thì nhân vật “chàng” trong “Có Chồng” của Lê Minh Hà lại thuộc thành phần trí thức, có văn bằng bác sĩ như “một thứ đồ trang sức tuyệt vời” trong một xã hội trọng bằng cấp.


Nhưng nếu cái chết (ngoài ý muốn) của Chí Phèo là ngọn gió độc, thổi tắt đời làm vợ của Thị Nở thì, “chàng” người chồng “ghép phom” để được ở lại nước Ðức của Ả Hoài trong truyện Lê Minh Hà, lại chủ động chia tay ả sau một thời gian chung sống như vợ chồng, mặc dù:


“…Nhưng chuyện đó thỉnh thoảng vẫn tái diễn. Và không hiểu sao, lòng ả muốn thế mà ả không thấy diệu kỳ như lần đầu, lần đầu tiên ả muốn rống lên như một con bò cái. Lần sau, những lần sau nữa, ả như một bó rạ. Chàng vần ả như một bó rạ, ghì xiết ả như một gã nhà quê ghì buộc một bó rạ…” (4)










Hình bìa một tác phẩm của nhà văn Lê Minh Hà.


Ðối chiếu tính chất thực tế, lạnh lùng của nhân vật “chàng” trong truyện của Lê Minh Hà, với cái chết bất ngờ của Chí Phèo trong truyện của Nam Cao, là một khác biệt gay gắt khác nữa, của hai nhà văn cùng theo khuynh hướng hiện thực xã hội này.


Lê Minh Hà viết:


“Một hôm, ả đi làm về đã thấy chàng cơm nước xong xuôi. Chàng ngồi bên bàn chờ ả. Dọn xong bát đũa, chàng nói ngay, bứt rứt, bình tĩnh, về sự chàng sẽ ra đi. ‘Tôi biết ơn Hoài vô cùng. Hoài đã cứu cả tôi lẫn vợ con tôi. Xin Hoài đừng hận tôi. Tôi đã xin làm tả chạp, ăn ở luôn tại quán. Nếu kiếm ra, tôi xin gửi dần Hoài số tiền lo giấy tờ mà trước Hoài đã có lòng…” (5)


“Có Chồng” chỉ là một trong những truyện ngắn mang tính hiện thực xã hội của Lê Minh Hà. Ða số những truyện ngắn viết theo khuynh hướng vừa kể, Lê Minh Hà đều dẫn dắt người đọc đến cuối đường… tuyệt vọng. Ta cũng có thể ví kết luận của họ Lê ở những loại truyện đó, luôn là những cửa sổ hy vọng đã đóng kín. Nhưng, mặt khác, cũng chính nhờ những chiếc cửa sổ hy vọng đã đóng kín kia mà, tư cách nhà văn của Lê Minh Hà lại bật sáng. Rực rỡ. Một cõi.


Du Tử Lê,


(Tháng 3, 2012)


 


Chú thích:


(1) Lê Minh Hà sinh năm 1962 tại Hà Nội, tốt nghiệp khoa Ngữ Văn, Ðại Học Sư Phạm Hà Nội I, năm 1983. Mãi tới năm 1994, cô mới theo chồng xuất cảnh theo diện “Xuất cảng lao động,” và hiện cư ngụ tại thành phố Lingurg, Tây Ðức.


(2) Truyện ngắn “Có Chồng” in trong tập truyện “Gió Biếc” của Lê Minh Hà, do Văn Mới, Hoa Kỳ, xuất bản năm 1999.


(3) Lê Minh Hà, Sđd., trang 30.


(4) Bđd., trang 33 & 34.


(5) Bđd., trang 34.

MỚI CẬP NHẬT