Thursday, April 18, 2024

Từ Kodak đến tự cô lập… – Nguyễn Xuân Nghĩa

Mối nguy cho Hoa Kỳ


 


Nguyễn Xuân Nghĩa


 


Ngày Xuân vén mở chân trời mới…


Khi quý độc giả đọc bài này thì người người đều bận. Tết nhất là chuyện hệ trọng trong năm chứ có phải thường đâu! Nhưng, nếu đã là quan trọng về cả văn hóa lẫn kinh tế và kinh doanh, người viết xin đề nghị một chuyện với quý vị lãnh đạo cộng đồng và truyền thông: “Chúng ta nên chủ động kêu gọi bà con ăn Tết đúng ngày!”


Từ trong nhà ra tới sở, từ trường học tới thị trường và chợ búa, hãy bảo nhau nghỉ ngơi và ăn Tết đúng ngày chứ không nên chờ cuối tuần. May là Tết Quý Tị sẽ là Chủ Nhật mùng 10 Tháng Hai 2013, chứ Tết Giáp Ngọ là Thứ Sáu (31 tháng 1, 2014), Tết Ất Mùi nhằm Thứ Năm (19 tháng 2, 2015), Nguyên Ðán Bính Thân sẽ rơi Thứ Hai mùng tám Tháng Hai… Nếu ta rủ nhau ăn Tết đúng ngày, tổ chức hội chợ đúng thời điểm, các hãng sở và trường học đều phải chú ý đến việc đó – và sẽ tôn trọng – mình có thể thấy ra sức huy động thực tế của cộng đồng.


Riêng con cháu trong nhà mới thấy Tết quả là đáng ghi nhớ và ăn mừng hơn nhiều lễ lạt khác!


Bây giờ mới qua đề tài của bài viết, vừa kinh tế vừa chính trị, lần này vẫn tập trung vào Hoa Kỳ, nơi sinh hoạt của đa số độc giả…


***


Trên trang báo Xuân Người Việt năm nay, trong bài “Sơn Tiên Thủy Long” người viết có trình bày viễn ảnh trường kỳ của Hoa Kỳ. Lý do là tình hình u ám năm Tân Mão có thể khiến chúng ta hoài nghi về tương lai của nước Mỹ, kể cả một số giá trị tinh thần của Hoa Kỳ. Trên cột báo này vào tuần trước, trong bài “Dân Mỹ Muốn Gì?”, người viết trình bày tâm lý nhất thời của người dân Mỹ căn cứ trên các cuộc khảo sát ý kiến vào cuối năm dương lịch.


Kỳ này, xin được hòa đề tài làm một và lấy cái đinh để treo tấm ảnh Hoa Kỳ là việc Eastman Kodak khai báo phá sản! Một doanh nghiệp kỳ cựu đã thu vào ống kính từng giai đoạn của tiến trình kỹ nghệ hóa Hoa Kỳ từ khi thành lập vào năm 1892 mà phá sản thì… còn trời đất nào nữa!


Bài viết này không nói về cận cảnh của Kodak mà xoay ống kính để nhìn từ xa hơn.


Thị trường chứng khoán Mỹ có một chỉ số tiêu biểu – do tư nhân lập ra từ năm 1896. Ðó là Chỉ số Trung bình Kỹ nghệ Dow Jones, viết tắt là DJIA, gọi tắt là Dow Jones.


Chỉ số Dow Jones trình bày trị giá cổ phiếu của 30 doanh nghiệp tiên tiến của Hoa Kỳ. Trải qua 116 năm hưng phế, chỉ số này có 48 lần thay bậc đổi ngôi. Kodak được đưa vào danh mục năm 1930 và bị loại ra năm 2004, cùng năm với AT&T! Hết là tiêu biểu.


Trong 116 năm, duy nhất một cơ sở vẫn tồn dù có thay tên đổi họ, đó là kỹ nghệ… thuốc lá nay sát nhập trong một doanh nghiệp thực phẩm. Hình như thói xấu của con người vẫn cứ vượt thời gian!


Mà điều ấy có nghĩa là gì về kinh tế hay chính trị?


Nghĩa là tư bản chủ nghĩa Hoa Kỳ thường xuyên thay da đổi thịt, và chẳng ai khóc mãi về Kodak – hay Pan Am, Woolworth, các mũi nhọn tiên tiến đã bị bẻ gãy vào năm 1991 và 1997. Trong khi ấy, từ giữa thế kỷ 19 đến nay các đại gia của Ðức như Deutsche Bank, Siemens hay Bayer vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, bất chấp biết bao thăng trầm của chiến tranh và cách mạng tại Âu Châu.


Một khác biệt rất đáng chú ý về… văn hóa.


***


Nhìn từ viễn ảnh xa hơn, tiềm năng kinh tế của mọi quốc gia đều tùy thuộc vào đất đai, tư bản tài chánh và kỹ thuật và quan trọng nhất, vào dân số.


So với mọi cường quốc khác của thế kỷ 21 – và trở ngược lên thế kỷ 20 hay 19 – đất đai và tư bản Mỹ còn đầy tiềm năng nhờ lãnh thổ trời cho và khả năng tổ chức xuất sắc của con người trên lãnh thổ đó (bài “Sơn Tiên Thủy Long”). Mà con người Mỹ lại thuộc loại… chịu khó đẻ con, nên có dân số rất trẻ!


Trong các quốc gia tiên tiến của thế giới công nghiệp hóa, Hoa Kỳ có dân số trẻ nhất, trung bình là 37.1 tuổi, trẻ hơn hai cường quốc Âu Châu có thế giá và đáng ngại nhất là Nga và Ðức. Một đại gia đang lên là Trung Quốc thì hiện có dân số trẻ hơn Mỹ, trung bình là 34.3 tuổi, nhưng lại lão hóa rất nhanh nhờ trò “mỗi hộ một con.” Và tới năm 2020 này thôi thì dân Tầu sẽ trẻ bằng dân Mỹ. Mà chưa thể nào bằng về đất đai và tư bản!


Chuyện kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ hoặc các đấng con trời đỏ sẽ thách thức Chú Sam là đề tài luận bàn hay dự phóng cho vui, của các kinh tế gia hay học giả về địa dư chiến lược. Thực tế thì còn lâu!


***


Ngay trước mắt và về an ninh, Hoa Kỳ có thể bị thách đố tại Afghanistan – với hệ quả là Pakistan qua tới Ấn Ðộ dương – và tại Trung Ðông, với hậu quả là Iran sau khi Mỹ rút khỏi Iraq… và trú quân tại Kuweit để tháu cáy lẫn nhau trên eo biển Hormuz. Nhưng ngần ấy chế độ hung đồ hay đồng minh bất trắc đều chưa thể đe dọa tương lai nước Mỹ.


Nhìn xa đến tận bên kia Thái Bình Dương, Trung Quốc có khi là mối quan tâm. Nhưng xứ này chưa thể nào thách thức hoặc thu hẹp khả năng xoay trở của Hoa Kỳ ngoài đại dương. Và bên trong, “Thiên triều” còn có mối lo xương tủy là thần dân bất mãn của mình.


Hôm Thứ Tư cận Tết, đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh là Gary Locke (Lạc Gia Huy là tên chữ Hán của nhà ngoại giao người Mỹ gốc Tầu này) còn tuyên bố với tờ Financial Time của Anh một câu nhạy cảm về ngoại giao. Rằng nội tình Trung Quốc có “chuyện tế nhị,” chưa biết lãnh đạo của họ sẽ xoay trở ra sao!


Nhân đây, xin nhắc lại rằng một đại sứ Mỹ lại Trung Quốc là người gốc Hoa, một tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn là người gốc Việt, Hoa Kỳ không là quốc gia độc đáo sao? Chuyện xét hỏi gia phả hay lý lịch tam đại là trò vui cho truyền thông trong một năm tranh cử mà thôi, chứ khi quyết định thì người ta nhìn vào tiêu chuẩn khác.


Nhìn trong trường kỳ, từ khi lập quốc, Hoa Kỳ theo lời các quốc phụ mà “không lý vào thiên hạ sự.” Ðó là vì nhu cầu lập quốc. Từ năm 1898, Mỹ lại lý vào thiên hạ sự khi khai chiến với một đế quốc Âu Châu là Tây Ban Nha (Spain). Rồi từ đó, suốt thế kỷ 20, đã hai lần bị lôi vào chinh chiến tại Âu Châu, ba lần can thiệp đẫm máu vào Á Châu trước khi bị đánh thấu phổi vào đầu thế kỷ 21 với vụ khủng bố 9-11 và phản ứng dữ dội trong 10 năm liền. Là đến năm nay.


Trong hơn trăm năm bung ra can thiệp vào xứ khác, thực chất là để bảo vệ quyền lợi kinh tế và an ninh của mình trên toàn cầu, Hoa Kỳ phát triển nghệ thuật” gây mâu thuẫn” và cả tình trạng “quân bình bất ổn ở mọi nơi.” Mục tiêu là để không quốc gia nào có thể đe dọa Hoa Kỳ – đồng minh nào cũng cần đến sự can thiệp của Mỹ, đối thủ nào cũng e ngại sự can thiệp này.


Trong khung cảnh địa dư chiến lược, đấy cũng là quy luật “kinh tế cũng là chính trị.”


Với cách nhìn đó, mối lo lâu dài cho Hoa Kỳ không thể là Trung Quốc mà chỉ có thể đến từ Ðức và Liên Bang Nga, nếu hai cường quốc đó lại có nỗ lực kết hợp sau này. Vì vậy, việc Âu Châu xoay trở với vụ khủng hoảng của đồng Euro và phản ứng của Ðức mới đáng quan tâm trong năm Nhâm Thìn. Nếu một cường quốc Hồi giáo nằm giữa bản lề Âu Á là xứ Turkey – hậu thân của Ðế quốc Ottoman đã ngự trị hơn 500 năm – cũng lại thức giấc và tham dự trò chơi, thì đấy là chuyện đáng lo!


Nhưng, đáng lo nhất vẫn chưa phải là các yếu tố ngoại nhập.


Ðáng lo nhất là sau năm năm xoay trở, từ 2008 đến 2012, dân Mỹ bỗng mệt mỏi và có phản ứng tự cô lập. Trở về lo lấy chuyện nhà! Việc Dân Biểu Ron Paul – với lập trường vừa cực tả vừa cực hữu của xu hướng “libertarian” – đã cầm cự rất lâu trong vòng sơ bộ của đảng Cộng Hòa nhờ hậu thuẫn khá đông của nhiều người, có phản ảnh tinh thần đó.


Khi ấy, thế giới mới là vùng oanh kích tự do…


Ðầu Xuân Nhâm Thìn, ta nên lo chuyện xa vời mà thật ra là rất thiết thực này. Vì nếu nước Tầu có loạn và Việt Nam bị văng miểng, ta sẽ nghe thấy nhiều người Mỹ bảo rằng “chúng ta chẳng có quyền lợi gì ở nơi xa xôi đó.”


Nói chi đến dân chủ cho Việt Nam?


 

MỚI CẬP NHẬT