Thursday, March 28, 2024

Vài sắc thái đặc biệt trong thơ Nguyễn Ðức Liêm

 


Du Tử Lê


(Tiếp theo và hết)


 


Dù Nguyễn Ðức Liêm làm thơ như một thú đau thương ông dành cho thơ? Hay ông chọn việc “bạo hành” thơ, như một hình thức tự bạo hành? Thì, bằng vào ghi nhận của tôi, cõi-giới thơ họ Nguyễn chí ít cũng có hai sắc thái mà, tôi cho là đáng kể nhất: Tính khôi hài, trào lộng chính ông và, chủ tâm sử dụng tối đa những chữ kép vốn cực kỳ phong phú trong ngôn ngữ Việt.










Nguyễn Ðức Liêm (tranh Trịnh Cung).


Tôi thí dụ như những từ kép như “vớ vẩn,” “lẩm cẩm,” “tẩn mẩn,” “lăng quăng,” “lôi thôi,” “lếch thếch,” “nhếch nhác”… Ðôi khi một từ trong những cặp đôi này, chỉ mang tính hư tự; hoặc lập lại chính nó, hầu tạo thêm âm ngữ. Chúng cũng có thể giữ vai trò chỉ ra sự yếu, nhạt của một số tính từ… Như “vui vẻ,” ve vãn,” “vung vẩy” “trăng trắng,” “xanh xanh,” “nhờ nhờ,” “nhạt nhạt” v.v…


Về phương diện khôi hài hoặc trào lộng chính mình, người đọc thấy Nguyễn Ðức Liêm đã phơi bày nó ngay trong nhan đề thi phẩm “Chàng Liêm Mái Tóc Ðiểm Sương Mới Về,” xuất bản năm 2006 – Năm họ Nguyễn về lại Việt Nam lần đầu tiên, kể từ tháng 4, 1975.


Riêng trong thơ Nguyễn Ðức Liêm thì, tính chất phúng thích, tự trào được của ông ưu ái, phân tán nhiều nơi, dưới nhiều hình thái khác nhau. Tuy nhiên, dù dưới dạng thức nào, họ Nguyễn vẫn chọn nhân xưng đại danh tự ngôi thứ nhất: “Tôi.” Mặt khác, cũng không ít những câu thơ ông dùng chính tên của mình: “Liêm.” Hoặc “Nguyễn,” “Nguyễn Ðức Liêm.” Ðôi chỗ ông còn viết tắt chữ “NÐL” là tên họ của ông nữa:


“Chàng say rượu Nguyễn đương thiền


thần tình ám ảnh cũng quên niết bàn


mê tơi cuộc nữ chứa chan


châu thân luyến láy nồng nàn bao la…”


(TTNÐL2. Tr. 25.)


Hay:


“K. chĩa ngón tay


Johnnie Walker Swing


có ba cái đặc biệt


Một – Chai giống chai Phật Bà Hennessy XO


Và như mặt Thành đang déformant


Như mũi Liêm có thể déformable


Ðít chai cũng bị déformé


Cũng lồi lõm vừa đủ để có thể


Swing tới swing lui khi đụng đến…”


(TTNÐL2. Tr. 25.)


Hoặc:


“Chẳng cần bắt chước ai cho mệt


Tên cha mẹ đặt là nhứt


Tên khác hay lạ đến đâu cũng chỉ nhì


Nguyễn Ðức Liêm


Xong…”


(TTNÐL2. Tr. 55.)


Hoặc nữa:


“Ừ


Thì giờ thứ hăm nhăm


cứ việc mà tận thế


còn Nguyễn Ðức Liêm


của giờ thứ hăm tư


năm mươi chín phút


năm mươi chín giây


vẫn là Nguyễn Ðức Liêm


thương quá nhớ quá yêu quá


mê quá quá


em-ơi-em-ơi-forget-you-not


mất rồi


Tình này anh chấp hết…”


(TTNÐL2. Tr. 106)


Chỉ với một số câu thơ trích trong dăm bài thơ đầu của Tuyển Tập 2, Thơ Nguyễn Ðức Liêm, người đọc đã sớm thấy: Về phương diện vị trí của những con chữ, họ Nguyễn không tuân theo một hình thức tu từ học (rhetoric) nào hết. Nếu phải tìm cho ra một hình thái nào đó của tương quan, vị trí giữa những con chữ trong thơ Nguyễn Ðức Liêm thì, có dễ đó chính là tu từ học của riêng… “chàng Liêm” vậy.


Với chủ tâm sử dụng tối đa chữ kép (vốn cực kỳ phong phú và cũng là một trong nhiều nét đặc thù của ngôn ngữ Việt), Nguyễn Ðức Liêm đã có những câu thơ như:


“Nắng thủ thỉ thù thì theo gió


Thế gió đâu


Gió nấp sau lời nói của người


(…)


Ơi nhe nhè nhẹ heo may


Thương con suối bạc ban ngày ngủ mê


Tự dưng líu lưỡi lên kìa


Chàng màng thiêm thiếp đề huê dung dăng…”


(TT 2, NÐL. Tr. 24).


Hoặc nữa:


“Bươm vang vang bướm vang vang


Chương kinh năng nắng vàng vàng thơm thơm…”


(TT 2, Thơ NÐL. Tr. 22).


(Từ kép trong hai câu thơ này “bươm bướm” và “năng nắng”).


Tôi không biết xu hướng đảo lộn mọi trật tự có sẵn, đã thành nếp của tiếng Việt, được Nguyễn Ðức Liêm khai thác tự bao giờ? Tôi nghĩ nhiều phần, từ nhiều chục năm qua.


Một cách rõ hơn, xu hướng của của Nguyễn Ðức Liêm nằm nơi nỗ lực chia, cách một chữ kép, một tên gọi thành hai phần. Sau đó, ông nối kết hai phần cách ly này bằng một hay nhiều hơn một từ (thường mang tính bất ngờ) nào đấy. Thí dụ:


“Nhìn xuống muôn trư đùa bát giới


Nhìn lên tôn ngộ có hơn không


Nhìn vào chẳng thấy sa tăng thức


Nghe ngóng con đường nổi thánh tăng.”


(TT 2, Thơ NÐL. Tr. 107)


(“Trư Bát Giới” và “Tôn Ngộ Không,” hai nhân vật nổi tiếng trong bộ truyện “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân)


Ở một dạng khác của sự cố tính chia, cách một từ kép, Nguyễn Ðức Liêm cũng thường thêm cho mỗi phần tử bị tách lìa đó, một hay, một cụm từ khác – Hầu làm thành một câu thơ có hai vế, như:


“Tiếng thung yêu lũng mệt nhoài


Bỏ xa rừng rú nguôi ngoai sông hồ…”


(TT 2, Thơ NÐL. Tr. 25)


(Từ kép trong hai câu thơ này là “Thung Lũng”).


Hoặc:


“Bên đây chiếc bóng em thon


Nưng niu nứng níu vuông tròn dòng xuân


Ngón tay tẩn mẩn tần mần


Anh xoa muỗi đốt em ngần ấy ơi…”


(TT NÐL2. Tr. 26)


(Từ kép trong mấy câu thơ này “niu níu”…).


Hoặc nữa:


“Tay uyên chiều giấc ương xinh


Lưỡng nghi ơi thái cực hình tính tang.”


(TT NÐL2. Tr. 111)


(Từ kép trong hai câu thơ này “uyên ương”)


Tóm lại, dù cảm hay không cảm được thơ Nguyễn Ðức Liêm, tôi vẫn muốn nói rằng, họ Nguyễn đã có xu hướng đổi mới thi ca bằng con đường ngôn ngữ, ngay khi ông còn rất trẻ.


Sau đấy, thời gian lại dắt tay, đưa ông bước tới những khúc quành chữ, nghĩa gay gắt; dễ đưa tới những tranh cãi! Những yêu, ghét rạch ròi! Làm thành đôi bờ đối nghịch!


Nhưng đứng ở bờ nào, theo tôi, Nguyễn Ðức Liêm trước, sau vẫn là một nhà thơ yêu tiếng Việt nồng nàn, cách của ông.


Liệu người đọc có thấy phải đòi hỏi nhà thơ một điều gì khác?


Du Tử Lê


(Calif. Nov. 2012)


 


Chú thích:


(1) Căn cứ theo một bài nói chuyện của Giáo Sư Trần Lam Giang thì, nhà thơ Nguyễn Ðức Liêm sinh ngày 8 tháng 12 năm 1941 tại Kiến An. Ông học nghề đạo diễn điện ảnh với các đạo diễn truyền hình Hoa Kỳ thuộc hãng NBC ở Saigon. Năm 1969 ông bị động viên vào quân trường Thủ Ðức. Tốt nghiệp, ông được biệt phái về lại đài truyền hình số 9, tiếp tục công việc đạo diễn cho đài này. Tháng 4, 1975, tỵ nạn tại Hoa Kỳ, họ Nguyễn sống qua nhiều tiểu bang khác nhau, gồm luôn cả thời gian 2 năm ở Alaska.


Tính tới giữa năm 2012, Nguyễn Ðức Liêm đã xuất bản tất cả 11 thi phẩm. Ông hiện cư ngụ tại tiểu bang Virginia.

MỚI CẬP NHẬT