Friday, April 19, 2024

Vĩnh biệt Bush House

Lê Phan


 


Trong năm nay Thế Giới Vụ đài BBC rời khỏi Bush House, trụ sở của Thế Giới Vụ từ năm 1941. Vì vấn đề tài chánh, thế giới vụ không còn đủ sức để có cơ sở riêng, và sẽ dọn về ở chung với các bộ phận phát thanh khác của hệ thống BBC ở Broadcasting House.


Xuất thân từ Ðế Quốc Anh, Thế Giới Vụ đã trở thành một cái gì độc đáo, một đài phát thanh mà tiếng nói được tín nhiệm trên toàn thế giới.


Cách đây 80 năm, khi Ðế Quốc Anh còn là “một đế quốc mà mặt trời không bao giờ lặn” phủ trùm thế giới, phát thanh lúc đó thật là mới mẻ, còn mới hơn cả Internet đối với chúng ta ngày nay. Nhưng ban quản trị đài BBC, một hệ thống phát tuyến độc đáo, không tài trợ trực tiếp bởi công quỹ mà gián tiếp qua một thuế đánh trên những máy vô tuyến và sau này máy tivi, đã quyết định sử dụng phương tiện tân kỳ này để nối những vùng đất xa xôi của đế quốc qua một chương trình mang tên là Ðế Quốc Vụ (Empire Service). Ðó là năm 1932, và việc phát tuyến đã thành công được nhờ một kỹ thuật tân kỳ, làn sóng ngắn, vốn có thể dội vòng quanh thế giới.


Lúc đầu Ðế Quốc Vụ phát thanh từ Broadcasting House. Vào ngày khởi đầu, tổng giám đốc đài BBC John Reith đã phải đọc lại năm lần một bài diễn văn 12 phút để có thể đến được các múi giờ từ Úc, Ấn Ðộ, Nam Phi, Tây Phi và Canada. Sáu ngày sau đó, một truyền thống mới ra đời, Hoàng Ðế George V đã đọc một thông điệp cho thần dân. Ông Reith ghi lại trong cuốn nhật ký của mình là “Nhà vua đã được nghe rõ một cách đáng ngạc nhiên trên toàn thế giới.”


Mục đích của chương trình này dĩ nhiên là để đoàn kết cộng đồng nói tiếng Anh trên toàn thế giới. Nhưng đến Tháng Giêng năm 1938, Arabic trở thành ngôn ngữ ngoại quốc đầu tiên. Ðế Quốc Vụ được đổi tên hành Hải Ngoại Vụ Tháng Mười Một năm 1939. Khi Ðệ Nhị Thế Chiến khởi sự, chương trình tiếng Ðức bắt đầu phát thanh. Ðến năm 1941, một ban Âu Châu vụ đã được mở ra để phát thanh cho hầu hết các thứ tiếng của Âu Châu. Năm 1952, chương trình phát thanh Việt ngữ đầu tiên mở ra.


Vào ngày 8 tháng 12 năm 1940, một quả bom rơi trúng khu vực của Hải Ngoại Vụ ở Broadcasting House và chương trình phải dọn về Bush House. Phải mãi đến năm 1965 thì cái tên BBC World Service mới ra đời, nhưng chính thức mãi đến năm 1988 mới được công nhận.


Phải nói Thế Giới Vụ trưởng thành trong khói lửa chiến tranh. Ở một trong những hầm của tòa nhà Bush House vẫn còn một cái studio nơi trong những năm chiến tranh Tướng De Gaulle phát thanh cho nước Pháp. Lời mở đầu của chương trình phát thanh đó “Ici Londres! Les Francais parlent aux Francais”, đã có thời là niềm hy vọng của nước Pháp bị chiếm đóng. Chính từ những chương trình này, mật mã được gửi cho các toán kháng chiến chuẩn bị cho cuộc đổ bộ Normandy. Chương trình này là một vũ khí quan trọng trong cuộc chiến tuyên truyền của Phong Trào Pháp Tự Do chống lại với đài phát thanh của chính phủ Vichy. Tại studio đó, Tướng De Gaulle đã kêu gọi nhân dân Pháp nổi lên khởi nghĩa chống lại kẻ xâm lăng.


Ðiều có lẽ không mấy ai biết về Bush House là người xây dựng ra tòa nhà này là một doanh gia người Mỹ tên là Irving T. Bush. Năm 1919, ông bắt đầu xây dựng một trung tâm thương mại khổng lồ trên đường Aldwych. Mục đích của ông là lôi cuốn các nhà mậu dịch quốc tế vì khu này nằm ngay gần khu thương mại của thành phố The City. Và chính ông Bush đã đặt pho tượng nổi tiếng nối tay nhau trên mái vòm ở cổng chính tiêu biểu cho Anh Quốc và Hoa Kỳ, và lời khắc về tình bạn của những dân tộc nói tiếng Anh “To the friendship of the English speaking peoples”. Tòa nhà đã làm ông Bush phá sản trở thành tòa nhà mắc tiền nhất thời đó tốn đến 10 triệu đô la.


Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là ở Bush House, Thế Giới Vụ đã dựng lên một chương trình phát thanh mà cho đến ngày nay vẫn còn được kính nể. Hiện nay chẳng hạn, mặc dầu các chương trình ngôn ngữ chỉ còn lại có 27 ngôn ngữ, nhưng chương trình truyền hình phát thanh cho Iran đã được vô cùng ái mộ và có đến 6 triệu khán và thính giả, hầu hết là qua Internet.


Cái điều kỳ lạ của Bush House là bầu không khí trong tòa nhà đó. Khi bước vào phòng tin chẳng hạn, một bầu không khí chuyên nghiệp nhưng khá nhộn nhịp lúc nào cũng bao phủ cái khu gọi là phòng tin, một phòng rộng lớn chiếm đến cả một tầng lầu. Và đó là một trong những cái thành công của Thế Giới Vụ, tin tức phát xuất từ cùng một nguồn. Mỗi buổi sáng tất cả các đại diện của mọi ban và vùng đến họp để bàn xem hôm đó tin gì quan trọng nhất trong khu vực của mình. Nhưng dữ kiện đó được chủ biên tin tức ngày hôm đó thu nhận và nhiệm vụ của phòng tin là viết ra những bản tin về các sự kiện đó.


Chỉ có một lần phòng tin đã khựng lại. Ðó là ngày 11 tháng 9. Ðó là lần đầu tiên những nhà báo lão luyện lâu đời trở về phòng tin sững sờ. Bầu không khí im lặng trong một giây lát rồi ai cũng đều nói một lúc. Và cũng chính trong giây phút đó người chủ bút của phòng tin đã chứng tỏ tài năng của mình. Một giọng nói trầm tĩnh nổi lên từ góc phòng nhắc nhở đây là tin lớn nhất thời đại chúng ta, và chúng ta có nhiệm vụ phải làm tin!


Từ những Studio Manager, những chuyên viên kỹ thuật điều khiển chương trình, đến những producer, các chương trình ở Bush House mang một bầu không khí đặc biệt. Công việc của các studio manager, ở các chương trình phát thanh bình thường rất đơn giản, nhưng ở Bush House nó trở thành một nghệ thuật. Họ và các phát thanh viên đã chế ra một lô những dấu hiệu để nói chuyện với nhau bởi các chương trình phát thanh ngôn ngữ họ có hiểu ý nghĩa gì đâu. Ấy vậy mà mọi sự vẫn yên ổn.


Ở tầng hầm của Bush House còn một “định chế” nữa độc đáo, đó là BBC Club, nơi các nhân viên có thể vào uống ly rượu, xem một trận đấu thể thao trên truyền hình, và dĩ nhiên bàn chuyện. Một cựu nhân viên Bush House, một nhà báo ở New Zealand, đã blog “đó là nơi có sự tụ tập của những nhà trí thức thực sự, một thứ think tank hổ lốn nơi mà chữ ‘think’ đã thực sự có nghĩa là THINK”.


Nhưng cũng như mọi định chế đã sống đến 80 tuổi, đã có những vết già nua trong Bush House. Một số cựu nhân viên vẫn còn chua xót khi trong một lần sửa chữa, cái studio nổi tiếng nơi Tướng De Gaulle đã từng nói chuyện cho nhân dân Pháp đã bị dỡ bỏ. Hơn thế, với người Anh không còn có nhiều khả năng ngôn ngữ nữa, các trưởng ban ngôn ngữ đã chuyển sang cho người bản xứ, một việc mà một số nhân viên kỳ cựu nghĩ đã làm cho Thế Giới Vụ nhiều khi mất đi tính khách quan vốn được chờ đợi.


Khi được tin Thế Giới Vụ thực sự rời khỏi Bush House một anh bạn đồng nghiệp cũ nay đang lang thang ở ngoại quốc gửi tôi một email “All good things will have to end”. Mọi sự tốt đẹp rồi cũng kết thúc. Chúng ta đã có được một cuộc du hành ngoạn mục. Tương lai có lẽ không còn ở báo chí nữa. Nhưng tôi sẽ không quên Bush House. Có lẽ chính vì làm việc trong cái vĩ đại của tòa nhà kiến trúc ở tầm cỡ của tiền bán thế kỷ thứ 20 đó đã khiến chúng ta suy nghĩ khác hơn, rộng rãi hơn và bao dung hơn. Sợ là tinh thần đó sẽ mất khi rời Bush House.

MỚI CẬP NHẬT