Tuesday, April 23, 2024

Vũ Ánh, một chiến sĩ cầm bút nghiêm chỉnh


Nguyễn Tuyển



Khi tôi từ chiến trường Long Khánh đeo theo một chiếc Chinook vừa thả một đơn vị Nhảy Dù quay trở ra Long Bình, tôi thuê xe Honda ôm chạy về Ðài Sài Gòn. Hôm đó, tôi cũng không ngờ đó cũng là ngày cuối cùng của mặt trận Long Khánh mà lúc sáng sớm, tôi còn ngồi với tư lệnh mặt trận, Tướng Lê Minh Ðảo, ở bìa rừng cao su.


Trước khi bước qua vọng gác an ninh, một sĩ quan Cục An Ninh Quân Ðội đối diện với Ðài Phát Thanh Sài Gòn mà tôi quen biết cho hay “chúng nó” bao quanh Sài Gòn đông lắm.









Nhà báo Vũ Ánh (phải) và nhà báo Trần Công Sung. (Hình: Nguyễn Tuyển cung cấp)


Vào Sở Thời Sự của đài, tôi nhìn thấy dấu hiệu có vẻ không bình thường. Nhiều người không có mặt và cũng không biết ở đâu. Riêng Vũ Ánh, chánh sự vụ Sở Thời Sự thì ngồi ở đó, nghiêm chỉnh làm việc.


Tôi cho Ánh hay là tôi không mang được gì khả dĩ hữu ích cho một bản tin hay một phóng sự về mặt trận Long Khánh dù tôi ở đó 4 ngày đêm. Từ những lời Tướng Lê Minh Ðảo nói với tôi đến những gì tôi phỏng vấn người dân đều không dùng được khi mà dân cả nước đang thật cần các tin tức tình hình chiến sự.


Tôi hỏi Ánh tính sao khi có người lo tìm cách chạy. Nếu tôi nhớ không lầm, Ánh nói với tôi rằng Ánh không đi đâu cả. Ánh đã chuẩn bị một khẩu Carbine báng gấp, vài băng đạn và hai bộ bà ba đen với một ít đồ cần thiết bỏ trong ba lô. Thủ ở đài và tiếp tục làm việc nếu có đơn vị quân đội nào đến tăng cường giữ đài. Còn nếu phải chạy đi đâu với cơ quan, đơn vị nào, thì Ánh đã sẵn sàng.


Không may, ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng ngày 30 tháng 4, 1975. Rồi Ánh bị bắt đi tù suốt 13 năm trời trong cái địa ngục trần gian.


Khi được chuyển từ một phòng khác sang Sở Thời Sự làm phóng viên thời sự sau những ngày đi làm phóng sự chiến trường dịp Tết Mậu Thân (1968), tôi mới biết Ánh. Cho tới nay, dù ở cương vị nào, Việt Nam hay làm báo ở hải ngoại, lúc nào tôi cũng thấy một Vũ Ánh nghiêm chỉnh làm việc, chu toàn nhiệm vụ. Tôi không hề thấy Ánh đổ lỗi cho ai. Kể cả trường hợp khẳng khái nhận trách nhiệm vì mình là cấp chỉ huy mà xảy ra cái chuyện bất như ý, tai hại như thế, do người cấp dưới làm.


Ở Ðài Phát Thanh Sài Gòn, dù khi làm chánh sở, với các nhân viên cấp dưới nhưng cùng trang lứa mà chức vụ chỉ là phân chia trách nhiệm để chỉ huy điều hành, Vũ Ánh với chúng tôi, biên tập viên, phóng viên lúc nào cũng “mày tao” với nhau. Tôi không thấy Ánh lấy chức vụ để “đì” hay “bắt nạt” cấp dưới.


Tại nhật báo Người Việt ở Quận Cam, khi làm tổng thư ký hay chủ bút, Vũ Ánh vẫn cách cư xử bạn bè không thay đổi sau cuộc “đổi đời.” Cung cách làm việc cũng vẫn chăm chỉ, nghiêm chỉnh không đổi. Vẫn mày tao. Vũ Ánh là một chiến sĩ khẳng khái, cương nghị, nhìn thấy cái gì bất bằng hay cần phải viết là viết theo đúng lương tâm của một người cầm bút có tinh thần trách nhiệm. Không sợ hãi, không bỏ chạy.


Tôi không theo kịp được Vũ Ánh.

MỚI CẬP NHẬT