Friday, April 19, 2024

Vũ Ánh, một nhà báo, một chứng nhân, một nạn nhân, và một anh hùng


Triều Giang



Tin nhà báo Vũ Ánh qua đời đột ngột làm sửng sốt giới truyền thông Việt hải ngoại. Vũ Ánh, người có tuổi nghề trên 50 năm và tuổi đời ở luống “thập cổ lai hy” nhưng còn rất năng động. Mọi người thấy như mới hôm qua, ông xuất hiện trên truyền hình phân tích thời sự thế giới, hoặc đọc được một bài bình luận của ông trên một tờ báo, hoặc một bài nhận định trên Internet với lý luận sắc bén, và còn đầy nhiệt huyết của tuổi 30, 40.


Nhưng một cơn tai biến đã xảy ra. Ông đã ra đi như một cái chớp mắt. Chuyến đi cuối cùng không bao giờ trở lại không mang một dấu chỉ từ trước khiến cho gia đình, người thân không khỏi bàng hoàng, thương tiếc, khó tin. Nhiều người đã nghĩ rằng, nếu được chọn một cách chết; chết như ông thật là nhẹ nhàng và hạnh phúc vì không phải chịu đớn đau, người thân không phải vất vả. Nhưng với tôi, Vũ Ánh đã không chỉ biết chết, mà ông cũng đã biết sống. Sống một đời oanh liệt của “người trai thời loạn.” Sống với một tinh thần trách nhiệm của “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách,” đáng kính, đáng nể.


Tôi được biết Vũ Ánh khi tôi vào làm việc tại nhật báo Sóng Thần năm 1971. Vũ Ánh lúc bấy giờ đang làm tại Ðài Phát Thanh Sài Gòn, nhưng vì lương công chức eo hẹp nên ông phải làm “job” thứ hai tại nhật báo Sóng Thần. Mỗi sáng ông đến tòa soạn rất sớm để dịch tin của các hãng tin ngoại quốc như Reuter, UPI, AP hay AFP của Pháp. Khoảng 9 giờ sáng, ông rời tòa soạn vội vã để đi làm “job” thứ hai. Lúc nào cũng thấy ông bận bịu, hối hả. Nhưng vì thích thể thao nên ông thường mặc quần xọc xanh đậm, áo “pull” và giày Adidas màu trắng, vai luôn đeo túi vợt “tennis” để sau khi đi làm, ông ghé vào sân tennis vẫn được gọi là “xẹc,” tại vườn Tao Ðàn để đánh banh. Với dáng cao, da trắng, gương mặt thanh tú, tánh tình hiền lành, ít nói, ông lại có nụ cười hiền hậu, ông đã là một trong những “người hùng” của nhiều bóng hồng Sài Gòn ngày đó.


Tuy làm cùng sở nhưng tôi và ông rất ít trao đổi, chuyện trò. Ngoài mỗi đầu tháng và giữa tháng ông ghé lại bàn viết của tôi để nhận chi phiếu tiền lương, vì tôi còn giữ một chân trong ban trị sự, phụ tá quản lý Nguyễn Ðức Nhuận, ngoài việc trông coi trang Thiếu Nhi “Khu Vườn Của Em” qua bút hiệu Trâm Khanh và sau đó là trang Sinh Viên ký tên Triều Giang như hiện nay. Trang báo này do nhà báo Ðỗ Ngọc Yến vì nhận công việc khác nên đã trao cho tôi. Do đó, tình cảm giữa tôi và Vũ Ánh trong những ngày tháng đó, chỉ là tình đồng nghiệp, đồng sở, dù tôi cũng như mọi người đều rất nể nang ông vì tư cách chững chạc, và cũng vì ông là một trong những nhà báo trẻ được huấn luyện bài bản có khả năng chuyên môn và cách làm việc nhanh nhẹn, hữu hiệu. Phải nói, Vũ Ánh là một trong những ký giả trẻ sáng giá nhất vào thời đó.


Nhà báo Nguyễn Tuyển, bạn lâu năm của ông cho biết: Vũ Ánh là một trong vài phóng viên trẻ lúc bấy giờ được chọn để học khóa nhảy dù để có thể đi sát với các mặt trận. Với 7 năm làm phóng viên chiến trường, ông đã từng có mặt tại hầu như tất cả những trận đánh lớn và đầy máu lửa nhất như Ðồi 159, Ðồi Hamberger Hill, Mậu Thân,… đến những địa danh xa xôi ít người biết đến như: Phú Giáo, Giáo Ðức, Hòa Ðồng,… Ông đã có mặt ở đó, chứng kiến cảnh Cộng quân đánh phá bao làng mạc, giết hại bao người dân, phụ nữ, trẻ em và chứng kiến cảnh bao nhiêu chiến binh VNCH chiến đấu và hy sinh anh dũng để bảo vệ dân lành. Hầu như không vị tướng, tá, sĩ quan tác chiến của VNCH nào mà ông Vũ Ánh không biết và không từng làm việc với. Những bài tường thuật của ông thật nóng hổi, thật xuất sắc với những chi tiết độc đáo và cái nhìn thật sắc bén nhưng nhân bản. Vì thế, ông đã được cất nhắc thành Giám Ðốc Sở Thời Sự tại Ðài Phát Thanh Sài Gòn vào năm 1971.


Ông được gửi đi nhiều hội nghị quốc tế như cuộc tháp tùng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thăm viếng Hoa Kỳ năm 1973, sau khi Hiệp Ðịnh Paris được ký kết, ông đã kể lại trong buổi phỏng vấn dài trên hai giờ đồng hồ với hội VAHF cách đây khoảng hai tháng: “Khi mà tôi đi hội nghị ở San Clemente thuộc quận Cam cùng ông Tổng Thống Thiệu để dự hội nghị cuối cùng, hội nghị thượng đỉnh, lúc đó ông Nixon không tiếp ở phái đoàn tại Washington DC. Lý do là cả Thượng Viện, lẫn Hạ Viện họ nhất định phản đối việc viện trợ thêm cho Việt Nam Cộng Hòa, cho nên họ muốn tránh. Cách đây 2 năm tôi có quay lại căn nhà mà tôi chứng kiến cái giờ phút mà người Mỹ họ chính thức dứt khoát quay lưng với Nam Việt Nam, tôi đã đứng chờ thông cáo chung giữa ông Nixon và ông Thiệu ở đây. Khi có bản thông cáo chung, tôi đã rất thất vọng, nó chỉ có 1 trang, trong đó, họ nói rất mông lung về một điểm chúng ta cần, đó là vũ khí, xăng nhớt, bom để chúng ta có thể có đủ vũ khí để bình định chiếm đất giành dân, và họ nói rằng, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa nhưng họ không nói rõ là họ sẽ viện trợ bao nhiêu cả. Sau hội nghị tại đó Tổng Thống Thiệu đi thăm các quốc gia khác và họ đón tiếp mình lạnh nhạt lắm, sang Ðức bị phản đối dữ dội. Lúc đó người trong nước không nhìn thấy nhưng bên ngoài họ đã nhìn thấy chuyện đó rồi. Ngay khi rời khỏi Quận Cam trong những ngày đó, tôi nghĩ cuộc chiến đã chấm dứt rồi…”


Biết rõ và biết sớm kết quả của cuộc chiến như thế, và với sự quen biết rộng rãi, Vũ Ánh thừa cơ hội để cùng hàng trăm ngàn người trong làn sóng di tản rời VN một cách an toàn trong ngày 30 tháng 4, 1975. Nhưng ông đã từ chối ra đi. Ông quyết định ở lại để giữ tiếng nói Việt Nam Cộng Hòa tới giờ cuối cùng. Sau khi lo cho Tổng Thống Dương Văn Minh đọc bài diễn văn đầu hàng. Ông đau đớn trở về nhà.


Sau đó ông không đi trình diện, không chờ bị bắt, ông đã cùng với một số bạn kéo vào trong bưng để lập cơ sở kháng chiến. Nhóm của ông đã có người đứng đầu là cố Thủ Tướng Phan Huy Quát. Họ có cả ngân quỹ nhờ sự đóng góp của gia đình Thủ Tướng Quát và một số mạnh thường quân. Tiếc thay, tổ chức bị CS xâm nhập. Họ bị bắt và tổ chức bị phá vỡ. Phần lớn anh em đã bị bắt. Có người bị tử hình. Một số đông bị tù hàng chục năm. Riêng Vũ Ánh, ông đã bị gần 13 năm với gần 6 năm bị biệt giam. Một trong số những anh em bị bắt là Nguyễn Tân Dân mà tôi quen biết, đã bị bắn chết trong một lần vượt ngục.


Trong tù, ông tỏ ra bất khuất, ông nói thẳng, đứng thẳng, không đầu hàng và không chịu khuất phục. Ông đã chia sẻ trong cuộc phỏng vấn: “Ðối với tôi, mình sẵn sàng chấp nhận những cái xấu nhất đến với mình. Thành ra, trong những năm trong tù, tôi chỉ gặp mẹ tôi một lần, đi với bà xã tôi bây giờ khi tôi còn ở Chí Hòa… Tôi phải nhấn mạnh một điều là: khi chúng ta chấp nhận một điều gì đó đối với mình, thì mình sống tự do lắm, tôi đã thoát chết là nhờ cái đó.”


Chính vì thế mà trong tù, ông vẫn làm báo. Ðó là những tờ báo chui chép tay của một nhóm tù nhân trong đó có nhà văn Doãn Quốc Sĩ, cùng viết về những tin tức mà những bạn tù cần thông báo để giữ vững tinh thần cho nhau. Chẳng may, vì một người muốn đem tờ báo tay bất hủ này ra hải ngoại, ông ta bị bắt, CS tìm được tờ báo và quay trở lại trại tù tra tấn và đẩy nhà báo không biết sợ, không biết khuất phục, không đầu hàng vào trại biệt giam hơn 2 năm nữa. Họ quyết tâm đày đọa ông cho tới chết. Nhưng ông đã sống, sống anh dũng trong tù khiến các bạn tù phải vị nể cho đến ngày hôm nay. May thay lúc đó, cuộc tranh đấu ở hải ngoại, đặc biệt là của Hội Gia Ðình Tù Nhân Chính Trị của bà Khúc Minh Thơ đã có kết quả, ông được chuyển từ biệt giam của trại A 20 sang trang biệt giam của Z30A. Tuy còn là biệt giam nhưng đã thong thả hơn nhiều. Một năm sau, năm 1988, ông được thả và đến Mỹ năm 1992, theo diện HO.


Sang tới Hoa Kỳ, ngay ngày đầu, ông trở lại với ngành truyền thông. Ông cộng tác với nhiều báo, đài phát thanh, truyền hình. Chức vụ khiến ông gặp phải nhiều khó khăn nhất là khi làm Chủ Bút Nhật Báo Người Việt. Ông đã bị chụp mũ bằng nhiều tội danh: từ cộng sản, đến tay sai cộng sản, cộng sản nằm vùng…, ông còn bị thóa mạ bằng những ngôn từ dơ bẩn nhất bởi những người tự xưng là chống cộng sản độc tài để tranh đấu cho một Việt Nam tự do, dân chủ, một xã hội tốt đẹp, công bằng,… nhưng họ lại độc tài không kém cộng sản. Họ giành độc quyền chống Cộng. Nếu ai không chống theo kiểu họ, không theo bè đảng của họ, họ sẽ chụp mũ, sỉ nhục không nương tay. Và nhà báo Vũ Ánh đã trở thành nạn nhân của những kẻ độc tài chống Cộng này.


Có một lần cách đây vài năm, tôi vô tình mở TV và thấy một phóng sự biểu tình chống báo Người Việt vào một buổi tối. Nếu không nhớ lầm thì tôi thấy một nhóm đại diện nhật báo Người Việt ra trước cửa tòa soạn gặp đoàn biểu tình. Một nhóm người la hét giận dữ đứng chung quanh, trong khi một bà mặt sát khí đằng đằng xỉa xói vào mặt những người đại diện báo Người Việt, và dùng những ngôn từ đao to, búa lớn, lên án, sỉ nhục không tiếc lời. Cảnh tượng không khác gì cuộc đấu tố thời Cải Cách Ruộng Ðất năm 1953-1956 tại Bắc Việt hay cảnh xử tội “phản động” của các tòa án nhân dân của CS sau năm 1975 của miền Nam. Tôi cảm thấy hoa mắt, ù tai và tự hỏi: Chuyện gì đã xảy ra cho công cuộc chống Cộng của người Việt hải ngoại? Vì sao lại ra nông nỗi này?


Tôi chắc chắn rằng tất cả những người từng cầm bút dù người Việt hay bất kỳ ai trên thế giới, ít nhiều cũng có những sai lầm. Nhưng khi biết sai họ đã nhận lỗi sửa đổi thì vì lý do gì để phải tiếp tục lên án? Mặt khác, có những cây bút, tờ báo, đã và đang thách thức cộng đồng người Việt mỗi ngày, vì sao họ lại không bị đối xử như vậy?


Tôi chắc chắn rằng người cộng sản bên kia bờ đại dương vì muốn bắt tay với người Mỹ để sống còn, sau hơn 30 năm “chống Mỹ cứu nước,” họ phải thả tù nhân chính trị theo điều kiện của Mỹ. Nhưng để đối phó với những tù nhân không biết sợ, không biết đầu hàng và có thể nguy hiểm cho chế độ của họ, họ sẵn sàng làm đủ mọi mưu chước để vô hiệu hóa những người này. Trong danh sách những người được coi là nguy hiểm cho chế độ, Vũ Ánh phải nói là một trong những người đứng hàng đầu.


Nhưng đối với Vũ Ánh, một người ngồi trong tù mà coi như mình đã chết, không biết sợ là gì. Ông thà chết chứ không chấp nhận đầu hàng, không chịu nhục. Ông vẫn hiên ngang dùng ngòi bút của mình ngay tại trong tù mà không sợ đòn roi, nhục hình, thì, những cảnh chụp mũ chửi bới, thóa mạ, của những người ganh tị cá nhân, những người không chịu tìm hiểu để biết đâu là sự thật, những kẻ a dua, đã tiếp tay với cộng sản trong việc làm yếu đi lực lượng chống Cộng của người Việt hải ngoại.


Và nhà báo Vũ Ánh, người đã giữ vững tiếng nói của VNCH đến giờ phút cuối cùng đã luôn vững vàng, vững vàng cho tới giờ cuối cùng. Báo Người Việt cho biết qua một bản tin: Vào lúc 11 giờ 37 phút sáng ngày 14 tháng 3, tòa soạn Người Việt còn nhận được bài của nhà báo Vũ Ánh. Nhưng chưa đầy một giờ đồng hồ sau thì bạn bè được tin ông đã ra đi. Như vậy cũng có thể, sau cái nhấn chuột để phóng đi tác phẩm tim óc của mình, ông đã gục trên bàn viết và ra đi thanh thản. Quả thực Vũ Ánh đã sống và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Ông đã sống 73 năm anh dũng với tinh thần của anh hùng Yên Bái Nguyễn Thái Học: “Không thành công, cũng thành nhân.”


(Tháng 3, 2014)

MỚI CẬP NHẬT