Friday, April 19, 2024

Vũ Ánh – người không biết giận hờn


Nguyễn Thiên Ân/Sống Magazine



Nhà Phật lúc nào cũng khuyên chúng sinh phải cố lánh xa tam độc. Tham sân si, theo các trưởng tử của Phật, là đầu mối cho mọi phiền não, thậm chí dẫn đến sa đọa trong đời nầy và địa ngục cho đời sau. Nhà Chúa thì khuyên giữ đức nhẫn qua một câu nói vẫn được dùng làm phương châm ứng xử trong cuộc sống “Kẻ tát má nầy, hãy chìa má kia ra; người đoạt áo choàng, cũng đừng cản nó lấy áo lót. Phàm ai xin, ngươi hãy cho; và kẻ đoạt của ngươi, ngươi chớ đòi lại” (*).


Ðó là những lời khuyên của các bậc hiền triết. Người trần mắt thịt có phần chắc là khó mà làm theo một cách trọn vẹn. Làm sao để đừng tham khi vàng bạc dê béo rượu nồng gái đẹp được dâng hiến thật rời rộng ngay trước mắt mình? Làm sao để đừng thù hận khi cứ phải nhận hứng những hành hạ đớn đau đến tận cùng sức chịu đựng của thân xác? Làm sao để có thể bình tĩnh đến mức thản nhiên chấp nhận hầu như mọi đòn vọt trên xác thân, lẫn mọi nhục nhằn trên tinh thần mình từ những kẻ mà thường ra đều thấp kém hơn mình nhưng lại bạo thô gấp trăm lần người bình thường?









Nụ cười của nhà báo Vũ Ánh. (Hình: Nguyễn Tuyển cung cấp)


Nhà Phật khuyên một tình yêu tuyệt đối bằng lời khuyến cáo mọi tín đồ hành hạnh bồ tát. Nhà Chúa bảo hãy tha thứ cho kẻ khác đến bảy mươi bảy lần bảy. Tất cả, nói cho cùng, đều là những lời khuyên mà mục đích tối thượng chỉ là để tất cả chúng ta – vốn mang đầy cả nguyên tội lẫn kỷ tội – đừng hành xử quá gian ác đối với mọi loài đang cùng chia sẻ cõi trần ô trọc nầy với mình. Ða phần đều không màng nghĩ đến những khuyến cáo thánh thiện đó trong lúc buồng phổi vẫn còn hít thở dưỡng khí và trái tim vẫn dư khả năng đều đặn bơm máu nuôi thân. Nhưng, nhìn một cách ít bi quan hơn, thì chung quanh chúng ta vẫn còn có một số ít, rất ít, đã cố gắng sống và làm theo. Và đấy chính là những người thuộc thành phần xứng đáng được tuyên dương và khâm phục.


Có quá chăng khi nói rằng bạn tôi, nhà báo Vũ Ánh, thuộc số rất ít những người như thế? Quá thì quả là có quá dưới tầm mắt quan sát sơ sài của người bàng quan. Nhưng trong tư cách hai người bạn, thân thích hơn anh em cật ruột từ non nửa thế kỷ qua, tôi có thể khẳng định điều vừa ghi. Và bên dưới tình thân thương, sự khâm phục và nỗi cảm thông lẫn nhau vẫn được chúng tôi chân thành dành cho nhau, tôi cũng có thể tự nhủ rằng tôi không hề quá lạm khi nghĩ như thế về bạn mình. Dĩ nhiên tôi cũng mong mọi người chung quanh nhìn bạn tôi y như thế.


Sinh ra và lớn lên vào thời chiến trong một xã hội nghèo khó và lúc nào cũng đong đầy hoạn nạn, khó có thể trách cứ người ta bon chen, kèn cựa, tranh giành, sang đoạt, bóc lột… kẻ khác để chiếm phần lợi cho mình và gia đình mình. Cái đó là bản chất của giống thấp hèn. Nhưng nếu tất cả đều như thế, chỉ như thế, thì làm gì còn có hy vọng, và còn có ai nói đến tình yêu và lòng từ bi hỉ xả? Sự kiện yêu thương từ bi hỉ xả vẫn được nói đến, dĩ nhiên phải xuất phát từ những hành vi đích thực hiển hiện. Tuổi trẻ nào cũng xốc nổi và bồng bột. Thành thử nếu một kẻ đồng trang xuất hiện trước mặt mình, cao lớn, đẹp trai, cười cười nhỏ nhẹ và khi lên tiếng thì chứa chan những trầm ấm dường như chỉ muốn nhường những hành động vừa bồn chồn vừa có phần lớn lối cho những bạn trẻ vừa diện kiến lần đầu với mình, thì sẽ rất khó mà không nhận ra sự khác thường đó.


Lần gặp đầu trong đài phát thanh Saigon giữa Vũ Ánh và tôi là như thế. Và tuy cũng chỉ là như thế nhưng nó cơ hồ đã trở thành một dấu ấn trong mọi liên hệ giữa chúng tôi suốt một thời gian dài sau nầy. Bạn chịu khó, rất xông xáo và đa năng nhưng hình như chưa ai nghe bạn tôi phàn nàn chuyện gì, hay trách chê một ai khác. Lần duy nhứt trong đời, nghe đến tức cười, là khi bạn tôi than đói do đã bị bắt phải chờ đợi từ sáng sớm cho đến giữa trưa để theo dõi, ghi nhận và làm cho xong phóng sự buổi trình diện “nội các của người nghèo” của Thiếu Tướng Không quân Nguyễn Cao Kỳ vào ngày 19 tháng 6, 1965 tại hội trường Diên Hồng. “Mẹ, đói thối cả mồm.” Chỉ có vậy. Không nói gì hơn. Không thêm thắt chút nào nữa cho đến khi hoàn tất công tác.


Những lần đi theo các đơn vị quân sự để làm phóng sự chiến trường cho đài thì cũng y như thế. Vác cái máy Uher xệ vai, cộng thêm một mớ băng từ tính leo lên máy bay C47 nóng như lửa hoặc bám theo những trực thăng tải quân mà khoảng trống dành cho phóng viên nhà nước chỉ vừa lọt thân người, là những chịu đựng mà cam đoan các thính giả nghe qua làn sóng điện không thể nào hình dung nổi. Thảng hoặc nghe, hay đọc thấy, tin một phóng viên, một nhiếp điện ảnh viên hi sinh trong khi theo dõi các cuộc hành quân thì quá lắm cũng chỉ thốt được nửa câu yên ủi “Ờ thì sinh ư nghề tử ư nghiệp.” Cái chết và đám táng Khuất Duy Hải vì rơi trực thăng trên cao nguyên đã không hề được báo chí Sài Gòn đăng tin. Anh Tử, cũng rớt trực thăng nhưng may chưa chết, rồi lẩn trốn, rồi lặt lè băng rừng tìm ra đường sống cũng chỉ được bạn bè chung quanh nghe biết, rồi thôi. Những nhọc nhằn và nguy hiểm cận kề phóng viên chiến trường không bao giờ được người dân hậu phương ý thức hay biết đến. Quan trên chẳng màng. Huy chương tuyên dương không hề có. Dạo đó dường như chỉ có một thượng cấp cảm thông được hoàn cảnh nguy nan của những phóng viên chiến trường, mà nếu so ra thì cũng không kém các chiến binh bao nhiêu, để thỉnh thoảng xuất Quỹ Xã Hội của đài ra trao tặng một tí tiền làm quà.


Sáng kiến đáng tri ân đó của tổng giám đốc Ðài Phát Thanh Sài Gòn, Trung Tá Vũ Ðức Vinh còn được ông xử dụng cho ngay cả các phóng viên nào săn được tin và phát trên đài sớm hơn mọi cơ quan truyền thông khác. 500 đồng bạc thật chẳng đáng bao nhiêu khi đồng tiền cứ ngày một giảm giá. Nhưng ít nhứt thì bạn tôi cũng có đôi chút ấm lòng khi ngồi ăn một tô phở trước khi nhâm nhi ly cà phê trong tiệm “Phở 44” ngay cửa đài. Tất nhiên bạn tôi không ngồi ăn một mình. Tiền thưởng công của bạn được chia đều. Vui vẻ, xuề xòa thưởng thức cho bằng hết “món tiền trời cho” rồi trở vào đài chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới. Một chuyến đi mà có thể trở thành chuyến đi gọi là định mạng. Bạn tôi lúc nào cũng thế: chấp nhận công tác đã giao cho mình, không ưu tư, không tính toán, không chạy làng, không tìm cách “bàn giao” cho người khác. Và bao giờ cũng viên mãn hoàn thành.


Ði làm phóng sự chiến trường thực ra chỉ là “chuyện nhỏ.” Xây dựng lại cả một đài phát thanh, tuy tạm thời, ở Ðà Nẵng, sau khi bị phá tan vào thời mệnh danh là “bàn thờ xuống đường” (1966-1967) mới là một kỳ công. Công của các kỹ thuật viên đa năng trong đài đã đành. Nhưng phải nói là nếu không có bài vở và tiếng nói của đám phóng viên mà trong đó đương nhiên có mặt Vũ Ánh, thì công lao dựng đài của Sở Kỹ Thuật Cục Truyền Thanh cũng chỉ là công cốc. Bạn bè chúng tôi vẫn cùng các anh trong Sở Kỹ Thuật hợp tác, mà tuồng như vui chơi cùng thế sự, kiểu đó: khi làm thì làm cho đến hầu kiệt sức, khi ngưng làm thì quay sang “chè chén” với nhau cho đến khi hết khoản tiền còm trong túi. Có điều cần nói thêm: chè chén là một từ ngữ mang tính thậm xưng đối với bạn tôi bởi đương sự – tuy rất đa năng đa hiệu và không nề hà tham gia mọi thứ với bạn bè – nhưng lại không có khả năng uống rượu (“đa năng” cũng là một từ ngữ thậm xưng chăng?). Trong lúc vui đùa, bạn tôi hay bào chữa “Ừ tụi bây một ly rượu thì tao theo một ly cô ca, tới đâu thì tới.” “Thằng say cô ca” là biệt danh vẫn được dùng thay cho tên bạn tôi mỗi khi chúng tôi hò nhau đi ăn nhậu thời đó.


Bỏ ngoài cái tệ không biết nhậu rất đáng dung thứ thì có phần chắc là cái tài viết lẹ, viết hay và viết đúng đã dẫn bạn tôi tới chức Chủ Sự Phòng Bình Luận. Và trong những năm cuối mùa, bạn được giao cho Sở Thời Sự (gọi là trưởng phân khối vào thời ngành truyền thanh truyền hình và điện ảnh nằm dưới quyền điều hành của ông Hoàng Ðức Nhã). Bình luận trong đài vào thời gian đó chẳng khác chuyện ăn cơm bữa. Các cây viết bình luận trong đài ngày nào cũng phải cung cấp đủ bài cho các xướng ngôn viên đọc mỗi đầu giờ. Cái hay của bạn tôi là tuy phải đảm trách một công việc nhàm chán nhưng nếu tôi nhớ không lầm thì chúng tôi chưa bao giờ bị khiển trách vì tội viết sai chính sách.


Một đôi lần TT Nguyễn Văn Thiệu đến đài đọc trực tiếp một thông điệp “Cùng Quốc Dân,” hoặc “Cùng các sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ các cấp”; quần chúng khán thính giả khó mà tưởng tượng được là bản văn bài bình luận đã được viết cùng một lúc với lời trực tiếp truyền thanh và phát hình của TT Thiệu. Rõ hơn, nguyên thủ quốc gia nói tới đâu thì bạn tôi ghi nhận và bình luận theo tới đó. Tuyên đọc xong thông điệp thì ông ra ngoài phòng vi âm. Và chỉ sau một bản hùng ca thì bài bình luận do bạn tôi viết ngay tại chỗ, lập tức được đọc lên. Cũng may mà chưa lần nào ông Thiệu tỏ ra không hài lòng. Cái mẫn tiệp của bạn tôi đã nhiều lần được tưởng thưởng. Ðáng tiếc là chỉ bằng một cái bắt tay. Bạn tôi chẳng màng. Công việc nào rồi cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành… như một công tác thường ngày. Hay như một chuyến bay theo các đơn vị quân sự thời còn làm phóng viên chiến trường.


Ngay đây tôi cũng xin phép mở một ngoặc đơn để đính chánh một chi tiết không được đúng, cho rằng bạn tôi có thời đã chấp bút soạn các diễn văn và thông điệp cho TT Thiệu. Trên thực tế thì bạn tôi chưa hề có vinh dự giữ vai trò đó tuy có thừa khả năng. Và dĩ nhiên cũng thừa ý thức trách nhiệm để sẽ điềm đạm và nhún nhường khước từ vinh dự và trọng trách đó.


Biết tính bạn, tôi đoán vậy nhưng có lẽ cũng không sai. Thỉnh thoảng, dạo đó, bạn tôi đôi khi được gọi lên Bộ để được giao trực tiếp các chỉ thị phải viết những bài bình luận theo đúng đơn đặt hàng của Phủ Ðầu Rồng. Lên đó, nhận lịnh, lẳng lặng viết và rồi thôi; không khoe khoang vinh dự vừa nhận được mà cũng chẳng than vãn vì đã bị buộc phải qua mặt người trực tiếp chỉ huy mình trong đài.


Tính bạn tôi muôn thuở vẫn trung thực; chiều chuộng bạn bè nhưng luôn luôn thẳng thắn. Với cấp trên thì chẳng ngại nghiêm chỉnh bày tỏ ý kiến của mình. Có thể vì vậy mà Vũ Ánh được trọng nể. Bởi bè bạn lẫn ngay cả các giới chức cao cấp trong hệ thống chỉ huy. Vào những năm ông Hoàng Ðức Nhã đảm trách Bộ Dân Vận, hình như đã có lần bạn tôi được đề cử Chương Mỹ Bội Tinh cùng với vài nhân viên khác trong đài, mà nghe đồn là có cả Nguyễn Mạnh Tiến và tôi. Nhưng huân chương làm kiểng đó cũng chỉ hững hờ đứng yên ở vị thế được đề cử. Dù vậy tôi vẫn lạc quan coi đó đã là một bằng cớ chứng tỏ sự thương mến, hay ít nhứt cũng là quan tâm, của nhân vật mà dạo đó được coi là đệ nhị thẩm quyền trong chính giới.


Tôi đã suýt quên tính chung thủy của bạn tôi. Ðã là bạn bè thì liên hệ đó không bao giờ thay đổi. Và là người bạn tôi yêu thì đã đành là muôn thuở nhưng vẫn chẳng ngại khuyên người mình yêu hãy tìm đường tự cứu sau khi biết mình đã sa cơ và có phần chắc là sẽ rũ tù sau cái ngày cuối Tháng Tư định mệnh. Tính chung thì cũng đến cả 13 năm từ lúc mang tấm thân đầy mủ máu đứng trong tù nhìn người mình yêu đổ lệ rời đi cho tới khi gặp và nối lại ân tình cũ. 13 năm xa cách, cộng thêm 20 năm đằm thắm trong tình cũ nghĩa xưa, phải nói là biết bao mặn nồng để đáp đền cho lòng chung thủy của cả hai người. Chính nỗi nuối tiếc cho cái ân tình mà đáng lẽ bạn tôi đã phải hưởng được từ trước 1975 đã khiến bọn tôi nhiều khi cứ cật vấn, “Làm cái quái gì mà mầy cứ ngồi trong đài vào những ngày vô vọng ấy để phải chịu cảnh lết lê tấm thân tù tội từ Nam ra Bắc như vậy?” Bạn tôi chỉ cười khè khè, “Mẹ, bỏ chạy thì những nhân viên còn trong đài đó làm sao?” Ý thức trách nhiệm ấy chỉ thiếu một ly là đã giúp bạn nằm đội một nấm mồ vô chủ đâu đó trên đất bắc hay gần trại A20. Và cũng may mà bạn đã không bại liệt sau nhiều năm cùm gông trong xà lim biệt giam. Nhưng dù sao thì cũng phải nhận rằng ơn trên đã đền bù bạn tôi trong mấy chục năm cuối đời: 13 năm tù vẫn giữ nguyên được một hàm răng cứng chắc không hư cái nào, nhờ đó mà chén cơm do người mà bạn tôi yêu cung phụng suốt hơn 20 năm qua chắc đã ngon hơn nhiều.


Nhiều lần gặp nhau hàn huyên trong những năm sau nầy, Vũ Ánh dường như đã quên hẳn những năm dài lao lung. Những bài báo hàng ngày do bạn tôi viết từ mấy chục năm nay cho thấy bạn dường như chẳng còn ôm chút hận thù nào. Hình như bạn tôi đã nhìn thấy ở học giả Hoàng Liên một tấm gương rất sáng khi cụ chỉ một mực ôn tồn, chẳng hé một lời ta thán trong tác phẩm mặc dù Cụ đã bị bắt và đọa đày từ dạo Tết Mậu Thân. Người như cụ Nguyễn Văn Ðãi và bạn tôi có lẽ đã đọc qua và thấu hiểu một châm ngôn của người Ái Nhĩ Lan:


Always remember to forget the things that made you sad
But never forget to remember the things that made you glad


Người mà bạn tôi đời đời yêu dấu, người cũng đã đời đời yêu dấu bạn tôi và người mà từ ngày 14 tháng 3 vừa qua đã thành một sương phụ, hơn ai hết, sẽ xác nhận với tất cả rằng bạn tôi quả đã sống một đời như thế: không bao giờ tham lam sân hận mà chỉ luôn nhớ những gì làm mình vui thú trong đời.


(*) Luca 6:29, bản dịch của LM Nguyễn Thế Thuấn, Dòng Chúa Cứu Thế.

MỚI CẬP NHẬT