Thursday, March 28, 2024

Vùng đất hứa


LTS:
Bắt đầu từ hôm nay, nhật báo Người Việt sẽ đăng các bài tham dự cuộc thi viết “38 năm Little Saigon-35 năm Người Việt” vào mỗi Thứ Năm và Chủ Nhật hàng tuần, trên cả báo giấy và Người Việt Online. Tên tác giả được ban tổ chức thay thế bằng mã số. Hạn chót nhận bài thi là ngày 8 Tháng Mười Hai, 2013. Rất mong sự hưởng ứng của quý bạn đọc gần xa.


Tác giả (35-001)


Khu tôi hiện ở thuộc loại Condo, khu nhà không giàu, không nghèo, hai vợ chồng có job, có tiền down 20% là được mua, trước khi mua nhà này hai vợ chồng tôi đã lùng sục nhiều nơi, lựa sao cho vừa túi tiền, mà nhắm được căn nhà ưng ý lại giữ được trường học tốt cho con, là trường tụi nhỏ đang học.









Gia đình chúng tôi đi dự đám cưới sau vài tháng tới Mỹ.


Cuối cùng gia đình tôi mua được căn nhà tầng một, căn bìa, bên cạnh có khu vườn nhỏ với thảm cỏ xanh tươi mát, trước mặt là con đường, bên kia con đường là khu Shopping với đủ thứ hàng quán, chợ búa, nhà băng, tiệm ăn của Mỹ, và chỉ lọt có một tiệm Việt Nam đó là tiệm Nail rất sang trọng, vì khách toàn Mỹ trắng.

Xin phép cho tôi nói về tiệm Nail nầy, đây là tiệm đầu tiên tôi bước vào ngành Nail.

15 năm về trước khi chập chững bước vào ngành, tôi đã xin vào đây làm, những buổi trưa buồn, vắng khách, tôi thơ thẩn vòng vòng các quán xá, đứng ở phía trước mỗi quán chút xíu, nhìn vào không mục đích, rồi bước đến văn phòng Real Estate, họ quảng cáo bán nhà, họ dán hình những căn nhà single, townhouse, condo của khu nầy, với những giá mà tôi nghĩ rằng gia đình tôi không bao giờ với tới được dù là condo, có một em đồng nghiệp đi theo, chắc cũng muốn chọc cho vui, chỉ tôi dãy nhà bên kia đường.

– “Cô ơi, cô có tiền thì mua căn Condo bên kia kìa, sang lắm, có 99 ngàn hà!” [đó là thời giá năm 1999, giá nhà chưa thổi cao như bong bóng].

Tôi mỉm cười chua chát:

-Em có tiền thì mua đi, Cô nghèo mạt rệp làm gì có tiền mà mua.

Nói vậy, nhưng tôi cũng nhìn những dãy nhà lấp ló sau hàng cây bên kia đường với một ước mơ mà nghĩ rằng chẳng bao giờ mình sờ tới được.

Nhưng cũng từ đó, tôi cố gắng thực hiện cho bằng được mơ ước của mình, xứ Mỹ mênh mông rộng lớn, nhưng đầy ấp tình người, cho tôi nhiều cơ hội.

Với nghề nghiệp của mình, tôi đã vượt qua bao nhiêu sóng gió, thử thách gian lao, đi sớm về trễ, chăm chút từ bộ móng tay cho khách và ông xã tôi là người bạn đời đồng cam cộng khổ cùng tôi sát vai chăm sóc các con, nuôi dạy nên người, để gia đình tôi có được như ngày hôm nay. Tôi và ông xã lúc nào cũng nghĩ đến câu “Tự lực cánh sinh”, tự mình là chính, chớ có nhờ vả ai, tức là chúng tôi đồng ý: mua nhà phải tự mình đứng tên!









Nhà condo, có lối đi riêng, 2 căn trên và 2 căn dưới.


Quý vị có biết, với nghề nghiệp của tôi, nghề “làm móng”, lớn tuổi mới vào ngành, tôi đã luyện thêm tay nghề bằng cách chấp nhận về trễ, để lấy những khách cuối cùng mà các đồng nghiệp chê, hoặc chấp nhận làm cho những khách “không cho tiền típ”, tôi làm với cả lòng nhiệt tình, say mê vì trước mặt tôi cứ chập chờn hình ảnh căn Condo bên kia đường, đến đỗi các đồng nghiệp trẻ của tôi ghẹo khách của tôi là “Bà Mỹ này chưa thấy quan tài nên chưa đổ lệ”, ý là bà nầy không biết “tài” tôi nên cứ đòi tôi làm, và chọc tôi là “Cô điếc nên không sợ súng”, ý là tôi không run tay khi nhận khách refille, fullset dù nghề chưa tới đâu.

Những khi nhìn các bạn trẻ làm, những bàn tay cầm máy giũa lả lướt trên móng của khách, tôi như muốn nuốt vào trong tim, ghi tận cùng trong não những hình ảnh nầy để bắt chước làm theo, rồi khi được nhận khách cuối ngày trong khi các đồng nghiệp trẻ ra về, tôi như người nghệ sĩ tập đàn bấm từng phím đàn đứt quãng để cố gắng ráp nối vào nhau, thành một khúc đàn trọn vẹn, và tôi cố gắng tìm hướng đi khác để làm cho nghề mình càng ngày càng đạt yêu cầu.

Mới chỉ một năm vào nghề, ông xã và tôi đã bàn bạc với nhau “hay là mình mở một tiệm nail riêng để vừa có chỗ tập nghề, vừa không bị chủ, thợ ăn hiếp”, năm ấy thằng con lớn mới 14 tuổi, vậy mà nó gõ computer, tìm địa chỉ của Stateboard để fill giấy tờ xin mở tiệm cho mẹ, hai mẹ con chở bàn ghế mua từ các tiệm Nail supply, Home Depot, và mỗi ngày vợ chồng con cái xúm nhau ráp bàn, ráp ghế, đóng kệ để màu sơn, treo tranh… set up đủ thứ cho thành một tiệm Nail coi được[không dám nói là sang trọng], chỉ có ráp ghế Pedicure là cần phải có thợ chuyên môn làm thôi. Sau khi Stateboard xuống kiểm tra thì tôi đã đăng báo mướn thợ rồi, thời đó [vào năm 2000] mà tôi dám trả thợ giỏi 700/1 tuần để thợ làm cho khách và tôi cứ làm bộ theo nhìn như là check tay nghề của thợ nhưng thật sự là để “ăn cắp nghề” từ cô thợ giỏi đó. Tức cười lắm, khách họ cứ tưởng mình là chủ thì phải giỏi tay nghề, nên họ cứ đòi chủ làm, thế là tôi cứ “đánh búa xua cào cào”, may là cũng nhờ trời cho khéo tay nên cả cô thợ chánh, thợ phụ, cũng không thể ngờ là “bà chủ này thuộc loại điếc không sợ súng”, thợ giỏi 7,8 năm cũng không ngờ tôi mới ra nghề chỉ hơn 1 năm vì có bao giờ thợ nào dám check tay nghề của “bà chủ.” Thế là đánh mãi, đánh mỗi ngày, có dở cũng thành giỏi vì ai dám chê chủ chứ!









Tiệm Nail mà cả nhà “set up”


Còn ông xã tôi, với vốn tiếng Anh, đọc thì hiểu, nghe Mỹ nói thì chả hiểu, có nói thì Mỹ nghe cũng không hiểu, tức là nói cho vui “mắt thấy, nhưng miệng thì câm, mà tai thì bị điếc” một mình lặn lội đi tìm việc, câu chuyện về ông kể nghe cũng vui.
Mới tới Mỹ vài ba ngày, ông đi lang thang trong phố nhỏ, thành phố nầy cổ, nhìn rất bình yên như trong những phim tình xem ở Việt Nam, ông rẽ vào tiệm bán sách báo, phim ảnh [không phải tìm phim sex đâu nhe] mà tìm mua tờ báo local, đem về nhà tìm mục “Tìm việc”, ông tìm được một địa chỉ, cần “Housekeeper”, hôm sau ăn mặc gọn gàng tươm tất lần theo địa chỉ ông mò đến.

Ông xã tôi hiểu lầm chữ: Housekeeper là giữ nhà và lại hiểu rộng thêm là “Gác dan” thì trúng nghề ông rồi , vì ông đã từng ở trong quân đội. Ông kẹp nách tờ báo rồi bấm chuông, nhưng cũng thoáng ngạc nhiên “sao đây không phải là công sở mà là nhà, nếu gác cửa thì nhà nầy có gì để mà gác”.

Một ông Mỹ ra mở cửa, chắc ông nầy cũng ngạc nhiên khi thấy một ông Á Châu, tay cầm tờ báo chỉ vào mục tìm việc, người Mỹ lịch sự lắm, dù nhận hay không nhận họ cũng không bày tỏ thái độ tức thì như chê người tìm việc, mà vẫn điềm nhiên dắt ông xã tôi vào nhà, và dắt xuống bếp, ông chỉ vào máy giặt, dặn ông xã tôi cứ 3 ngày giặt một lần, chỉ cách làm sao, ông xã tôi xin tờ giấy trắng, mượn ông chủ cây viết để ghi chứ không lại quên, vì chưa sử dụng máy giặt bao giờ, ông chỉ cái bếp ga, dạy cách nấu, mở, đóng bếp, cách nướng, cách clean, mỗi ngày đến vào buổi chiều sau 3 giờ, làm trước đồ ăn cho 2 con ông về ăn, xe bus sẽ thả con họ ở đầu đường ông xã tôi phải canh giờ ra dắt 2 con của ông chủ về nhà… Ông dạy cách clean thảm, cách xài vaccum dùng thuốc gì, thuốc gì… Với vốn tiếng Anh được thực hành ít ỏi với thầy ở Việt Nam, ông xã tôi vừa ráng nghe, vừa ghi ghi chép chép [phải biết từ đầu là không đúng đối tượng được mướn thì ghi làm chi cho mệt cái thân già!]

Ðôi khi kể lại chuyện này cho bạn bè nghe, ai cũng cười vỡ bụng, người Mỹ lịch sự như là khuôn đúc, biết là chẳng mướn cái ông già lùn Á Châu nầy nhưng cũng lịch sự hết mình, dắt đi vòng vòng nhà, rồi chỉ dạy cách sử dụng máy móc trong nhà, hay đó cũng là cách mà mỗi công dân Mỹ đều có ý niệm “giúp người mới tới”, dù không mướn, nhưng ít ra cũng giúp cho người mới hiểu được phần nào cách sử dụng máy móc trong nhà ở xứ Mỹ, dĩ nhiên là ông mỹ nầy không từ chối mướn, mà nói khéo với ông nhà tôi – “Sẽ hội ý với vợ, nếu được, nội trong 3 ngày sẽ phone cho ông, ông là người đàn ông tốt [you are very good man]”, dù biết rằng ông xã tôi mới tới Mỹ 3 ngày… Dĩ nhiên là không được kêu rồi vì job nầy thường dành cho phụ nữ, tại ông xã tôi hiểu lầm chữ Housekeeper, nên mới đến xin việc đấy thôi! [đây là một bài học đầu tiên ở xứ Mỹ]. Hahà, cũng không có gì quê, đây là xứ cơ hội mà!

Mỗi chiều buồn, ông xã tôi hay dắt 2 con đi vòng vòng ngoài phố, để “thăm dân cho biết sự tình”, ông hay vào một tiệm bán Pizza, vừa mua bánh, vừa có cơ hội talk, lúc nầy ông đang tự học để thi lấy bằng lái xe, có bằng rồi mới được mua xe, nên chủ yếu là đi bộ, với vốn tiếng Anh không rành rọt, nhưng cũng hiểu đại khái: Ông bà chủ tiệm Pizza nầy có thằng con đang làm nghề sửa nhà, và đang cần một người thợ phụ, họ hỏi ông xã tôi có thể giúp được không, dĩ nhiên là ông OK liền.

Thằng “Mỹ con” nầy độ 25 tuổi, chỉ mới 25 tuổi nhưng đã có một đời vợ và 2 con, và đang phải trả tiền nuôi con còn nhỏ, vì 2 vợ chồng nó đã ly dị.

Công việc của ông xã tôi là, khi nó ở trên thang thì biểu ông xã tôi lấy cái gì thì đưa cái ấy, vào mấy hôm đầu theo nó, có khi nó biểu đưa cái búa, ông lại đưa cái kềm, biểu lấy cái nầy thì đưa cái khác, nó cũng bực mình mà ông thì cũng chẳng lấy gì làm vui, cũng như tôi, khi làm waitress, khách biểu đưa cái muỗng tôi đưa cái nĩa, khách cần chanh thì tôi lấy ớt, làm riết thì nhớ, có ai cười mình không biết đâu?

Có một chuyện phải kể ra đây để nói đến lòng tốt của người Mỹ, cùng theo làm với thằng Mỹ con nầy, có thằng bạn nó nữa, thằng bạn nầy đang lái chiếc xe con, tôi quên hiệu gì, nhưng chạy bằng 2 bánh sau, lúc ông xã tôi cần mua xe để làm chân đi làm, thì thằng nầy cần bán chiếc xe của nó, ông xã tôi năn nỉ nó bán cho ông, vì ông vẫn thấy nó lái bon bon có gì hư đâu, giá bán cũng rẻ chỉ 300 đô, vừa túi tiền của ông, ngày giao xe nó rửa lại thật mới, nhưng lúc ông xã tôi đưa check giao nó, nó ngần ngừ, cầm rồi trả lại, và không bán. Ông ngạc nhiên hỏi mãi tại sao không bán, hỏi riết nó mới nói, vùng nầy mùa đông có tuyết, ông mua xe nầy khi lái gặp tuyết sẽ bị trợt, có khi bị lật xe vì xe chạy bánh sau không trườn nổi trên tuyết, phải tay lái thiện xạ như nó mới điều khiển được. Hú hồn hú vía, nó vẫn còn lương tâm, mình là tay mơ mới tới Mỹ, đâu hiểu rõ về xe cộ đâu!

Chiều nào khi xong việc thằng Mỹ con nầy cũng muốn chở ông xã tôi đến quán nhậu, ông đều từ chối, thân phận “ăn nhờ ở đậu” nơi quê hương mới, bao nhiêu năm bị tù đày ở quê nhà, giờ đã qua xứ tự do ráng kiếm cơ hội vươn lên, lẽ nào theo thằng bợm nhậu nầy vô quán nhậu! Ông đã từ chối vài tuần rồi, những tuần ấy là học việc không nhận lương, vào tuần được nhận lương nó bảo ông không vào với tôi, tôi không trả check cho ông, tuần ấy ông vào nhậu với nó, lấy check xong và một đi không trở lại. Ông nói với tôi, đi theo thằng nhậu riết hư người, đói thì chịu, chả theo! Nói vậy ông đi tìm việc khác.

Lúc nầy đã mua được xe, ông dung ruổi trên đường, tìm nơi nào cần việc, có lần một người hàng xóm share phòng chỉ vào làm cho một company, nhưng chị của ông nầy đi đâu cũng kể công trạng em mình, đám tiệc gì cũng nói nhờ em mình “từ một người tiếng Anh bẻ đôi không biết giờ thì được good job” [dù là job labor], làm ông xã tôi nóng gà, xin nghỉ việc, và lần nầy tự đi tìm việc.

Ông vào một hãng nọ, thấy những nhân công Mỹ đang cho vào lò nung bẻ cong những thanh sắt dài ngoằn, họ dắt ông đi lòng vòng chỉ công việc mà ông sắp nhận, trước khi chào ra về, ông xin lỗi chắc không nhận được vì sức vóc ông nhỏ quá so với mấy ông Mỹ to con bậm trợn làm nơi đây, có nhận được việc cũng không làm nổi. Sorry!

Rồi ông theo địa chỉ khác, lần đến một công ty, cần người hàn những mối hàn nhỏ xíu trong cái máy nghe, bỏ vào lỗ tay cho các người già bị điếc, cũng xin lỗi luôn, vì mắt ông bị bệnh bẩm sinh một mắt cận 5 độ, còn mắt kia thì viễn thị, tức một mắt nhìn xa không thấy, một mắt nhìn gần không thấy, nếu muốn nhìn thì phải đeo kính đặc biệt.

Những năm ấy, kinh tế huy hoàng lắm, những người làm hãng giới thiệu người khác vào làm thì được thưởng, đủ biết việc cần người thế nào.

Một lần ông xem báo thấy một cơ quan nọ cần người chở tiền bỏ vào các máy ATM, muốn được nhận việc phải thi, ông ghi danh thi, thì bị rớt “cái đụi”, vì nó hỏi nhiều câu hóc búa, dĩ nhiên là trình độ tiếng Anh không đủ để trả lời.

Buồn tình ông xin vào làm trong bếp một tiệm bánh, bà già cũng là người làm công đang thục nhân bánh, chỉ ông dọn dẹp, khuân vác đánh bột… lung tung, ông nản quá biến luôn. Hihihi bà con anh em nói “ông được vợ nuôi”. Cái nầy chỉ có tôi biết, ông vừa đi xin việc nhưng không quên bổn phận với các con, ông xã tôi là một người bố rất hoàn hảo với các con, ông tâm niệm phải tìm nơi nào vừa sức vóc mình, vừa bằng trình độ mình, mà nhất là có đầy đủ Benefit cho vợ con, đó là sự mong mỏi lớn nhất của ông.

Rồi thì Trời cũng dắt, một ngày nọ, cũng xem báo ông tìm tới một công ty chuyên bán đồ trang sức, quần áo đồ dùng trong nhà, công ty nầy bán hàng khắp nước Mỹ và cả nước ngoài, khách hàng order trên Phone, trên online, dịch dụ rất ư là “hot”, hôm ấy họ đang “Job Fair”, tức đang tuyển người, ông vào, gặp một ông Mỹ trung niên, sau một hồi trao đổi vừa miệng, vừa “tay chân” [diễn tả thêm], nếu Mỹ không hiểu nữa thì ông viết, cuối cùng thì ông Mỹ nầy OK, và nói với ông xã tôi qua phòng bên chờ để thử nước tiểu, và chờ vài hôm sẽ được gọi phone kêu vào làm việc, nếu nước tiểu tốt không dính xì ke ma túy.

Thay vì qua phòng bên chờ để thử nước tiểu, ông xã tôi thấy ông Mỹ nầy phỏng vấn người khác, và nghe loáng thoáng về nhà chờ kêu đi làm, ổng rẽ qua lối exit ra về.

Chờ cả tuần không được kêu, ông trở lại chỗ company ấy lần nữa, lại gặp ông Mỹ ấy nữa, họ cũng còn đang tuyển người, ông Mỹ thấy ông xã nhà tôi hỏi vào đây làm gì, nhận ông rồi mà, cứ về chờ kêu, ông xã tôi chờ cả 2 tuần cũng không thấy kêu, mới đến lần nữa, lần nầy thì chính ông Mỹ ngạc nhiên:

– Ủa you chưa đi làm sao?

– Tôi rất cần đi làm, ông biểu chờ, mà tôi chờ mãi, 4 tuần rồi chẳng thấy ai kêu, ông làm ơn giúp tôi có việc.

– Thế ông đi thử nước tiểu chưa? [vừa nói Ô vừa chỉ tay xuống ra dấu]

– Thử ở đâu, tôi không biết.

Ông Mỹ tự vò đầu mình như chợt hiểu ra vì sao mà ông xã tôi không nhận được phone kêu đi làm và tự ông dắt ông xã tôi qua phòng kế bên và nhờ cô Nurse làm liền cho ông nhà tôi.

Hãng nầy có Benefit rất tốt, gia đình tôi đã rất yên tâm, như có lá bùa hộ mạng bên mình, ông nhà tôi hay ví cái “Bảo Hiểm Sức Khỏe” bên Mỹ, nó giống như cái “Hộ Khẩu” ở Sài Gòn vậy!

Từ đấy đến nay gần 15 năm, ông xã tôi gắn bó với hãng nầy, đã 2 đợt layoff, mỗi đợt gần cả ngàn nhân viên, mỗi lần hãng Layoff rúng động cả county, ông nhà tôi 72 tuổi rồi, vẫn còn đi làm để giữ BHSK cho tôi và thằng con kế, ông hay nói đùa “để em yên tâm ngồi giũa cho mấy bà già Mỹ già”.









Hình ông xã tôi được in trên tấm bảng để trước cửa công ty như tuyên dương “người tốt việc tốt”


Có một chuyện mà tôi xin chân thành kể ra đây, cách đây 2 năm, ở hãng có sáng kiến, treo cờ mỗi quốc gia có nhân viên làm trong hãng, họ treo đủ các cờ và in hình người đại diện quốc gia đó, riêng cờ Việt Nam, họ treo cờ đỏ sao vàng, vì quí vị cũng biết lá cờ 3 sọc đỏ của bà con mình đã thuộc về quá khứ, nhưng vẫn còn sống mãi trong tâm hồn của những người Việt Nam yêu nước, rồi họ chọn ông xã tôi đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng và hẹn ngày đến chụp, mấy đêm rồi ông không ngủ được từ khi có đề nghị ấy, ông đắn đo phân vân mãi. “Nếu mình từ chối không chụp thì có bị mất việc không, mà mất việc thì vợ con không còn BHSK, còn nếu đứng dưới lá cờ hắc ám nầy để chụp hình thì nhơ danh muôn thuở, mình bị 9 năm tù đã căm thù lá cờ nầy tận xương tận tủy, lẽ nào vì chén cơm manh áo, vì cái BHSK cho vợ con, mà để mờ chánh nghĩa, đã không làm kẻ anh hùng, lẽ nào thành tên hèn hạ mà đứng dưới lá cờ nầy chụp hình. Không! mình không hèn như vậy, tới đâu thì tới. Không! nhất định là không!”

Hôm sau ông vào hãng trả lời: “Thưa ông, lá cờ của tôi là cờ vàng 3 sọc đỏ, lá cờ mà ông muốn tôi đứng chụp hình không phải là cờ của tôi”, và sau đó ông xã tôi giải thích cho họ hiểu vì sao, thế là người manager của ông xã tôi tìm trên Google lá cờ vàng có 3 sọc đỏ, họ in ra và chụp hình ông với lá cờ ấy, xong rồi họ treo trên tường. Tôi không phải tự khen chồng mình, nhưng việc nầy trong hãng không ai biết, những người Việt Nam làm trong hãng cũng hơi thắc mắc “vì nguyên do nào mà ông già Việt Nam nầy lại được đứng dưới lá cờ nầy để chụp hình mà không phải là cờ đỏ sao vàng [vì Mỹ đã ban giao với VIệt Cộng từ năm nẳm rồi]?” Ông vẫn tự hào mình yêu chính nghĩa, một chiến sĩ thầm lặng, không cần ai biết, không cần giải thích tại làm sao.

MỚI CẬP NHẬT