Friday, March 29, 2024

‘Vương quốc lừa dối’

 


Tạp ghi Huy Phương 


 


 


“Có một thời mà người ta nói dối ngay cả trong giấc mơ!”
Nhà văn Ba Lan StanisBaw Jerzy Lec (1909-1966)


Ngày 22 Tháng Mười Một, 2012, tại Anh, người ta đã tổ chức cuộc thi để chọn người vô địch nói dối của thế giới. Cuộc thi kéo dài hai giờ ở quán rượu Bridge Inn, tỉnh Cumbria, các thí sinh có 5 phút để kể một câu chuyện nói dối gây đủ lý do để thuyết phục ban giám khảo. Giới chính trị và luật sư không được tham dự cuộc thi này, vì họ là những người sở trường nói dối có thành tích.


Câu nói dối đơn giản được xem là hay nhất, được truyền tụng là của một vị giám mục vùng Carlisle: “Cả đời tôi chưa bao giờ nói dối!”


Cuộc thi được sáng lập để tưởng nhớ một điền chủ tại địa phương tên Will Ritson sống ở thế kỷ 19, nổi tiếng là người ba xạo. Cuộc thi này do một công ty sản xuất bia địa phương tổ chức, trong dịp này, công ty đã sản xuất một loại bia đặc biệt mang tên “Người nói dối trắng trợn hay nhất” để kỷ niệm cuộc thi.


Nói dối để vui chơi, đùa giỡn, nhiều khi không hại đến ai, nhưng làm chính trị mà nói dối sẽ giết biết bao nhiêu người. Ðặc tính đó, những con người cộng sản và chế độ cộng sản phải là những tay vô địch. Họ không nói dối một người hay một nhóm người mà nói dối cả một dân tộc, nói dối nhiều thế hệ bằng cách sửa lại lịch sử, đạp lên sự thật để có lợi cho mình. Những người nói dối đoạt chức vô địch trong cuộc thi trên, theo tôi là “đồ bỏ,” mà phải kể đến những tay dối trá trứ danh là Hồ Chí Minh hay những người trong Bộ Chính Trị của nhiều đời cộng sản.


Cuộc nói dối được chấm giải nhất phải trao cho Hồ Chí Minh và đồng lõa trong Bộ Chính Trị vì họ đã dối được, không phải vài người mà cả nước, luôn cả những thế hệ tiếp nối.


Trước ngày 19 Tháng Năm, 1948, khi có tin Ðô Ðốc Pháp D’Argenlieu viếng thăm Hà Nội, nhưng Bộ Chính Trị không biết cách gì để huy động quần chúng treo cờ mừng “khách quý.” “Bác” chỉ cần hỏi một câu “xuất thần:” “Các chú biết ngày mai là ngày gì không?” Các chú đang ngớ người ra thì “bác” phán: “Ngày mai là ngày sinh nhật bác!”


Thế là cả Hà Nội tưng bừng treo cờ mừng sinh nhật “bác.” (*)


Những truyện ký tên Trần Dân Tiên, T. Lan; những chuyện “cây đuốc sống” Lê Văn Tám, những nhân vật Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Bé,… đều là những chuyện láo khoét có hạng, được ghi vào sử sách cộng sản, xem như những chuyện thật, cả nước cần phải học tập, trong đó chuyện “học tập theo gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một chuyện dối trá nhất.


Hậu quả của sự nói dối này là bây giờ cả nước đều quen thói dối trá, lừa lọc.


Một trong 13 lý do vì sao ông du khách Craig Heimburgur ghét Việt Nam (reason-to-hate-Viet Nam)” là: “Tôi ghét sự gian dối ở Việt Nam (I hate Vietnam’s lies.) Tôi thật sự mệt mỏi bởi bị lừa lọc. Nó giống như trở thành một thói quen lừa lọc của người dân xứ này!”


Trong bài tham luận dự định đọc trong kỳ Ðại Hội Nhà Văn Việt Nam, nhà văn Trần Mạnh Hảo đã can đảm nói sự thật: “Ông cha chúng ta đã đánh thắng giặc Hán, Ðường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh,… để bảo tồn đất nước. Tất cả các thứ giặc trên cộng lại cũng không ghê gớm bằng giặc nói dối đang tàn phá tổ quốc ta, giống nòi ta.”


Nền giáo dục của quốc gia cần đào tạo con người lương thiện, đào tạo cho lớp người “tổ quốc mong cho mai sau” nhưng dưới chế độ cộng sản, cũng theo ý kiến của Trần Mạnh Hảo: “Ðạo đức trong giáo dục Việt Nam hôm nay đồng nghĩa với dối trá: thầy dối trá thầy, trò dối trá trò, quản lý giáo dục báo cáo láo cốt lấy thành tích, nạn mua bán bằng, bán đề thi, mua quan bán tước đang là đại họa của nền giáo dục. Hầu hết sách giáo trình, sách giáo khoa… là sách đạo văn. Cán bộ có chức có quyền đua nhau làm thạc sĩ, tiến sĩ… lấy bằng thật nhưng học giả.”


Ngay cả ông Trần Quốc Thuận, phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội CSVN, đã trả lời phỏng vấn của báo Thanh Niên: “Cơ chế hiện nay tạo kẽ hở cho tham nhũng vơ vét tiền của của nhà nước… Nhưng cái mà chúng ta mất lớn nhất lại không phải là tiền, dù số tiền bị mất lên đến hằng trăm tỉ, mà cái lớn nhất bị mất là đạo đức. Chúng ta hiện sống trong một xã hội mà chúng ta phải nói dối với nhau để sống. Nói dối hằng ngày trở thành thói quen, rồi thói quen đó lặp lại nhiều lần thành đạo đức mà cái đạo đức đó rất mất đạo đức.”


Phần ông Nguyễn Khải, đại tá, đại biểu Quốc Hội, phó tổng thư ký Hội Nhà Văn CSVN, thì phát biểu can đảm hơn, bộc bạch hết lòng mình vì chính ông đã ở trong gan ruột cộng sản: “Người cộng sản nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói dối không hề biết xấu hổ và không hề run sợ. Người dân vì muốn sống còn cũng đành phải dối trá theo!”


Ba mươi sáu triệu người chết vì nạn đói hay bị bạo hành tại Trung Quốc trong suốt bốn năm (1958-1961) là kết quả của chủ nghĩa lừa bịp láo khoét trong những năm cầm quyền của Mao Trạch Ðông. Ðảng Cộng Sản Trung Quốc tuyên truyền hay đến nỗi bao thế hệ thanh niên lúc ấy đều tin rằng: “Mao Chủ Tịch là một vị thần, chủ nghĩa cộng sản là thiên đường và phần còn lại của thế giới chỉ là địa ngục.” Thảm họa cho dân Trung Quốc chính là hậu quả của chủ trương tập thể hóa và “bước đại nhảy vọt.”


Ðàn em Việt Nam, theo ký giả Dennis Prager, trong một bài xã luận hàng tuần, cho rằng chế độ Cộng Sản Việt Nam đã đem lại cái chết vô nghĩa cho hai triệu người Việt Nam vì những lời dối trá lịch sử. Lời nói dối chính là câu trả lời của Cộng Sản Việt Nam, cũng như hầu hết mọi lời nói dối của cộng sản, và đã được khối thiên tả không cộng sản trên thế giới lặp lại. Lời nói dối này đã (và vẫn tiếp tục đang) được dạy tại hầu hết các viện đại học ở phương Tây, và đã (và vẫn tiếp tục đang) được hầu hết mọi phương tiện truyền thông trên địa cầu truyền tải: Lời nói dối đó là Cộng Sản Việt Nam (tức là Bắc Việt), và Việt Cộng chỉ tranh đấu giải phóng cho Việt Nam khỏi tay ngoại bang do sự xâm lăng của Hoa Kỳ.


Ông cho rằng: “Hoa Kỳ tranh đấu để giải phóng các nước, không phải để cai trị họ. Sự thật là, chính đảng Cộng Sản Việt Nam chứ không phải Hoa Kỳ, mới là những kẻ muốn kiểm soát người dân Việt. Nhưng lời dối trá lại được tuyên truyền lan rộng khắp nơi và hiệu nghiệm đến mức đa số mọi người trên thế giới – trừ những người Mỹ hậu thuẫn cho cuộc chiến đó và thuyền nhân người Việt và những người Việt khao khát tự do – cứ tin rằng Hoa Kỳ nhập trận là để thành lập “đế quốc Mỹ” trong khi Cộng Sản Việt Nam thì tranh đấu cho tự do của người Việt.” (PBD dịch)


Cho nên, chúng ta phải hiểu rằng, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” là một khẩu hiệu dối trá, biện minh cho sự xâm lăng và áp đặt sự cai trị của đảng cộng sản lên cả nước.


Trong một cuốn phim do Romania sản xuất năm 1968, được chiếu tại Bắc Việt, nhất là trong các trại tù tập trung trên đất Bắc, mà nhiều người tù còn nhớ mãi, mang tên “Trẻ Mãi Không Già,” trong đó có một đoạn nói đến “Vương Quốc Lừa Dối,” nơi mà những người nói sự thật đều bị ném đá, đã khiến khán giả liên tưởng ngay đến đất nước cai trị bởi đảng cộng sản Việt Nam hiện nay.


Không phải vô cớ mà người Việt Nam đã có thành ngữ “Nói dối như vẹm” (Nói nhanh hai tiếng “Vê Em” (VM-Việt Minh: viết tắt của Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh Hội). Xã Hội Chủ Nghĩa (XHCN) thì được hiểu rằng “Xạo Hết Chỗ Nói,” và chúng ta cũng chưa quên câu: “Ðừng nghe những gì cộng sản nói…” vì họ chỉ nói những điều dối trá!


Dân chúng cũng thường gọi cộng sản là “Anh Ba,” xin chớ vội mừng! Ðó là Ba Láp, Ba Hoa, Ba Xàm và Ba Xạo! Tôi nghĩ độc giả, nếu có thời giờ, có thể lục trí nhớ tìm ra vài mươi tiếng “Ba” nữa!


 


(*) Theo lời kể của kịch tác gia Bửu Tiến

MỚI CẬP NHẬT