Thursday, March 28, 2024

Whitney Houston và cây cầu vồng – Quỳnh Giao


Tạp ghi Quỳnh Giao


 




 


Người viết này có cái tật không thích chính trị, đôi khi phải theo dõi nhưng thật ra không thích. Chắc là trong lá tử vi hay trên chỉ tay có gì đó không hợp và có lẽ nhiều người cũng thông cảm cho cái chuyện ấy!


   


Một phụ nữ ký tên vào tấm hình ca sĩ Whitney Houston trên một bức tường ở Manila, Philippines. (Hình: Ted Aljibe/AFP/Getty Images)


Lâu lắm rồi, khi nghe được một cuộc tranh luận chính trị thì Quỳnh Giao chú ý chừng vài giây.


Lần đó, người ta nói về một ông tỷ phú Mỹ tung mười mấy triệu để vận động việc hợp pháp hóa cần sa như một dược liệu. Có ai đó bỗng lắc đầu. Chỗ riêng tư, xin thành thật khai báo là người đó hút thuốc lá! Chính vì thế mình mới để ý nghe tiếp cái đề tài có vẻ chính trị này.


Lý do chống đối nêu ra là vì ta không biết rằng với đà này thì xã hội phóng túng sẽ còn đòi quyền tự do tiêu thụ những độc dược gì khác. Sau cần sa, bao giờ đến ma túy?


Thế rồi câu chuyện xa xưa về quyền hít cần sa bỗng lại về khi nghe tin Whitney Houston vừa từ trần….


Gần ba năm trước, sau khi Michael Jackson đột tử trong điều kiện bi thảm vào ngày 25 tháng 6 năm 2009, mục tạp ghi này có một bài viết buồn, với đề tựa: “Ai giết Jacko?” Jacko là tên gọi thân mật đôi khi nhuốm mùi châm biếm người nghệ sĩ trẻ tuổi này. Cuối năm ngoái, y sĩ riêng của Jacko bị án bốn năm tù vì tội ngộ sát khi cho nạn nhân dùng thuốc.


Thực ra, ông bác sĩ đắt tiền này không là thủ phạm duy nhất.


Ngẫm lại thì cả Whitney Houston và Michael Jackson đều đi vào con đường tự hủy ngay trước mắt chúng ta. Những người ngưỡng mộ đều thấy rằng có cái gì đó không ổn với tâm thần của cả hai. Báo chí về âm nhạc và nghệ thuật viết thẳng rằng họ phải dùng thuốc. Thuốc ở đây có thể là dược phẩm, thuốc an thần, hoặc nhiều loại độc dược còn nguy hại hơn.


Mà chính Whitney Houston cũng xác nhận điều đó. Nàng dùng ma túy và từ mươi năm trước đã cho thấy mình có vấn đề. Tiếng hát thiên phú tuyệt vời bị rạn vỡ hụt hơi, sắc đẹp mơn mởn bỗng thành tiều tụy, cách ứng xử có lúc ngơ ngác thất thường. Mà càng bất thường thì nàng càng lao về phía trước, với liều thuốc còn mạnh hơn.


Trong suốt giai đoạn ấy, hình như là truyền thông vẫn giữ im lặng, tường thuật trong im lặng vì không có một lời phê phán hay can gián. Cũng chẳng thấy một nghệ sĩ Hoa Kỳ nào lên một diễn đàn khác để kêu gọi mọi người đừng đi vào con đường nha phiến.


Một người bị mộng du, cứ lãng đãng trên tấm ván mờ ảo như cây cầu vồng ngũ sắc mà tiến tới bờ vực, không biết khi nào sẽ tỉnh và quay lại. Người khác ở chung quanh nín thinh theo dõi mà chẳng khuyên giải. Chuyện nghiện ngập của nàng là điều riêng tư, là quyền của nàng. Nhiều người còn cho rằng xài thuốc như vậy mới là nghệ sĩ, mới là thời thượng.


Cũng như Elvis Presley hay Michael Jackson, đấy là các nghệ sĩ đã rút ruột và tự hủy hoại cho người mua vui. Mà họ lại là thần tượng của nhiều lớp trẻ.


Chọn lựa tai hại của họ, trước sự thản nhiên của quá nhiều người, là điều gì đó không ổn trong xã hội này. Chúng ta đều biết đến phong trào chống thuốc lá và nỗ lực can gián việc hút thuốc lá. Nhưng ở nơi nhà cao cửa rộng của một số nghệ sĩ, người ta không chỉ hút thuốc lá mà còn leo lên cầu vồng.


Sau khi được tin Whitney Houston tạ thế trong khách sạn một ngày trước đại hội trao giải Grammy năm nay, Quỳnh Giao đã tìm một “niệm khúc cuối” cho nàng.


Ðó là ngồi nghe lại Dolly Parton trình bày một sáng tác sau này là dấu ấn Whitney Houston, bài “I Will Always Love You”. Nữ ca sĩ xuất sắc của dòng nhạc country là Dolly Parton hát với sự hồn nhiên đầy vẻ tươi mát, có thể nói là “rất có hậu”. Sau đó mình mới nghe lại Whitney Houston trong ca khúc bất hủ này.


Hoàn toàn khác, với hai cầu đầu “ad lib” như tiếng thủ thỉ trong sự tĩnh lặng của dàn nhạc. Sau đó mới là nức nở dâng trào, rồi tiếng gào như giông bão trong tiếng nhạc u uẩn. Nghe xong thì hiểu vì sao đời sau không thể quên được Whitney Houston. Và chúng ta sẽ còn xem lại phim “The Bodyguard”, cuốn phim được nàng chiếm ngự với khúc hát tuyệt vời này.


Sinh năm 1963, xuất thân từ một đại gia đình gồm nhiều ca sĩ tài danh, Whitney Houston hát thánh ca “gospel”, mới bước qua loại tâm ca của dân da đen là nhạc “soul”, rồi nhạc “Rythm & Blue” để trở thành nữ hoàng nhạc “Pop”, loại nhạc phổ thông không còn màu da và biên giới.


Nàng đã bán ra 170 triệu đĩa, có lúc ký giao kèo ghi âm trị giá trăm triệu đô la, là nữ ca sĩ đoạt nhiều giải thưởng nhất về âm nhạc, có mấy chục tác phẩm dẫn đầu về số bán và phất tay tặng Hội Hồng Thập Tự nửa triệu bạc như người ta thả một mẩu thuốc. Nhưng cuối đời, sau khi nàng tạ thế, chúng ta mới biết rằng hình như Whitney Houston không còn một đồng trong túi.


Năm xưa, trên đỉnh danh vọng của nghệ thuật Whitney Houston nhiều người da đen giận nàng là bước ra khỏi dòng nhạc da đen để phục vụ người khác. Không sống trong thế giới của họ, chúng ta chẳng biết rằng khi ấy có ai khuyên nhủ nàng là đừng bước vào thế giới của ma túy không.


Trong phim “The Body Guard”, sắc đẹp và tài nghệ của Whitney Houston khiến nhiều người chỉ muốn bảo vệ nàng. Dù có bị đạn như tài tử Kevin Kosner trong vai người cận vệ thì cũng cam. Nhưng đó là trong phim ảnh, trong thế giới ảo của nghệ thuật. Ở ngoài đời, Whitney Houston thiếu người cận vệ thật, để nàng khỏi bị hủy hoại vì ảo giác của thuốc độc.


Chúng ta vẫn nhớ mãi Whitney Houston và tài nghệ độc đáo, tiếng hát trong vắt có thể dịu dàng vượt qua ba octave, và dáng vẻ mảnh mai đến mong manh của nàng. Nhưng càng luyến tiếc một nghệ sĩ xuất chúng thì càng thấy áy náy vì cái đám đông im lặng kia. Họ để nàng lần bước đến bờ vực của Michael Jackson hay Elvis Presley.


Quỳnh Giao thầm mong rằng sau này sẽ có một hội thiện của Mỹ lấy tên là Whitney Houston để nhắc nhở, an ủi và giúp đỡ các nghệ sĩ nếu họ hủy hoại tâm thần để thổi lên một mảnh cầu vồng ngũ sắc cho chúng ta, và rong chơi trên đó.


Xin đừng thản nhiên để họ rơi khỏi đám mây xuống vực.

MỚI CẬP NHẬT