Bệnh sởi

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

Hỏi:

-Ba tôi bị nổi ban rồi bị viêm phổi, phải vào nhà thương. Được chẩn đoán là sởi. Xin cho biết có đúng không? Vì tôi vẫn nghĩ chỉ con nít mới bị sởi.

-Người lớn có cần chích ngừa sởi không? Những ai cần chích? Ngoài ra cần chích ngừa các loại bệnh gì khác?

-Bị sởi có cần uống trụ sinh không? Phải chữa như thế nào?

-Khi bị nổi ban đỏ, làm sao biết là bị ban sởi hay ban gì khác? 

Đáp:

Sởi (tiếng Anh là measles hay rubeola), là một loại nhiễm trùng ở vùng mũi, khí quản và phổi. Bệnh rất dễ lây từ người này sang người khác, qua những hạt li ti (droplets) do người bệnh ho hay ách xì (hắt hơi).  Những hạt li ti này có thể đi vào cơ thể để lây bệnh cho ta khi ta hít phải không khí có chứa các hạt này do người bệnh ho ra, hay đụng vào những chỗ bị dính những hạt đó rồi sờ vào niêm mạc mắt, mũi, miệng của mình.

Bệnh có thể bắt đầu lây lan từ người bệnh ngay từ hai ngày trước khi triệu chứng xuất hiện (hay ba đến năm ngày trước khi ban sởi hiện ra) ở người bệnh, cho đến bốn ngày sau khi ban sởi biến mất.

Sởi ở trẻ em, thường vừa hay nhẹ với các triệu chứng như cảm và nổi ban sởi. Các biến chứng của sởi ở trẻ em có thể là viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm thanh khí quản với các cơn ho dữ dội (croup).

Bệnh sởi, nếu xuất hiện ở người lớn, thường có khuynh hướng nặng hơn là ở trẻ em. Biến chứng viêm phổi do sởi ở người lớn tuổi là chuyện không hiếm gặp ở các trường hợp cần phải nhập viện.

Trong các trường hợp rất nặng, hiếm hơn một phần ngàn các trường hợp, sởi có thể gây nhiễm trùng não (encephalitis), với các biến chứng gây kinh phong (seizures), hôn mê và chết, cũng như các biến chứng kéo dài như bị chậm phát triển tâm thần hoặc kinh giật mạn tính (epilepsy). Trong một số trường hợp rất hiếm gặp, sởi có thể tấn công vào cơ tim, gan hoặc thận. Phụ nữ đang có bầu nếu bị sởi sẽ có nguy cơ cao hơn bị sẩy thai, sanh non, hoặc sanh con bị thiếu cân.

Đặc điểm chính của sởi là ban sởi. Thông thường, đó là ban không ngứa với những chấm hồng hay đỏ tươi. Ban sởi luôn luôn bắt đầu từ chân tóc và sau tai, rồi lan xuống cổ, thân mình, tay và chân, rồi đến bàn tay, bàn chân. Sau khoảng bốn ngày, ban bắt đầu mờ dần theo thứ tự xuất hiện như kể trên. Sau khi mờ đi, ban có thể để lại những đốm mờ màu nâu với vẩy nhỏ, cũng sẽ biến mất trong vòng hai, ba ngày sau đó. Một số bệnh nhân có thể nổi hạch lớn, bị tiêu chảy và ói mửa.

Nếu không có biến chứng, bệnh sởi thường kéo dài khoảng 10 ngày.

Các bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, như HIV, bị ung thư máu (leukemia), ung thư hạch (lymphoma), thường dễ bị các biến chứng nặng hơn (đã kể trên), và có thể không xuất hiện ban sởi một cách rõ ràng, điển hình, như kể trên.

Để chữa trị, bệnh nhân thường chỉ cần nghỉ ngơi, dùng máy phun hơi lạnh (cool-mist humidifier) để giảm các triệu chứng hô hấp và giảm ho, và dùng Tylenol để trị sốt, giảm rêm mình rêm mẩy.

Cần chú ý là tuyệt đối không dùng aspirin ở trẻ em bị sởi, vì có thể dẫn đến biến chứng trầm trọng gọi là hội chứng Reye (Reye’s syndrome) có thể làm tổn thương gan và não, dẫn đến hôn mê và tử vong.

Chỉ trong các trường hợp bị các biến chứng nhiễm trùng như viêm tai giữa, viêm phổi, bác sĩ mới cần cho dùng thuốc kháng sinh.

Dĩ nhiên, khi thấy bệnh, nổi ban, không rõ là gì, thì tốt nhất là đến bác sĩ để có chẩn đoán chính xác và điều trị thích hợp.

Đại đa số bệnh nhân sởi thường tự khỏi mà không có biến chứng. Khoảng 3% bệnh nhân người lớn bị sởi xuất hiện biến chứng viêm phổi nặng đến mức cần nhập viện. Tử vong do biến chứng của sởi tương đối hiếm gặp, chỉ khoảng một đến hai phần ngàn, thường ở trẻ sơ sinh, người lớn tuổi và những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch.

Thân mến

www.nguyentranhoang.com
(714) 531-7930

Mỹ truy tố 412 người gian lận bảo hiểm y tế hơn $1 tỉ