Tuesday, March 19, 2024

Nhớ Đinh Cường.

Phạm Xuân Đài

Họa sĩ Đinh Cường sinh năm 1939 tại Thủ Dầu Một, VN, sống ở Huế, Đà Lạt và Sài Gòn cho tới năm 1989. Hiện ông cư ngụ tại Burke, Virginia, Hoa Kỳ. Ông là học sinh trường Pétrus Ký Sài Gòn, tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật Huế năm 1963 và tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Quốc Gia, Sài Gòn năm 1964, từng giảng dạy tại trường Đồng Khánh, và sau đó là Trường Mỹ Thuật Huế. Ông đã 25 lần tổ chức triển lãm độc lập và 21 lần tham dự các cuộc triển lãm tập thể trong suốt thời gian từ năm 1965 tới 2006, từng đoạt huy chương bạc liên tiếp hai năm 1962, 1963 tại Triển Lãm Xuân, Sài Gòn và đoạt giải danh dự của Tòa Đại Sứ Trung Hoa tại Sài Gòn, VN.

Họa sĩ Đinh Cường đã từ trần vào đêm Thứ Năm ngày 7 tháng 1-2016 tại một bệnh viện ở tiểu bang Virginia.


Nhớ Đinh Cường

Tuần qua, trong khi xem lại một số giấy tờ cũ, tôi tình cờ thấy mấy bức thư của họa sĩ Đinh Cường.

Trong thời gian tôi làm báo Thế Kỷ 21 từ năm 1993 đến 2007 tại Quận Cam California, Đinh Cường là một trong những họa sĩ thường liên lạc với tòa soạn nhất. Thư từ anh gửi phần lớn qua đường bưu điện chứ không mấy khi dùng email, lý do dễ hiểu là anh thường gửi các mẫu tranh để làm bìa báo, hoặc các vignettes để giúp tòa soạn trong việc trình bày trang báo. Cũng nhiều khi chỉ là vài lời thăm hỏi viết trên một tấm thiệp, hoặc thông báo một sinh hoạt nghệ thuật tạo hình nơi anh đang sống.

Nhớ lại, niên khóa 1957-58 tôi từ miền Trung vào học Đệ Tam C tại trường Trương Vĩnh Ký Sài Gòn, tết năm ấy trên tờ báo Xuân của trường tôi lần đầu tiên thấy tên Đinh Cường. Lúc đó anh đang học Đệ Nhất, hơn tôi hai lớp, viết một bài báo về họa sĩ Picasso. Là dân tỉnh lẻ mới vào học ở thủ đô, tôi lấy làm phục cách làm báo xuân quy mô của một trường lớn, và rất lạ là cho tới bây giờ hai cái tên Picasso và Đinh Cường là cái duy nhất tôi còn nhớ lại từ tờ báo ngày ấy.

Năm 1966, khi chúng tôi một nhóm giáo chức tổ chức Chương Trình Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường (CPS) trụ sở đóng tại các nhà tiền chế trên nền cũ của Khám Lớn Sài Gòn thì ít lâu sau có ngay một số láng giềng đáng mến: Hội Họa Sĩ Trẻ, rồi đoàn Văn Nghệ Nguồn Sống cũng đến đặt trụ sở trên miếng đất rộng mênh mông này. Tại hội Họa Sĩ Trẻ tôi thường gặp các bạn Hồ Thành Đức, Nguyễn Trung, Nghiêu Đề, Trịnh Cung… nhưng ít khi gặp Đinh Cường. Có thể nói các năm 1966, 1967 là thời gian sinh hoạt của giới trẻ Sài Gòn đạt những thành tựu rất đẹp. Từ cái nền của nhà tù khét tiếng thời thực dân ấy, một sức trẻ vươn lên với tất cả thiện chí, tài hoa và tinh thần phục vụ xã hội rất cao. Trên vết tích u ám của quá khứ ấy đã xuất phát biết bao trại công tác đi về vùng giới tuyến, trại cứu trợ bão lụt miền Trung, công tác cứu trợ nạn nhân chiến tranh…; tại cái sân khấu đơn sơ nghèo nàn của quán Văn trước sân trụ sở CPS, Khánh Ly đi chân đất đứng trên một cái két bia bằng gỗ để hát nhạc Trịnh Công Sơn với tiếng đàn đệm và tiếng hát bè của nhạc sĩ họ Trịnh, hết tối này qua tối khác mang lại một cảm hứng nghệ thuật mới mẻ dạt dào; các sáng tác hội họa của các bạn “họa sĩ trẻ”, một lứa nghệ sĩ đầy tài năng và tài hoa của một miền Nam đầy tai họa chiến tranh…

Bức tranh “Bóng Chim Soi Dòng Thời Gian” của Đinh Cường (bên phải)

… Rồi mãi đến khi ra hải ngoại. Tôi làm báo ở Nam Cali, Đinh Cường vẽ vời và làm thơ ở tiểu bang Virginia bên cạnh thủ đô nước Mỹ. Dù không mấy khi gặp nhau, vẫn gần gũi qua thư từ, nhất là những bức tranh dùng làm bìa báo bạn tặng. Cường biết sự khó nhọc và khó khăn của nghề làm báo, nên lúc nào cũng hỗ trợ và khuyến khích. Khoảng cuối năm 2006 bạn qua Quận Cam chơi, ghé thăm “tòa soạn” của báo Thế Kỷ 21, tức nơi tôi cư ngụ, một cái mobile home trên đường Bolsa. Cường có vẻ thích căn nhà nhỏ, bên ngoài có mảnh vườn chút xíu với nhiều hoa lá, đặc biệt giàn bông giấy đỏ rực ở hiên, bên trong đơn sơ đạm bạc. Cường đi quanh chỗ phòng khách và phòng ăn, nhìn trên tường đã đầy tranh của Hồ Thành Đức, Nguyễn Trọng Khôi, Khánh Trường… cuối cùng tìm ra được một chỗ trống là cái hông của tủ để TV ở phòng khách, bề ngang chỉ khoảng nửa thước, liền nói với tôi: “Tôi sẽ gửi tặng ông một bức tranh nhỏ để treo chỗ này.” Tôi cảm động vì từ khi vào nhà, Cường cố tình tìm một chỗ để treo một bức tranh mà Cường định tặng tôi, nhưng nhà nhỏ, không gian treo tranh rất ít ỏi…

Độ nửa tháng sau tôi nhận được bức tranh qua đường bưu điện, kích thước vừa để treo nơi Cường đã chọn, nhưng tôi không treo ở đó mà dọn dẹp một nơi khác trang trọng hơn cho bức tranh của người bạn quý. Cùng với bức tranh, Cường gửi cho tôi mấy dòng viết trong một tấm thiệp đề ngày 1 tháng Sáu năm 2007, và bản copy bài viết về bông giấy của Huỳnh Hữu Cửu mà chúng tôi cho đăng lại trong số này.

Mới đó mà đã mười năm rồi. Bức tranh của Đinh Cường đã ở cùng chúng tôi mười năm. Tôi cũng đã ngưng làm tờ Thế Kỷ 21 đúng mười năm.

Và Đinh Cường, cuối cùng cũng đã rời bỏ chúng ta.

12 tháng 8, 2017
Phạm Xuân Đài

[disqus_shortcode_codeable]