Thursday, March 28, 2024

Giá Tự Do

Lời giới thiệu

Cuộc di tản tị nạn của người Việt là một biến cố cực kỳ quan trọng vào cuối thế kỷ 20, vĩ đại hơn ba cuộc vượt biển của các nước khác cũng vào thời kỳ đó vì đấy là thảm trạng can đảm, hiểm nguy và thương tâm, đã đánh động lòng nhân đạo của loài người. Hành trang họ mang theo chỉ có một ý chí tự do và thế hệ con cái là tài sản quí báu nhất được cha anh hy sinh bảo toàn mong được hưởng một nền giáo dục văn minh nhân bản tại nơi lập cư.

Cộng Đồng người Việt tị nạn hải ngoại chính thức thành hình vì đã bị Cộng sản dồn vào thế phải ra đi để tránh bị bạc đãi, khinh bỉ, đối xử tàn tệ, đầy đọa và hành hạ. Nhiều người ngoại quốc đã từng ngoảnh mặt trước sự háo chiến xâm lăng của Bắc Việt, nay mở rộng vòng tay đón người tị nạn, họ đã hiểu rõ lý do của sự hy sinh, liều mạng sống của thuyền nhân, tận tình ra tay cứu giúp người mới đến định cư.

Những năm đầu vất vả làm lại cuộc sống, tuy lợi tức chẳng bao nhiêu, người tị nạn cũng không quên nhiệm vụ thương yêu những đồng bào cùng cảnh ngộ còn ở lại, dành dụm gởi những thùng quà, thuốc men, tiền bạc để giúp đỡ người ở nhà, giải cứu tình trạng hầu như phá sản tại Việt Nam trong thập niên 75-85.

Ông Lâm Vĩnh Bình trong «Giá Tự Do» đã mở rộng công trình nghiên cứu bằng cách trình bày tình trạng người Việt hải ngoại tị nạn sinh sống tại 14 nước trên thế giới tự do, người Việt xuất khẩu lao động và du sinh Việt Nam. Ông tỉ mỉ phân tích từng nước về tiến trình lập cư, phân phối dân số, học lực, độ gia nhập xã hội mà ông chia thành tiêu nhập và hội nhập. Ngay từ lúc đầu. người Việt tị nạn đã tổ chức sống tập đoàn thành cộng đồng có sinh hoạt chung trong nhiều lãnh vực, những cuộc tranh đấu chính trị của khối người Việt tị nạn đã làm Cộng sản nể sợ.

Cán bộ tuyên vận cao cấp của Cộng sản như Nguyễn Ngọc Hà, Trần Trọng Đăng Đàn, tuy khoác lác biểu dương khí thế nhưng vẫn không che giấu được nỗi lo sợ trước sức mạnh của lực lượng người Việt tị nạn. Đó là lý do khiến Phan Diễn trong Bộ Chính Trị đề ra Nghị Quyết 36 ký ngày 26-3-2004 với 9 nhiệm vụ chủ yếu để đánh phá sinh hoạt các cộng đồng người Việt.

Về văn học, tuy không phong phú như khoảng thời gian 20 năm ở miền Nam, nền văn học lưu vong nặng về phần hồi ký là chứng tích lịch sử, ghi lại các thảm trạng. Bởi, trong bóng đêm câm lặng của nền chính trị hậu Cộng sản trên thế giới, nếu không nói lên là đồng lõa với tội ác, giá trị lịch sử của trí nhớ là đối thoại với lương tâm, đả phá bất công của im lặng. Nếu cuộc chiến huynh đệ tuơng tàn gây ra từ dối trá, điêu ngoa, phỉnh gạt của nhà cầm quyền miền Bắc và tội ác của Cộng Sản không có công lý phân xử thì sách vở chứng tích là lịch sử lên án thay cho tòa án. Gần đây, bóng dáng của những nhà văn trẻ, và những tác phẩm ngoại ngữ về hậu quả chiến tranh Việt Nam là tín hiệu văn học Việt Nam đang đi vào trào lưu hiện đại của thế giới.

Ba mươi chín năm qua, đa số người Việt tị nạn đã sống quá nửa đời người ở hải ngoại. Họ sinh hoạt thế nào, thành quả ra sao, có hòa nhập vào cuộc sống của người bản xứ chưa, họ để lại cho con cháu những gì? «Giá Tự Do» sẽ có con số giải đáp. Nhìn về những tháng năm sắp tới, nhiều câu hỏi và nhận định bi quan mở lối cho những âu lo đối với những ai quan tâm đến tương lai. Người lớn tuổi đã thực hiện được gì so với hoài bão lúc ra đi. Lời nguyền năm xưa có phai mờ, biến đổi? Đối với một số người, ước mơ khi xuống thuyền vượt biển trở thành vô cảm thờ ơ. Cộng thêm vào đó những can thiệp vận động của cường quyền vô đạo làm nản chí người có thiện tâm.

Xã hội ngày nay biến chuyển theo tốc độ phản lực, tác dụng toàn cầu hóa trên kỹ thuật, văn hóa, truyền thông, kinh tế tiêu thụ khiển con người vật chất chỉ biết tiêu xài thụ hưởng. Có mấy ai nghĩ rằng con người không phải là con vật thuần túy kinh tế, mà là con vật sinh học xã hội (bio-social) mà những tác động xã hội phải đáp ứng bốn chức năng, sinh học: cung cấp nhu cầu thể chất, sinh lý, vật dụng, tâm trí: thoả mãn những khát vọng tinh thần, xã hội: đặt ra những định chuẩn nối kết các thành phần trong xã hội, văn hóa: thăng tiến giá trị, tiêu chuẩn và lý tưởng hướng dẫn hành động con người. Ba mươi chín năm sau nữa, những người hiện nay dưới 40 tuổi sẽ nói gì với những em bé hôm nay chưa ra đời, khi mà dân số tăng trưởng, môi trường biến đổi, lớp người côn đồ cai trị tại Việt Nam đã chết đi. Chúng ta không phải chờ, quê hương như mảnh đất chưa khai phá, còn rất nhiều lãnh vực cho lớp tuổi trẻ ngày nay tìm hiểu, nghiên cứu, can thiệp. Đưa môi trường sinh thái đến người dân, nâng cao nền giáo dục, thăng tiến sức khỏe, bảo vệ quyền tự do của con người, đó chỉ là những gợi ý sơ lược.

Bảy mươi năm sau ngày công bố bản Tuyên ngôn vô sản 1848, chế độ Cộng sản thành hình, 70 năm sau chế độ Cộng sản thế giới sụp đổ, đã gần 70 năm Cộng sản Việt Nam tàn phá đất nước, hãy tin tưởng vào những năm tháng sắp tới.

 

Giá tự do có cao, tương lai sẽ đền bù cho những hy sinh lớn lao của tập thể người Việt tị nạn.

Cảm ơn anh bạn Lâm Vĩnh Bình đã cho chúng ta suy gẫm và hy vọng.

Phạm Hữu Trác

  • Tác Giả: Lâm Vĩnh Bình
  • Bìa Mềm
  • Số Trang: 428
  • Kích Thước: Cao 9″ x Rộng 6″ x Dầy 1.1″
  • Trọng Lượng: 1.6 lbs

Sách có bán tại các tiệm sách địa phương, tại tòa soạn Nhật Báo Người Việt hoặc trên online www.nguoivietshop.com

Nguoi Viet Shop
sách Khoa Học Tây Phương và Triết Lý Phương Đông của tác giả Kiều Tiến Dũng - www.nguoivietshop.com

Mời độc giả xem chương trình du lịch “Thánh địa Israel” (Phần 1)

MỚI CẬP NHẬT