Người Việt Shop

Khoa Học Phương Tây và Triết Lý Phương Đông

Lời mở đầu

Tôi bắt đầu đam mê toán học và nhất là vật lý hồi từ còn nhỏ. Không nhớ chính xác là từ lúc nào, chỉ còn nhớ cái động lực đã thúc đẩy tôi để cố gắng vượt bao khó khăn, để chấp nhận hy sinh nhiều thứ khác. Động lực đó đã theo đuổi và giúp tôi từ những giải nhất toàn trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký, đến huy chương vàng toàn đại học và văn bằng tiến sĩ ở xứ người, và nó vẫn còn thôi thúc tôi mãi đến ngày hôm nay sau bao năm dài tháng rộng.

Động lực đó không đến từ đâu khác hơn là từ cái mơ ước được đóng góp cho đất nước qua khả năng, kiến thức khoa học của mình. Ước mơ cho một Việt Nam bớt nghèo khó có lẽ đã đi vào tiềm thức của tôi từ cuộc sống xa cha mẹ, rày đây mai đó của một thời thơ ấu. Tôi được sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, được nuôi dưỡng bằng dòng sữa mẹ thì ít mà phần lớn là bằng sữa đặc có đường mà mẹ tôi, một nữ quân nhân, đã mua được từ cửa hàng quân tiếp vụ. Rồi thằng bé lưu lạc qua nhiều vùng đất nước để phải chứng kiến tận mắt một quê hương đắm chìm trong khói lửa, vô cùng nghèo khó.

Tôi vẫn còn nhớ rõ một giờ vật lý ở trung học đã định hướng toàn bộ cuộc đời mình. Thầy tôi nói về hiện tượng siêu dẫn (superconductivity) khi dòng điện được chuyển lưu không bị cản trở gì cả, và do đó năng lượng không bị thất thoát trên đường tới nơi tiêu dùng. Vấn đề là hiện tượng siêu dẫn đó chỉ có thể có được ở một nhiệt độ rất thấp (chỉ cao hơn nhiệt độ zero tuyệt đối, âm 273 độ C, vài độ mà thôi) nên không thể áp dụng được cho các đường dây dẫn điện ngoài đường. Vậy nếu nhiệt độ siêu dẫn được nâng lên cao hơn thì ích lợi bao nhiêu! Chính cái nhận xét và ước muốn ngây thơ, đơn giản này đã chọn cho tôi con đường khoa học từ ngay lúc ấy.

Vào khoảng mười năm sau đó, vào năm 1986 các nhà khoa học người Đức đã tìm được các chất siêu dẫn ở nhiệt độ cao (high critical temperature). Nhưng mãi cho tới nay vẫn chưa có một lý thuyết thỏa đáng cho hiện tượng ở nhiệt độ cao này. Đây là một cơ hội cho giấc mơ thời thơ ấu, nhưng nhìn lại mình với tài hèn sức mọn không những chưa thể góp công gì trong thuyết siêu dẫn mà cũng chưa thể đóng góp được gì trực tiếp cho quê hương:

Bao nhiêu năm muộn lời thề

Bao nhiêu năm lẻ bên lề quê hương

Thế giới khoa học và toán học còn là một thế giới thanh bình, an toàn cho thằng bé tôi co mình nương náu. Nó khác hẳn với cái thế giới ngoài kia thằng bé đã sống với chiến tranh từng ngày, bom đạn từng đêm, tang thương từng giờ. Nó có ý nghĩa, có trình tự logic của tiền đề, định lý và hệ quả. Nó không như những gì tôi chứng kiến trong ngày 30/4/1975 với bao hỗn loạn chia lìa, với bao đòn thù giáng trên đầu những người cùng huyết thống, với bao lọc lừa và dối trá –những lừa lọc và dối trá vẫn còn tiếp diễn mãi hơn 40 năm sau.

Từ khoa học, nhất là khoa học vật lý, đi đến triết học cũng rất gần, nhưng tôi đã không có cơ hội để học hỏi nhiều về các triết học đông phương khi còn ở Việt Nam. Khi tôi mới lớn thì các môn triết đã bị cấm tiệt, ngoại trừ bộ môn gọi là triết học Marx-Lenin. Ngay đến cả sách vở cũng không được phép lưu giữ. Nhiều sách đã bị đốt cũng chỉ vì chúng được in trong chế độ cũ, chỉ vì chúng chứa đựng những tư tưởng bị coi là nguy hiểm, là kẻ thù của giai cấp, chỉ vì chúng không tuân theo giáo điều cộng sản.

Đốt sách để tiêu diệt văn hóa là việc làm của kẻ xâm lăng, vào năm 1414 nhà Minh đã tiêu hủy bao ấn phẩm của nước Nam hòng triệt tiêu văn hóa ta. Thì chính người cộng sản Việt Nam cũng đã đốt bao tập sách vào những năm 1954 và 1975, nguyên nhân cũng chẳng ngoài sự lo sợ những tư tưởng nhân bản. Họ đốt sách cũng chẳng ngoài mục đích ngu dân, viết lại lịch sử, và tìm cách tuyên truyền lấp liếm sự thật những gì nhà cầm quyền đương thời đã và đang làm.

Nhưng họ đã sai lầm, như Tần Thủy Hoàng đã từng sai lầm. Sách dễ đốt, người có thể nhốt, nhưng tư tưởng và nhất là tinh thần và ý chí con người thì không.

*

Qua tới xứ người tôi mới có thể tìm đọc về triết lý đông phương, phần lớn qua các sách ngoại ngữ, và đã phải ngạc nhiên và vô cùng thích thú với những tương đồng với khoa học tây phương, giữa hai hệ thống cách biệt nhau rất xa về thời gian lẫn không gian này.

Dĩ nhiên chúng vẫn có những dị biệt, nhất là từ điểm khởi đầu, từ trong phương pháp lý luận, từ cách phân tích toán học và tổng hợp suy luận. Nhưng chúng lại có không ít những tương đồng; nhất là những tương đồng ở ngay trong căn bản, cốt lõi và nền tảng.

Kinh Dịch, Lão Học và Phật Học của triết học đông phương đã có một lịch sử lâu dài hàng mấy nghìn năm nay. Trong khi đó cái ta gọi là khoa học phương tây hiện đại chỉ mới được bắt đầu khoảng 500 năm trước đây. Tuy có khởi đầu khác biệt; nhưng cả hai đều cùng song song trên con đường đi tìm sự thật. Nếu có một, và chỉ một, sự thật sau cùng thì chúng trước sau gì cũng phải có những điểm hội tụ và phải được phản ánh qua các điểm tương đồng.

Họa sĩ Vũ Khải Cơ đã giúp tôi trình bày ý tưởng liên kết Đông Tây này ở bìa cuốn sách với hình ảnh một cây cầu nối liền hai kiến trúc Đông và Tây. Cây cầu lại cùng kết hợp với chính hình bóng phản chiếu của mình trên dòng sông, một thực một hư, để vẽ nên con số tám nằm ngang; và đây cũng chính là biểu tượng vô tận của toán học để nói lên cái vô cùng của sự học và cái bao quát của một chân lý sau cùng.

Những bài viết trong tập sách này là nhằm để trình bày và chia sẻ những nhận xét cá nhân, cùng với ước muốn được trao đổi và học hỏi thêm từ người đọc. Phần chính là 14 bài viết về những tương đồng của hai hệ thống Đông và Tây ở nhiều khía cạnh khác nhau. Phần lớn các bài đã được phát thanh trên làn sóng Hồn Việt Radio tại Úc Châu vào năm 2013. Tôi cũng muốn nhân đây chuyển đạt lời chân thành cám ơn anh Quốc Việt Trần Như Hùng đã góp ý và động viên rất nhiều. Phần phụ lục của tập sách bao gồm một số bài viết có các chủ để khác nhau, nhưng cũng được gom lại nơi đây để phản ảnh một số ý kiến riêng tư của tác giả.

Nếu không có sự sự hổ trợ và khuyến khích của rất nhiều bạn hữu và gia đình về mọi mặt thì chắc chắn đã không có tập sách này. Tôi chân thành tri ân tất cả. Nhưng dĩ nhiên mọi khiếm khuyết và sai sót không tránh được ở đây là của riêng cá nhân tôi mà thôi.

Tuy biết sức mình nhỏ bé nhưng tôi vẫn mong góp nhặt nơi đây những suy nghĩ thiển cận như những viên gạch lót một con đường vô tận, như một nhịp trên cây cầu nối liền Đông và Tây. Với đề tài rộng lớn của hai lãnh vực khoa học phương tây và triết lý phương đông mênh mông, chắc chắn tôi còn vướng mắc nhiều sai sót. Nhưng đây là điều không tránh khỏi trong quá trình nghiên cứu học hỏi; và chính đó lại cần thiết cho ta có thể nhích gần hơn nữa tới chân, thiện, mỹ. Xin được đón nhận mọi góp ý để sửa sai và cùng học hỏi.

Kiều Tiến Dũng

Mùa Đông 2016

Melbourne, Úc Châu

  • Tác Giả: Kiều Tiến Dũng
  • Bìa Mềm
  • Số Trang: 340
  • Kích Thước: Cao 8.5″ x Rộng 5.5″ x Dầy 0.8″
  • Trọng Lượng: 1.1 lbs

Sách có bán tại các tiệm sách địa phương, tại tòa soạn Nhật Báo Người Việt hoặc trên online www.nguoivietshop.com


Disqus Comments Loading...
Share

Recent Posts

  • Hoa Kỳ

4 cư dân Nam California lãnh án tù vì tham gia bạo loạn Quốc Hội

Bốn bị cáo này tự nhận là thành viên “Three Percenters,” một nhóm bị tổ…

3 mins ago
  • Thể Thao

Mỹ được dự đoán sẽ dẫn đầu về huy chương tại Thế Vận Hội Paris

Đội tuyển Hoa Kỳ được kỳ vọng sẽ một lần nữa đứng đầu bảng tổng…

6 mins ago
  • Việt Nam

Vụ Tịnh Thất Bồng Lai: Ông Lê Tùng Vân bị khởi tố với cáo buộc ‘loạn luân’

Ông Lê Tùng Vân, 92 tuổi, ở Tịnh Thất Bồng Lai, tỉnh Long An, bất…

6 mins ago
  • Little Saigon

Trung tâm thương mại lớn sát Little Saigon ra giá bán $300 triệu

Các chủ nhân trung tâm thương mại Bella Terra, rộng 853,000 sq ft ở Huntington…

6 mins ago
  • Hoa Kỳ

Cảnh sát tiểu bang California trấn áp tội phạm ăn cắp, bắt gần 500 người

Cảnh sát tiểu bang California (CHP) chỉ trong ba tháng đầu năm đã bắt giữ…

26 mins ago
  • Hoa Kỳ

Cựu nhân viên Biên Phòng nhận tội bắt cóc, làm vợ thiệt mạng

Một cư dân Covina, từng làm nhân viên Cơ Quan Quan Thuế và Biên Phòng…

36 mins ago

This website uses cookies.