Thursday, April 18, 2024

Lược Khảo Nền Hành Chánh Việt Nam – Từ Thời Lập Quốc Đến Hiện Đại

LỜI MỞ ĐẦU

Lịch sử Việt Nam khởi đi từ thời lập quốc; vào thời điểm đầu tiên này, cơ cấu hành chánh của đất nước còn rất đơn sơ; nó được bắt đầu từ sự tập hợp của một số bộ lạc, vì thế mối liên hệ giữa chính quyền và người dân còn tương đối lỏng lẻo. Sinh hoạt xã hội chỉ mới thu gọn trong một vài mục đích cơ bản để thỏa mãn nhu cầu đói ăn, khát uống, mặc ấm trong khung cảnh của đời sống tự nhiên phải đối diện với thiên tai, lụt lội… Con người chưa có nhu cầu phải xây dựng lực lượng quốc phòng; kinh tế chưa phát triển… Có thể khi ấy con người đã tìm ra lửa để sưởi ấm, để nấu chín thức ăn… Nhưng chưa ra khỏi đời sống du canh; phương tiện giao thông chưa thành hình và tương giao giữa đồng loại với nhau còn rất đơn giản; nhưng nhu cầu chung của tập thể lúc này đòi hỏi phải có là sự dẫn đạo; để thành đạt một vài công tác chung, mang tính tập thể; để bước dần vào đời sống định canh và định cư. Đó là khởi đầu của giai đoạn hợp tác và học hỏi để tiến bộ.

Qua thời gian, những khám phá về việc trồng lúa nước, đây là khởi đểm của giai đoạn định canh và định cư, biết hợp tác để săn bắn, bắt cá, tôm để biến chế thành thực phẩm, cung ứng cho đời sống hàng ngày.

Sự hợp tác này đã dần dần đưa đến việc phân chia công việc giữa cá nhân này với cá nhân khác; như trong gia đình giữa người nam và người nữ; cũng như giữa giới trẻ và người cao tuổi.

Rồi ngày qua ngày, kinh nghiệm của đời sống được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ sau, tích lũy và được lưu truyền để hình thành xã hội.

Tất cả những nhu cầu của đời sống trao đổi giữa gia đình này với gia đình khác, cứ ngày qua ngày, được mở rộng thêm ra; để trở thành mối tương giao gần cận của làng, xóm.

Khi làng, xóm được phát triển, dân số của địa phương ngày thêm đông đúc, người ta nghĩ đến việc suy cử một người nào đó đứng ra gánh vác công việc chung; người được suy cử, từ đó trở thành người lãnh đạo của tập thể, của làng, xóm. Rồi tất cả những người lãnh đạo các tập thể, hội tụ lại để tìm ra một người lãnh đạo chung cho cả toàn khu vực; sau này trở thành một tiểu quốc trong chế độ phong kiến. Sau cùng, các tiểu quốc thống hợp lại để trở hành quốc gia; có lẽ việc các vua Hùng dựng nước Văn Lang thuở xa xưa đã phát triển theo trình tự như thế.

Những vị vua đầu tiên, rồi tiếp nối sau đó của tập thể Lạc Việt, chính là các vị vua Hùng mà sau này sử sách ghi lại là triều đại “Hùng Vương”. Các vua Hùng đã chọn một vị trí thuận tiện để dễ bề liên lạc với các bộ lạc mà điều hành sinh hoạt quốc gia. Những người cộng tác với các vua Hùng sau này cũng được đặt cho một tên chung để cùng vua Hùng lo toan việc “nước”, việc “làng”. Ở trung ương kề cận bên vua là các Lạc Hầu, Lạc Tướng; ở địa phương là các Bồ Chính đại diện cho vua Hùng tại các địa phương.

Các vua Hùng là người đứng đầu quốc gia Văn Lang, con trai trưởng của vua Hùng (Quan Lang) được hưởng tục cha truyền con nối; con gái được gọi là Mỵ Nương. Con cháu của các Lạc Hầu, Lạc Tướng cũng được hưởng lệ “Tập Ấm” mà tiếp tục nhiệm vụ Lạc Hầu, Lạc Tướng.

Giai đoạn lập quốc của triều đại Hùng Vương theo chính sử kéo dài qua 18 triều vua đã thể hiện được sự thống nhất quốc gia cũng như về phương cách điều hành và quản trị đất nước, tất cả được kể là ổn định và hài hòa.

Sau biến cố Thục Phán chủ tể của cộng đồng Âu Việt một nhà nước kế cận nước Văn Lang đã sang xâm chiếm triều đình của Vua Hùng, rồi kết hợp hai nhà nước (Âu Việt và Lạc Việt) mà lập thành nhà nước Âu Lạc. Sự thành lập nhà nước Âu Lạc được ghi lại trong chính sử vào năm 258 trước Tây lịch kỷ nguyên (-258). Vua Âu Lạc tự xưng là An Dương Vương dời đô về Bạch Hạc rồi cho xây thành Cổ Loa. Cách tổ chức và điều hành quốc gia của triều đại An Dương Vương cũng tương tự như của triều đại các vua Hùng. Có khác chăng là thời thế đã thay đổi, nhu cầu quốc phòng đã tăng cao bởi sự tương tranh lãnh thổ giữa các quốc gia lân bang, đang lan dần tới quốc gia Âu Lạc. Bởi lý do này An Dương Vương đã phải cấp tốc giao cho Cao Lỗ(*) xây dựng thành Cổ Loa, những mong có thể tự túc, tự phòng trong lâu dài.

Những tiên liệu của An Dương Vương về chiến tranh là đúng và đã biến thành sự thật. Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất nước Tầu đã đưa quân sang xâm lăng Âu Lạc. Thời nhà Tần sang xâm lăng, An Dương Vương giữ vững được quốc gia; nhưng sau khi Tần Thủy Hoàng chết (-211), nước Tầu đại loạn. Một viên tướng cũ của nhà Tần trấn nhậm ở Phiên Ngung tự xưng vương, lập ra một quốc gia mới ở cực nam nước Tần lấy tên là Nam Việt; rồi nuôi tham vọng chinh phục nước Âu Lạc của An Dương Vương.

Cuộc chinh phục nước Âu Lạc của Triệu Đà hoàn tất vào năm 208 trước công nguyên (-208), triều đại An Dương Vương sụp đổ, nước Âu Lạc bị sát nhập vào nước Nam Việt. Nhà Triệu chia nước Âu Lạc cũ của An Dương Vương ra làm hai quận là Giao Chỉ và Cửu Chân rồi cử hai viên Quan Sứ cai quản. Giúp việc cho hai viên Quan sứ nhà Triệu là một số quan chức gồm cả người Tầu và người Việt nhưng chế độ Lạc Hầu và Lạc Tướng thiết lập từ thời các vua Hùng vẫn được lưu dụng.

Cuộc chinh phục khởi đầu của Triệu Đà đã xóa tên nước Âu Lạc và đưa các sắc dân Việt cư ngụ tại hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân vào vòng đô hộ của chế độ quân chủ Tầu tới hơn 1000 năm (từ năm 208 trước công nguyên (-208) tới năm 905 sau tây lịch qua khá nhiều triều đại:

(1) Thời nhà Triệu từ (-208) đến (-111) TTL

(2) Thời nhà Tây Hán và Đông Hán từ (-111) tới 220 STL

Năm 111 trước công nguyên (-111) nhà Hán tiêu diệt nhà Triệu, rồi đem chia lãnh thổ nhà Triệu ra làm chín quận : Nam Hải, Hợp Phố (Quảng Đông ngày nay), Thương Ngô, Uất Lâm (Quảng Tây), Chu Nhai, Đạm Nhĩ (Đảo hải Nam), Giao chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam (vùng đất Âu Lạc cũ). Nhà Hán cho thành lập bộ Giao Chỉ gồm 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Bộ Giao chỉ thì giao cho Thứ sử cai quản; còn mỗi quận thì giao cho một Thái Thú. Năm 203, Bộ Giao chỉ được cải tên thành Giao Châu.

(3) Thời Đông Ngô (Tam Quốc) từ 220 tới 280

Năm 226 chính quyền Đông Ngô, chính thức chia Giao Châu thành bốn quận : Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố rồi giao cho Trần Thi làm Thứ Sử.

(4) Thời nhà Tấn (265 – 420)

(5) Thời Nam Bắc Triều (420 – 544)

Giao Châu trải qua ba giai đoạn :

Thuộc Lưu Tống (420 – 479) Giao Châu bị chia thành tám (8) quận : Giao chỉ, Tống Bình, Tân Xương, Vũ Bình, Nghĩa Xương, Cửu Chân, Cửu Đức và Nhật Nam.

Thuộc Nam Tề (479-502) Giao Châu vẫn giữ nguyên 8 quận.

Thời nhà Lương (502-541) có những thay đổi sau đây :

Quận Giao Chỉ đặt thêm ra quận Hoàng Châu, Ninh Hải;

Quận Nhật Nam đặt thêm ra quận Đức Châu, Lợi Châu, Minh Châu.

(6) Thời Tiền Lý dựng nền độc lập (544-602)

Lý Bôn nổi lên chống Tầu thành công lập ra nhà nước Vạn Xuân.

Lãnh thổ nước Vạn Xuân được chia ra làm 10 quận: Giao chỉ, Tống Bình, Vũ Bình, Tân Xương, Ninh Hải, Hoàng Châu, Ái Châu, Đức Châu, Lợi Châu và Minh Châu.

(7) Thuộc nhà Tùy (589-617) :

Nhà Tùy bỏ “Quận” lập “Châu”, nhưng chỉ có trên sắc chỉ, vì nhà Tùy tồn tại có 28 năm; khi ấy lãnh thổ Giao Châu chỉ còn 7 Quận : Giao chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Tỷ Ảnh, Hải Âm, Tượng Lâm và Ninh Việt.

(8) Thuộc nhà Đường (618-905)

Dưới triều nhà Đường, Giao châu có những thay đổi sau đây:

Năm 679, Giao Châu được đổi tên thành An Nam Đô Hộ Phủ;

Năm 757, An Nam Đô Hộ Phủ đổi tên thành Trấn Nam Đô Hộ Phủ;

Năm 866, Nhà Đường lấy tên lại là An Nam Đô Hộ Phủ, rồi sau đó đổi thành Tĩnh Hải Quân.

Tĩnh Hải Quân đứng đầu bởi một Tiết Độ Sứ; nhà Đường chia Tĩnh Hải Quân ra làm 12 Châu : Giao Châu, Lục Châu, Phúc Lộc Châu, Phong Châu, Thang Châu, Trường Châu, Chi Châu, Võ Nga Châu, Võ An Châu, Ái Châu, Hoan Châu, Diễn Châu.

(9) Thời Tiền Tự chủ (906-1009)

Năm 905, triều đình nhà Đường suy đồi, Tĩnh Hải Quân không có (trống) Tiết Độ Sứ, Khúc Hạo một vị Hào trưởng ở đất Hồng Châu (Hải Dương) đã tự mình tiếp quản thành Đại La, rồi tự xưng là Tiết Độ Sứ tại Tĩnh Hải Quân (vẫn tuân phục nhà Đường); ông được quyền thần nhà Đường là Chu Ôn chấp nhận. Họ Khúc sửa lại chế độ hành chánh, rồi cai trị Tĩnh Hải Quân được 3 đời (906-923) khai mở giai đoạn độc lập tự chủ cho nước ta khỏi ách đô hộ của người Tầu. Lãnh thổ Tĩnh Hải Quân thời họ Khúc vẫn là 12 Châu như thời nhà Đường cộng thêm châu Ki Mi ở vùng núi (thượng du).

Thời Tiền Tự Chủ lần lượt trải qua 9 biến động sau đây :

1- Họ Khúc giữ chức Tiết Độ Sứ tại Tĩnh Hải Quân (906- 923);

2- Nam Hán tái chiếm Tĩnh Hải Quân (923-931);

3- Dương Diên Nghệ từ Nghệ An kéo quân ra đuổi quân Nam Hán khỏi Tĩnh Hải Quân, rồi xưng làm Tiết Độ Sứ (931-938)

4- Kiều Công Tiễn giết Dương Diên Nghệ rồi tự xưng làm Tiết Độ Sứ tại Tĩnh Hải Quân (938)

5- Ngô Quyền trấn thủ Ái Châu kéo quân ra tiêu diệt Kiều Công Tiễn (938)

6- Năm sau, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (938) lập ra nhà Ngô (939-965) và xưng là Ngô Vương Quyền.

7- Khi nhà Ngô suy vong, lãnh thổ tại Tĩnh Hải Quân đại loạn chia ra thành 12 Sứ Quân (965-967)

8- Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan 12 Sứ Quân, thống nhất lại Tĩnh Hải Quân lập ra nhà Đinh và xưng là Đinh Tiên Hoàng Đế (968-980) đóng đô ở Hoa Lư và lấy tên nước là Đại Cồ Việt .

9- Lê Hoàn thay Đinh Tiên Hoàng (sau khi bị Đỗ thích ám sát) lập ra nhà Tiền Lê (980-1009).

Thời Độc lập Tự chủ (1010-1884)

Sau khi Lê Long Đĩnh (vua cuối cùng của nhà Tiền Lê) chết, triều đình tôn Lý Công Uẩn lên làm vua, lập ra nhà Hậu Lý.

Nền độc lập tự chủ do Lý Công Uẩn khai sáng đã kéo dài tại Đại Việt hơn 800 năm (1010 – 1884) trải qua các triều đại: Hậu Lý (1010-1225), Trần (1225-1400), Hồ (1400-1407), Hậu Lê (1428-1527), Mạc (1527-1592), Lê Trung Hưng (1533-1788), Nguyễn Tây Sơn (1789-1802) và nhà Nguyễn (1802-1884) thời gian này thường được coi là thời Thịnh Nguyễn.

Trong gần 9 thế kỷ độc lập tự chủ, nước ta đã xây dựng được một nền hành chánh ổn định, biên cương được mở rộng về phương Nam, lãnh thổ từ 12 châu thời họ Khúc đã tăng lên 31 tỉnh thời vua Minh Mạng kéo dài từ Mục Nam Quan tới mũi Cà Mâu.

Cuối thế kỷ 18, cuộc chiến tranh cách mạng của 13 thuộc địa Anh quốc tại Bắc Mỹ (1775-1783) thành công và cuộc cách mạng về dân quyền tại Pháp năm 1789 đã đưa nước Pháp vào một giai đoạn mới. Rất không may cả hai biến cố lớn lao này đã chẳng mang lại cho nước ta một một bài học lịch sử sáng láng nào cả. Vì thế khi Pháp khởi sự xâm lăng nước ta vào năm 1858, vua quan của triều đình Huế hoàn toàn bị động. Rồi lần lượt qua các hiệp ước bất bình đẳng ký kết giữa Pháp và Đại Nam vào các năm 1862, 1874, 1883 và 1884 đất nước ta bị rơi vào vòng nô lệ của nước Pháp.

Dưới ách cai trị của nước Pháp, đất nước ta bị chia ra làm ba phần : Nam kỳ trở thành đất thuộc địa; Bắc Kỳ và Trung Kỳ trở thành đất bảo hộ; nhưng qui chế bảo hộ không rõ ràng như được ghi trong các hiệp ước bất bình đẳng giữa Pháp và Đại Nam; các vua quan nhà Nguyễn vẫn được Pháp duy trì tại Bắc và Trung Kỳ; nhưng vua quan nhà Nguyễn trở thành công chức chính ngạch của nhà nước Đông Pháp (Liên Bang Đông Dương) điều đó quả là một điều tang thương cho nước Đại Nam, biết đến bao giờ dân tộc ta mới rửa sạch được biến cố bi thương này!

Viết tới đây, tôi chợt nhớ tới bài viết trong tập Di Cảo (23/3/1994) của Gs. Trần Văn Binh có tựa đề là “Lược Khảo nền Hành chánh tại Nam Kỳ trong thời Pháp thuộc”; chính đề tài này đã gợi ý cho tác giả khởi sự viết cuốn biên khảo “Lược Khảo Nền Hành Chánh Việt Nam – Từ Thời Lập Quốc Đến Hiện Đại”.

Chủ đích chính của tác phẩm lược khảo này là trình bầy khu­ng cảnh của nền hành chánh Việt Nam từ thời lập quốc tới thời hiện đại (2879 TCN – 1975 SCN). Đặc biệt khi trình bầy về nền hành chánh Việt Nam, người viết còn mong muốn nối kết với các sự kiện lịch sử qua các triều đại quân chủ tại Việt Nam. Sự nối kết này là cốt để nhấn mạnh tới một số góc khuất của lịch sử, vốn có ảnh hưởng trực tiếp tới vận mệnh của dân tộc.

Góc khuất của lịch sử chính là những mảng trống của lịch sử mà các sử gia thời cổ đại đã không tìm được đầy đủ những dữ kiện hay tài liệu để xác minh; bởi bộ môn Sử Học tại nước ta chỉ được chính thức hình thành kể từ thế kỷ 13 trong triều đại nhà Trần; nên những biến cố sẩy ra từ thời lập quốc về sau, đều phải tìm cách tham bác các dữ kiện lịch sử qua sử Tầu. Lý do chính là từ thời lập quốc, nước ta tuy có ngôn ngữ (tiếng nói) để thông đạt và trao truyền; nhưng chưa có văn tự để ghi chép những chuyện đã qua; mọi sự việc nếu muốn ghi dấu lại, đành phải đúc kết qua hình thái những câu chuyện dưới hình thức truyền kỳ như các “truyện cổ tích”; “truyện”được tuần tự kể từ đời trước truyền lại cho đời sau, trong sinh hoạt chung của xã hội, để nối kết quá khứ với hiện tại.

Trong nội dung của tác phẩm lược khảo này, tác giả ước muốn được nhấn mạnh tới một số “góc khuất” sau đây:

1- Triều đại của 18 vị vua Hùng kéo dài từ năm 2879 TCN tới năm 258 TCN (2851 năm) tính ra trung bình mỗi vị vua ở ngôi khoảng 140 năm. Trên quan điểm của thời hiện đại, chúng ta nghĩ sao về con số đã được ghi trong cổ sử Việt.

2- Vấn đề “Tam giáo đồng nguyên” có liên quan tới vấn đề tôn giáo và dân tộc, chúng ta có cần thảo luận thêm hay không ?

3- Trong thời Pháp thuộc, người Pháp đã giúp Việt Nam “thoát” khỏi ảnh hưởng của Tầu bằng cách : (1) Bãi bỏ chữ Hán và hệ thống giáo dục (cổ) bằng chữ Nho rồi thay đổi nó bằng hệ thống giáo dục của Pháp; (2) Bãi bỏ lệ triều cống và hoàn trả tất cả các sắc phong, ấn tín của Tầu lại cho nhà Thanh; (3) Ký kết hiệp định cắm mốc biên giới trên bộ và trên biển phân chia rõ ràng biên giới giữa Bắc Kỳ (Tonkin) và các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam của Tầu tiếp giáp với Việt Nam..

*Đây là các thỏa ước được ký kết giữa Pháp quốc (đại diện cho triều đình Huế) ký kết với nhà Thanh qua ba văn kiện : Hoà ước Thiên Tân 1885 sau chiến tranh nha phiến.

4- Trong thời chiến tranh tao loạn (1946-1954) nước Việt Nam có hai hệ thống hành chánh song hành. Lịch sử sẽ có nhận thức như thế nào về nền hành chánh Việt Nam trong giai đoạn này ?

5- Làm thế nào ta có thể minh chứng được rằng trong chính thể độc tài hay chế độ toàn trị người ta có thể phát triển được một nền hành chánh thịnh trị hay không ?

Nội dung của tập biên khảo sẽ lần lượt trình bầy qua 3 phần chính sau đây :

Phần thứ nhất: Nền Hành chánh Việt Nam thời Lập quốc tới thời Bắc thuộc;

Phần thứ hai: Nền Hành chánh Việt Nam thời Độc lập Tự chủ;

Phần thứ ba: Nền Hành chánh Việt Nam thời Hiện đại;

Ngoài 3 phần trên còn có Phần Phụ Lục gồm một số bản đồ (mô phỏng) và sơ đồ tổ chức…

Dù rất thận trọng và cố gắng, tác giả tập biên khảo cũng hiểu và ý thức được rằng người viết khó tránh khỏi cách trình bầy chủ quan hoặc chưa gạn lọc được hết những nhầm lẫn, sai sót… nên ước mong sao được các bạn đồng môn QGHC hoặc các bậc thức giả xa gần, chỉ dẫn hay bổ túc thêm cho, hầu tác phẩm có cơ may tăng thêm phần giá trị.

Trước khi chấm dứt Lời mở đầu của cuốn biên khảo này, người viết xin được tỏ bầy lời tri ân sâu xa tới các tác giả (còn tại thế) đã có sách hay tài liệu được trích dẫn hay tham khảo mà chúng tôi đã không liên hệ được để xin phép sử dụng trong cuốn biên khảo này.

Seal Beach, CA. ngày 15 tháng 8 năm 2017

Tác giả cẩn đề

———————–

(*)Cao Lỗ là người sáng chế ra nỏ liên châu (nỏ thần) bắn một lần được nhiều phát mà các mũi tên đều bịt đồng sắc nhọn. sử sách cổ đã thần thánh hóa gọi là “Linh Quang thần cơ”. Sách Lĩnh Nam Chích quái chép rằng “Cứ đem nỏ ra chĩa vào quân giặc là chúng không dám đến gần”.

Vì chưa tìm được diệu kế để khắc phục nỏ liên châu, Triệu Đà bèn cho lập xảo kế “thông gia”, cho con trai là Trọng Thủy lấy con gái An Dương Vương là Mỵ Châu. Sau khi Trọng Thủy khám phá được bí mật của nỏ liên châu; Triệu Đà đem quân đánh thắng An Dương Vương rồi đô hộ nước Âu lạc. Nước ta bị Tầu lập nền đô hộ từ đó (năm – 208 TTL tới năm 905 STL).

Sách có bán tại các tiệm sách địa phương, tại tòa soạn Nhật Báo Người Việt hoặc trên online www.nguoivietshop.com

Nguoi Viet Shop
Mua sách trên Người Việt Shop

 

MỚI CẬP NHẬT