Thursday, March 28, 2024

Tuyển Tập Truyện Ngắn Vũ Thư Hiên

TuyenTapTruyenNganVuThuHIen_FDÂN MÌNH THẬT TÌNH CẢM

Lễ mừng thượng thọ Cụ Thượng Đức sẽ được tổ chức đúng vào rằm tháng bảy này. Hội đồng hương xã Hương Phấn đã ra quyết nghị.

Lễ sẽ làm ở hai nơi – ở thủ đô và ở quê. Lễ chính ở thủ đô, ở quê là lễ vọng. Dân làng sẽ được xem truyền hình trực tiếp lễ chính, được nghe Cụ phủ dụ qua tivi. Ông Bành, chủ tịch hội đồng hương, vênh mặt tuyên bố với đại diện xã. Ông Chuộc chủ tịch uỷ ban cũng là người trong họ, hộc tốc bốc gan đáp tàu ra ngay thủ đô để trực tiếp bàn với ông Bành việc tổ chức ở quê sao cho bảnh. Hai người gặp nhau ở một nhà hàng sang, bàn mọi chi tiết mất một buổi tối, rồi chia tay trong hể hả. Không hể hả sao được khi người làng mình, người họ mình, có được quyền cao chức trọng như Cụ?

Cụ là người có công to nhất với làng. Vinh danh Cụ không lúc nào bằng lúc này, khi Cụ tròn bảy mươi. Thời bây giờ, tuổi thọ trung bình cao, không mấy ai mừng thượng thọ vào dịp thất tuần nữa, nhưng mình cứ làm theo lệ cổ là hơn. Hai lãnh đạo gật gù nhất trí. Không làm bây giờ thì đợi mười năm nữa à?

Thứ nhất, phải làm trong lúc Cụ vừa được lưu lại cương vị cao nhất nước, bỏ qua hạn tuổi theo quy định của nhà nước. Quan trọng hơn là phải làm trong lúc Cụ còn tại vị, tức là còn có thể tiếp tục gia ân điều gì đó cho làng. Cụ, duy nhất có Cụ, mới có khả năng tổ chức, sắp xếp đưa một phần ba dân xã ra thủ đô, để rồi người nọ cài cắm người kia thành cán bộ hết, từ cấp thấp đến cấp cao. Ơ hay, còn không phải à, ngay giữa trái tim của cả nước mà dân Hương Phấn có thể họp xóm thì thử hỏi làng nào, xã nào có thể làm được như thế?

Thật vậy, ở thủ đô có vô khối hội đồng hương, nhưng đều là đồng hương tỉnh. Chỉ duy nhất có một hội đồng hương xã là của Hương Phấn.

Thứ hai, nhân sự kiện này mà rửa mặt cho làng. Tục truyền rằng thời xưa vua Lê bị quân Minh rượt đuổi chạy qua An Cựu, dân làng đã không chứa chấp lại còn xua đuổi. Ngài giận lắm. Kịp khi thắng giặc rồi đi ngang, nhớ lại chuyện cũ, tức khí lên ngài mới truyền tả hữu đổi tên An Cựu thành Ăn Cứt. Các quan văn băn khoăn – vua tính thẳng ruột ngựa, quen ăn nói theo cách dân dã, nhưng giờ quân khởi nghĩa đã có triều chính, đặt tên quá nôm na như vậy rõ ràng không tiện. Bèn lựa lời can gián, xin ngài ngự đổi Ăn Cứt thành Hưởng Phân, tức là giữ nguyên nghĩa đen nhưng nghe không tục. Ngài cười lớn, phán: ừ, thế cũng được. Nhiều đời bô lão đã khăn gói quả mướp vào kinh chạy vạy xin những triều sau cho đổi tên mà không được. Mãi đến đời Tự Đức, nhà vua yêu văn chương tao nhã, sau khi suy nghĩ lung mới dụ xuống cho đổi Hưởng Phân thành Hương Phấn. Nay là lúc phải xướng to lên cái tên Hương Phấn để cho thiên hạ ghi lòng tạc dạ, kẻo nhiều đứa xấu bụng hễ có dịp là lại nhắc chuyện xưa.

Ấy thế nhưng mấy ngày sau, khi hai bên đã a lô cho nhau hằng ngày hằng giờ về mọi chi tiết cho lễ mừng ở cả hai nơi, thì tình hình lại xoay ra thế khác. Nghe ông Bành lên trình về việc chuẩn bị, Cụ bất ngờ ngãng ra:

– Được, tốt. Nhưng ta đã nghĩ lại. Các người biết một mà không biết hai. Chính trị là lôi thôi lắm. Làm việc gì cũng phải ngó trước ngó sau. Như đánh cờ ấy, phải tính trước nhiều bước. Sai một bước là hỏng con mẹ nó ngay một ván. Cây càng cao gió lay càng dữ. Làng biết công ta, muốn làm thượng thọ cho ta, ta vui lắm chứ. Nhưng để ta nghĩ cái đã: nên hay không nên trong lúc này?

Ông Bành mặt đánh chữ nãi, ngước cặp mắt hấp háy nhìn cụ:

– Dạ, nhờ Cụ dạy, chứ lũ chúng con đầu óc nông cạn, không tính xa được. Có điều, con vẫn nghĩ…

Cụ nhăn mặt:

– Anh nghĩ sao?

– Con nghĩ: Cụ ở ngôi cao, hỏi đứa nào dám phá lễ? Chúng nó không biết sợ là gì ư? Tưởng Cụ không biết cách cho chúng nó hộc máu ra hay sao? Mà làm thượng thọ Cụ là dân biết ơn Cụ, dân làm, mắc mớ gì đến đứa nào?

Cụ đang ăn dở quả cam, nhè hạt, nhổ xuống sàn:

– Là nhà anh nghĩ nông thôi. Sơ hở một chút là lũ nhãi ranh lập tức bới bèo ra bọ, huyên truyền rằng ta đây khoe mình. Bây giờ gọi là thời dân chủ, thằng cùng đinh cũng ăn nói vung xích chó, chẳng còn biết kiêng nể là gì.

Ông Bành nói như mếu:

– Khốn mọi việc chúng con đã sắp xếp đâu vào đấy cả, thưa Cụ: rạp dựng làm sao, kiểu gì, cờ quạt, chiêng trống, cỗ bàn thế nào, tất tần tật mọi thứ. Bên truyền hình cũng đã phân công ai quay phim, ai đạo diễn. Giờ mà đổi thì khó cho chúng con lắm.

Cụ nhăn trán, ngẫm nghĩ một giây, phán:

– Ta biết, ta biết. Cơ mà làm thượng thọ cho ta lúc này e không hay, chuyện nhạy cảm – làm càng to càng rách việc. Ngay mấy anh lão thành có quá khứ chiến đấu vẻ vang, thành tích đầy mình, về hưu rồi mà còn không dám làm thượng thọ, huống chi ta chưa hề bắn phát súng nào. Anh không biết chứ những đứa thối mồm vẫn tung lời đồn thổi nói ta địa phương chủ nghĩa, cài cắm con cháu nội ngoại, đồng hương đồng khói khắp nơi…

Ông Bành gãi đầu thẽ thọt:

– Vậy, thưa cụ, hay là… ta cứ làm, nhưng vừa phải thôi.

– Ta nghĩ đã. Làm gì, làm thế nào đều phải nghĩ cho chín. Phải có kế. Phải tìm ra cách gì đó thật rắc rối – làm mà lại ra không làm.

Ông Bành hớp mắt lia liạ, dấu hiệu của sự suy nghĩ lung.

– Vậy, thưa Cụ, hay là… ta bãi cái truyền hình?

Cụ gãi cằm:

– Bãi! Nhưng chớ quên khoản bồi dưỡng anh đã hứa với người ta. Bận này còn bận sau. Thông tin tuyên truyền là ngành quan trọng bậc nhất. Chớ có làm chúng nó mất lòng.

Ông Bành thở ra:

– Dạ. Con hiểu ạ, nghĩa rằng mình vẫn làm, nhưng tránh tiếng om sòm. Chi cho bên truyền hình cũng không bao nhiêu đâu ạ, thưa Cụ, chúng con lo được. Họ cũng chẳng dám đòi hỏi. Họ chỉ buồn nỗi không được vinh dự đưa hình ảnh lễ của ta lên truyền hình thôi. Cái an ủi phí, theo lệ, con hiểu mình phải làm, không thể bỏ.

– Ờ, nghĩ được chu đáo thế là tốt.

– Dạ.

Ông Bành chắp hai tay, đầu cúi thấp, xin cáo lui.

Cụ đã quyết thì đành chịu, chứ trong bụng, ông lo lắm. Ý Cụ là thế, nhưng khi mọi người đã bắt tay vào việc tổ chức, huỷ ngang xương thế này thì mọi hệ quả vẫn cứ là rơi xuống đầu ông.

Ông về nhà, nằm vắt tay lên trán, nghĩ mưu.

Nghĩ mãi không ra, lại vùng dậy, tìm mấy ông trong hội đồng hương cùng bàn. Ý kiến nhiều, nhưng mâu thuẫn nhau, không kế nào được coi là vẹn toàn.

Chính Cụ lại là người gỡ rối. Cụ cho người tìm ông Bành, nhắn:

– Nhà anh hãy loan tin: toàn đảng toàn dân Hương Phấn nhất trí cao muốn làm thượng thọ thất tuần cho Cụ, nhưng khi trình lên thì Cụ kiên quyết không cho, nói thế nào cũng không cho. Đồng thời phải đưa tin ấy đến tai các ngành các cấp, nhắc họ dịp vinh danh Cụ vào ngày này. Người ta chắc chắn phải tới chúc thọ Cụ. Khi ấy người Hương Phấn sẽ đi lẫn vào đấy mà chúc thọ. Như thế là làm mà không làm, không làm mà làm. Còn ở quê thì cứ kế hoạch đã bàn. Chuyện địa phương, không ai chú ý.

Ông Bành vỗ đùi đánh đét:

– Cụ nhà mình thánh thật. Thế mới là kế: làm mà không làm, không làm mà làm!

Quả nhiên, sáng hôm rằm tháng bảy, ô tô đã nườm nượp đến đỗ trước cửa nhà Cụ. Công An phải dẹp đường, cấm người đi bộ được vào phố. Báo hại người Hương Phấn nào không có ô tô phải đứng từ xa hướng về dinh Cụ mà bái vọng.

Mãi đến tối, khách khứa đã về hết, ông Bành mới vào được dinh.

Cụ ngồi ở xa-lông, gật gù bảo:

– Thấy chưa, anh Bành? Thế nào là mưu cao, thế nào là kế sâu? Nông cạn như các anh dễ hỏng việc lắm. Từ việc nhỏ cho tới việc lớn đều phải tính toán, phải nặn óc cho ra được mưu kế. Bài học cho các anh đấy.

Ông Bành cười tươi, gật lấy gật để:

– Cụ dạy chí phải. Nhưng hỏi có mấy ai ra được cái kế như Cụ: làm mà không làm, không làm mà làm. Thánh thật!

Cụ hài lòng ra mặt:

– Qua việc trên dưới đều đồng lòng đến chúc thọ ta mới thấy: dân mình thật tình cảm! Ta cảm động lắm!

Ông Bành nhìn lên thấy Cụ rơm rớm nước mắt.

  • Tác Giả: Vũ Thư Hiên
  • Bìa Mềm
  • Số Trang: 698
  • Kích Thước: Cao 9″ x Rộng 6″ x Dầy 1.8″
  • Trọng Lượng: 2.5 lbs

Mua sách trên Người Việt Shop

MỚI CẬP NHẬT