Thursday, March 28, 2024

7 sai lầm khi xin việc khiến Facebook, Google và Apple không nhận bạn

NEW YORK CITY, New York (NV) – Khi đi phỏng vấn, bạn thường hồi hộp và căng thẳng, và thậm chí, áp lực còn cao hơn nữa khi bạn xin việc tại các công ty hàng đầu hiện nay như Google, Goldman Sachs, Apple, và JP Morgan.

Tuy nhiên, trang Business Insider vừa công bố một số “lỗi cơ bản” khiến những đại công ty này không muốn nhận bạn và những điều bạn nên làm trong buổi phỏng vấn.

1. Không nêu rõ lý do vì sao bạn muốn làm tại Google

Chỉ đơn thuần nói với nhà tuyển dụng bạn muốn làm việc cho Google không đủ thuyết phục để công ty này mướn bạn, theo Business Insider.

Nếu muốn được công ty này nhận, bạn phải nêu rõ lý do vì sao bạn “khát khao” làm việc cho công ty này.

Ông Hiroshi Lockheimer, một nhân viên cao cấp của Apple, cho biết: “Điều quan trọng là bạn cần biết niềm đam mê của mình là gì và không chỉ nói, ‘Ồ, tôi rất muốn làm tại Google.’ Nhưng tôi lại nghe nhiều người nói như vậy với tôi.”

“Thế nên trước khi đến xin việc tại đây, bạn nên tìm hiểu kỹ càng để biết giá trị cốt lõi của công ty. Ngoài ra, bạn cũng nên nói rõ mình phấn khích làm việc trong mảng nào, hay bộ phận nào. Thậm chí, bạn cũng nên cho biết những dự án nào trước đây của công ty khiến bạn thích thú,” ông nói.

“Khi bạn cho nhà tuyển dụng biết, ‘Lĩnh vực này là điều tôi rất đam mê, và đây là những điều tôi muốn làm giúp công ty phát triển,’ là điều chúng tôi muốn biết,” ông Lockheimer nói. “Hơn thế nữa, bạn sẽ được làm việc trong đúng sở trường và cùng đội ngũ cùng lĩnh vực với mình.”

2. Tại công ty Jet.com, bạn phải là một người làm việc tốt trong nhóm

Bà Liza Landsman, tổng giám đốc của trang bán hàng trực tuyến Jet.com, cho biết: “Những ứng viên sử dụng ‘Tôi’ trong buổi phỏng vấn sẽ không được chúng tôi nhận vì ít công ty nào trong xã hội ngày nay không cần một người làm việc tốt trong nhóm.”

Thế nên đừng quá chú trọng về bạn trong buổi phỏng vấn. Thay vào đó, bạn nên “chứng minh” cho nhà tuyển dụng thấy bạn là ứng cử viên sáng giá cho vị trí vì kinh nghiệm tích lũy phù hợp với giá trị công ty.

3. Nên đặt câu hỏi với nhà tuyển dụng tại Apple và Intuit

Đôi khí tính tò mò mang lại nhiều điều xấu cho bạn, nhưng tại Apple và Intuit, ứng viên xin việc nên đặt câu hỏi với nhà tuyển dụng.

Bà Rachel Bitte, một nhân viên cao cấp của ứng dụng tuyển dụng Jobvite và từng là người tuyển dụng tại Intuit và Apple, cho biết: “Điều tệ nhất trong một cuộc phỏng vấn là khi ứng cử viên nói ‘Tôi không có câu hỏi gì’ vào cuối buổi phỏng vấn. Đây là điều nên tránh vì tạo cảm giác bạn ‘không thật sự quan tâm đến vị trí tuyển dụng.’”

Theo bà, điều quan trọng là ứng cử viên nên chuẩn bị câu hỏi khi đến phỏng vấn tại hai công ty trên vì điều này cho công ty thấy rằng bạn thật sự muốn làm việc tại đây.

“Bằng việc đưa câu hỏi, chúng tôi nhận thấy bạn háo hức và nóng lòng muốn vào làm cho công ty chúng tôi,” bà Bittle nói. “Cho chúng tôi thấy, bạn ‘tò mò’ về công việc chúng tôi đang tuyển dụng.”

4. Thủ sẵn một trò đùa nếu khi phỏng vấn tại JP Morgan

Nếu bạn không suy nghĩ và đưa ra câu trả lời khi cần thiết, bạn bị loại trong phần phỏng vấn tại một số công ty.

Ông Sameer Syed, một chiến lược gia hiện làm tại Google, cho biết ông từng bị “tụt” cơ hội thực tập tại JP Morgan khi nhà tuyển dụng yêu cầu ông kể cho họ nghe một câu chuyện vui. Nhưng ông không nghĩ được một câu chuyện nào khi ấy, và không khí trở nên ngại ngùng. Sau đó, ông biết mình không nhận được vị trí thực tập.

“Thế nên, hãy thả lỏng bản thân và tỏ sự tự tin khi đi phỏng vấn vì nhiều công ty ngày nay tìm kiếm những tài năng nào có thể đưa ra câu trả lời và quyết định hợp lý vào thời điểm quan trọng nhất,” ông khuyên.

5. Chẳng biết gì về sản phẩm của Google

Nếu muốn làm việc tại Google, bạn phải biết về tất cả các sản phẩm của đại công ty này.

Ông Sameer Syed cũng chia sẻ thêm về lần phỏng vấn của ông với Google, khi lần đầu ông “lấn sân” từ thị trường ngân hàng tài chính qua công nghệ. Ông cho biết, ông cũng từng mắc sai lầm như bao ứng cử viên khác khi quá chú trọng nói về những kinh nghiệm ông tích lũy từ ngành tài chính ngân hàng.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông nói rằng: “Họ không hứng thú với những điều đó. Tại Google, bạn phải tìm hiểu kỹ càng mọi thứ về công ty. Ngoài ra, bạn phải biết về các đối thủ, và thậm chí, xu hướng thị trường hiện nay. Cuối cùng, bạn phải cho họ thấy vì sao bạn muốn là một thành viên của đại công ty này và giúp họ phát triển.”

Ông cũng cho biết thêm: “Google có rất nhiều sản phẩm nên việc ‘làm bài tập về nhà’ khá khó khăn cho tôi. Nếu nhà tuyển dụng đưa ra câu hỏi về một sản phẩm nào đó và bạn không có câu trả lời, đó là dấu hiệu không hay để Google thật sự muốn nhận bạn.”

6. Quá căng thẳng trong buổi phỏng vấn tại Goldman Sachs

Bà Becca Brown, người từng tuyển nhân sự tại công ty Goldman Sachs, khuyên rằng ứng cử viên đừng quá căng thẳng và “cứng ngắc” tại các buổi phỏng vấn.

“Đây là một sai lầm thường mắc phải và khó để khắc phục. Là một ứng cử viên, bạn muốn gây chú ý với nhà tuyển dụng và cho họ thấy bạn ‘hoàn tất bài tập về nhà’ khi tìm hiểu rõ về công ty, nhưng đôi khi, cách diễn đạt quá ‘thô’ và tạo cảm giác như ‘đọc bài thuộc lòng.’ Những câu trả lời của ứng viên nên được trao đổi như một cuộc trò chuyện, chứ không phải như ‘máy robot.’”

7. Liên lạc lại với nhà tuyển dụng Google sau buổi phỏng vấn

Bà Liz Wessel, người từng làm trong bộ phận tuyển dụng cho Google, cho biết: “Một lỗi cơ bản và nhiều sinh viên ra trường thường mắc phải là không liên lạc với nhà tuyển dụng sau buổi phỏng vấn. Nhiều người không nhận ra rằng, việc liên lạc sau phỏng vấn rất quan trọng, và cần làm sớm nhất có thể. Thậm chí, đừng trì hoãn việc này qua ngày hôm sau.”

Theo bà, đừng quá lo lắng khi liên lạc lại quá sớm sau buổi phỏng vấn, vì bạn muốn cho họ thấy bạn “hào hứng” với vị trí này. (Kh.L.)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT