Thursday, March 28, 2024

Anh Ngữ Thông Dụng, đề tài: Some Interesting Words

Anh Ngữ thường nhật



Bùi Bảo Trúc

LTS – Bản ghi chép dưới đây do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học đã được phát trên Hồn Việt Television.

***

QUỲNH ANH: Ðây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Chương trình đến với quí vị mỗi tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

LÃM THÚY: Thưa anh, Thúy muốn anh nói về chữ AIN’T. Ðây là chữ làm cho Thúy khó chịu lắm nhưng Thúy lại nghe rất nhiều qua mấy đứa con của Thúy trong những lúc chúng nói chuyện với nhau. Thúy vẫn nghĩ chữ AIN’T không phải là thứ từ vựng của các thành phần có học như Thúy đã được nghe một ông thầy Mỹ nói hồi Thúy mới sang đây. Nay thì đó lại chính là chữ mà Thúy phải nghe mỗi ngày từ mấy đứa con.

QUỲNH ANH: Quỳnh Anh cũng thấy điều đó. Như thế có phải là đã có những đổi thay trong cách nói hàng ngày của người Mỹ hay không?

BÙI BẢO TRÚC: Trước hết, tôi xin nói là hai cô chắc sẽ không thấy nữ hoàng Anh nói chữ này bao giờ. Nhưng đó là “The Queen’s English,” thứ tiếng Anh khuôn mẫu của nước Anh. Còn bình thường trong cách ăn nói hàng ngày, không ai nói thứ tiếng Anh cung đình đó, thứ tiếng Anh vương giả của nữ hoàng Anh cả. Ngôn ngữ lại thay đổi mỗi ngày nên hôm nay hai cô thấy chữ đó khó chịu nhưng rồi đây sẽ có lúc chính những chữ đó không còn gây khó chịu nữa, khi chúng được người ta chấp nhận. Và luôn cả các nhà văn phạm bảo thủ nữa.

AIN’T là gì? Trước tiên, nó là một chữ luôn luôn có nghĩa phủ định, NEGATIVE. Nó là một chữ tắt, ABBREVIATION. Nhưng là chữ tắt của những chữ gì?

Thí dụ trong câu này: HE AIN’T HERE. SHE AIN’T COMING. THEY AIN’T HAPPY ABOUT IT.

QUỲNH ANH: Quỳnh Anh nghĩ AIN’T là NEGATIVE của động từ TO BE.

LÃM THÚY: Thúy cũng nghĩ vậy vì nếu thay AIN’T bằng IS NOT hay ARE NOT, WAS NOT hay WERE NOT thì nghĩa của những thí dụ anh đưa ra ở trên sẽ không khác nhau gì.

BÙI BẢO TRÚC: Ðúng như vậy. AIN’T là tất cả những chữ vừa kể, nó vừa là PRESENT , vừa là PAST TENSE của động từ TO BE trong thì quá khứ và hiện tại. Cứ lúc thì IS NOT, lúc ARE NOT, lúc WAS NOT, lúc WERE NOT rắc rối quá, thôi thì nói ngắn lại tất cả, thay vì ISN’T, AREN’T, WASN’T hay WEREN’Tà cứ AIN’T là tiện nhất.

LÃM THÚY: Nhưng thưa anh, trong câu này mà Thúy nghe được của con gái, câu I AIN’T GOT THE CAR THIS WEEK END thì AIN’T không phải là NEGATIVE của TO BE phải không?

BÙI BẢO TRÚC: Ðúng như thế. AIN’T trong câu này thì lại là HAVE NOT. HAVE NOT nói tắt thành HAVEN’T rồi thành AIN’T. Cô nói thử lại bằng tiếng Anh cô học của ông thầy Mỹ coi nào.

LÃM THÚY: Chắc phải là I DO NOT HAVE hay I HAVEN’T THE CAR THIS WEEK-END nghĩa là cuối tuần này nó không có xe vì anh nó mượn của mẹ trước rồi.

QUỲNH ANH: Con trai Quỳnh Anh có hôm nói thế này: I AIN’T BEEN TO WASHINGTON D.C. BEFORE thì chắc phải hiểu là I HAVEN’T BEEN TO WASHINGTON D.C. BEFORE là tôi chưa tới Washington bao giờ phải không thưa anh?

BÙI BẢO TRÚC: Ðúng thế. Hồi nãy, cô Lãm Thúy nói là một đôi lần, cô nghe hai con của cô đã dùng chữ HELL với nhau. Chữ HELL nguyên thủy nghĩa là địa ngục. Cô muốn biết HELL có phải là tiếng dùng để chửi thề không thì tôi xin nói ngay là đúng, đã có một thời nó là tiếng dùng trong những lúc chửi thề. Nhưng bây giờ, HELL không còn bị coi là tiếng chửi thề nữa. Tuy vậy, nó vẫn còn là tiếng không nên dùng để nói chuyện với người lớn như ông, bà hay cha mẹ. Ngay người Mỹ cũng vẫn còn có người kiêng không dùng nó, mà nói trại ra thành HECK. Thay vì nói WHAT THE HELL, người ta nói thành WHAT THE HECK… HE’S HECK OF A GUY thay vì HE IS HELL OF A GUY nghĩa là thằng cha ấy hay lắm, tài lắm, giỏi lắm… Thay vì THE HELL YOU SAY, người ta nói thành THE HECK YOU SAY! nghĩa là ông nói cái quái quỉ gì vậy.

QUỲNH ANH: Như vậy HELL được dùng như một tiếng để nhấn mạnh, để làm cho ý nghĩa của câu nói mạnh thêm phải không, thưa anh?

BÙI BẢO TRÚC: Ðúng. Nhưng tôi muốn nhắc hai cô là khi đọc, nên cẩn thận phân biệt HE’LL và HELL.

HE’LL có APOSTROPHE tức là cái dấu PHẾT, cái dấu trông như dấu phẩy để thay thế cho một hay hai chữ đã bị bỏ đi. Thay vì nói hay viết thành HE WILL, người ta viết thành HE’LL và đọc là “hi-ưl” nghĩa là ông ấy SẼ, anh ấy SẼ… Trong khi đó, HELL là nguyên một chữ, không viết tắt của bất cứ một chữ nào khác và đọc gần như là “heo”.

THE HELL được dùng để diễn tả sự tức giận, sự ngạc nhiên, sự bất mãn.

Các cô nghe kỹ những câu sau đây:

WHAT HAPPENED TO YOU? ông bị sao vậy?
WHY IS HE HERE? tại sao nó ở đây?
WHERE ARE THEY NOW? bây giờ họ ở đâu?
WHEN DID THAT MAN COME HERE? ông ấy tới đây lúc nào?
WHO DOES GEORGE THINK HE IS? George nghĩ nó là ai chớ?
HOW DID HE FIND HER? ông ấy làm thế nào mà kiếm ra cô ấy?
Cô Thúy thấy những câu đó như thế nào? Người hỏi có vẻ gì bực bội, ngạc nhiên hay bất mãn không?

LÃM THÚY: Thưa anh không. Những câu đó nghe cũng chỉ là những thắc mắc thường thôi. Nhưng nếu muốn chúng có nghĩa bực bội, kinh ngạc hay bất mãn thì phải làm thế nào? Cho chữ HELL vào đâu?

BÙI BẢO TRÚC: Dễ lắm. Thêm THE HELL ngay vào sau của các tiếng WHERE, WHAT, WHERE, WHY, WHO và HOW. Quỳnh Anh chọn lấy ba câu trong số những câu trên và biến chúng thành những câu có ý bực bội coi.

QUỲNH ANH: WHO THE HELL DOES GEORGE THINK HE IS?

WHAT THE HELL HAPPENED TO YOU?

WHY THE HELL IS HE HERE?

BÙI BẢO TRÚC: Nhớ nhấn mạnh vào THE HELL thì ý nghĩa bực bội mới có. Còn Thúy cho nghe ba câu có vẻ kinh ngạc coi.

LÃM THÚY: WHEN THE HELL DID THAT MAN COME HERE?

HOW THE HELL DID HE FIND HER?

WHERE THE HELL ARE THEY NOW?

QUỲNH ANH: Như thế có phải HELL chỉ được dùng trong những câu hỏi không thưa anh?

BÙI BẢO TRÚC: Không. Không phải thế. HELL cũng được dùng trong những câu tán thán, những câu biểu lộ sự bực bội, giận giữ nữa chứ. Thí dụ TO HELL WITH THE SO-CALLED COW TONGUE! nghĩa là khốn nạn cho cái gọi là đường lưỡi bò!
Hay HELL NO! WE WON’T GO ! là khốn nạn, bọn tao không đi đâu hết! như khẩu hiệu của phe phản chiến hồi thập niên 60 vậy. Hay HELL YEAH! có thể hiểu là, nói xin lỗi hai cô, Ð.M. Hay quá đi chớ! để biểu lộ thái độ hết lòng đồng ý. Tôi nhớ trong một truyện ngắn của Ernest Hemingway, nhân vật của ông cũng dùng chữ HELL hơi nhiều. Chính Hemingway, ngoài đời, cũng là người rất hay “xổ Nho”.

LÃM THÚY: Thúy có thắc mắc này nữa. Ðó là cái tên JOHN. Tên JOHN thì ai cũng biết rồi. Nhưng nói như hai câu này có đúng không và hai câu có khác nhau không?

THERE IS A JOHN AT THE CORNER OF THE STREET.

HE IS USING THE JOHN AT THE CORNER OF THE STREET.

BÙI BẢO TRÚC: Cả hai câu đều đúng nhưng ý nghĩa thì rất khác nhau.

Trước hết JOHN là tên người. Khi là tên người thì JOHN luôn luôn phải viết hoa (CAPITAL hay UPPER CASE) Và nếu JOHN là tên người thì không có mạo từ A hay THE ở trước: HE IS JOHN, ngoại trừ khi chúng ta muốn xác định hay nói cho rõ là cái anh chàng John nào đó như trong câu THE JOHN YOU TALK ABOUT IS MY NEIGHBOR nghĩa là cái anh chàng John mà ông nhắc tên là hàng xóm của tôi. Chúng ta nên nhấn mạnh vào hai chữ THE JOHN câu mới có ý nghĩa.
Tuy thế, cũng có thể nói A JOHN như trong câu HE IS A JOHN nếu chúng ta muốn nói là trong lớp có hai ba người tên là JOHN, và đây cũng là một người tên JOHN chẳng hạn.

Còn câu THERE IS A JOHN AT THE CORNER OF THE STREET mà JOHN không viết hoa, lại có mạo từ A ở trước thì JOHN có nghĩa là khách làng chơi, khách mua hoa.
Câu HE IS USING THE JOHN AT THE CORNER OF THE STREET mà JOHN cũng không viết hoa, thì THE JOHN có nghĩa là cái TOILET, cái cầu tiêu.

QUỲNH ANH: Thưa anh, còn chữ JOHN nào khác kỳ quái như vậy nữa không?

BÙI BẢO TRÚC: Có chứ. JOHN HANCOCK chẳng hạn. Thí dụ hai cô vào ngân hàng điền vào mẫu xin vay tiền, nhân viên ngân hàng đưa cho hai cô tờ đơn đã điền xong và nói: I NEED YOUR JOHN HANCOCK HERE thì người ấy thực ra chỉ muốn nói I NEED YOUR SIGNATURE HERE. Lý do là vì nhân vật John Hancock ký một chữ ký rất to vào bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập Hoa kỳ, vừa ký vừa nói rằng để cho Anh Hoàng George thấy cho rõ. Từ đó, JOHN HANCOCK có nghĩa là chữ ký.

Còn có một chữ JOHN nữa. JOHN DOE là cách nói như khi chúng ta nói ông Nguyễn Văn X. Hay ông Ổi, ông Soài, ông Mít… tức là trong những trường hợp chúng ta không biết tên đương sự, hay chúng ta biết nhưng không thể hay không tiện nói ra. Thí dụ một người bị tai nạn tử vong, xác đưa vào nhà xác nhưng chưa biết tên thì tử thi đó sẽ được gọi tạm là JOHN DOE. Nếu là phụ nữ thì là JANE DOE, là em nhỏ thì là BABY DOE. Cũng có vài ba cách gọi khác như JOHN Q. PUBLIC hay JOHN PUBLIC hay JOHN SMITH.

Tên JOHN còn xuất hiện trong thành ngữ A DEAR JOHN LETTER , thành ngữ này có nghĩa là bức thư tuyệt tình của một phụ nữ gửi cho người đàn ông. Thí dụ nói SHE WROTE HIM A DEAR JOHN LETTER là cô ấy viết cho anh ta bức thư để chấm dứt cuộc tình giữa hai người.

LÃM THÚY: Nhân tiện, để hỏi anh chuyện này nữa. Trong tiếng Anh có động từ nào là động từ BETTER không? Cứ cuối năm, gần Giáng Sinh, là Thúy lại nghe thấy động từ này trong mấy câu của bài hát SANTA CLAUS IS COMING TO TOWN, đó là câu YOU BETTER WATCH OUT…

BÙI BẢO TRÚC: Không có động từ BETTER. Nhưng có động từ HAD BETTER. Ðộng từ này là một động từ khá kỳ lạ. Nó chỉ xuất hiện với hình thức HAD BETTER mà thôi, không bao giờ là HAVE BETTER hay HAS BETTER, hay WILL HAVE BETTER. Nó luôn luôn ở hình thức PAST nhưng nó lại được dùng cho các việc của hiện tại và tương lai. Thí dụ YOU HAD BETTER CALL HIM NOW (PRESENT) nghĩa là anh nên gọi ông ta ngay bây giờ đi, hay WE HAD BETTER TAKE THE PLANE THIS CHRISTMAS (FUTURE) là chúng ta nên đi bằng máy bay trong dịp Giáng Sinh năm nay.

HAD BETTER thường được nói ngắn lại thành ‘D BETTER thay vì HAD BETTER và vì thế, khi nghe I’D BETTER cô mới nghĩ nó là động từ BETTER.

HAD BETTER được dùng để đưa ra một lời khuyên, một khuyến cáo là nên làm một việc gì đó.

QUỲNH ANH: Thưa anh, động từ SHOULD cũng được dùng để đưa ra lời khuyên phải không? Như thế, SHOULD cùng nghĩa và cùng có cách dùng như HAD BETTER phải không?

BÙI BẢO TRÚC: Gần đúng như thế. SHOULD tương đương với một động từ kỳ cục khác là OUGHT TO. Ðộng từ OUGHT TO không có “S” khi đi với chủ từ là ngôi thứ BA số ÍT (THIRD PERSON SINGULAR như HE, SHE, ITà) thí dụ HE OUGHT (không phải HE OUGHTS) TO STUDY FOR THE TEST nghĩa là nó nên học để sửa soạn cho bài test. SHOULD tương đương với OUGHT TO, có thể dùng thay đổi lẫn cho nhau. Hai động từ này được dùng để đưa ra một lời khuyên nhưng là một lời khuyên nhẹ thôi, làm cũng được mà không thì cũng chẳng sao. Thí dụ YOU SHOULD SEE THAT NEW FILM nghĩa là ông nên đi xem cái movie mới đó, hay YOU OUGHT TO SEE THAT NEW FILM thì cũng thế. Trong trường hợp đó thì đi cũng được mà không đi cũng chẳng sao, không có ai thưa kiện gì hết.

Nhưng HAD BETTER thì lời khuyên đó mạnh hơn, và có thêm sự khuyến cáo ở trong. Nên làm nhưng nếu không làm thì có thể hậu quả không tốt. Thí dụ WE HAD BETTER STOP SMOKING CIGARETTES nghĩa là chúng ta nên bỏ thuốc lá thì hơn. Khi chúng ta nói WE SHOULD hay WE OUGHT TO SEE THE NEW FILM thì đi xem cuốn phim mới cũng được, không xem cũng không sao còn nếu không bỏ thuốc thì sẽ rất có hại cho sức khỏe.

LÃM THÚY: Thưa anh, Thúy ít nghe thấy người ta dùng động từ OUGHT TO, có phải như vậy không?

BÙI BẢO TRÚC: Ðúng vậy. Ðộng từ OUGHT TO càng ngày càng ít xuất hiện. Chúng ta dùng SHOULD nhiều hơn. Thực ra, SHOULD cũng đang từ từ thay thế cho HAD BETTER.

Trong đời sống, chúng ta không thích nghe khuyên bảo lắm đâu. Nhất là khi đó là những lời khuyên mà chúng ta gọi là UNSOLICITED ADVICE, tức là những lời khuyên không ai nhờ khuyên… Người Việt chúng ta nói “ăn có mời, làm có khiến.” Vì thế, để cho lời khuyên dễ nghe một chút, người ta thường thêm I THINK ở trước những lời khuyên. Thí dụ I THINK YOU SHOULD VISIT HIM IN THE HOSPITAL là tôi nghĩ cô nên đi thăm ông ấy ở bệnh viện. Câu đó nghe nhẹ hơn, bớt giọng khuyên bảo hơn là YOU SHOULD VISIT HIM IN THE HOSPITAL nghĩa là cô nên đi thăm ông ta.

Thêm một điều nữa về động từ HAD BETTER là khi tôi nói HE HAD BETTER DAYS BEFORE APRIL 1975 thì câu này không phải là lời khuyên. Sau HAD BETTER nếu là một động từ thì mới là lời khuyên. Nhưng trong câu vừa rồi, theo sau HAD BETTER là một danh từ nên nghĩa của nó hoàn toàn khác. Thúy hiểu câu ấy như thế nào?

LÃM THÚY: Thúy hiểu là ông ấy đã từng có một đời sống rất khá, khá hơn bây giờ nhiều trong thời gian trước tháng 4 năm 1975.

BÙI BẢO TRÚC: Cám ơn hai cô.

QUỲNH ANH: Chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT