Friday, March 29, 2024

Anh Ngữ thông dụng: “Past and Present Perfect (Again!)”

Bùi Bảo Trúc



LTS: Ðây là chương trình “Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày,” của Hồn Việt Television, do Bùi Bảo Trúc cùng hai xướng ngôn viên Trúc Giang và Quỳnh Anh phụ trách. Bản ghi chép do Lãm Thúy thực hiện. Người Việt đăng lại với sự đồng ý của tác giả.

QUỲNH ANH: Thưa anh, một độc giả, ông Vọng Nhựt Tân của chương trình có đặt câu hỏi với Quỳnh Anh và Trúc Giang về hai trường hợp PAST và PRESENT PERFECT đồng thời ông hỏi hai câu thí dụ ông đưa ra thì câu nào đúng, câu nào sai, và nếu đúng cả hai thì tại sao hai câu lại đều đúng. Trúc Giang đọc giùm Quỳnh Anh hai thí dụ đó cho ông thầy.

TRÚC GIANG: Thưa chú, đó là câu JOHN WENT TO FRANCE THREE TIMES với thì SIMPLE PAST và câu I HAVE BEEN TO FRANCE THREE TIMES ở thì PRESENT PERFECT.

BÙI BẢO TRÚC (BBT): Câu hỏi rất hay. Chúng ta biết rằng Simple Past được dùng với những việc làm đã xảy ra và đã hoàn tất. Thì Present Perfect được dùng để nói về những việc làm bắt đầu trong quá khứ nhưng chưa hoàn tất.

Câu John went to France three times được hiểu là John đi Pháp 3 lần. Cả ba chuyến đi đều đã hoàn tất. John nay đã trở về Mỹ. Chuyện đi Pháp đã xảy ra và đã xong.

Câu I have been to France three times được hiểu là ông ta đã đi Pháp 3 lần. Nay ông đã về nhà, tức là việc đi Pháp của ông đã xong, đã hoàn tất. Vậy thì tại sao lại dùng Present Perfect? Dùng vậy là sai chứ đúng ở đâu?

Xin trả lời: câu này cũng đúng, vì ông đi Pháp ba lần nhưng không nói rõ vào ngày nào, tháng nào và năm nào, đó là một đặc điểm của thì Present Perfect. Cũng có thể ông (đã) đi Pháp ba lần, nhưng (có thể) chỉ mới đây thôi, chuyến đi Pháp của ông vẫn còn để lại nhiều kỷ niệm trong đầu ông ấy. Kỷ niệm ở đại lộ Elysée, ở tả ngạn sông Seine, ở tháp Eiffel vân vân.

John went to France three times nghĩa là John đã đi Pháp 3 lần, có thể những chuyến đi đó đã diễn ra quá lâu, John không còn nhớ gì về các chuyến đi đó nữa, hình ảnh về chuyến đi không còn bao nhiêu trong trí nhớ của ông.

Trường hợp hai câu này cũng giống như hai câu I have eaten breakfast và I ate breakfast at home. Câu đầu (PRESENT PERFECT) nghĩa là tôi đã ăn sáng xong rồi, nhưng hậu quả của chuyện ăn sáng vẫn còn đây, tôi còn no lắm. Câu thứ hai (PAST) nghĩa là tôi ăn sáng rồi, nay không còn đói nữa nghĩa là hậu quả của chuyện ăn sáng không còn nữa, tôi lại thấy đói rồi.

QUỲNH ANH: Thưa anh hai câu này mà Quỳnh Anh đã nghe đôi ba lần khác nhau như thế nào: He has been to Spain và He went to Spain.

BBT: He has been to Spain nghĩa là ông ấy đã đi du lịch ở Tây Ban Nha nhưng nay đã về nhà rồi. Nhưng khi nói He went to Spain là ông ta đã đi Tây Ban Nha và hiện nay có thể vẫn còn ở đó, chưa về nhà. Ðây là hai thí dụ rất đáng nhớ.

TRÚC GIANG: Thưa chú, quay qua một thắc mắc khác của cháu. Cháu muốn chú giảng về cách dùng ALREADY và phải dùng nó như thế nào cho đúng?

BBT: ALREADY là một trạng từ, một ADVERB dùng để phụ nghĩa, nói thêm cho rõ nghĩa của động từ. Trạng từ này được dùng khi nói về một chuyện, một hành động đã xảy ra, thường là sớm hơn sự chờ đợi của chúng ta. ALREADY được dùng trong những câu xác định (AFFIRMATIVE) với các thì hiện tại (PRESENT) quá khứ (PAST) và PRESENT PERFECT (HAVE/HAS + PAST PARTICIPLE) và PAST PERFECT tức là HAD+ PAST PARTIPLE, nhưng KHÔNG bao giờ với thì tương lai (FUTURE). Tôi sẽ đưa ra đây các thí dụ dùng ALREADY với các thì (TENSES) vừa kể trên.

HE ALREADY KNOWS (PRESENT) ALL THE ANSWERS FOR THE TEST cậu ấy (đã) biết tất cả những câu trả lời cho bài thi trắc nghiệm.

HER BROTHER ALREADY MOVED (PAST) TO FRANCE BEFORE THE FALL OF SAIGON Anh của cô ấy đã tới Pháp từ trước khi Sài Gòn thất thủ.

WE HAVE ALREADY BEEN (PRESENT PERFECT) TO HAWAII Chúng tôi đã tới thăm Hawaii.

WHEN I CAME, THEY HAD ALREADY LEFT (PAST PERFECT) FOR THE AIRPORT Khi tôi tới thì họ đã đi ra phi trường.

QUỲNH ANH: Nhân tiện, anh nói qua về vị trí của ALREADY cho Quỳnh Anh và Trúc Giang.

BBT: Như hai cô thấy, bỏ ALREADY ra khỏi những câu vừa kể thì ý nghĩa không thay đổi bao nhiêu. Cho ALREADY vào thì ý nghĩa mạnh hơn, rõ hơn một chút mà thôi. Thường thì ALREADY được cho đứng ngay sau chủ từ (SUBJECT). Trong những câu PERFECT thì chúng ta đặt ALREADY đứng giữa HAVE/ HAS / HAD và PAST PARTICIPLE. Nhưng chúng ta cũng có thể đưa ALREADY vào trước, hay sau các thì này như I (ALREADY) HAVE (ALREADY) MET THEM, và WE (ALREADY) HAD (ALREADY) PACKED OUR LUGGAGE.
Bây giờ các cô cho nghe mỗi cô hai thí dụ với ALREADY coi.

QUỲNH ANH: HE WAS ALREADY OUT OF SAIGON WHEN THE COMMUNISTS CAME là ông ấy đã rời Sài Gòn trước khi cộng sản vào.
THE TAXI HAD ALREADY LEFT FOR THE AIRPORT WITH THE PASSENGER là xe taxi đã chở ông ấy ra phi trường.

TRÚC GIANG: MY DAD HAD ALREADY SOLD THE HOUSE BEFORE GOING TO THE US là ba cháu đã bán xong ngôi nhà trước khi đi Mỹ.
DINNER WAS ALREADY COOKED BY THE MOTHER là bà mẹ đã nấu xong bữa chiều.

BBT: Trúc Giang còn thắc mắc gì nữa?

TRÚC GIANG: Cách đây đã lâu chú nói về những danh từ luôn luôn ở số nhiều (PLURAL), không bao giờ SINGULAR tức là số ít. Có bao nhiêu danh từ như thế thưa chú?

BBT: Không nhiều lắm, trong đó có SCISSORS (kéo), CLOTHES (quần áo), GLASSES (kính đeo mắt), GOODS là hàng hóa, STAIRS là cầu thang, FIREARMS là súng đạn, OUTSKIRTS là vùng ngoại ô…

QUỲNH ANH: Như vậy người ta phải luôn luôn nói là MANY SCISSORS hay sao, thưa anh?

BBT: Không. SCISSORS là một danh từ luôn luôn đi với A PAIR OF (SCISSORS) vì cái kéo có hai cái lưỡi. Cũng thế, chúng ta nói A PAIR OF JEANS (quần jeans), SHOES (giầy), GLASSES (kính đeo mắt), GLOVES (bao tay), EARRINGS (bông tai) và một vài danh từ khác.

TRÚC GIANG: Những danh từ chú vừa kể thì cứ nhìn là thấy phải là PLURAL ngay. Nhưng cũng có những danh từ trông thì tưởng là SINGULAR nhưng lại là PLURAL như SHEEP (cừu), DEER (hươu), hay FISH (cá)…

BBT: Trúc Giang cẩn thận. FISH vừa là số nhiều (FISH ARE GOOD FOR US), vừa là số ít: HE CAUGHT ONE BIG FISH IN THE LAKE. Nhưng khi chúng ta có con số đi trước thì chúng ta dùng FISHES: WE FRIED 2 SMALL FISHES (hay FISH) FOR DINNER là chúng tôi chiên hai con cá cho bữa chiều.

QUỲNH ANH: Giờ tới lượt Quỳnh Anh. Ðã lâu rồi, Quỳnh Anh xem bản tin buổi sáng của NBC thấy có một đoạn có tựa đề là WHERE IN THE WORLD IS MATT LAUER? Quỳnh Anh thấy lũ con ở nhà cũng hay dùng mấy chữ này, nhưng trong những câu khác nhau khi nói chuyện. Anh giảng thêm về cách dùng này cho rõ.

BBT: Thực ra, hai cô bỏ hẳn IN THE WORD đi, câu vẫn có nghĩa như thường. Thêm mấy chữ ấy vào thì ý nghĩa của câu nói mạnh hơn mà thôi. Cách dùng đó cũng là để bầy tỏ một sự kinh ngạc, hay bực bội… Nếu không muốn dùng IN THE WORLD thì thay bằng ON EARTH cũng được. Ý nghĩa không thay đổi. Có thể dùng những chữ vừa kể trong các câu hỏi bắt đầu bằng WHAT, WHERE, WHEN, WHY, HOW.

Thí dụ WHAT IN THE WORLD ARE YOU TALKING ABOUT? Hay WHAT ON EARTH ARE YOU TALKING ABOUT? Cả hai câu chỉ có nghĩa là ông nói cái quái gì vậy. Nhưng khi thêm IN THE WORLD hay ON EARTH thì câu hỏi đó nghe có vẻ kinh ngạc, hay bực bội hơn là khi không có chúng đi cùng. Có khi chúng cũng không còn là câu hỏi nữa, mà là một câu hô thán để bầy tỏ sự ngạc nhiên, hay khó chịu nên không cần phải trả lời nữa. Trúc Giang cho nghe thử hai câu với WHERE và WHEN để xem chuyện gì làm cô kinh ngạc hay bực bội coi.

TRÚC GIANG: Cháu sẽ nói thế này: WHERE IN THE WORLD DID HE GO LAST WEEK? Hay WHERE ON EARTH DID HE GO LAST WEEK?
WHEN IN THE WORLD DID SHE COME HOME? hay WHEN ON EARTH DID SHE COME HOME?

QUỲNH ANH: Ðây là hai câu của Quỳnh Anh: WHY IN THE WORLD DID YOU READ MY LETTER? WHY ON EARTH DID YOU READ MY LETTER?
HOW IN THE WORLD DID HE KNOW THE ANSWER? hay HOW ON EARTH DID HE KNOW THE ANSWER?

BBT: Ðó, hai cô cũng thấy là nếu bỏ IN THE WORLD và ON EARTH thì ý nghĩa của những câu thí dụ của hai cô sẽ không đổi thay gì hết. Chỉ có ý nghĩa của chúng nhẹ đi mà thôi. Nhớ là khi nói, chúng ta phải nhấn mạnh hay lên giọng ở những chữ IN THE WORLD và ON EARTH thì mới diễn tả được sự ngạc nhiên hay bực bội của mình.

Còn một điều này hai cô cũng nên biết, đó là chúng ta có thể làm cho những câu nói ấy mạnh hơn nữa. Nhưng nếu mạnh hơn nữa thì chúng lại biến thành những câu nói không được thanh tao hay lễ phép cho lắm. Tôi chỉ nói ra ở đây để hai cô biết chứ không hề có dự tính dậy hay bày cách cho hai cô… chửi thề đâu. Nếu thay IN THE WORLD và ON EARTH bằng hai chữ THE HELL thì câu nói đó sẽ mang ý nghĩa của một câu chửi thề. Nhưng gần đây, ý nghĩa chửi thề cũng bớt đi nhiều và những câu như thế cũng đang được đông đảo mọi người chấp nhận và không còn bị coi là tục tĩu nữa. Tôi nhớ có một tấm bích chương của bộ du lịch Australia kêu gọi du khách tới thăm Úc bằng câu WHERE THE BLOODY HELL ARE YOU? Bạn ở cái chỗ quái quỉ nào vậy, sao không tới thăm Australia đi? Nhưng thôi, hai cô đừng dùng hai chữ THE HELL vội, không thì lũ con ở nhà lại ào ào nhao nhao phản đối, bắt bẻ mẹ nữa thì không nên.

TRÚC GIANG: Cám ơn chú. Tuần tới cháu có mấy thắc mắc nữa nhờ chú giải đáp.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT