Friday, April 19, 2024

Bút ký Leyte: Chiếc đinh rỉ, hai đồng xu, và những đứa trẻ


Kỳ 2


Nam Phương/Người Việt (Bút ký)

LTS – Bài bút ký được cộng tác viên Nam Phương ghi lại từ thị trấn Kanaga, tỉnh Leyte, Philippines, nhân chuyến đi làm việc thiện nguyện cùng tổ chức All Hands Volunteers, giúp tái xây dựng, phục hồi khu vực này sau sự tàn phá cuối năm 2013 của bão Haiyan.

“All Hands Volunteers là tổ chức thiện nguyện có trụ sở tại Hoa Kỳ, tham gia vào công cuộc phục hồi đất nước Philippines sau trận bão Haiyan. Tôi và cô bạn thân, Hà Tiên, ghi danh đến với All Hands trong những ngày cuối Đông.  Sau năm ngày chung đụng với các thiện nguyện viên và bốn ngày làm việc chung với họ và nhiều người dân địa phương, chúng tôi có dịp nhìn thấy tấm lòng đầy nhiệt huyết đang nỗ lực xây dựng lại những gì bão Haiyan đã cướp đi.” – Nam Phương.


Chiếc đinh rỉ, hai đồng xu, và những đứa trẻ Philippines

Tác giả (trái) và một tình nguyện viên được giao nhiệm vụ … đập gạch. (Hình: Nam Phương/Người Việt)

Ngày 1

Sáu giờ sáng, mọi người lục đục thức dậy, ăn sáng, thay áo quần đến 7 giờ 15 là xe “jeepney” đến đón đi làm việc.

All Hands đang có ba công việc khác nhau mà mỗi tối mọi người ghi danh vào việc mình muốn làm. Tôi và Hà Tiên chọn một việc ghi danh vào tối hôm qua.

Xe chở chúng tôi đến một trường học. Trên đường đi, nhiều trẻ em vẫy tay chào và reo, “Americans! Americans! (người Phi thấy người da trắng thì đều cho rằng là người Mỹ).” Trẻ em Phi rất vui vẻ và thân thiện, không nhút nhát tí nào.

Nhiệm vụ chúng tôi là đập nát những lớp học đã bị bão đánh phá, chuẩn bị cho việc xây cất lại đúng theo tiêu chuẩn an toàn.

Trời nắng gắt và ẩm. Mới đập vài cục gạch mà tôi đã mồ hôi nhễ nhải, phải liên tục ngừng lại để nghỉ. Những người bạn tôi không biết vì quen hơn hay sức lực mạnh hơn, cứ tiếp tục đập, xúc, và kéo xe.

Đến phiên tôi kéo xe đi đổ gạch vụn, tôi đẩy xe lên một miếng gỗ và đã lao vào 2 cây đinh lòi ra dưới cuối miếng gỗ. Máu bắt đầu ào ra chảy xuống thấm đẫm đôi vớ. Cô bạn kế bên lập tức lấy alcohol sát trùng và băng bó vết thương cho tôi.

Nơi được dùng cho việc vệ sinh, tắm rửa. (Hình: Nam Phương/Người Việt)

Nhìn hai cây đinh rỉ sét, tôi quyết định đi bệnh viện.

Đến nơi, biết tôi thuộc All Hands, họ cho tôi vào trước, thay băng, cho thuốc trụ sinh và dặn tôi phải giữ cho sạch sẽ. Ở nơi bụi bặm ẩm ướt như Kananga thì rất dễ bị nhiễm trùng. Cả muỗi cũng có thể làm nhiễm trùng.

Bệnh viện cho biết họ chữa bệnh miễn phí cho đến tháng 6 vì họ đã nhận được nhiều tiền từ các tổ chức NGO (phi chính phủ).

Tôi trở về làm việc tiếp dù chỉ là làm chậm chạp và ít hơn.


Ngày 2

Với vết thương đau nhói, tôi và Hà Tiên ghi danh đi làm việc nhẹ nhàng hơn. Chính phủ Philippines giao cho IOM (International Organization for Immigration), một tổ chức liên chính phủ, phụ trách xây nhà ở tạm thời cho người dân bị mất nhà.

Khu nhà chúng tôi đến gồm có khoảng 300 căn, mỗi căn rộng 8 feet chiều ngang và 12 feet chiều dài. Với diện tích eo hẹp thế này, những nhà có năm, sáu thành viên thì chen chúc nhau mà sống. Nơi nấu ăn và vệ sinh đều là công cộng.

Công việc IOM giao cho chúng tôi đơn giản là đóng tủ trên tường hầu giúp cư dân có thêm khoảng trống trong nhà để sinh hoạt dễ dàng hơn.

Trẻ em theo sau xe lúc chúng tôi ra về. (Hình: Nam Phương/Người Việt)

Nơi đây chúng tôi có rất nhiều cơ hội gặp gỡ người dân Philippines. Những chàng trai trẻ phụ giúp cưa gỗ, đóng đinh; những bà nội trợ cho nước và nhất là những đứa trẻ luôn quấn quít chúng tôi. Chỉ sau một ngày làm quen là chúng đã nhớ hết tên chúng tôi và thích đùa giỡn, nói chuyện không ngừng.

Mỗi ngày vào buổi trưa, giám đốc IOM ghé qua trò chuyện và mua hai bịch bánh ngọt đãi chúng tôi ăn. Tôi làm quen với một cô bé tên May vào lúc nghỉ trưa.

Tôi đưa cho May một chiếc bánh và nhìn May bẻ nó ra thành từng miếng nhỏ để chia cho các trẻ khác. Hỏi chuyện thì được biết May 12 tuổi, học lớp 6, là con lớn nhất với 4 đứa em nhưng chỉ có May là được đi học vì cha mẹ không đủ tiền mặc dù tiền học trường công là 20 pesos (50cents) một ngày tức là khoảng $80 một năm.

May dẫn tôi đến nhà thăm mấy đứa em. Trong mấy đứa em, người em kế của May bị Down Syndrome. Nhìn gia đình, tôi nghĩ rất có thể May sẽ khó hoàn tất việc học để thoát khỏi vòng nghèo nàn này.

Tôi bảo May viết địa chỉ nhà và trường học. Định bụng sẽ giúp con bé tiền học nhưng tôi không dám hứa với nó điều gì cả.


Ngày 3

Tôi sốt. Nhìn xuống chân tôi biết mình đã bị nhiễm trùng vì chân sưng to và đỏ.

Tôi và Hà Tiên vẫn đến nơi làm việc thứ 3: giữa một xóm nghèo, chúng tôi phụ trách đào mương để xây nhà tập thể mới cho những người đang ở nhà tạm thời.

Ở đây chúng tôi cũng được làm chung với dân địa phương. Chúng tôi sánh vai nhau hì hục, người thì đập xi măng, người thì đào đất, xúc cát. Có một cô bé khoảng 10 tuổi cũng leo xuống mương xúc đất cùng mọi người. Cô bé còn tặng Hà Tiên một cái kẹp tóc Hello Kitty, có lẽ là cả gia tài của cô rồi.

Buổi trưa, chúng tôi mua kem đậu đỏ ăn chung với nhau. Người dân Philippines hài hòa, chất phát, siêng năng, và nhường nhịn. Quá nhường nhịn thì đúng hơn.

Làm hơn nửa ngày trời, cô trưởng nhóm chúng tôi, Juli, cho biết là chúng tôi đào không đủ sâu.

Hai tuần nay rồi, Juli cứ thấy sao lạ, hễ All Hands đào xong đến cuối giờ thì người địa phương lại nhào xuống làm tiếp. Thì ra lúc đầu không biết hiểu lầm thế nào mà All Hands nghĩ là phải đào sâu 50cm nhưng thật ra họ cần sâu 80cm. Thay vì họ cho chúng tôi biết để điều chỉnh thì họ im lặng tự làm lấy.

Chiều hôm ấy tôi lại đến bệnh viện và bác sĩ cho biết chân tôi quả thật bị nhiễm trùng.

Họ cho thuốc bôi và trụ sinh mạnh hơn, bảo nếu ba hôm nữa không khá lên thì phải đi đến bệnh viện ở thành phố lớn hơn.

Tôi nghĩ trong bụng, “ba ngày nữa thì tôi đi bệnh viện Hoag!” (Tòa soạn chú thích: Bệnh Viện Hoag tại California)


Ngày 4

Tôi trở lại những ngôi nhà tạm thời của IOM vì tôi muốn chia tay với mấy đứa bé tại đây.

Chỉ còn vài căn nhà cần tủ nên công việc cũng nhẹ nhàng. Phần đông chúng tôi dành thời giờ đùa với mấy đứa trẻ chung quanh. Hà Tiên mang tất cả kẹo bánh đem từ Mỹ ra phát cho chúng.

Cô bé May lủi thủi theo tôi trong lúc làm việc.

Cuối giờ, một cậu bé tên Dremi, 10 tuổi, có cặp mắt đen dài lấp lánh với 2 hàng lông mi cong vuốt như con gái nhỏ nhẹ hỏi tôi, “Jane, you return to America?” (Jane, chị sẽ về lại Mỹ sao?)

“Yes.” “I want to say goodbye.” Tôi nghẹn ngào, “Goodbye, Dremi. Be good in school, ok?” (Ừ, chị muốn chào từ biệt. Tạm biệt Dremi. Học giỏi nhé.) Tôi trút hết đồ trong cặp ra, và tặng Dremi cái cặp.

Đang dọn dẹp lại đồ đạc thì năm phút sau, tôi cảm thấy ai vỗ vào hông mình. Quay lại chẳng thấy ai cả, đến khi nhìn xuống thì mới thấy Dremi giơ bàn tay nhỏ xíu lên với hai đồng tiền quarters Mỹ mà tôi đã bỏ sót trong cặp.

Sự nghèo khổ vẫn chưa ảnh hưởng đến lòng trung thực của Dremi. Tôi cuối xuống vuốt tóc nó, “These are American coins, you keep them.” (Đây là tiền xu của Mỹ, em có thể giữ chúng.)

Xe jeepney chở chúng tôi về trại, May chạy theo vẫy tay.

Tôi nhớ ra mình còn cặp kiếng mát, nhoài người ra xe thảy cho con bé. Nó nhỏ thế cũng chẳng dùng được nhưng lúc đó tôi chẳng còn gì để cho May.

Buổi sáng rời trại để ra bến phà trời cũng mưa dầm dề như lúc chúng tôi đến.

Vậy là tôi chỉ ở có vỏn vẹn 4 ngày làm việc, ít quá. Những thiện nguyện viên khác phần đông ở lại đây 5, 6 tuần! Tôi phục tinh thần và sức lực của họ. Và sau họ, sẽ tiếp tục có người khác đến tiếp tay. Cứ thay phiên nhau như thế, All Hands sẽ ở đây cho đến khi nào công việc phục hồi hoàn tất.

Tôi và Hà Tiên chỉ là một phần nhỏ của All Hands, và All Hands cũng chỉ là một phần nhỏ của bao nhiêu là tổ chức thiện nguyện mà chúng ta chưa biết đến.

Tôi về lại Mỹ với vết sẹo trên chân để nhớ Kananga, nhớ Heather, nhớ May.

Và nhớ là luôn có niềm tin với con người.

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT