Thursday, March 28, 2024

Ðám thiêu của người Chăm Bàlamôn

 

Ban Vy

 

Theo nghi lễ vòng đời của người Chăm Bàlamôn thì lễ hỏa táng được xem quan trọng hàng đầu. Tang lễ này là một hệ thống lễ rất phong phú và phức tạp, cũng tốn kém tiền của. Có sự khác nhau giữa các đám tang của các tầng lớp trong xã hội do ảnh hưởng chế độ đẳng cấp của Ấn Ðộ.

Hài cốt được đặt lên đống củi và đốt cháy. Với người Chăm Bàlamôn, thì lễ hỏa táng được xem quan trọng hàng đầu theo nghi lễ vòng đời của họ.

Lễ hỏa táng của người Chăm Bàlamôn được tổ chức trong bốn ngày ba đêm. Và hỏa táng vào buổi sáng ngày cuối cùng. Lễ này bắt đầu diễn ra vào sáng ngày Chủ Nhật hoặc sáng Thứ Tư, miễn là có sự cho phép lấy ngày của thầy cả sư.

Ngày đầu tiên tang lễ được bắt đầu vào khoảng 6 giờ sáng. Gia đình sẽ ra nơi chôn cất để lấy hài cốt đã được chôn khoảng từ 1 năm rưỡi đến 2 năm rưỡi tùy theo đất chôn như thế nào mà có thể làm lễ hỏa táng. Cũng trong khoảng thời gian này, sẽ bắt đầu dựng nhà lễ và trang trí theo đúng quy định của tín ngưỡng Bàlamôn. Nhà lễ được dựng lên ngoài người trong gia đình còn có sự giúp đỡ từ họ hàng và bà con láng giềng (tùy vào mối quan hệ của gia đình mà bà con đến nhiều hay ít). Theo quy định thì hướng mở của nhà lễ hướng về phía Bắc. Phía Nam nhà lễ là nơi để hài cốt người chết. (Theo trình tự, ngày thứ nhất bắt đầu sẽ là ngày “Lễ cho ăn” Harei blei huak) được bốn thầy Paseh làm lễ. Theo quan niệm của người Chăm thì khi chết là sự đầu thai trở lại và sẽ sang một thế giới khác. Ðể cho người chết khỏi khổ, thì phải làm sao để người chết không bị đói khát. Vì thế “Lễ cho ăn” được làm vào ngày thứ nhất. Vật phẩm trong “Lễ cho ăn” chỉ có nước, gạo và muối. Các mâm lễ sẽ được trang trí theo quy định. Sau đó ông thầy chủ lễ bắt đầu làm lễ đề mời gọi thần linh về chứng giám.

Bốn người khiêng hài cốt (halan char) được quấn khăn màu đỏ đã được làm bùa phép.

Trước khi làm “Lễ cho ăn” các thầy sẽ làm lễ tẩy uế (tẩy thể). Trong lễ này mỗi thầy sẽ có một mâm lễ riêng. Vật lễ trên mâm có lửa trầm, trầu, cau, hạt nổ, cơm vắt, muối hạt. Mủng gạo thì được chia làm hai phần: Một phần để thầy cho ăn và một phần để con cháu trong gia đình cho người chết ăn. “Lễ cho ăn” được diễn ra trong tiếng tù và, tiếng chiêng trống nghe rất linh thiêng và não ruột.

Sau “Lễ cho ăn” tiếp tục là lễ thức dâng cơm cho các thầy paseh. Người bưng cơm (pok lisei) thứ tự sẽ bưng các mâm lễ dâng cho các thầy, trước hết là rượu, trầu cau và sẽ có một mâm dành cho người chết. Các thầy Paseh làm nghi thức tụng kinh và làm phép trước khi ăn. Sau đó người bưng cơm tiếp tục dâng cơm cho ban nhạc (Gru adaoh), bà đơm cơm, thợ trang trí, chủ tang. Còn những người trong gia đình, bà con láng giềng và khách sẽ ăn cơm chung.

Bên trong nhà lễ, nơi được dựng lên nhằm phục vụ cho những nghi thức tổ chức đám thiêu cho người đã chết.

Buổi tối ban nhạc bắt đầu thực hiện công việc của mình. Lập bàn tổ cúng để hát tang ca từ khoảng 19 giờ đến 21 giờ. Nội dung là kể lại vòng đời người từ lúc sinh ra cho đến chết và sau khi chết được đầu thai lại. Sau khi ban nhạc kết thúc thì mọi người bắt đầu dọn mâm ăn chè đêm. Và người chết cũng được dâng. Cái thú vị của đêm ăn chè là gia đình sẽ nấu để mời tất cả mọi người đến ăn. Ðặc biệt là cũng là địa điểm tập kết của các em độ tuổi tiểu học trong làng đến ăn chè (Yaong beng). Mỗi khi có Lễ hỏa táng của ai đó thì thú vui của các em là chờ đến lúc ăn chè.

Kết thúc ngày thứ nhất thì ngày thứ hai sẽ là ngày nghỉ, chỉ có ban nhạc hát tang ca. Trong ngày hôm nay hoạt động diễn ra cũng rất đơn giản. Lễ hát xướng sẽ hát ba buổi: Sáng, chiều, tối. Nhưng giai điệu tang ca nghe rất não nề, đưa người nghe cảm nhận được sự mất mát. Bên cạnh đó hướng người nghe đến sự linh thiêng như đang thoát ra khỏi trần tục…

Người bưng cơm đang dâng cơm cho thầy Paseh và Po Dhia (Cả Sư).

Tiếp tục là ngày thứ ba: Lễ chém cây (Tak Kayau). Ngày này cũng rất quan trọng vì sau Lễ Chém Cây sẽ là Lễ tiễn đưa (Palao) dân làng và khách khứa từ các làng khác đến rất đông và gia đình sẽ thết đãi (tùy theo mối quan hệ gia đình mà khách ở các palei khác đến).

Bắt đầu với Lễ Tak Kayau: Lễ này sẽ do một Po Adhia và một thầy Paseh đảm nhiệm. Sau đó hai thầy Paseh cầm một cây chà gạt, một cây mốc trượng bước ra đứng ở giữa rạp và đọc vài câu thần chú, sau đó mỗi ông sẽ chặt tượng trưng ba lần rồi giao lại cho thợ làm đòn khiêng. Cũng trong thời gian này On Hang (thợ làm nhà) cất một cái nhà mồ (dùng để khiêng người chết đem đi hỏa táng). Bốn gốc nhà mồ có dán hình con hăng (con rồng được cách điệu lại) và cuối cùng là hai thầy Paseh đến ngã ba đường đào một cái lỗ, họa hình người chết, đặt ba đoạn tre rồi lắp lại để trấn yểm tà ma.

Giờ ăn của Po Adhia, các thầy Paseh, ban nhạc.

Tiếp theo đó là bắt đầu lễ Palao. Người ta làm một chiếc nhà táng bằng tre, có dán hình con hăng bay lên trời (mang ý nghĩa những con hăng sẽ đưa hồn người chết lên thiên đàng). Buổi tối các thầy Paseh sẽ phân công nhau lo việc làm phép mặc đồ trang phục tăng lữ Bàlamôn, cổ quàng chiếc khăn đỏ, tay cầm gậy trúc có gắn thỏi sáp. Tiếp đến là nhạc Kanhi cùng ban nhạc sẽ cất tiếng ca. Ðược kéo dài khoảng hai tiếng đến ba tiếng thì chấm dứt. Kết thúc thì gia đình có chương trình ca nhạc sống để những con, cháu, họ hàng hát để gởi lời và cầu mong cho người chết đi về cõi thiên đàng được thuận lợi (thực chất chương trình này không có trong lễ hỏa táng của người Chăm. Nó chỉ được tổ chức trong vài năm đổ lại đây nhằm giúp cho đêm cuối cùng của đám thiêu được đông vui và nhộn nhịp hơn, bà con láng giềng đến xem rất đông ở lại cho đến khuya).

Ngày cuối cùng: Lễ hỏa táng (Ndam chuh) được bắt đầu từ 6 giờ sáng các thầy Paseh bắt đầu thực hiện các lễ nghi và thủ tục ăn cơm. Trong khi các ban nhạc hát bài tang ca tiễn đưa cuối cùng, những người thân mặc đồ tang trắng hướng về người chết và nằm lạy trước khi tiễn đưa. Sau khi hết giờ hát tang ca, gia đình sẽ làm lễ tạ ơn cho ban nhạc. Trong lúc đó, ở nhà người chết thầy cúng giữ nhà (On khik sang) cũng lập một mâm lễ ở giữa sân và lớp bùa phép trên các cây chùm bầu đã được chặt và làm hàng rào trấn giữ tám hướng để không cho tà ma vào nhà.

Trẻ con từ trong làng đến ăn chè tại nhà lễ.

Bốn ông khiêng hài cốt (hala char) quấn chăn, mình cởi trần, trên cổ quấn một băng vải đỏ (đã được thầy Paseh làm bùa), đầu quấn khăn Chăm đến trước cửa nhà nhận một ống tre đã được chôn ở cổng nhà trước đó. Một ông đại diện tốp bốn người khiêng đến bên mâm lễ của ông thầy cúng giữ nhà để thỉnh lệnh đi khiêng hài cốt. Sau khi khấn xong, ông thầy cúng đưa cho 4 ông hala char 4 miếng trầu têm làm bùa hộ mệnh, và trở lại nhà lễ đưa 4 miếng trầu đó cho thầy Paseh. Sau đó các thầy chủ lễ và 4 người khiêng làm lễ tắm rửa và tẩy uế để chuẩn bị làm lễ chuyển hài cốt đi hỏa táng. Sau khi các nghi lễ hỏa táng hoàn tất thì chiêng trống nổi lên, con cháu và người thân đến lạy và khóc lóc thảm thiết. Ông thầy paseh làm phép cho dỡ nhà lễ. Nhà lễ được dỡ rất nhanh. Vì hầu như đa số những người có mặt đều phụ giúp cho việc tháo dỡ nhà lễ nên chỉ vài phút là đã xong. Và hài cốt được khiêng ra khỏi làng tới một khu đất khá rộng (ở đây là cũng là nơi chôn người chết và cũng để làm hỏa táng). Sau khi đến nơi hỏa táng, dựng nhà lễ tạm nhỏ để các thầy tiếp tục làm lễ nghi và hô thần chú. Sau đó khiêng đặt lên đống củi đã để sẵn và châm lửa vào. Ngọn lửa bùng cháy khá lớn và sau khi cháy một lúc thì thầy Paseh cầm một cây rựa cán dài chặt đầu người chết ra khỏi cổ và móc ra. Người ta lấy miếng sọ đập ra từng mảnh trên trán và lấy dao gọt cho tròn như đồng tiền rồi đem mài cho nhẫn. Ðàn ông thì lấy bảy miếng, còn đàn bà thì lấy chín miếng. Những mảnh xương trán này được rửa sạch và cất giữ vào hộp nhỏ bằng đồng, sau đó đem chôn tại một nơi kín đáo chờ đến ngày nhập Kút.

Chương trình nhạc sống thu hút đông đảo khán giả đến tạo không khí vui vẻ cho đêm Tak kayau.

Từ những lễ nghi và phong tục của đám hỏa táng của người Chăm Bàlamôn cho thấy sự phong phú và phức tạp. Và những người còn sống vẫn còn trách nhiệm trọn vẹn với người đã khuất. Mong muốn người chết đi đến với Mukei (những người họ hàng đã chết trước) được trọn vẹn và về với nơi thiên đàng. Tuy nhiên chúng ta vẫn thấy rằng với thời gian bốn ngày ba đêm thì chi phí cho lễ tang này cũng không phải thấp so với thu nhập của cộng đồng Chăm. Ðặc biệt tình nghĩa làng xóm, láng giềng cũng thể hiện rõ ràng của cộng đồng Chăm cho chúng ta thấy sự đoàn kết của họ.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT