Friday, March 29, 2024

Lời chúc đầu năm



 


Lời chúc đầu năm


Trang Tiếng Việt Dấu Yêu kính chúc quý độc giả, phụ huynh, thầy cô và các em học sinh một năm mới – Xuân Nhâm Thìn (2012) – an lành, hạnh phúc và tràn đầy may mắn. Chúc các em được là con ngoan trong gia đình; học sinh giỏi nơi trường học và công dân tốt khi ra đời. Không ngừng trau dồi kiến thức, phát huy văn hóa Việt Nam và phụng sự xã hội.


Nguyễn Việt Linh


_____________________________


 


EM VIẾT VĂN VIỆT


Những bài viết của học sinh các trường Việt ngữ


Nhằm tạo một diễn đàn cho các em tập viết tiếng Việt, Ban Biên Tập trang Tiếng Việt Dấu Yêu kêu gọi quý phụ huynh và quý thầy cô khuyến khích các em viết văn, diễn tả bằng tiếng Việt những cảm nghĩ và ước vọng trong đời sống của các em. Ước mong nơi đây một sân chơi được mở ra và khu vườn văn hóa Việt sẽ được quý phụ huynh và quý thầy cô góp tay vun trồng, khuyến khích.


Trong các bài nhận được và chọn để đăng, chúng tôi cố ý giữ nguyên văn những gì các em viết. Vì thế, khi đọc đến những ngôn từ, lỗi chính tả và sai văn phạm, chúng tôi mong được phụ huynh và thầy cô chia sẻ và sửa chữa cho các em tại nhà hay trong lớp học.


Tất cả các bài viết dưới dạng MSWord, font Unicode; và hình ảnh dạng .jpg, xin gởi về địa chỉ email: [email protected] (Xin đừng gởi dạng .pdf vì không tiện cho việc layout).


Trân trọng cảm ơn quý vị.


Nguyễn Việt Linh




Bé Nu Nguyễn bên cây mai do mình trồng. (Hình: Cao Minh Châu/GKH)


 


Hoa Mai


Nu Nguyễn, Lớp 6 Trường Valley View, Simi Valley


 


Em thít Tết vì Tết có Hoa Mai. Ông em cho em một cây Hoa Mai, cây nhỏ xí, nhưng ông nói em ráng lo cho nó có hoa. Năm nay em không phụ ông bẻ lá mai, vì em mắt bẻ lá cho cây mai của em.


Cây mai của em có nhiều nụ lắm, nhưng chưa nổ hoa, ông nói Tết nó sẽ nổ. Không biết hoa mai của em sẽ màu gì? Ông em nói Hoa Mai màu vàn tươi đẹp nhất. Ông gọi tên em là Hoàn Mai có nghĩa là hoa mai màu vàn. Ông nói nếu cây mai của em có nhiều hoa thì em sẽ may lắm. Em hỏi sao vậy, ông nói rằng: mai là may, hoa mai là hoa đem lại sự may mấn. Nhưng em hỏi cô Châu, cô không chịu. Cô nói phải phân biệt i và y. Cái tai để nghe, cái tay để cầm đồ. hoa mai, còn may mấn. Em nói với ông thì ông nói là cô Châu rắc rối, từ lâu rồi mọi người đều nói hoa mai là may mắn, sửa i thành y cũng đâu có sao.


Em mong hoa Mai của em màu vàn. Em muốn hoa của em cũng được lên báo, nên em viết bài này.


 


________________________________


 


Loạt bài giới thiệu các trung tâm Việt ngữ


LTS: Nhằm phổ biến thông tin về các trung tâm dạy Việt ngữ trong vùng Orange County để phụ huynh có thể chọn địa điểm thuận tiện khi muốn gởi con em theo học Việt ngữ, trang Tiếng Việt Dấu Yêu sẽ lần lượt giới thiệu một số trung tâm tiêu biểu trong cộng đồng. Các trung tâm Việt ngữ có thể tham gia và tự giới thiệu về sinh hoạt tại trung tâm của mình bằng cách gởi bài và hình ảnh, qua email về địa chỉ: [email protected]


Kỳ này, chúng tôi trân trọng giới thiệu Trung Tâm Văn Hóa Hồng Bàng và kỳ tới là Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam. Kính mời quý phụ huynh và thầy cô theo dõi và bổ túc, sửa sai nếu cần, để thông tin được cập nhật, hữu dụng và chính xác.



 Lớp mẫu giáo 2 tại TTVH Hồng Bàng chụp hình lưu niệm. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)


 


Trung Tâm Văn Hóa Hồng Bàng


 


(Tài liệu: TTVH Hồng Bàng)


 


Với niềm tự hào gần 5000 năm Văn Hiến của dân tộc Việt, nhất là gìn giữ tiếng mẹ đẻ cho thế hệ con em Việt Nam trong hoàn cảnh sống xa quê hương, Trung Tâm Văn Hóa Hồng Bàng được thành lập từ năm 1992 bởi những người tha thiết đến truyền thống của dân tộc nhằm giúp đỡ các em thiếu nhi Việt Nam hải ngoại biết đọc, biết viết và nói tiếng Việt.


Ðể các em tìm hiểu và làm quen với cội nguồn dân tộc, Trung Tâm Văn Hóa Hồng Bàng dạy các em những nét truyền thống của tuổi thơ Việt Nam qua những sinh hoạt văn hóa, như Ðêm Văn Hóa Hồng Bàng, Lễ Hội Trung Thu hàng năm. Ngoài ra, đức dục cũng được quan tâm hàng đầu nhằm giúp các em trở thành người con ngoan trong gia đình và công dân tốt ngoài xã hội.


Trung Tâm Văn Hóa Hồng Bàng là một tổ chức văn hóa dựa trên lập trường quốc gia dân tộc, vô vụ lợi, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, giới tính, đoàn thể và hoàn toàn độc lập.


Từ những ngày đầu gian nan, với vài thầy cô giáo và trên dưới 100 em học sinh, nay trường đã được hơn 800 em học sinh, gồm 25 lớp học từ mẫu giáo đến lớp 7, gần 80 thầy cô có khả năng sư phạm đứng lớp và điều hành. Học sinh đến với trung tâm, hầu hết trong lứa tuổi từ 5 đến 20. Bên cạnh đó, còn có một số người bản xứ đến học ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, cũng như các sinh viên sau khi thành đạt, muốn trở về tìm lại tiếng Việt dấu yêu.


Tất cả các thầy cô của trường đều là những chiến sĩ văn hóa tự nguyện, không vụ lợi, không nhận thù lao, kiên trì ôm ấp văn hóa dân tộc, nắm tay học trò cùng lội ngược dòng văn hóa bản xứ, để bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa Việt cho thế hệ trẻ tại Hoa Kỳ.


Ðặc biệt, phụ huynh học sinh là người góp phần chính trong việc trang trải mọi chi phí thuê mướn phòng ốc, học cụ của Trung Tâm. Mọi đóng góp của mạnh thường quân và phụ huynh học sinh được khấu trừ thuế cuối năm.


TTVH Hồng Bàng sinh hoạt từ 1 giờ đến 3:30 chiều mỗi Chủ Nhật tại trường Bolsa Grande High School, 9401 Westminster Blvd., Westminster, CA 92844.


Liên lạc: (714) 721-9603 hay (714) 270-4515.


 


__________________________


 


Tâm tình thầy cô


 


Tết


Cành Hồng Giải Khuyến Học-Viet Olympiad


 


Tôi cư ngụ tại một thành phố xa xôi, hẻo lánh, và cách xa Cộng Ðồng Người Việt, tuy thế không khí Tết vẫn tràn ngập trong những gia đình người Việt xa quê. Mọi người gói bánh chưng, bánh tét, làm dưa món, muối dưa hành, bó giò thủ… và tặng nhau quà Tết để nhớ cố hương.


Học sinh của tôi tặng cô giáo những món quà thật dễ thương do các em tự làm. Nhận những món quà từ các em. Ôi! Cảm động, nhớ lại ngày nào, mơi đó đã 40 năm…


Ngày xa xưa ấy, tôi cầm sự vụ lệnh về một quận xa, nghèo, nhưng chiến tranh thì nóng bỏng. Học sinh rất yêu quý và chăm sóc chu đáo thầy cô. Tết đến, tôi không về với gia đình được vì đường về thành phố đầy mìn, và ngày nào cũng phải chờ các đơn vị thuộc quân đội VNCH đến phá mô, mọi người mới có thể di chuyển. Ðêm trừ tịch, nằm nghe tiếng súng vọng về, tôi nhớ nhà da diết, nhớ cha mẹ, các em… nhớ chậu mai vàng rực rỡ, chậu quất sai trái, cành đào hồng thắm, và những cặp bánh chưng xanh ngắt… Thế là năm nay không được nhặt lá mai cùng bà nội, không được cùng đi lễ Giao Thừa với bà để cầu bình yên cho người cha ngoài tiền tuyến, cầu sức khỏe cho người mẹ vất vả ngược xuôi… tôi đã khóc và ngủ quên với giấc mộng: bỏ trường, bỏ lớp, bỏ học trò, quay về thành phố nhộn nhịp, đoàn tụ với gia đình…


Tôi choàng tỉnh với những tiếng ồn ngoài cửa phòng, cửa vừa mở, học sinh tôi ùa vào như một cơn lốc và ồn như chợ vỡ với những lời chúc Tết thân thương. Tôi lùa các em ra phòng ngoài, trang điểm sơ sài cốt che những quầng thâm trên mắt, khoác vội chiếc áo dài và ra với các em. Ôi! Phòng khách của chủ nhà biến thành một cái chợ chồm hổm: nào xoài, nào dưa hấu, nào bưởi, nào cam, quýt,… nào bánh tét, bánh ít và hoa, một chợ hoa (các em biết tôi thích hoa); hoa Huệ, hoa Tường Vi, hoa Thược Dược, hoa Râm Bụt, hoa Tầm Duộc… nghĩa là đủ các loại hoa các em hái được trong vườn hay trên đường đi… Tôi lại khóc (không biết sao tôi nhiều nước mắt đến thế)… Các em hối tôi ăn sáng, rồi còn đi chùa. Một cô bé lí lắc cho biết quê em cũng có chùa chứ không phải chỉ có thành phố của tôi mới có chùa. Thầy trò cùng ăn sáng, các em ép tôi thử bánh tét, bánh ít. Em nào cũng muốn cô thử bánh mình làm và khen bánh mình ngon. Nếu không đi chùa, chắc tôi bị bội thực.


Vừa ra khỏi chùa là đến màn tranh nhau mời cô về nhà: Nào má em nói phải mời cô, nào bà nội em muốn mời cô, nào thịt kho nước dừa em kho ngon lắm, nào cá em mới bắt, rộng đến hôm qua mới kho để cô ăn cho ngon, nào em luộc con gà do chính tay em thiến để cô ngon miệng, vân vân và vân vân, các em lôi kéo khiến vài người nhìn chúng tôi ngạc nhiên. May quá, thầy giám học đi ngang qua, thầy trợn mắt bảo các em buông tôi ra và giải quyết: Cô giáo trưa nay ăn cơm nhà thầy vì thầy mời từ trong năm. Ồ! Tí nữa tôi quên mất, tôi đã nhận lời với cô giám học: mùng một Tết đến chúc tuổi mẹ cô và dùng cơm với gia đình cô. Học trò tôi sa mặt, nhưng sợ thầy giám học, không dám nói gì. Tôi đành hứa sẽ đến nhà các em vì còn nghỉ Tết đến 5 hôm nữa. Nhưng các em than phiền là thức ăn sẽ hư hết. Biết sao bây giờ, thầy giám học mời tôi đi, và bảo các em, nếu sợ thức ăn hư thì đem đến nhà thầy để tối thầy và các thầy khác nhậu.


Và, học sinh dù ở đâu, dù thời nào cũng vậy, các em luôn luôn là những học sinh dễ thương.


Ước gì một ngày nào đó tôi được hưởng một cái Tết với tất cả học sinh đã học với tôi.


_____________________________


 


Hình ảnh sinh hoạt


 



Cô Mai An hướng dẫn các em lớp 2A2 trong lễ chào cờ đầu tháng.


 



Cô Ngọc Trúc, trung tâm phó, trao quà cho các học sinh xuất sắc trong tháng 12.



Cô Tuyết và cô Ngọc Trúc in thêm bài cho học sinh.



Thầy Mai Hiếu trực nói chuyện với các phụ huynh tình nguyện bán quán.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT