Thursday, March 28, 2024

Nhật ký thiện nguyện: Đứng Lên Nào, Leyte, Philippines!

Kỳ 1

Nam Phương/Người Việt (Bút Ký)


LTS – Bài bút ký được cộng tác viên Nam Phương ghi lại từ thị trấn Kanaga, tỉnh Leyte, Philippines, nhân chuyến đi làm việc thiện nguyện cùng tổ chức All Hands Volunteers, giúp tái xây dựng, phục hồi khu vực này sau sự tàn phá cuối năm 2013 của bão Haiyan.

“All Hands Volunteers là tổ chức thiện nguyện có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã tham gia vào công cuộc phục hồi đất nước Philippines sau trận bão Haiyan. Tôi và cô bạn thân, Hà Tiên, ghi danh với All Hands trong những ngày cuối Đông.  Sau năm ngày chung đụng với các thiện nguyện viên và bốn ngày làm việc cùng họ và nhiều người dân địa phương, chúng tôi có dịp nhìn thấy tấm lòng đầy nhiệt huyết đang nỗ lực xây dựng lại những gì bão Haiyan đã cướp đi.” – Nam Phương.


‘Tiểu Liên Hợp Quốc’ đến tỉnh Leyte

Buổi sáng rời trại đi làm bằng xe lam. (Hình: Nam Phương/Người Việt)

Sau hai ngày đi đường, chúng tôi đến trại All Hands trong lúc trời chiều mưa tầm tã.

Lần này, căn cứ là một ngôi nhà thuê giữa thị trấn Kanaga, tỉnh Leyte, Philippines. Kanaga có trên dưới 50,000 ngàn người dân và nằm giữa Ormoc và Tacloban, hai thành phố bị bão Haiyan tàn phá nặng nề nhất vào Tháng 11 năm ngoái.

Sau 4 tháng phục hồi, dân địa phương ở đây cho biết tình trạng tuy có phần cải thiện nhưng tốc độ làm việc của chính quyền vẫn quá chậm.

Và Kanaga vẫn không có điện. Vẫn chìm trong bóng tối mỗi đêm.

All Hands vừa dọn đến địa điểm mới được hơn 2 tuần.

Trước đó họ “đóng đinh” tại bệnh viện duy nhất của Kanaga – vừa sống vừa xây dựng lại các phòng bệnh bị hư hại.

Trụ sở mới có bốn phòng ngủ, hai phòng toilet (xối nước bằng xô) và một phòng khách.

Phòng ngủ chật ních với nhiều giường hai tầng. Mỗi giường đều có một cái mùng để chống mấy chị muỗi hung hăng vo ve qua lại.

Phòng tắm của chúng tôi là những túp lều ngoài trời – ba phía có che và phía cuối cùng nhìn ra ruộng lúa mênh mông. Tuyệt vời nhất là các phòng tắm này! Ở Mỹ mà muốn có quang cảnh tắm xanh tươi êm đềm như thế này thì chắc hẳn phải là nhà của “đại gia.”

Một số tình nguyện viên. Chỉ có 2 trong số khoảng 50 tình nguyện viên là người Châu Á: tác giả và một người bạn có tên Hà Tiên. (Hình: Nam Phương/Người Việt)

Sự có mặt của All Hands tại thị trấn hẻo lánh của Philippines là điều thú vị đối với tôi cũng như với người dân địa phương.

Chúng tôi như một “tiểu Liên Hiệp Quốc” giữa các người dân địa phương, với tổng cộng 50 thiện nguyện viên – 40% đến từ nước Anh, 30% Hoa Kỳ, còn lại là đến từ Pháp, Đức, Hòa Lan, Ái Nhĩ Lan, Gia Nã Đại, Úc, Bồ Đào Nha, và Slovania.

Người nhỏ tuổi nhất khoảng 19 tuổi và lớn nhất là 50 tuổi. Còn lại phần đông là 20-30 tuổi.

Trong vài ngày ở đây, chỉ có tôi và Hà Tiên là gốc Á Châu và vì thế cũng chỉ có chúng tôi mới bị/được ngộ nhận là người … Philippines.

Đối diện nhà chúng tôi là nhà của “Beer Man.” Thú thật chẳng ai biết tên thật của ông là gì và cũng chẳng biết trước kia ông làm nghề gì, nhưng từ khi ông thấy một đám trẻ Tây phương da trắng dọn đến đối diện nhà ông thì ông lập tức kinh doanh … bán bia. Và từ đó chúng tôi gọi ông là “Beer Man” vì tối nào cũng có mấy chục người qua nhà ông mua bia.

Chúng tôi quý ông Beer Man, và tất nhiên là ông càng quý chúng tôi hơn. Tôi cứ thắc mắc là sau khi All Hands dọn nhà thì ông sẽ làm làm gì để sinh sống.

Trụ sở All Hands tại tỉnh Leyte, Phillipines. (Hình: Nam Phương/Người Việt)

Tôi làm quen với Heather, người nằm giường tầng dưới tôi, một cô bé người Anh lai Israel vừa được mọi người mừng sinh nhật 24 tuổi.

Heather xinh xắn, da trắng (đặc trưng của người Anh), tóc nâu quăn tít. Tôi rất thích nghe Heather … chửi thề. Thật vậy, nếu có giải chửi thề hay nhất thì Heather sẽ là quán quân. Trong lúc đàm thoại, cứ mỗi hai chữ thì cô nàng lại đệm vào một chữ bất nhã, nhưng lại nghe như đang hát vì trên môi lúc nào cũng cười tươi tắn. Giọng nói cô trong vắt pha lẫn với chất giọng người Anh lơ lớ.

Có lần tôi buộc miệng bảo, “Cô có biết là cô chửi thề nghe hay lắm không?”

“Thế à? Bạn trai tôi cũng nói vậy đó! Mọi người biết là tôi không có ý xấu gì cả.” Heather trả lời.

Hà Tiên phát kẹo bánh. (Hình: Nam Phương/Người Việt)

Tối đầu tiên, tôi có cơ hội trò chuyện với M., một luật sư bản xứ sống và làm việc tại Manila. M. đang trên đường đi Tacloban để làm công tác thiện nguyện cho hội Liter of Light, mục đích giúp các gia đình nghèo thiếu nguồn điện.

Vì là người bản xứ và là trí thức, M. kể cho tôi nghe một vài chi tiết liên quan đến chính phủ Philippines trong vấn đề cứu trợ.

Theo M., các tổ chức NGO (phi chính phủ) thì làm việc rất có hiệu quả. Ngược lại, tiền cứu trợ do nhiều nước tặng trực tiếp cho chính phủ Philippines thì bị hoang phí.

Ở tỉnh Leyte, hàng chục kho hàng thức ăn đã bị thiêu hủy chỉ vì chính phủ bắt buộc người dân phải nộp đơn xin phép mà người Leyte thì hoặc là không biết hoặc là không muốn hạ mình xin xỏ. Cuối cùng, thức ăn bị hư thối, theo lời ông M. nói.

Ông M. kể, nhiều người nghi ngờ tổng thống đương nhiệm của Philippines vì có tư thù riêng nên cố tình làm lơ Tacloban. Chuyện là mấy chục năm trước, ông Ferdinand Marcos là nhà độc tài Philippines và sau nhiều cuộc chống đối cuối cùng bị lật đổ. Marcos bị tình nghi là đã ám sát đối thủ chính trị số một của mình là ông Benigno Aquino, thân phụ tổng thống đương nhiệm. Gia đình Marcos hiện có liên hệ với thị trưởng Tacloban nên chính phủ Aquino không muốn giúp đỡ miền đất này.

Liên lạc tác giả: [email protected]


Kỳ sau: Chiếc đinh rỉ, hai đồng xu, và những đứa trẻ Philippines

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT