Monday, April 15, 2024

Sinh viên thuyết phục giáo sư dùng sách giáo khoa rẻ tiền

HOA KỲ – Trong chi phí học hành mà người sinh viên phải nghĩ tới mỗi đầu khóa học, tiền trả cho sách giáo khoa cũng là điều nhức đầu.

Nhiều sinh viên phải tính toán kỹ lưỡng những lớp họ cần có, tìm hiểu xem các giáo sư nào ưa xài các sách giáo khoa đắt tiền, để tránh lấy lớp của họ, hoặc ghi danh vào các lớp tương đương, có được cùng loại tín chỉ.

Ðây là điều được thấy ở nhiều trường đại học ở Mỹ, loan truyền qua sự chỉ bảo giữa các sinh viên với nhau, do giá sách giáo khoa đã tăng gấp bốn lần so với với mức lạm phát trong hai thập niên qua, theo kết qủa một cuộc nghiên cứu.

Hình minh họa. (Hình: Stephen B. Thornton/Getty Images)

Theo tin của Seattle Times, nay, một số sinh viên ở đại học Washington University (UW) thuộc tiểu bang Washington đang tìm cách đối phó với việc giá sách giáo khoa tăng vọt bằng cách nói chuyện trực tiếp với các giáo sư để thuyết phục họ dùng các giải pháp khác ít tốn kém hơn.

Theo bài báo, tuần qua, Hội Ðồng Sinh Viên UW đồng thanh chấp thuận một nghị quyết theo đó khuyến khích các giáo sư nghĩ đến việc sử dụng sách giáo khoa mở (open textbook) – loại online miễn phí hay chỉ phải trả lệ phí rất thấp-cũng như các sách ít tốn kém hơn.

Tại trường đại học cộng đồng Tacoma Community College, các sinh viên bỏ phiếu chấp thuận dùng quỹ của họ để tiến hành một chương trình thử nghiệm giúp các giáo sư tìm những nguồn tài liệu trên mạng thay thế cho sách giáo khoa.

Cuộc thử nghiệm ở Tacoma, nay đang sang năm thứ nhì, đã có thành quả ngay sau chín tháng thực hiện. Chương trình này giúp tiết kiệm cho sinh viên khoảng $643,000, theo ước tính của các giới chức trường đại học cộng đồng Tacoma.

Các sinh viên đại học phải chi trả khoảng $1,200 mỗi năm cho sách giáo khoa, theo nghiên cứu của tổ chức College Board. Số tiền này vào khoảng 10% một năm tiền học tại trường UW. Ðối với các trường đại học cộng đồng, tiền mua sách giáo khoa có thể bằng khoảng 30% tiền học phí.

Trong hoàn cảnh học phí đang tăng cao ở khắp các trường đại học, các sinh viên phải tìm cách giảm chi cho sách giáo khoa bằng cách không mua sách, hay kiếm những lớp cho những chọn lựa ít tốn kém hơn, theo kết quả cuộc nghiên cứu do tổ chức bất vụ lợi Public Interest Research Group (PIRG) thực hiện. PIRG đang mở ra một chiến dịch vận động trên khắp nước Mỹ để giáo sư dùng các sách giáo khoa ít tốn kém hơn.

Các sinh viên cũng cảm thấy bị bắt chẹt khi giáo sư đưa ra đòi hỏi phải mua các sách giáo khoa và tài liệu đắt tiền nhưng rồi lại không sử dụng nhiều trong lớp. “Có nhiều cuốn sách không được dùng đúng mức trong các lớp học-có khi chỉ mở ra chừng ba lần, mà giá có thể tới $150,” theo lời Alissa Ramberg, một sinh viên năm thứ tư và cũng là thành viên hội đồng sinh viên ở UW.

Nhiều giáo sư không muốn dùng các tài liệu miễn phí trên mạng vì cho rằng nguồn này không có được tiêu chuẩn cao như các cuốn sách do các nhà xuất bản nổi tiếng đưa ra, hay chỉ có các dữ kiện lỗi thời hoặc được soạn thảo một cách bừa bãi.

Nhưng các sinh viên lại cho rằng họ bất lực để đối phó với việc các nhà xuất bản hoàn toàn kiểm soát thị trường.

Các nhà xuất bản thường đưa thêm các tài liệu khác đi kèm với sách giáo khoa để đẩy giá lên cao hơn, hay thường xuyên đưa ra các ấn bản mới với các thay đổi không đáng kể, khiến các sinh viên rất khó bán lại các sách cũ. Các sinh viên này nói rằng nếu có thêm các giáo sư sẵn sàng dùng tài liệu mở trên mạng thì sẽ các nhà xuất bản sẽ bị áp lực để giảm giá hầu có thể cạnh tranh.

Hội đồng sinh viên ở đại học cộng đồng Tacoma đã mướn một chuyên gia, ông Quill West, để giúp các giáo sư tìm ra các giải pháp ít tốn kém hơn cho sách giáo khoa.

Ông West nói rằng ngày đang có nhiều nguồn tài liệu giáo khoa trên mạng đáp ứng đủ tiêu chuẩn như sách phát hành từ các nhà xuất bản nổi tiếng. Vấn đề ở đây là giành thời giờ tìm kiếm và khảo sát nội dung.

Trong khi các nhà xuất bản chi nhiều tiền cho việc quảng cáo sản phẩm của họ, phía nguồn mở rất khó tìm thấy vì chẳng ai làm việc quảng cáo.

Cơ quan giáo dục tiểu bang Washington SBCTC hiện cũng đang soạn thư viện sách giáo khoa mở (OCL) của mình, tìm kiếm hay soạn thảo các sách giáo khoa online và bán với giá chỉ khoảng $30 hay ít hơn. SBCTC cho hay đến nay OCL đã giúp tiết kiệm cho sinh viên Washington vào khoảng $5.5 triệu. (L.T.)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT