Saturday, April 20, 2024

Sinh viên xa nhà ăn uống thiếu dinh dưỡng


HOA KỲ (NV) –
“Ða số sinh viên xa nhà ăn không đủ bữa, không đủ chất dinh dưỡng, nhất là các vitamin từ rau củ,” nhóm nghiên cứu của trường Ðại Học Oregon viết trong báo cáo cho tạp chí khoa học Journal of Nutrition Education and Behavior.









Ða số sinh viên ăn thiếu chất hoặc bỏ bữa vì không có nhiều thời gian, tiền bạc, hoặc vì “giữ dáng.” (Hình: Tim Boyle/Gettyimages)


Theo kết quả của cuộc nghiên cứu, 582 tình nguyện viên, sinh viên, nhất là các sinh viên năm nhất, ăn uống kém dinh dưỡng hơn nhu cầu trung bình của thanh niên trong độ tuổi 18-25. Giáo Sư Brad Cardinal, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi phát hiện thấy rất nhiều sinh viên bỏ bữa vì các lý do khác nhau, gây ra việc thiếu chất hằng ngày. Khi ăn, các em cũng không chú trọng đến mặt dinh dưỡng”


Giáo Sư Brad Cardinal chú trọng về mặt tâm lý và xã hội học của việc thiếu dinh dưỡng trong sinh viên. Ông nói: “Khả năng nấu ăn là một trong các kỹ năng sống cần thiết mà phụ huynh nên chỉ dạy các em. Những sinh viên được gia đình dạy nấu ăn có khả năng chăm sóc cho bản thân tốt hơn, về nhiều mặt chứ không riêng vấn đề dinh dưỡng.” Ông cũng khuyến cáo về việc cắt giảm các giờ học về dinh dưỡng tại các trường trung học vì lý do ngân sách hiện tại.


Tuy vậy, vì nhiều lý do, không phải sinh viên nào biết nấu ăn cũng có thể tự nấu. Chad V., 24 tuổi hiện học năm cuối tại Ðại Học Berkeley, nói: “Bây giờ ở riêng thì em được nấu ăn chứ hồi xưa ở trong ‘dorm’ [ký túc xá] không có ‘diễm phúc’ được nấu ăn. Cả mấy trăm sinh viên mà chỉ có một cái bếp nhỏ xíu, một cái tủ lạnh cũng nhỏ xíu. Hầu hết sinh viên năm nhất phải ăn tại phòng ăn của dorm. Ðồ ăn ngày nào cũng như ngày nào, mới đầu còn thích, sau thì chẳng muốn ăn nữa.”


Hiện Chad đã dọn ra sống ở ngoài và tự nấu ăn khi rảnh rỗi. Cũng như Chad, nhiều sinh viên gốc Việt, như Hiền Nguyễn, 25 tuổi, sinh viên đại học San Jose, “tự nấu ăn khi có thời gian và ăn ở tiệm khi phải lo học thi. Lúc bận học rồi cũng không nấu được.”


Với suy nghĩ tương tự, Hồng Lê, sinh viên năm ba tại Ðại Học Berkeley, nói: “Thường mình ăn ở tiệm gần trường, không có xe, muốn đi chợ thì phải mất thời gian đi xe bus, không kể khi mua rồi phải nấu nướng, dọn dẹp, trong khi đi ăn ở ngoài chỉ mất khoảng ba mươi phút.” Hồng đến ăn tại tiệm ăn Tàu TC Garden nơi có giá thức ăn rẻ nhất trong vùng, khoảng $5/phần ăn.


Thống kê của Stat Crunch cho thấy trung bình mỗi sinh viên chi $48/tuần để mua đồ ăn nấu sẵn hoặc ăn tiệm. Lauren Nguyễn bình luận: “Vậy tính ra mỗi năm sinh viên trung bình tốn đến $2,600 để ăn tiệm.”


Tiết kiệm tiền là một lý do khác khiến sinh viên ăn không đủ chất. Nhiều sinh viên hỏi trên Yahoo những câu như: “Làm cách nào ăn uống để tiết kiệm tiền,” “Có bao nhiêu cách nấu mì gói cho bữa tối,” hay “Ðồ đông lạnh hâm nóng bằng lò microwave có nguy hiểm không, nếu ăn mỗi ngày?”


Bên cạnh việc không thể, hoặc không biết cách, ăn uống đủ dinh dưỡng, nhiều sinh viên, nhất là sinh viên nữ, cố tình bỏ bữa để “giữ dáng.” Tổ chức sức khỏe sinh viên Hoa Kỳ (American College Health Association) đưa ra kết quả của cuộc khảo sát mới nhất từ 95,712 sinh viên cho thấy cứ hai sinh viên nữ thì có một em dùng cách nhịn ăn để giảm cân. Vấn đề này cũng có trong sinh viên nam, nhưng với tỉ lệ thấp hơn 27%. Trong khi nhịn ăn, nhiều sinh viên nữ cho biết tập thể thao với cường độ cao hoặc dùng thuốc “diet” để giảm cân nhiều hơn.


Trong các chất dinh dưỡng, các vitamin rau củ là loại chất có hàm lượng thấp nhất so với nhu cầu trung bình. Nếu như các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích “thanh niên nên tiêu thụ ít nhất 5 phần rau xanh hoặc trái cây mỗi ngày,” đa số sinh viên, cả nam lẫn nữ, cho biết chỉ ăn một phần/ngày hoặc hoàn toàn không ăn rau.


Ngược lại, hầu hết sinh viên tiêu thụ chất dầu mỡ cao hơn nhiều hàm lượng được bác sĩ khuyên. Tổ chức dinh dưỡng Hoa Kỳ (American Dietetic Association) cho biết: “Chúng ta không nên có quá 30% lượng calories/ngày đến từ chất dầu mỡ.” Trong khi đó, hơn 50% lượng calories/ngày của nhiều sinh viên trong cuộc nghiên cứu có nguồn gốc từ dầu mỡ.


Vấn đề ăn uống thiếu chất của sinh viên được trường học và phụ huynh, bao gồm các phụ huynh gốc Việt, quan tâm. Nhiều phụ huynh, nhất là phụ huynh của sinh viên không ở quá xa gia đình, mua hoặc nấu đồ ăn cho các em hàng tuần. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức sinh viên tại các trường đại học thành lập các nhóm trao đổi, quyên góp thực phẩm cho sinh viên nghèo như Student Food Collective tại UCLA hay UC Berkeley.


“Thanh niên thường không chú trọng các vấn đề sức khỏe nói chung và sức khỏe dinh dưỡng nói riêng,” Giáo Sư Brad Cardinal cho biết, “Tuy vậy, các nghiên cứu cho thấy thói quen ăn uống ảnh hưởng mạnh đến kết quả học tập. Những em khỏe mạnh, ăn đủ chất có điểm học trung bình cao hơn những em ăn uống kém dinh dưỡng.” (T.A.)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT