Friday, April 19, 2024

Tiếng Anh hàng ngày: Simple past and present perfect

Anh ngữ trong đời sống hàng ngày

Bùi Bảo Trúc

LTS – Ðây là chương trình “Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày,” của Hồn Việt Television, do Bùi Bảo Trúc cùng Lãm Thúy, Trúc Giang và Quỳnh Anh phụ trách. Bản ghi chép do Lãm Thúy thực hiện. Bài học đã được phát trên chương trình Hồn Việt Television.

Trúc Giang: Thưa chú, hôm trước một độc giả nhờ cháu hỏi làm thế nào dùng cho đúng hai thì SIMPLE PAST và PRESENT PERFECT. Cháu cũng hay lẫn lộn hai thì (TENSES) này nên đó cũng lại là thắc mắc của cháu. Nhờ chú chỉ cho cháu khi nào dùng SIMPLE PAST và khi nào dùng PRESENT PERFECT.

Quỳnh Anh: Vâng thưa anh, cả hai TENSES này lúc thì khác nhau, lúc thì giống nhau, Quỳnh Anh cũng lẫn lộn hai thì này. Quỳnh Anh nghĩ đây là hai thì khó dùng nhất trong tiếng Anh.

Bùi Bảo Trúc: Thực ra thì không phải thế. Hơi rắc rối một chút thôi.
Trước hết, chúng ta hãy xét về thời gian mà những việc này xảy ra, diễn ra. Một là thời gian đã chấm dứt, đã kết thúc. Và hai là thời gian vẫn chưa dứt, chưa chấm dứt hẳn. Khi việc xảy ra trong một thời gian đã chấm dứt hoàn toàn, không còn kéo dài cho đến hôm nay, không còn diễn ra cho tới lúc này nữa, thì các việc xảy ra trong thời gian đó phải được dùng với SIMPLE PAST TENSE. Nhưng thế nào là thời gian đã chấm dứt, đã kết thúc?

Trúc Giang: Thưa chú, thí dụ như ngày hôm qua, tuần trước, năm ngoái, tháng vừa rồi, thế kỷ trước…

Quỳnh Anh: Tức là YESTERDAY, LAST WEEK, LAST YEAR, A MONTH AGO, LAST CENTURY…

Bùi Bảo Trúc: Ðúng thế. Trong những trường hợp đó, trong những thời gian như vừa kể, chúng ta cứ dùng SIMPLE PAST TENSE là đúng, không thể sai được. Thí dụ YESTERDAY, I MET HIM AT THE LIBRARY nghĩa là hôm qua, tôi gặp anh ấy ở thư viện. Ngày hôm qua đã qua rồi. Tôi gặp anh ấy ở thư viện. Bây giờ tôi không còn đứng ở thư viện nữa, anh ấy cũng đã về nhà. Ngày đã qua, hôm nay, tôi ở nhà, không đến thư viện, chuyện gặp anh ấy không còn diễn ra nữa. Cứ dùng SIMPLE PAST.

Quỳnh Anh: Quỳnh Anh có hai thí dụ anh coi có đúng không: LAST WEEK, WE WENT TO BIG BEAR tuần trước chúng tôi đi Big Bear, hôm nay chúng tôi đã về nhà, chuyện đi Big Bear của chúng tôi đã chấm dứt, đã kết thúc. THEY MOVED TO HOUSTON LAST YEAR năm ngoái họ dọn đi Houston bây giờ chuyện họ dọn nhà đã xong, họ đã mua nhà, không còn ở California nữa.

Bùi Bảo Trúc: Ðúng rồi. Còn Trúc Giang?

Trúc Giang: MY DAUGHTER GOT A NEW TOOTH LAST MONTH con gái cháu mọc cái răng mới hồi tháng trước.
THE WAR IN VIETNAM ENDED LAST CENTURY cuộc chiến ở Việt Nam đã kết thúc hồi thế kỷ trước.

Bùi Bảo Trúc
: Cám ơn hai cô. Bây giờ chúng ta chuyển qua nói về những thời gian chưa hoàn toàn chấm dứt. Thí dụ THIS WEEK, THIS YEAR, THIS MONTH, TODAY… Ðó là những thời gian chưa hoàn toàn chấm dứt. Hôm nay vẫn còn là trong tuần, năm nay thì chưa hết, tháng này cũng chưa qua, hôm nay còn mấy tiếng đồng hồ nữa mới hết… Chúng ta dùng PRESENT PERFECT. Thì PRESENT PERFECT này được tạo thành như thế nào đây Quỳnh Anh?

Quỳnh Anh:
Thưa anh, để có PRESENT PERFECT TENSE chúng ta dùng PRESENT TENSE của động từ TO HAVE (HAVE, HAS) và PAST PARTICIPLE của động từ chính (MAIN VERB). Thí dụ I HAVE WAITED FOR THEM SINCE YESTERDAY, nghĩa là thời gian mà tôi đợi họ vẫn chưa chấm dứt, họ chưa tới, tôi chưa về nhà kể từ ngày hôm qua đến nay.

Bùi Bảo Trúc
: Còn Trúc Giang. Thí dụ của cô như thế nào?

Trúc Giang
: SHE HAS STUDIED SPANISH SINCE LAST DECEMBER nghĩa là cô ấy học tiếng Tây Ban Nha từ tháng 12 năm ngoái, bây giờ cô ấy vẫn còn đang học tiếp. Thời gian học tiếng Tây Ban Nha của cô ấy vẫn chưa chấm dứt.

Bùi Bảo Trúc:
Ðúng rồi. Hay nói cách khác, việc chúng ta bắt đầu trong quá khứ và cũng chấm dứt trong quá khứ, bây giờ không còn làm việc đó nữa thì chúng ta dùng SIMPLE PAST. Quỳnh Anh cho nghe một câu nói về một chuyện bắt đầu trong quá khứ và nay đã chấm dứt coi.

Quỳnh Anh
: WE LIVED IN SEATTLE WHEN WE FIRST CAME TO AMERICA nghĩa là bây giờ Quỳnh Anh không còn ở Seattle nữa. Việc đến sống ở Seattle đã xảy ra và đã chấm dứt trong quá khứ. Do đó Quỳnh Anh phải dùng SIMPLE PAST.

Trúc Giang
: MY YOUNGEST DAUGHTER USED DIAPERS FOR 6 MONTHS ONLY, là con gái của cháu mặc tã trong có 6 tháng. Bây giờ thì nó đã bỏ tã rồi.

Bùi Bảo Trúc
: Trong trường hợp một việc bắt đầu trong quá khứ nhưng vẫn tiếp tục cho đến nay thì chúng ta dùng PRESENT PERFECT. Quỳnh Anh cho nghe thí dụ của cô về một việc cô bắt đầu trong quá khứ nhưng vẫn còn làm cho đến tận hôm nay coi.

Quỳnh Anh
: I HAVE WORKED AS A RADIO AND TV ANNOUNCER SINCE 2001 nghĩa là Quỳnh Anh đã làm xướng ngôn viên cho đài truyền thanh và truyền hình từ năm 2001 và hiện nay vẫn còn làm công việc đó. Việc đó bắt đầu trong quá khứ, năm 2001 và còn tiếp tục cho đến hôm nay.

Bùi Bảo Trúc
: Còn Trúc Giang, việc gì là việc cô vẫn còn làm cho đến tận hôm nay?

Trúc Giang:
I HAVE DRIVEN THE SAME CAR FOR 4 YEARS NOW. I AM STILL DRIVING IT là cháu đã lái chiếc xe này từ 4 năm nay và hiện nay vẫn còn sử dụng nó. Nhưng thưa chú, những việc đã xong thì dùng SIMPE PAST, nhưng cũng có trường hợp việc xong hoàn toàn rồi mà cũng có thể dùng PRESENT PERFECT là sao? Thí dụ khi cháu nói I ATE BREAKFAST AT HOME và I HAVE EATEN BREAKFAST AT HOME, cả hai câu đều đúng. Nhưng tại sao lúc thì dùng SIMPLE PAST và tại sao lúc lại dùng PRESENT PERFECT?

Bùi Bảo Trúc
: Câu hỏi của Trúc Giang rất hay. Cả hai câu trên đều đúng. Cả hai việc ăn sáng đều đã xong. Cô đã ra khỏi nhà, đã rửa sạch chén bát, việc ăn sáng đã hoàn tất, đã xong hết. Cô dùng SIMPLE PAST cho việc ăn sáng đã xong hoàn toàn, và nay đã đói trở lại rồi. Nhưng khi nói I HAVE EATEN BREAKFAST AT HOME thì chuyện ăn sáng cũng đã xong rồi, và bây giờ, cô vẫn còn no, không ăn thêm được bất cứ gì nữa, nghĩa là ảnh hưởng, hậu quả của chuyện ăn sáng vẫn còn. Quỳnh Anh, nếu nói tôi đã đọc quyển sách này rồi, bây giờ vẫn còn nhớ từng chi tiết một của cuốn truyện thì cô dùng TENSE gì?

Quỳnh Anh
: Thưa anh, Quỳnh Anh dùng PRESENT PERFECT vì chuyện đọc quyển sách đã xong, nhưng cuốn sách vẫn còn ở trong đầu của Quỳnh Anh nên Quỳnh Anh dùng PRESENT PERFECT: I HAVE READ THIS BOOK. Nhưng nếu Quỳnh Anh đã quên hết cốt truyện, quên luôn cả tên của các nhân vật thì Quỳnh Anh sẽ nói I READ THIS BOOK, dùng SIMPLE PAST vì cuốn sách không còn lưu lại bất cứ gì trong đầu Quỳnh Anh nữa, cũng như câu về chuyện ăn sáng. Nếu bữa sáng không còn lưu lại gì, bây giờ lại đói thì dùng SIMPE PAST như anh nói ở trên vậy.

Bùi Bảo Trúc: Còn một điều này nữa về hai thì SIMPLE PAST và PRESENT PERFECT, đó là khi nói về những việc làm đã hoàn tất, đã xong hoàn toàn, không còn dính dáng gì tới ngày hôm nay nữa nhưng khi thì dùng SIMPLE PAST và khi thì dùng PRESENT PERFECT. Khi chúng ta nhớ rõ được ngày tháng lúc chuyện ấy xảy ra, khi nào chúng ta làm công việc đó, thì chúng ta dùng SIMPLE PAST. Nhưng khi chúng ta không nhớ được đích xác thời gian nào trong quá khứ khi làm công việc đó thì chúng ta dùng PRESENT PERFECT.
Ðây là hai thí dụ. Các cô nghe kỹ nhé: tôi gặp ông ấy năm 1975 và tôi đã gặp ông ấy rồi thì phải nhưng không nhớ rõ năm nào. Trúc Giang nói bằng tiếng Anh coi.

Trúc Giang
: I MET HIM IN 2005 là cháu đã gặp ông ấy năm 2005, chuyện gặp ông ấy đã xong, cháu nhớ đích xác là vào năm 2005.
I HAVE MET HIM BEFORE BUT I DO NOT REMEMBER WHEN là cháu đã gặp ông ấy nhưng không nhớ rõ vào lúc nào.

Quỳnh Anh
: WE HAVE SEEN THE FILM MANY YEARS AGO là chúng tôi đã xem cuốn phim ấy nhiều năm trước nghĩa là chúng tôi đã quên, không nhớ rõ năm nào, tháng nào.
I JUST SAW THE FILM 2 WEEKS AGO là tôi vừa xem cuốn phim ấy cách đây 2 tuần. Thưa anh, nhân đây Quỳnh Anh xin anh nói về UNTIL và BY. Ðây là hai chữ mà Quỳnh Anh hay lầm, không biết khi nào dùng UNTIL, khi nào dùng BY.

Bùi Bảo Trúc
: UNTIL và BY đều là PREPOSITION OF TIME tiếng Việt gọi là giới từ thời gian. UNTIL có khi viết là TILL. Ðể cho dễ nhớ, TILL có hai chữ “L” vì trước đã bị cắt mất “UN”. Hai chữ UNTIL và TILL đều cùng nghĩa với nhau. UNTIL thì FORMAL hơn. TILL không FORMAL như UNTILL. Nói cách khác, khi viết, người ta dùng UNTIL, khi nói, chúng ta nghe TILL nhiều hơn.
UNTIL hay TILL nghĩa là CHO TỚI, hay TỚI, hay TRƯỚC hay ÐÚNG VÀO một lúc nào, một thời điểm nào đó. Thí dụ I WAITED UNTIL (TILL) LATE AT NIGHT là tôi chờ cho mãi tới tận khuya. Hay WE LIVED IN THAT HOUSE UNTIL (TILL) 2007 là chúng tôi sống ở căn nhà đó tới năm 2007. Hay THEY KEPT THE BOOK UNTIL (TILL) LAST WEEK là ông ấy giữ cuốn sách cho tới tuần trước.
Quỳnh Anh và Trúc Giang mỗi cô đặt hai câu với UNTIL (TILL) coi.

Quỳnh Anh:
MY SON WILL LIVE IN LOS ANGELES UNTIL (TILL) HE GRADUATES (2014) con Quỳnh Anh sẽ sống tại LA cho tới khi nó học xong đại học.
THIS LESSON WILL CONTINUE UNTIL (TILL) 6 P.M. bài học sẽ còn tiếp tục cho đến 6 giờ chiều.
TRÚC GIANG: THE SCHOOL YEAR WILL GO ON UNTIL (TILL) JUNE là năm học sẽ còn kéo dài tới tháng 6.
WE WILL STAY AT THE PARTY UNTIL (TILL) MIDNIGHT chúng tôi sẽ còn ở chơi đến nửa đêm.

Bùi Bảo Trúc
: UNTIL hay TILL nghĩa là CHO ÐẾN hay TRƯỚC, hay ÐÚNG VÀO một thời điểm nào đó. Còn BY nghĩa là VÀO LÚC, VÀO NGÀY, VÀO MỘT THỜI ÐIỂM NÀO ÐÓ. Thí dụ HE WILL BE HOME BY 8 TONIGHT là anh ấy sẽ về nhà vào 8 giờ tối nay. Hai cô đặt thử mấy câu với BY coi.

Trúc Giang:
HE WILL GET THIS LETTER BY SATURDAY ông ấy sẽ nhận được lá thu này vào thứ Bẩy.
I WANT TO FINISH THIS JOB BY CLOSING TIME tôi muốn làm xong việc này vào lúc tan sở.

Quỳnh Anh:
DINNER IS READY BY 7 O’CLOCK bữa tối sẽ sẵn sàng vào 7 giờ chiều.
MISTER OBAMA WILL GET BACK TO CHICAGO BY 2016 ông Obama sẽ trở lại Chicago vào năm 2016.

Trúc Giang:
Thưa chú, trước khi kết thúc bài hôm nay, chú giảng cho cháu hai cặp động từ này: TO FALL và TO FELL; TO FIND và TO FOUND.

Bùi Bảo Trúc
: Thực ra, hai cặp này rất khác nhau nhưng cũng có khi người ta lộn động từ này thành động từ kia. Trong Anh ngữ có khoảng 5 hay 7 cặp như thế. TO FALL là ngã, té, đổ. Ðây là một động từ bất qui tắc (IRREGULAR). TO FALL, FELL (PAST TENSE), FALLEN (PAST PARTICIPLE).
TO FELL là động từ qui tắc (REGULAR VERB), FELLED, FELLED là chặt cây, đẵn cây, bắn hạ, bắn rơi. Vậy nếu nói chính phủ Congo lại vừa đổ thì chúng ta dùng động từ FALL hay FELL?

Quỳnh Anh
: Quỳnh Anh sẽ nói THE CONGOLESE GOVERNMENT FELL LAST MONTH. Quỳnh Anh dùng động từ TO FALL, FELL, FALLEN.

Bùi Bảo Trúc
: Ông tiều phu đẵn được một cây rất lớn. Trúc Giang nói thế nào?

Trúc Giang
: THE WOOD CUTTER FELLED A HUGE TREE. Ðộng từ cháu phải dùng là TO FELL, FELLED và FELLED.

Bùi Bảo Trúc
: Cặp kia là TO FIND, FOUND, FOUND và TO FOUND, FOUNDED, FOUNDED.
TO FIND là tìm thấy. TO FOUND là thành lập, sáng lập như sáng lập một cơ sở, một công ty, một trường học.
Quỳnh Anh cho hai thí dụ với TO FIND và TO FOUND coi.

Quỳnh Anh
: CHRISTOPHER COLOMBUS WANTED TO FIND A NEW ROUTE TO INDIA BUT HE FOUND AMERICA INSTEAD Kha Luân Bố muốn tìm một con đường mới đi Ấn độ nhưng thay vào đó, ông lại khám phá ra Mỹ châu.
PHAN BỘI CHÂU FOUNDED THE ÐÔNG DU MOVEMENT cụ Phan Bội Châu sáng lập ra phong trào Ðông Du.

Trúc Giang
: PRESIDENT DIỆM FOUNDED THE FIRST REPUBLIC là tổng thống Diệm thành lập nền đệ nhất cộng hòa.
I FOUND AN OLD FRIEND IN THE INTERNET là tôi tìm được một người bạn cũ qua internet.

Quỳnh Anh
: Chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT