Friday, April 19, 2024

Cách biến đơn xin việc thành một câu chuyện hấp dẫn

NEW YORK, New York (NV) – Viết một hồ sơ xin việc (resume) luôn là điều lo ngại với nhiều người vì chỉ trong vòng một trang giấy, bạn phải kể một câu chuyện hấp dẫn, thu hút nhà tuyển dụng.

Trái ngược với một câu chuyện bạn đọc để thư giãn đầu óc, hồ sơ xin việc phải thuyết phục được nhà tuyển dụng rằng bạn là người phù hợp nhất cho vị trí này với những “gạch đầu dòng.”

Sau đây là ba cách được trang Business Insider công bố nhằm giúp người xin việc “kể” một câu chuyện chỉ qua những dòng kỹ năng và thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng.

1-Mở đầu bằng một đoạn giới thiệu hoặc liệt kê các kỹ năng

Một trong những cách nhanh nhất để tạo điểm nhất là bạn nhắc đến thông tin nào liên quan đến vị trí bạn đang xin vào. Đôi khi, nói về những kỹ năng gần đây nhất có thể giúp nhà tuyển dụng hiểu thêm về khả năng của bạn, nhưng trong một số trường hợp, bạn phải nói về những thành tựu đạt được trong suốt thời gian đi làm của mình.

Nếu bạn là một người mới vào nghề và chưa có nhiều thành tựu trong sự nghiệp thì bạn có thể đặt các kỹ năng lên đầu tờ đơn xin việc. Bằng phương pháp này, người đọc sẽ nhớ những kỹ năng bạn đưa ra trong suy nghĩ khi họ đọc hết các phần còn lại trên đơn xin việc.

2-Sắp xếp các kỹ năng

Đây là một phần quan trọng đối với ai đi làm trong thời gian dài, vì bạn cần phải sắp xếp các kỹ năng tích lũy được một cách gọn gàng và dễ hiểu.

Ví dụ, bạn là một nhân viên bán thời gian chuyên thiết kế đồ họa sau khi từng làm việc trong lĩnh vực bán hàng (sale). Nếu sử dụng cách trình bày thông thường, dồn tất cả kỹ năng vào một danh mục có thể khiến bạn trông “lan man” và không có một kỹ năng chính.

Tuy nhiên, nếu bạn chia ra thành hai mục, “Kinh nghiệm bán hàng” và “Kinh nghiệm thiết kế,” thì lập tức các kỹ năng được sắp xếp một cách dễ hiểu và trông chuyên nghiệp hơn. Đừng ngại thoát khỏi định dạng mặc định của một đơn xin việc khi có một phương cách khác giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ thêm về bạn.

3-Chọn lọc kinh nghiệm

Cuối cùng, bạn nên xem lại những vị trí trước có liên quan đến vị trí bạn đang xin vào hay không.

Ngoài ra, nên có một dòng đầu nói thoáng qua về công việc bạn từng làm tại vị trí trước, sau đó “chỉnh sửa” những kỹ năng cũ mà bạn nghĩ rằng có thể áp dụng tại công ty mới.

Ví dụ, nếu bạn từng làm việc tiếp thị và công việc hiện tại là người quản lý dự án, bạn vẫn có thể chỉ ra kỹ năng làm việc theo nhóm mà bạn tích lũy được từ vị trí trước.

Bạn nên tập trung các “gạch đầu dòng” xoay quanh chủ đề “cộng tác và làm việc nhóm giữa các phòng ban” và “trình bày trước khách hàng.” (Kh.L.)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT