Tuesday, April 16, 2024

Chơi điện tử, một cách học lịch sử hay

MARIN COUNTY, California (NV) – Lịch sử đối với học sinh lúc nào cũng là một môn học rất “sách vở” và nhàm chán. Chính vì vậy, các giáo viên đang tìm cách dùng những trò chơi điện tử hay game để giúp học sinh tiếp thu được môn lịch sử hơn.

Giáo Sư Paul Darvasi, dạy tiếng Anh và truyền thông ở Canada, viết một bài trên Edutopia cho thấy cách ông dùng game để giúp nhiều giáo viên khác dạy lịch sử cho các em. Cách dạy này giúp các em hiểu được lịch sử theo hướng mà sách giáo khoa không thể nào dạy được.

Ông lấy ví dụ là Hoàng Đế Julius Ceasar. Đây là một vị vua rất giỏi về quân sự, nhưng cũng rất giỏi trong việc biến tấu lịch sử theo ý muốn của ông bằng cách viết sách về bản thân mình. Vì vậy, nhiều sử gia coi điều này như là “fake news,” tin giả của thời xưa và họ dùng nhiều sách vở, nhiều cái nhìn của nhiều phía để dựng lại quá khứ.

Do đó, chơi game giúp học sinh có được cái nhìn của các sử gia vì các em nắm lịch sử trong tay mình và có thể phân biệt được điều gì là sai, điều nào là thật. Đây là một kỹ năng rất cần thiết trong thế kỷ 21.

Giáo viên Keith Farrar gặp ông Darvasi để lấy lời khuyên về cách dùng game để dạy lịch sử cho học sinh. Ông giới thiệu cho giáo viên này game “Total War II: Rome.”

Lớp của ông Farrar vừa học xong lịch sử của La Mã, nên ông và Giáo Sư Darvasi quyết định cho các em xem một sự kiện lớn trong lịch sử của đế quốc này, qua nhiều cái nhìn, đó là trận chiến của Ceasar với người thổ dân Helvetti vì đây là chiến thắng quân sự đầu tiên của ông và là khởi đầu của cuộc chinh phục vùng Gaul ở phía Tây Âu Châu.

Học sinh khám phá Thư Viện Alexandria trong game “Assassin’s Creed: Origins.” (Hình: Ubisoft)

Hai giáo viên cho các em đọc sách do chính Ceasar viết về cuộc chiến này, cho các em xem phim tài liệu và đi bảo tàng trưng bày La Mã. Sau đó, họ cho các em chơi “Total War II: Rome” và game này bắt đầu vào trận chiến giữa Ceasar và người Helvetti. Hai giáo viên chiếu game trên màn hình lớn và những học sinh chơi thay phiên nhau.

Trong suốt bài học này, các em nhận ra được xu hướng thiên vị của từng bên và hiểu được cái nhìn về trận chiến này của từng nguồn thông tin.

Tuy là một game về chiến tranh, nhưng các nhà viết game “Total War II: Rome” muốn có tính chính xác lịch sử và bắt người chơi phải xây dựng đất nước, điều khiển tài chính và lo ngoại giao nhiều hơn là đưa quân đi đánh trận. Cả lớp vừa chơi vừa dùng máy tính để xem game này có mô tả các thành phố, tòa nhà, vũ khí và các chính trị gia thời đó chính xác không.

Cách dạy này giúp học sinh vui vì có thể thay đổi lịch sử bằng những quyết định của mình. Các em có thể làm cho Ceasar thua thổ dân Helvetti và học được rất nhiều điều từ các trường hợp giả tưởng này. Qua những quyết định thay đổi lịch sử và đối mặt với hậu quả, học sinh có thể hiểu được những yếu tố phức tạp mà các nhân vật trong lịch sử phải trải qua, giúp các em biết tại sao trận đánh của các em khác với ngoài đời.

Không chỉ giúp học sinh hòa mình vào quá khứ, mà game còn giúp các em suy diễn những gì mà các sử gia không ghi chép lại được vì đó cũng là một phần quan trọng trong việc học lịch sử. Ví dụ lớn nhất là bí ẩn của Thư Viện Alexandria. Rất nhiều sử gia thắc mắc không biết kho tàng kiến thức trong thư viện này ra sao, sau khi nơi này bị tàn phá. Không ai biết được hình dáng, vị trí và lúc nào thư viện này bị tàn phá.

Game “Assassin’s Creed: Origins” cho người chơi biết về lịch sử của Alexandria và cho họ khám phá thư viện này. Với bối cảnh thời Ai Cập cổ rất chính xác, học sinh còn có thể tìm hiểu về lịch sử của đất nước này.

Lịch sử là một môn học bị nhiều học sinh, sinh viên coi là nhàm chán vì phải đọc sách quá nhiều. Tuy nhiên, chơi game là một cách để giúp các em hòa mình vào quá khứ, làm cho các em vui khi học môn này. (TL)

Thêm một kiểu lừa gạt khi mua bán tiệm nail ở Mỹ

MỚI CẬP NHẬT