Wednesday, April 24, 2024

Mỹ: Giữ giáo viên để giải quyết nạn thiếu giáo viên

HOA KỲ – Lần đầu tiên kể từ thập niên 90, giới trách nhiệm về giáo dục và các nhà soạn thảo chính sách Mỹ đang phải lo ngại về tình trạng thiếu hụt nhà giáo. Một giải pháp cho vấn đề này có thể là phải thực sự hỗ trợ những người đang đi dạy hiện nay. Theo CS Monitor.

Bất cứ ai từng đi học cũng đều có thể nhớ về các thầy cô đặc biệt của mình – những người quan tâm đến học sinh, chú ý tới khả năng của họ để khuyến khích và thách đố để họ có thể tiến xa hơn nữa, hay giúp họ có ước mơ và đạt được ước mơ đó.

Bài báo viết, hiện nay, với sĩ số trong các lớp học đang tăng cao và mức độ nhà giáo bỏ việc đang ngày càng nhiều, các học sinh Mỹ có thể khó mà có được những mối quan hệ này với thầy cô của họ. Cũng vì lo ngại đó, vấn đề thiếu hụt nhà giáo đang ngày càng được chú ý tới nhiều hơn.

Các nhà nghiên cứu tại viện Learning Policy Institute (LPI) tại thành phố Palo Alto, tiểu bang California, đã đi đến kết luận rằng phần các nhà soạn thảo chính sách đã giải quyết vấn đề không đúng cách. Họ cho rằng chớ chỉ khuyến khích có thêm người đi vào nghề dạy học, mà còn phải tìm cách giữ chân họ một khi đã bước vào nghề.

Hiện nay, có rất ít nhà giáo tiếp tục làm việc cho tới khi nghỉ hưu. Thay vào đó, ngày càng có nhiều người chuyển sang các ngành nghề khác, đi vào lãnh vực điều hành dù vẫn ở trong ngành giáo dục, hay nghỉ hẳn để dành thời giờ cho gia đình.

Vẫn theo bài báo, tại Mỹ, hiện có khoảng 8% nhà giáo nghỉ việc mỗi năm, gấp đôi con số ở Phần Lan hay Singapore. Và đối với những nhà giáo mới vào nghề hay làm việc trong những học khu nghèo thì mức độ này lại càng cao hơn nữa.

Kết quả cuộc nghiên cứu của LPI cho thấy là nếu giảm được một nửa con số 130,000 nhà giáo bỏ dạy này thì có thể giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên.

Và để giúp cho các trường giữ được các nhà giáo, LPI thăm dò họ để tìm ra những điều khiến các nhà giáo này rời lớp học.

Khoảng 55% cho hay họ bị ảnh hưởng vì những vấn đề trong nghề nghiệp, như các kỳ thi tiêu chuẩn, giới điều hành trường hay học khu, cùng các can dự vào giờ đáng lẽ phải dành riêng cho giảng dạy của họ. Khoảng 18% khác nêu lên vấn đề tài chánh, kể cả mức lương thấp, ít quyền lợi và công việc không bảo đảm.

“Nếu chúng ta có các chuẩn bị kỹ lưỡng cho nhà giáo, giúp họ khi mới vào trường, và cho họ điều kiện làm việc tốt đẹp, chúng ta sẽ đạt được con số 4%,” theo Linda Darling-Hammond, giám đốc điều hành LPI và cũng là đồng tác giả cuộc nghiên cứu, cho hệ thống truyền thanh NPR hay.

Bản báo cáo đưa ra một số cách để đạt được mục tiêu này. Mức lương tương đương với các ngành nghề khác có thể khiến nhiều người lựa chọn và ở lại với ngành dạy học. Kết quả một cuộc nghiên cứu năm 2015 của Bộ Giáo Dục Mỹ cho thấy mức độ bỏ nghề trong số những nhà giáo mới đi dạy có thể thấp hơn tới ít nhất là 10% trong số các tiểu bang có mức lương khởi sự là $40,000.

Sự hỗ trợ mạnh mẽ dành cho các nhà giáo mới vào nghề cũng giảm bớt khả năng họ sẽ bỏ nghề trong năm đầu tiền từ 41% tới 18%, theo bản báo cáo.

Các chương trình khác như cấp học bổng cho các học sinh tốt nghiệp trung học đi theo ngành sư phạm ở bậc đại học rồi sau đó dạy một số năm theo như thỏa thuận, cũng sẽ gia tăng số nhà giáo đủ tiêu chuẩn.

Đây là một điều quan trọng vì đa số nhà giáo bỏ nghề là những người không hội đủ tiêu chuẩn, được nhận vào để cấp thời trám vào những chỗ trống. Họ dễ dàng nghỉ việc vì không đáp ứng được các đòi hỏi của công việc.

Tuy nhiên, giữ lại các nhà giáo không chỉ nhắm vào các con số.

Theo ông Matthew Springer, giám đốc trung tâm nghiên cứu về khả năng của nhà giáo tại đại học Vanderbilt University, thì việc thiếu giáo viên gồm cả hai mặt là thiếu người có khả năng dạy hiệu quả và thiếu người dạy trong các môn cần thiết như khoa học, toán và giáo dục đặc biệt.

Sau cùng bản báo cáo của LPI cũng cho hay nhiều nhà giáo chọn ở lại trường dù mức lương thấp hay thiếu thốn phương tiện là nhờ sự hỗ trợ của hiệu trưởng và các đồng nghiệp, tạo bầu không khí làm việc thân thiện, và khiến họ cảm thấy có sự đóng góp thực sự. (L.T.)

MỚI CẬP NHẬT