Thursday, March 28, 2024

‘Meal kit’: Món ăn giao tận nhà, nhưng phải tự nấu

ORANGE COUNTY, California (NV) – Ăn uống là một trong những nhu cầu chính của con người và ăn uống đủ chất rất quan trọng cho sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều người phải đi làm và quá bận bịu nên không có thời gian để đi chợ mua thực phẩm về nấu nên nhiều lúc phải mua các món ăn làm sẵn đông lạnh hay phải mua thức ăn ở tiệm. Nhưng các món ăn này thường không đủ chất và người ăn không thể nào kiểm soát dinh dưỡng trong bữa ăn của mình.

Vì vậy, trong một thập niên gần đây có một dịch vụ mới xuất hiện, đó là dịch vụ “meal kit.” Sau khi ghi danh, khách hàng sẽ nhận được một thùng thức ăn hằng tuần. Nhưng dịch vụ này khác với ăn tiệm ra sao?

Trong thùng là các phần ăn mà khách hàng cần cho một tuần, có thể đặt bao nhiêu phần tùy ý. Tuy nhiên, trong thùng không phải là thức ăn đã nấu sẵn, mà là các vật liệu để tự nấu. Những dịch vụ “meal kit” có rất nhiều món ăn để khách lựa chọn trên trang web. Vật liệu của từng món ăn đã được chuẩn bị và phân chia rất chính xác, đủ cho từng phần ăn, đến cả gia vị cũng chia thành từng gói nhỏ. Khách hàng chỉ cần rửa, cắt vật liệu rồi nấu theo công thức có sẵn trong hộp. Khách hàng chỉ cần bỏ ra 30 phút hoặc một giờ để nấu.

“Meal kit” có mặt trên thị trường thực phẩm từ lúc nào? Vào năm 2007, bà Kicki Theander lập ra công ty Middagsfrid (tạm dịch là “hạnh phúc bữa tối”) ở Thụy Điển. Đến năm 2008, công ty này phát triển, có mặt ở vài quốc gia Bắc Âu và có nhiều đối thủ cạnh tranh được sinh ra. Vào năm 2012, ba công ty “meal kit” ở Âu Châu tiến vào thị trường Hoa Kỳ, đó là ba công ty Blue Apron, HelloFresh và Plated.

Theo Inc Magazine, đến Tháng Ba năm 2017, Hoa Kỳ có tổng cộng hơn 150 công ty có dịch vụ “meal kit.” Đến Tháng Bảy, 2017, Time Magazine cho biết trị giá trên toàn cầu của các công ty “meal kit” lên đến $2.2 tỷ. Tuy nhiên, trị giá này chỉ dưới 1% của tổng trị giá thị trường thực phẩm. Đến năm 2020, các thương hiệu bán “meal kit” được ước tính sẽ phát triển mạnh và trị giá sẽ lên đến 1.3% tổng trị giá của thị trường thực phẩm toàn cầu.

Một khách hàng xem công thức món ăn trong “meal kit” của công ty Blue Apron. (Hình: Scott Eisen/Getty Images)

Theo báo The Epoch Times, dịch vụ “meal kit” đang dần dần thay đổi cách người Mỹ ăn uống. Từ năm 2008, ẩm thực ở Hoa Kỳ ngày càng đa dạng và người Mỹ bắt đầu tò mò về chuyện ăn uống hơn. Mười năm sau đó, người Mỹ chú ý về đầu bếp nổi tiếng, những người viết blog về thức ăn, những kiểu nhà hàng mới lạ và thực phẩm nuôi hay trồng tự nhiên nhiều hơn. Không chỉ vậy, người Mỹ còn tìm hiểu về những bệnh liên quan đến ăn uống như béo phì, bệnh tim, ung thư và tiểu đường Type 2.

Bà Rebecca Lewis, trưởng chuyên gia dinh dưỡng của HelloFresh, cho rằng những vấn đề sức khỏe liên quan đến ăn uống bắt nguồn từ việc nhiều người không biết nấu ăn. Bà cho hay người Mỹ bỏ 50% chi phí ăn uống của họ vào những món ăn không phải ở nhà nấu và những món ăn thường hay có nhiều mỡ, nhiều muối và đường. Theo bà, nước Mỹ đang có hai thế hệ trẻ em không được nhìn cảnh người nhà nấu ăn.

“Công ty HelloFresh đang thay đổi cách ăn uống của nhiều người. Chúng tôi đang tìm cách để giúp khách hàng tự tin trong nhà bếp hơn,” bà Lewis trả lời phỏng vấn của The Epoch Times.

Bà Jennifer Aaronson, giám đốc ẩm thực của công ty Marley Spoon ghi trong email: “Khách hàng muốn biết thức ăn của họ có gì bên trong và họ rất mừng vì tìm được giải pháp cho nhu cầu của mình.”

Bà Aaronson cũng cho hay khách dùng dịch vụ của công ty Marley Spoon từ ba đến năm lần mỗi tuần và họ cho rằng “meal kit” tốt hơn nhiều so với các món ăn đầy dầu mỡ ngoài tiệm hoặc các loại thức ăn làm sẵn, đông lạnh.

Đối với những người thiếu tự tin trong bếp, các công ty “meal kit” đã chuẩn bị sẵn những công thức được các đầu bếp ghi chú rõ ràng và còn có hình ảnh nên rất dễ nấu. Khách có thể thoải mái chọn những món ăn mình thích, từ món chính đến tráng miệng, rồi chỉ cần làm theo hướng dẫn từ đầu đến cuối là có một bữa ăn ngon miệng và bổ dưỡng.

Theo bà Lewis, các dịch vụ “meal kit” sẽ làm bữa ăn của người Mỹ đa dạng hơn. Bà cho hay một gia đình thường chỉ dùng năm đến mười vật liệu mỗi tháng, nhưng nếu dùng “meal kit” thì khách sẽ dùng từ 40 đến 50 vật liệu. Nhờ vậy, bữa ăn của họ sẽ đa dạng hơn, không chỉ về mùi vị và còn về dinh dưỡng. Khách có thể thử nhiều món ăn mà không cần phải tốn thời gian đi chợ.

Siêu thị cũng có bán “meal kit.” (Hình: disabilityafrica.org)

Giá cả của dịch vụ này ra sao? Công ty Blue Apron là dịch vụ “meal kit” có nhiều khách hàng nhất và mỗi phần ăn cho một bữa của công ty này có giá $9.99/phần nếu mua cho hai người. Nếu khách mua cho bốn người thì giá chỉ có $8.74/phần. Nếu khách đặt ba phần ăn cho hai người, tức là sáu phần ăn, thì giá là $59.94, tính luôn cả tiền giao hàng. Theo khảo sát của công ty này, khách sẽ tốn nhiều hơn 60% nếu họ phải tự đi chợ và tốn nhiều thời gian hơn nếu muốn nấu những món theo các công thức Blue Apron cung cấp. Ngoài ra, nhiều lúc khách sẽ không tìm được vật liệu mình cần ngoài siêu thị.

Các dịch vụ “meal kit” ngày càng phổ biến nên những tập đoàn lớn như Walmart, Amazon hay Campbell’s cũng đang tìm cách nhảy vào thị trường này. Vào năm 2017, Amazon đưa ra “meal kit” của mình. Công ty Campbell’s chuyên làm các loại súp hộp cũng bỏ $10 triệu để đầu tư cho công ty Chef’d để làm “meal kit.” Đến cuối năm 2018, Walmart sẽ bán “meal kit” ở hơn 2,000 cửa hàng.

“Meal kit” là một dịch vụ ngày càng phổ biến với những món ăn đa dạng, đủ dinh dưỡng và giao hàng đến tận nhà. Tuy giá cả có thể hơi cao một chút, nhưng dịch vụ này có thể giúp những người quá bận bịu hay những người không biết nấu ăn thưởng thức những món ăn ngon và bổ dưỡng. (Thiện Lê)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT