Thursday, March 28, 2024

Chàng ‘ăn mày sách’ Nguyễn Quang Thạch được UNESCO vinh danh

PARIS, France (NV) – Vào ngày 8 Tháng Chín vừa qua, Tổ chức Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vừa trao giải thưởng King Sejong Literacy Prize cho Nguyễn Quang Thạch với chương trình “Sách hóa nông thôn” mà anh theo đuổi gần 20 năm qua, trong nỗ lực xóa mù chữ ở Việt Nam, tại trụ sở chính của UNESCO tại Paris, Pháp.

Năm nay, King Sejong Literacy Prize vinh danh hai chương trình, bao gồm dự án “Sách hóa nông thôn” của Nguyễn Quang Thạch, và dự án “Song ngữ và đa ngữ Pattani Malaysia-Thailand” của đại học Mahidol ở Thái Lan. Mỗi giải thưởng bao gồm giấy chứng nhận và $20,000 tiền thưởng.

Nguyễn Quang Thạch là người Việt Nam đầu tiên vinh dự được nhận King Sejong Literacy Prize, một giải thưởng tôn vinh những người có công khai trí cho nhân loại. Đây không chỉ là niềm tự hào lớn của người Việt Nam, mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với anh – “người đàn ông khai sáng” dành cả cuộc đời của mình vì lý tưởng đem tri thức đến cho mọi trẻ em.

Trong dịp trò chuyện với nhật báo Người Việt năm ngoái, khi anh đang thực hiện cuộc hành trình đi bộ xuyên Việt từ Hà Nội vào Sài Gòn để vận động mọi người “sách hóa nông thôn”, anh từng nói, anh muốn trở thành “nhà cách mạng thư viện”, muốn thay đổi hệ thống thư viện Việt Nam thành một hệ thống dân sự, trở thành thư viện sách rộng mở cho tất cả mọi người được tiếp cận.

“Sách vốn dĩ là một người bạn đồng hành trong cuộc sống của mỗi người, đặc biệt là ở các trẻ em phương Tây; tuy nhiên, đối với trẻ em ở vùng nông thôn Việt Nam, sách là thứ xa xỉ mà có lẽ các em không bao giờ có điều kiện tiếp xúc và tìm đọc, ngoại trừ sách giáo khoa,” anh Thạch nói. “Tôi may mắn vì được gia đình rèn luyện thói quen đọc sách từ nhỏ, nhưng ở ngoài kia, còn nhiều lắm các em nhỏ không có cơ hội được cắp sách đến trường, không biết đọc một quyểns sách là như thế nào.”

thach
Nguyễn Quang Thạch trong hành trình đưa sách đến nông thôn Việt Nam. (Hình: Facebook)

Chính vì vậy, khi còn là sinh viên của trường đại học sư phạm Vinh, anh đã trăn trở làm cách nào để có thể thay đổi xã hội. Anh bắt đầu thực hiện hóa lý tưởng của mình. Năm 2007, sau nhiều năm nghiên cứu và khảo sát, Nguyễn Quang Thạch tự bỏ tiền túi làm mô hình tủ sách dòng họ, bắt đầu từ quê của anh là ở Hà Tĩnh. Từ tủ sách dòng họ, anh Thạch mở rộng ra tủ sách phụ huynh, rồi tủ sách nông thôn, và cuối cùng là phát triển chương trình “Sách hóa nông thôn”, xây dựng văn hóa đọc cho mọi người ở nông thôn Việt Nam.

Năm 2010, anh Thạch làm cuộc hành trình xuyên Việt từ Hà Nội ra Sài Gòn bằng xe máy trong 20 ngày, với mong muốn tạo hiệu ứng lớn trong cộng đồng, để những người tri thức khác biết và đóng góp trong việc giảm vấn đề thiếu thốn sách ở nông thôn.

Năm 2015, anh lại làm cuộc hành trình xuyên Việt khác, cũng từ Hà Nội ra Sài Gòn, nhưng lần này là đi bộ. Nỗ lực trong chuyến đi của anh là kêu gọi hơn 500,000 người Việt Nam đóng 240,000 đồng mỗi năm một người cho chương trình “Sách hóa nông thôn”, đem sách về cho trẻ em ở vùng xa.

Theo báo Tuổi Trẻ, tính đến nay, chương trình “Sách hóa nông thôn” xây hơn 9,000 tủ sách ở nhiều tỉnh khác nhau, và sắp tới là thêm 7,000 tủ sách ở tỉnh Nam Định.

“Tôi mong muốn tất cả mọi người Việt cùng chung tay với tôi xây dựng, chứ nếu chỉ có một mình ông Thạch, thì dù có nỗ lực cấp mấy thì cả đời cũng chưa hoàn thành,” anh Thạch từng bày tỏ.

Giống như bài phát biểu của bà Irina Bokova, tổng giám đốc UNESCO, trong buổi lễ trao giải rằng “mỗi giải thưởng nhận được đều mang một câu chuyện về tình người nhân đạo, giúp đỡ cộng đồng khám phá những giá trị cao quý của bản thân,” Nguyễn Quang Thạch là câu chuyện về sự khát khao cháy bỏng và lòng kiên trì của một người đàn ông về một lý tưởng khai sáng, đem tri thức đến cho mọi trẻ em Việt Nam. (D.A)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT