Thursday, March 28, 2024

Tiếng Việt Dấu Yêu (Kỳ 308)

LTS: Giáo Sư Trần Chấn Trí cộng tác qua mục “Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh” trên trang Tiếng Việt Dấu Yêu của nhật báo Người Việt vào ngày Thứ Bảy cách tuần.

Mọi hình ảnh và bài viết cho trang TVDY xin gởi về email: [email protected].

GS Trần C. Trí (PhD, UCLA) hiện giảng dạy ngôn ngữ học và Việt ngữ tại University of California, Irvine và tiếng Tây Ban Nha tại một số đại học khác trong vùng Orange County. Ông cộng tác với Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California từ năm 2003 đến nay, góp phần trong các khoá huấn luyện và tu nghiệp sư phạm hàng năm dành cho các thầy cô dạy Việt ngữ ở California và các tiểu bang khác ở Hoa Kỳ. Ông cũng là tác giả của nhiều sách giáo khoa và nghiên cứu tiếng Việt và tiếng Tây Ban Nha.

Học tục ngữ bằng hình ảnh

G.S. Trần C. Trí

Trang Tiếng Việt Dấu Yêu xin hân hạnh giới thiệu một mục mới dành cho các em. Qua mục Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh thường xuyên này, các em sẽ vừa tìm hiểu kho tàng tục ngữ Việt Nam, vừa ôn luyện tiếng Việt và giải trí với những hình ảnh vui đẹp.

“Tục” là thuộc về ngôn ngữ bình dân và “ngữ” là một câu nói. Qua tục ngữ, các em sẽ được dịp học hỏi thêm về văn hoá, luân lý, lịch sử, địa lý, kinh nghiệm dân gian, v.v… được truyền từ đời này sang đời khác ở Việt Nam.

Thông qua việc tìm ra câu tục ngữ dựa theo hình ảnh và phần gợi ý kèm theo, các em sẽ có cơ hội ôn luyện tiếng Việt về nhiều mặt: cấu trúc vần, hệ thống thanh, chính tả, dấu giọng và dấu nguyên âm, từ vựng và cú pháp.

Đây là một trò đố vui khá phổ thông, đã có từ lâu ở Việt Nam. Đối với mỗi hình ảnh, nếu không có phần chú thích kèm theo thì tên gọi của hình ảnh đó cũng chính là một chữ trong câu tục ngữ. Phần nhiều các hình ảnh cần bỏ đi hay thêm vào một số chữ cái, dấu thanh hoặc dấu nguyên âm mới trở thành những chữ trong câu tục ngữ.

Phần giải đáp câu tục ngữ và giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng cũng như ý nghĩa mở rộng của nó được đăng trong kỳ kế tiếp.

Câu đố kỳ này:

GIẢI ĐÁP CÂU TỤC NGỮ KỲ TRƯỚC
(TỤC NGỮ 7)

 

MỘT KHO VÀNG KHÔNG BẰNG MỘT NANG CHỮ

  • Nghĩa đen: Một kho tàng (vàng bạc châu báu) cũng không thể so sánh với một cái túi nhỏ đựng đầy chữ nghĩa. (‘Nang’ nghĩa là ‘túi’.)
  • Nghĩa bóng: Của cải vật chất không thể so sách với kiến thức.
  • Ý nghĩa luân lý: Của cải vật chất có thể kiếm được nhờ may mắn hay siêng năng làm việc, nhưng cũng không sao sánh bằng kiến thức do học hỏi không ngừng mà có. Của cải có thể mất đi, còn kiến thức một khi đã là của chúng ta thì không ai có thể lấy đi cả.

Em viết văn Việt

Những bài viết của học sinh các trường Việt ngữ

  1. Nhằm tạo một diễn đàn cho các em tập viết tiếng Việt, Ban Biên Tập trang Tiếng Việt Dấu Yêu kêu gọi quý phụ huynh và quý thầy cô khuyến khích các em viết văn, diễn tả bằng tiếng Việt những cảm nghĩ và ước vọng trong đời sống của các em. Ước mong nơi đây một sân chơi được mở ra và khu vườn văn hóa Việt sẽ được quý phụ huynh và quý thầy cô góp tay vun trồng, khuyến khích.
  2. Trong các bài nhận được và chọn để đăng, chúng tôi cố ý giữ nguyên văn những gì các em viết. Vì thế, khi đọc đến những ngôn từ, lỗi chính tả và sai văn phạm, chúng tôi mong được phụ huynh và thầy cô chia sẻ và sửa chữa cho các em tại nhà hay trong lớp học.
  3. Tất cả các bài viết dưới dạng MSWord, font Unicode; và hình ảnh dạng .jpg, xin gởi về địa chỉ email: [email protected] (Xin đừng gởi dạng .pdf vì không tiện cho việc layout).

Trân trọng cảm ơn quý vị.

Nguyễn Việt Linh

**

Đặt câu có một mệnh đề, nhưng có 2 động từ

1- Ba em ăn sáng và lái xe cùng lúc.

2- Mẹ em nấu cơm , kho cá ngon lắm

3- Em thường thích chơi đá banh và đánh cầu.

4- Em của em bò và lật giỏi.

5- Em em biết cười và khóc khi 3 tháng .

6- Cô giáo soạn bài và chấm bài ở nhà.

7- Em học và làm bài trong lớp

8- Em thích chơi game và coi phim mỗi ngày.

9- Em nói và viết tiếng Việt giỏi.

10- Bá em tưới cây và nấu cơm mỗi ngày.

Bảo Uyền Cao, Lớp Năm


Góc hoạt họa thiếu nhi

Huey Nguyenhuu

Kính thưa quý phụ huynh,

Ba Bố con chúng tôi xin hân hạnh được giới thiệu đến quý vị và nhất là các thanh thiếu niên Việt Nam những mẩu chuyện hí hoạ về chú cún con “Boo”, Boo Berry Bandit (BBB). 

Tôi là cựu quân nhân Hoa Kỳ gốc Việt, là một người tỵ nạn đến Mỹ đầu năm 1981.  Sau khi giải ngũ với cấp bậc Đại Úy Hải Quân ngành nguyên tử, tôi làm kỹ sư trong căn cứ Không Quân tại Los Angeles.  Hai con tôi một trai, một gái đang học lớp 7 và lớp 4 tại Placentia Yorba Linda Unified School District.

Meet Boo Berry Bandit là một tác phẩm tinh thần của ba Bố Con.  Mong quý vị thưởng thức những câu chuyện dí dỏm hàng ngày, dựa vào những tin tức nóng bỏng, hay những câu châm ngôn dậy dỗ con cái làm người.

Tái Bút:  Boo cũng xin chào quý vị. Quý vị có thể xem thêm câu chuyện chúng tôi tại: http://meetbooberrybandit.blogspot.com/

 


Tâm tình thầy cô

Tiếng Việt: Một Ngôn Ngữ Lịch Sự và Lễ Độ

Quyên Di

Tôi không phải là nhà nghiên cứu về lịch sử ngôn ngữ nên không biết tiếng nói của người Việt được hình thành và phát triển như thế nào, qua những giai đoạn ra sao. Tôi chỉ biết một điều là đã từ lâu lắm rồi, ngôn ngữ Việt Nam là một thứ ngôn ngữ rất lịch sự và lễ độ.

Không biết có dân tộc nào khác có cách ăn nói lịch sự, lễ độ như người Việt Nam không. Người Âu Mỹ hơi một chút thì cám ơn, thì xin lỗi, điều ấy đã hay, nhưng người Việt Nam chúng ta, nói ra câu nào thì “xin phép” câu ấy, làm như nếu không được phép của người ta thì mình không được làm. Dĩ nhiên, đây chỉ là cách nói lịch sự thôi, nhưng nó biểu lộ được cái tính lịch sự trong cách ăn nói của mình. Cái này còn hay hơn chuyện “cám ơn, xin lỗi” của người Âu Mỹ ấy chứ.

Không những người ta chỉ “xin phép” những bậc uy quyền, như “con xin phép chào quan lớn” nhưng còn “xin phép” cả cha mẹ và người trên trong gia đình nữa. “Xin phép bố mẹ con đi chơi,” thậm chí “con xin phép mời bố mẹ dùng cơm” là những câu nói rất bình thường của người Việt. “Chào” hay “mời” đã là đủ rồi, nhưng người Việt còn “xin phép” để được “chào,” “xin phép” để được “mời.”

Thông dụng hơn, người Việt “xin” thay vì “xin phép”. Khi giới thiệu chương trình văn nghệ, người dẫn chương trình nói: “Tôi xin lược qua chương trình buổi văn nghệ hôm nay.” Rồi khi giới thiệu một ca sĩ, người dẫn chương trình nói: “Tôi xin hân hạnh giới thiệu ca sĩ xxx…” Nói chuyện trong một buổi họp, buổi hội thảo, người ta nói: “Tôi xin trình bày ý kiến của tôi về vấn đề này.” Hỏi ý kiến người khác, người ta nói: “Xin anh/chị cho biết ý kiến.” Bạn bè, tình nhân của nhau, khi nói chuyện, người ta cũng “xin”: “Xin em để anh nói tiếp.” Thầy/Cô giáo là người trên, mà cũng rất nhiều khi nói với môn sinh của mình rằng: “Hôm nay thầy/cô xin nói rõ hơn về phần này…” hoặc: “Thầy/Cô xin trả lời thắc mắc của em.” Đó là những câu nói rất thông thường của người Việt. Trong khi đó, không biết có dân tộc nào khi mở miệng ra thì “xin” để được nói giống như người Việt không.

Trong cuộc giao tiếp, nếu người này đã “xin phép” hay “xin” mà người kia tự xét mình, thấy mình không xứng đáng để được người ta “xin phép” hay “xin” như thế, thì đáp lại một cách khiêm nhượng: “Không dám, xin ông/bà/anh/chị cứ tự nhiên cho.” “Không dám” có nghĩa là dù người ta có tôn mình lên như thế, mình cũng không dám nhận cái điều vinh hạnh ấy.

Khi nói điều gì mà xem chừng điều ấy không được ý tứ cho lắm, hoặc nó thật quá đến độ trở nên suồng sã, người ta nói: “Nói ông/bà/anh/chị/em bỏ qua cho.” Thí dụ: “Nói ông bỏ qua cho, gia đình chúng tôi nghèo quá, một mình tôi đi làm không đủ nuôi hai vợ chồng với bốn đứa con.” Hoặc: “Nói ông bà bỏ qua cho, tôi cứ để ý cái cô Thắm nhà ông bà. Cô ấy mà về làm dâu nhà chúng tôi thì thật là may mắn cho chúng tôi quá!”

Để đi vào vấn đề sau khi đã chuyện trò, thăm hỏi lòng vòng một lúc, người ta nói: “Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật…” Thí dụ một bà đi đòi nợ, nói với vợ chồng con nợ như thế này: “Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật: cái món nợ của ông bà, tôi cần xin lại bây giờ. Hôm vay, ông bà có bảo rằng ba tháng sau sẽ giả, thế mà bây giờ dễ đã gần một năm giời rồi đấy!”

Trước đây, người miền Bắc, nhất là người Hà Nội, có cách trả lời trước một lời khen ngợi, là “Cho tôi xin…” Cách trả lời này có vẻ khó hiểu đối với người một vài vùng khác, nhưng nó rất dễ hiểu đối với người quen sử dụng. Thí dụ: Anh con trai khen cô con gái rằng: “Cô vừa đẹp lại vừa giỏi!” Cô con gái đỏ hồng đôi má, đáp lại: “Cho em xin.” Thế nghĩa là làm sao? Cô xin cái gì? Xin nhận cái lời khen ấy chăng? Thưa, không phải vậy. Ý của cô là: “Anh nói quá! Em xin phép để không dám nhận cái lời khen tặng ấy.” Hoặc cũng có nghĩa là: “Xin cho em được can ngăn anh, anh đừng nói như thế, em không xứng đáng như lời anh nói đâu!” Chỉ có ba tiếng “cho em xin” thôi mà sao nó ý nhị, lịch sự và khiêm tốn quá chừng! Còn người Âu Mỹ thì thẳng thắn hơn, nghe một lời khen, họ “Thank you” ngay, nghĩa là họ nhận lời khen ấy vì họ thấy xứng đáng để được khen, và rồi họ cám ơn người kia đã nói lời khen ấy ra.

Đơn giản hơn là “xin phép” và “xin,” để bày tỏ sự lễ độ, tôn kính, người Việt dùng những tiếng: “thưa, vâng, dạ, ạ…” Những tiếng này tuy ngắn, gọn mà làm cho câu nói trở nên lịch sự, lễ độ hẳn ra. “Thưa bố mẹ, con đi học về ạ.” “Thưa thầy, con  xin nộp bài ạ.” “Thưa cô đến chơi! Giời nắng quá, xin mời cô vào nhà ạ.”

Người miền Bắc phân biệt cách dùng hai tiếng “dạ” và “vâng.” Khi người trên gọi, mình đáp “dạ” để cho người gọi mình biết là mình đã nghe thấy tiếng gọi rồi. Khi người trên bảo mình điều gì, mình đáp “vâng”, có ý nói rằng mình đã nghe rõ rồi và đã chấp nhận điều ấy.

Người miền Nam không phân biệt rõ ràng hai tiếng “vâng” và “dạ.” Người trên gọi mình, mình thưa “dạ”; mà người trên bảo ban, dặn dò mình điều gì, mình cũng “dạ.” Tuy không phân biệt, nhưng tiếng “dạ” của người miền Nam nghe sao mà dễ thương, mà đằm thắm biết chừng nào.

Hai tiếng “à” và “ạ” cũng là hai tiếng dùng một cách rất ý nhị. “À” là tiếng đứng đầu câu. Đang nói chuyện, bỗng nhớ ra một điều, đáng lẽ đã phải nói rồi mà vì quên chưa nói, bây giờ phải nói ngay kẻo lại quên nữa, người ta “à” một cái, rồi nói tiếp. Thí dụ: “Con lớn rồi, phải nghĩ đến chuyện lập gia đình chứ. Con gái lớn, lấy chồng là chuyện đương nhiên, mà sao con cứ chùng chình mãi thế… À, mà cái anh Quang con mới quen xem ra cũng được đấy, sao con không mời anh ấy về nhà chơi?” “À” còn đứng ở đầu câu khi mình khám phá ra một điều ngạc nhiên, thích thú. Thí dụ: “À ra thế!” hay “À, con hiểu rồi!”

“Ạ” là tiếng đứng ở cuối câu để biểu lộ sự lễ phép, kính trọng hay thân mật của mình với người mình đối thoại.

Người dưới dùng “ạ” để biểu lộ sự kính trọng: “Thưa thầy, con về ạ.” hay “Thưa mẹ, hôm nay con không phải đi làm ạ.” Không có “ạ,” câu vẫn đầy đủ ý nghĩa, nhưng xem ra hơi thiếu lễ độ.

Người ngang hàng hay người trên dùng “ạ” để biểu lộ sự thân mật với người cùng lứa hay với người dưới. Thí dụ: “Em ạ, thế mà chúng mình đã quen nhau được ba năm rồi đấy.” hay “Con tính như thế mà lại hay đấy con ạ.”

Người miền Nam, có lẽ thấy tiếng “ạ” với thanh “nặng” nghe nó hơi nặng nên đổi “ạ” thành “à” nghe êm hơn. Cũng hai câu trên, người miền Nam nói: “Em à, thế mà chúng mình đã quen nhau được ba năm rồi đấy.” hay “Con tính như thế mà lại hay đấy con à.” Một lần nữa, ta thấy người miền Nam không phân biệt “ạ” với “à,” nhưng cái tiếng “à” của người miền Nam nghe nó ngọt ngào chi đâu!

Người Việt, khi nói chuyện lại còn có những tiếng “nhé,” “nhỉ” ở cuối câu, khiến cho câu nói đầy thân mật, yêu thương. Mẹ dặn con: “Con học bài sớm rồi lo đi ngủ.” Như vậy đủ nghĩa rồi, nhưng thiếu tính chất yêu thương. Cho tiếng “nhé” vào cuối câu, câu trở thành “Con học bài sớm rồi lo đi ngủ nhé,” câu này biểu lộ rõ sự yêu thương, chăm sóc đứa con của bà mẹ.

“Nhé” dùng như thế, câu trở thành một lời dặn dò ân cần. Nhưng “nhé” cũng dùng để xin một điều gì đó một cách nũng nịu. “Cuối tuần này anh đưa em ra biển chơi nhé?” Đó là câu xin đầy tính “làm nũng” của cô vợ hay cô bạn gái nói với anh chồng hay anh bạn trai.

“Nhé” có thể biến âm thành “nhá,” Người miền Nam biến “nhá” thành “nha” hay “nhen” hoặc “nghen.”  “Con học bài sớm rồi lo đi ngủ nhá.” “Con học bài sớm rồi lo đi ngủ nha.” “Con học bài sớm rồi lo đi ngủ nhen.” “Con học bài sớm rồi lo đi ngủ nghen.” Những câu này đều có một ý như nhau và cũng đầy vẻ thân mật, yêu thương; nói cách nào thì tuỳ theo cách phát âm địa phương.

“Nhỉ” cũng vừa dùng cho một câu nói vừa dùng cho một câu hỏi. Nếu “nhỉ” dùng trong một câu nói, câu ấy giúp người nói biểu lộ cảm xúc, cảm giác của mình và mong đợi người nghe cũng có cùng cảm xúc, cảm giác ấy. “Trời hôm nay lạnh nhỉ” là câu nói diễn tả cảm xúc của mình, đồng thời hàm ý rằng người nghe cũng có cùng cảm giác ấy. Nhưng “Mấy giờ rồi nhỉ?” lại là một câu hỏi. Cũng như “nhé,” “nhỉ” làm cho câu nói hay câu hỏi trở nên thân mật. “Mấy giờ rồi?” đã đủ nghĩa, nhưng nghe rất lạnh lùng, nghiêm nghị, còn “Mấy giờ rồi nhỉ?” thì giọng nói mềm mại, dịu dàng và thân mật.

Người Huế biến âm “nhỉ” thành “hỉ.” “Bữa ni trời lạnh hỉ!” Tiếng “hỉ” nghe rất địa phương tính mà cũng rất dễ thương. Ta cứ tưởng tượng một o người Huế ngồi bên cạnh mình mà thủ thỉ như thế, sẽ thấy cuộc đời nó đẹp và dễ thương sao đâu!

Chỉ một vài thí dụ cụ thể như trên, chúng ta thấy rất rõ là tiếng Việt vừa tinh tế, lại vừa lịch sự và lễ độ.

Mong rằng dù ngôn ngữ có thay đổi theo từng giai đoạn, nhưng chúng ta chỉ giúp cho ngôn ngữ phát triển phong phú hơn mà không làm mất đi sự tinh thế, lịch sự và lễ độ của tiếng Việt mình.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT