Thursday, March 28, 2024

Tiếng Việt Dấu Yêu (Kỳ 313)

Trường McGarvin Middle School (Học Khu Garden Grove) mừng Xuân Mậu Tuất

 



LTS
: Giáo Sư Trần Chấn Trí cộng tác qua mục “Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh” trên trang Tiếng Việt Dấu Yêu của nhật báo Người Việt vào ngày Thứ Bảy cách tuần.

Mọi hình ảnh và bài viết cho trang TVDY xin gởi về email: [email protected].

GS Trần C. Trí (PhD, UCLA) hiện giảng dạy Ngôn Ngữ học và Việt ngữ tại University of California, Irvine và tiếng Tây Ban Nha tại một số đại học khác trong vùng Orange County. Ông cộng tác với Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California từ năm 2003 đến nay, góp phần trong các khoá huấn luyện và tu nghiệp sư phạm hàng năm dành cho các thầy cô dạy Việt ngữ ở California và các tiểu bang khác ở Hoa Kỳ. Ông cũng là tác giả của nhiều sách giáo khoa và nghiên cứu tiếng Việt và tiếng Tây Ban Nha.

Học tục ngữ bằng hình ảnh

GS Trần C. Trí

Trang Tiếng Việt Dấu Yêu xin hân hạnh giới thiệu một mục mới dành cho các em. Qua mục Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh thường xuyên này, các em sẽ vừa tìm hiểu kho tàng tục ngữ Việt Nam, vừa ôn luyện tiếng Việt và giải trí với những hình ảnh vui đẹp.

“Tục” là thuộc về ngôn ngữ bình dân và “ngữ” là một câu nói. Qua tục ngữ, các em sẽ được dịp học hỏi thêm về văn hoá, luân lý, lịch sử, địa lý, kinh nghiệm dân gian, v.v. được truyền từ đời này sang đời khác ở Việt Nam.

Thông qua việc tìm ra câu tục ngữ dựa theo hình ảnh và phần gợi ý kèm theo, các em sẽ có cơ hội ôn luyện tiếng Việt về nhiều mặt: cấu trúc vần, hệ thống thanh, chính tả, dấu giọng và dấu nguyên âm, từ vựng và cú pháp.

Đây là một trò đố vui khá phổ thông, đã có từ lâu ở Việt Nam. Đối với mỗi hình ảnh, nếu không có phần chú thích kèm theo thì tên gọi của hình ảnh đó cũng chính là một chữ trong câu tục ngữ. Phần nhiều các hình ảnh cần bỏ đi hay thêm vào một số chữ cái, dấu thanh hoặc dấu nguyên âm mới trở thành những chữ trong câu tục ngữ.

Phần giải đáp câu tục ngữ và giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng cũng như ý nghĩa mở rộng của nó được đăng trong kỳ kế tiếp.

Câu đố kỳ này:


Giải đáp câu tục ngữ kỳ trước

Ở BẦU THÌ TRÒN, Ở ỐNG THÌ DÀI.

Nghĩa đen: Câu này ám chỉ đến nước, khi đựng trong trái bầu khô sẽ mang hình dạng tròn trịa của trái bầu, còn khi đựng trong một cái ống tre sẽ mang hình dạng dài của cái ống.

Nghĩa bóng: Làm người phải biết cư xử và hành động tùy theo hoàn cảnh.

Ý nghĩa xã hội: Chúng ta nên tập tính linh hoạt, mềm dẻo để biết thuận theo nhiều hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống. Trong việc giao tiếp với người khác, chúng ta cũng nên tùy theo cá tính của mỗi người để đối xử cho thích hợp.


Em viết văn Việt

Những bài viết của học sinh các trường Việt ngữ

1- Nhằm tạo một diễn đàn cho các em tập viết tiếng Việt, Ban Biên Tập trang Tiếng Việt Dấu Yêu kêu gọi quý phụ huynh và quý thầy cô khuyến khích các em viết văn, diễn tả bằng tiếng Việt những cảm nghĩ và ước vọng trong đời sống của các em. Ước mong nơi đây một sân chơi được mở ra và khu vườn văn hóa Việt sẽ được quý phụ huynh và quý thầy cô góp tay vun trồng, khuyến khích.
2- Trong các bài nhận được và chọn để đăng, chúng tôi cố ý giữ nguyên văn những gì các em viết. Vì thế, khi đọc đến những ngôn từ, lỗi chính tả và sai văn phạm, chúng tôi mong được phụ huynh và thầy cô chia sẻ và sửa chữa cho các em tại nhà hay trong lớp học.
3- Tất cả các bài viết dưới dạng MSWord, font Unicode; và hình ảnh dạng .jpg, xin gởi về địa chỉ email: [email protected] (Xin đừng gởi dạng .pdf vì không tiện cho việc layout).
Trân trọng cảm ơn quý vị.

Nguyễn Việt Linh

Bài các em viết

Đặt câu với một mệnh đề

1- Bộ não óc ở trên đầu.
2- Nhà con có nhiều mạng nhện.
3- Nha sĩ của em là đàn bà.
4- Con chim thường hót buổi sáng.
5- Nhiều người sợ con sư tử.
6- Trái sầu riêng màu vàng và có gai nhọn.
7- Kẹo thì thiệt là ngọt.
8- Mình phải nhớ ơn tổ tiên, ông bà và cha mẹ.
9- Mẹ khuyên con nên học tiếng Việt.
10- Hoàng Sa và Trường Sa là quần đảo của Việt Nam.

Lê Thảo Evie
Thí sinh lớp Ba Giải Khuyến Học 2013


Góc hoạt họa thiếu nhi

Huey Nguyenhuu

Kính thưa quý phụ huynh,
Ba Bố con chúng tôi xin hân hạnh được giới thiệu đến quý vị và nhất là các thanh thiếu niên Việt Nam những mẩu chuyện hí hoạ về chú cún con “Boo,” Boo Berry Bandit (BBB).
Tôi là cựu quân nhân Hoa Kỳ gốc Việt, là một người tỵ nạn đến Mỹ đầu năm 1981. Sau khi giải ngũ với cấp bậc đại úy Hải Quân ngành nguyên tử, tôi làm kỹ sư trong căn cứ Không Quân tại Los Angeles. Hai con tôi một trai, một gái đang học lớp 7 và lớp 4 tại Placentia Yorba Linda Unified School District.
Meet Boo Berry Bandit là một tác phẩm tinh thần của ba Bố Con. Mong quý vị thưởng thức những câu chuyện dí dỏm hàng ngày, dựa vào những tin tức nóng bỏng, hay những câu châm ngôn dậy dỗ con cái làm người.
Tái bút: Boo cũng xin chào quý vị. Quý vị có thể xem thêm câu chuyện chúng tôi tại: http://meetbooberrybandit.blogspot.com/


Tâm tình thầy cô

Hai Bà

Cành Hồng

Tuần vừa qua là ngày Đại Lễ Kỷ Niệm Hai Bà. Hai Bà là những bậc cân quắc, đã kiêu dũng lãnh đạo nhân dân ta nổi lên giành độc lập cho nước nhà.
Trong lớp, các em của tôi tưởng rằng Hai Bà là một tên riêng. Tôi phải hài rõ danh tính Hai Bà. Các em thắc mắc: Sao mình không nói rõ là Hai Bà Trưng (Trưng Trắc và Trưng Nhị). Tôi phải nói là theo văn hóa nước ta, ta không nêu rõ danh tánh là để tôn trọng Hai Bà, Hơn nữa nói đến Hai Bà, ai cũng biết là Hai Bà Trưng, giống như nói đến Bà Triệu, ai cũng biết đây là Bà Triệu Thị Trinh.

Tôi cũng phải trả lời câu hỏi: Hai Bà Trưng làm gì mà nổi tiếng vậy? Tại sao toàn dân Việt Nam phải nhớ ơn Hai Bà? Tại sao mọi người phải tổ chức đại lễ để tưởng nhớ Hai Bà?

Một bài học lịch sử được cô giáo nhắc lại: Đất nước ta bị Trung Quốc đô hộ, nhân dân ta sống lầm than cơ cực dưới ách thống trị của ngoại bang. Hai Bà đứng dậy cùng toàn dân khởi nghĩa. Và Hai Bà đã lãnh đạo nhân dân dành lại được độc lập cho đất nước, mang lại tự do, no ấm cho toàn dân… Đây là những năm đầu của thế kỷ thứ Nhất (40-43).

Các em tròn mắt lắng nghe và đưa ý kiến: Chuyện hay vậy, sao đến bây giờ cô mới kể!

Tôi lại một lần nữa giải thích: Đây không phải chuyện, mà đây là lịch sử nước ta. Hai bà là Vua của nước ta. Để minh thị tôi mở máy ra cho các em xem một vài hình ảnh của ngày Đại Lễ Kỷ Niệm Hai Bà (may quá tôi có đem theo máy).

Trước khi bắt đầu bài mới, các em còn “ra lệnh” cho tôi: Cô phải kể chuyện các nữ tướng của Hai Bà trong giờ chơi. Tôi đành chiều các em vậy.


Tâm tình phụ huynh

Ðiều bí mật

Song Châu Diễm Ngọc Nhân
(Phụ huynh sưu tầm)

Từ gặp em, tình cờ, vườn Tao Ngộ
Thì tiền đồn anh nhớ bé khôn nguôi
Có những chiều xanh sương trắng vai đồi
Anh muốn vượt đường mây dù vạn dặm

Về thăm bé, ngắm em hồng má thắm
Cười nhìn anh, hương tóc dịu dàng bay
Nghe bé tỉ tê thương nhớ vơi đầy
Cho anh dỗ vì quê hương, hãy đợi…

Mơ thì thế, gặp em nào dám nói
Mà nói gì thì cũng chỉ vu vơ
Lạ nhỉ, chiến trường bom đạn tỉnh bơ
Sao trước mặt em anh run hở bé?

Bé biết đấy, tình anh, người lính trẻ
Rất thật thà, chỉ biết nhớ thương thôi
Muốn mắt em trong, mong áng mây đời
Không vẩn đục vùng trời yêu tuyết trắng

Chiều xuống vội tiền đồn vương chút nắng
Mây bâng khuâng và lính cũng bâng khuâng
Thằng bạn biết anh mang mối tình thầm
Cười, nó ghẹo lính đa tình quá lính!

Phải thế không em… có nên cải chính
Hay làm thinh, em chỉ giúp anh nào…
Bé mới là người biết nói làm sao
Cho bạn hiểu, không cần anh giải thích

Anh chỉ biết bé ơi, anh là lính
Lính yêu quê và lính rất can trường
Và biết rằng khi lính đã yêu thương
Thì với người yêu lính hiền như đất…

Bé ơi bé, đấy là điều bí mật
Của lính tiền đồn bé biết thế không?

(Tặng những người trai trấn tiền đồn của gần bốn mươi năm trước. Đặc biệt cho B.)

Mời độc giả xem chương trình “Du lịch Slovenia đến hang động Postojna”(Phần 1)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT