Friday, April 19, 2024

Tiếng Việt Dấu Yêu (kỳ 315)

Góc hoạt họa thiếu nhi

Huey Nguyenhuu

LTS: Kính thưa quý phụ huynh, vì bận công việc, kể từ cuối Tháng Tư, 2018, tác giả Huey Nguyenhuu sẽ phải tạm nghỉ một thời gian. Trang Tiếng Việt Dấu Yêu xin cám ơn sự đóng góp những mẩu chuyện hí họa về chú cún con “Boo,” Boo Berry Bandit (BBB) của tác giả. Hẹn ngày gặp lại.

Nguyễn Việt Linh



Học tục ngữ bằng hình ảnh

GS Trần C. Trí

Trang Tiếng Việt Dấu Yêu xin hân hạnh giới thiệu mục Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh để các em vừa tìm hiểu kho tàng tục ngữ Việt Nam, vừa ôn luyện tiếng Việt và giải trí với những hình ảnh vui đẹp.

“Tục” là thuộc về ngôn ngữ bình dân và “ngữ” là một câu nói. Qua tục ngữ, các em sẽ được dịp học hỏi thêm về văn hoá, luân lý, lịch sử, địa lý, kinh nghiệm dân gian, v.v. được truyền từ đời này sang đời khác ở Việt Nam.

Thông qua việc tìm ra câu tục ngữ dựa theo hình ảnh và phần gợi ý kèm theo, các em sẽ có cơ hội ôn luyện tiếng Việt về nhiều mặt: cấu trúc vần, hệ thống thanh, chính tả, dấu giọng và dấu nguyên âm, từ vựng và cú pháp.

Đây là một trò đố vui khá phổ thông, đã có từ lâu ở Việt Nam. Đối với mỗi hình ảnh, nếu không có phần chú thích kèm theo thì tên gọi của hình ảnh đó cũng chính là một chữ trong câu tục ngữ. Phần nhiều các hình ảnh cần bỏ đi hay thêm vào một số chữ cái, dấu thanh hoặc dấu nguyên âm mới trở thành những chữ trong câu tục ngữ.

Phần giải đáp câu tục ngữ và giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng cũng như ý nghĩa mở rộng của nó được đăng trong kỳ kế tiếp.

Câu đố kỳ này:

Giải đáp câu tục ngữ kỳ trước:

LỜI CHÀO CAO HƠN MÂM CỖ

Nghĩa đen: Trong một bữa tiệc, mọi người phải chào hỏi nhau trước khi ăn uống.

Nghĩa bóng: Giữ phép lịch sự trong việc giao tế ở những bữa tiệc là điều cần làm trước khi dùng bữa. Chữ “cao” ở đây có ý muốn nói là lời chào quan trọng hơn việc ăn uống.

Ý nghĩa văn hóa: Người Việt luôn luôn đề cao phép tắc xã giao trong khi tiếp xúc với mọi người, nhất là ở những bữa tiệc. Việc ăn uống phải đến sau những câu chào hỏi khi mọi người gặp gỡ nhau.



Cấu trúc vần tiếng Việt
 

Trần C. Trí 

Như tất cả các ngôn ngữ khác trên thế giới, cấu trúc của một vần (syllable) trong tiếng Việt có thể bao gồm đầy đủ ba thành phần chính: âm đầu (onset), âm chính (nucleus) và âm cuối (coda). Bên trong cấu trúc vần, chúng ta có thể thấy nhiều thành phần chi tiết khác. Để lấy ví dụ, chữ “Việt” có cấu trúc như sau:

 

Một cấu trúc vần có nghĩa như ví dụ trên thì đồng thời cũng là một chữ (word). Một đơn vị lời nói (hay viết) có cấu trúc như trên mà không có nghĩa thì chỉ mới là một vần chứ chưa kể là một chữ. Ví dụ như chữ “năn nỉ” là chữ có hai vần vì mỗi vần tự nó không có nghĩa mà phải đứng chung với vần kia mới cùng có nghĩa. Đây là một điểm đặc biệt của chính tả tiếng Việt: Chúng ta có quy ước viết mỗi vần một cách riêng lẻ. Nhìn vào một bài viết bằng tiếng Việt, nếu không phải là người Việt, rất khó mà phân biệt đâu là “vần” và đâu là “chữ.” Chính vì đặc điểm này mà nhiều người lầm tưởng rằng tiếng Việt là tiếng đơn âm (monosyllabic language). Nói cho đúng, tiếng Việt là tiếng có nhiều chữ đơn âm chứ không phải chữ nào cũng là chữ đơn âm. “Năn nỉ” là một ví dụ để chứng minh điều này.

Trở lại với cấu trúc vần, không phải vần nào cũng có đầy đủ các thành phần nêu trên. Chỉ có thành phần duy nhất mà một vần không thể thiếu là âm chính. Một âm chính chỉ cần ít nhấtmột nguyên âm là đủ. Như vậy, thán từ “À!” vừa là một nguyên âm, một âm chính, một vần và cũng là một chữ. Trong bảng dưới đây, chúng ta sẽ xem qua tất cả những kết cấu khả dĩ của những chữ chứa một vần:

Trong phạm vi của bài này, chúng ta sẽ chú trọng đến một thành phần thiết yếu của cấu trúc vần: đó là thành phần âm chínhmà đa số sách giáo khoa Việt ngữ gọi chung là “vần.” Ngoài nguyên âm ra, một âm chính (hay vần) có thể chứa thêm một hay hai âm lướt (glide)hay còn gọi là bán nguyên âm (semivowel). Sau đây, chúng ta sẽ lần lượt điểm qua hai loại âm chính khác.

Loại âm chính có một nguyên âm và một âm lướt được gọi là nhị trùng âm (diphthong). Âm lướt có thể đứng trước hay đứng sau nguyên âm. Về mặt chính tả, khi nhìn vào một nhị trùng âm cũng khó phân biệt đâu là nguyên âm và đâu là âm lướt (tuy điều này có thể giải quyết được khi dùng ký hiệu ngữ âmnhưng không phải thuộc phạm vi của bài viết này). Trong bảng liệt kê các nhị trùng âm của tiếng Việt dưới đây, các nguyên âm được in đậm còn các âm lướt được in bình thường để dễ phân biệt.

Cần lưu ý một số điểm chính về nhị trùng âm như sau:

  • Những nhị trùng âm không bao giờ có phụ âm theo sau tạo thành vần mở (open syllable) như ai, eo, oi, ui, v.v. (trong các chữ “mai, leo, coi, vui”).
  • Những nhị trùng âm bắt buộc phải có một phụ âm theo sau sẽ tạo thành vần khép (closed syllable) như uâ, uô, ươ, v.v. (trong các chữ “quân, quốc, lươn”).
  • Một số nhị trùng âm có thể vừa tạo vần mở, vừa tạo vần khép với một phụ âm như oa, oe, uê, v.v (trong các chữ “loa/loan, loè/loẹt, quê/quên).
  • ua biểu hiện hai nhị trùng âm khác nhau. Trong chữ “cua”, “u” là nguyên âm, còn “a” là âm lướt (ua). Trong chữ “qua,” “u” là âm lướt, còn “a” là nguyên âm (ua).
  • Trong chữ “gia”, âm chính là nguyên âm a, còn chữ i đi với chữ g để tạo thành một phụ âm. Còn trong chữ “giêng” có nhị trùng âm, trong đó i là âm lướt, còn ê là nguyên âm.
  • Khi nhị trùng âm đứng đầu chữ, quy ước chính tả trong tiếng Việt thay thế i bằng y (như trong chữ “yên”). Trong trường hợp này, tuy y là một âm lướt, vì đứng đầu chữ nên được đọc mạnh gần như một nguyên âm. Quy tắc chính tả này cũng được áp dụng với tam trùng âm như sẽ nói đến dưới đây.
  • Phương pháp đánh dấu giọng theo ngữ âm (như trong bài viết này, phân biệt với cách đánh dấu “thẩm mỹ”) dựa vào sự phân biệt giữa nguyên âm và âm lướt. Nguyên tắc của phương pháp đánh dấu ngữ âm là dấu luôn luôn nằm trên (hay dưới) nguyên âm chứ không phải âm lướt. Đây là sự khác biệt giữa dạng hòa (đánh dấu theo ngữ âm) và hòa (đánh dấu thẩm mỹ). Phương pháp đánh dấu theo ngữ âm áp dụng cả với nhị trùng âm và tam trùng âm.

Âm chính cũng có thể bao gồm một nguyên âm và hai âm lướt, tạo thành một tam trùng âm (triphthong).

Một số điểm chính cần lưu ý đối với tam trùng âm là:

  • Tất cả các tam trùng âm đều có nguyên âm nằm ở giữa và hai âm lướt nằm hai bên, ngoại trừ tam trùng âm uyê có nguyên âm nằm cuối.
  • Tất cả tam trùng âm luôn luôn là vần mở, ngoại trừ uyê phải đi với một phụ âm để tạo thành vần khép (như trong các chữ “nguyên, tuyết”).
  • Cách viết tam trùng âm nói lên tính bất nhất trong chính tả tiếng Việt đối với cách phát âm (thật ra thứ tiếng nào cũng có vấn đề này!). Ví dụ như hai chữ “quải” và “hoải” đọc giống nhau, chỉ trừ chữ thứ nhất là bắt đầu bằng âm [k] (viết là q) và chữ thứ nhì bắt đầu bằng âm [h]). Hai chữ này có cùng một tam trùng âm nhưng trong chữ thứ nhất viết là uai và trong chữ thứ hai lại viết là oai. Nếu một người nói giọng miền Nam đọc hai chữ này thì có thể nghe giống hệt nhau là “wải”!).
  • Tam trùng âm là sự kết hợp giữa một nguyên âm và hai âm lướt nên cách phát âm tương đối cầu kỳ, không phải người Việt nào cũng phát âm tam trùng âm một cách đầy đủ. Một số người thường giản lược một vài tam trùng âm thành nhị trùng âm, hay thậm chí chỉ còn là một nguyên âm. Ví dụ như chữ “rượu” bị giản lược thành “rựu” rồi cuối cùng trở thành “rụ”!

Trên đây chỉ là sự giới thiệu khái quát về cấu trúc vần tiếng Việt. Tuy vậy, đối với các thầy cô dạy tiếng Việt cho các em, hiểu rõ được những điều căn bản này cũng đã tương đối đầy đủ để có thể hướng dẫn và giải thích các em trong việc học vần và ráp vần lúc ban đầu. Đi sâu vào chi tiết, còn biết bao nhiêu điều để nói về cấu trúc vần, chẳng hạn như sự kết hợp giữa một số nhị trùng âm và tam trùng âm với phụ âm theo sau, sự kết hợp giữa vần khép với dấu giọng, sự tương quan giữa vần và chính tả, vân vân và vân vân. Xin hẹn với các thầy cô một dịp khác để bàn về một số vấn đề trên.

Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với đề tài “Con em chúng ta cần phải học được những bài học vấp ngã” (phần 1)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT