Friday, April 19, 2024

Tiếng Việt Dấu Yêu (Kỳ 318)

Học tục ngữ bằng hình ảnh

GS Trần C. Trí

Trang Tiếng Việt Dấu Yêu xin hân hạnh giới thiệu mục Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh để các em vừa tìm hiểu kho tàng tục ngữ Việt Nam, vừa ôn luyện tiếng Việt và giải trí với những hình ảnh vui đẹp.

“Tục” là thuộc về ngôn ngữ bình dân và “ngữ” là một câu nói. Qua tục ngữ, các em sẽ được dịp học hỏi thêm về văn hoá, luân lý, lịch sử, địa lý, kinh nghiệm dân gian, v.v. được truyền từ đời này sang đời khác ở Việt Nam.

Thông qua việc tìm ra câu tục ngữ dựa theo hình ảnh và phần gợi ý kèm theo, các em sẽ có cơ hội ôn luyện tiếng Việt về nhiều mặt: cấu trúc vần, hệ thống thanh, chính tả, dấu giọng và dấu nguyên âm, từ vựng và cú pháp.

Đây là một trò đố vui khá phổ thông, đã có từ lâu ở Việt Nam. Đối với mỗi hình ảnh, nếu không có phần chú thích kèm theo thì tên gọi của hình ảnh đó cũng chính là một chữ trong câu tục ngữ. Phần nhiều các hình ảnh cần bỏ đi hay thêm vào một số chữ cái, dấu thanh hoặc dấu nguyên âm mới trở thành những chữ trong câu tục ngữ.

Phần giải đáp câu tục ngữ và giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng cũng như ý nghĩa mở rộng của nó được đăng trong kỳ kế tiếp.

Câu đố kỳ này: Câu ca dao về người cha

Giải đáp câu tục ngữ kỳ trước

YÊU NÊN TỐT, GHÉT NÊN XẤU  

Nghĩa đen: Người nào chúng ta yêu mến thì chúng ta thấy là người tốt. Người nào chúng ta ghét bỏ thì chúng ta thấy là người xấu.

Nghĩa bóng: Khi yêu mến ai, chúng ta sẵn sàng bỏ qua những gì không tốt về người đó. Khi ghét bỏ ai, chúng ta chỉ để ý đến những gì xấu về người đó mà không kể đến những điều tốt về họ.

Ý nghĩa tâm lý: Nhận thức của chúng ta về những người chung quanh nhiều khi lệ thuộc vào cảm tính và tình cảm của chúng ta đối với mọi người nên không phải lúc nào cũng được khách quan.



Em viết văn Việt

Những bài viết của học sinh các trường Việt ngữ

1- Nhằm tạo một diễn đàn cho các em tập viết tiếng Việt, Ban Biên Tập trang Tiếng Việt Dấu Yêu kêu gọi quý phụ huynh và quý thầy cô khuyến khích các em viết văn, diễn tả bằng tiếng Việt những cảm nghĩ và ước vọng trong đời sống của các em. Ước mong nơi đây một sân chơi được mở ra và khu vườn văn hóa Việt sẽ được quý phụ huynh và quý thầy cô góp tay vun trồng, khuyến khích.

2- Trong các bài nhận được và chọn để đăng, chúng tôi cố ý giữ nguyên văn những gì các em viết. Vì thế, khi đọc đến những ngôn từ, lỗi chính tả và sai văn phạm, chúng tôi mong được phụ huynh và thầy cô chia sẻ và sửa chữa cho các em tại nhà hay trong lớp học.

3- Tất cả các bài viết dưới dạng MSWord, font Unicode; và hình ảnh dạng .jpg, xin gởi về địa chỉ email: [email protected] (Xin đừng gởi dạng .pdf vì không tiện cho việc layout).

Trân trọng cảm ơn quý vị.

Nguyễn Việt Linh

Nghỉ Hè

Bảo Ngọc, Lớp Chín

Em đang học bài giữ lắm vì trọn tuần tới em thi cuối năm. Tuy là mắc học, nhung mà em vẫn nghe lời cô viết bài.

Tuần tới em chỉ học có phân nửa thời gian vì thi xong là về. Em rất  muốn có toàn điểm A vì Ba mẹ nói em sẽ được về thăm ông bà ngoại ở Việt Nam, nếu năm nay em toàn điểm A.

Em cố rán học lắm, và chắc là em sẽ được như ý.  Em sẽ về Việt Nam 3 tuần thôi, rồi em qua lại Mỹ để học thêm tiếng Việt.

Thôi em chào cô và em phải học bài để thi.

—–

Cô Phượng

Lylyan Nguyễn, Lớp Bảy

Năm nay em học lớp 7 và cô giáo của em là cô Phượng. Lớp học năm nay là một năm học có ý nghĩa nhất và một năm học em sẻ không bao giờ quên được.

Năm nay cô giáo tìm những bài học rất có ý nghĩa để dạy cho lớp học. Em rất thích những bài này vì nó dạy cho mình nhiều điều tốt. Thí dụ như bài “Cái Bàn Nhỏ”. trong bài này dạy mình cha mẹ vất vả cả đời để nuôi mình cho nên mình phải hiếu thảo với cha mẹ. Bài học “Cậu bé và Cây táo” cũng dạy cho mình phải hiếu thảo và biết ơn cha mẹ mình. Những bai2i học mà mà cô giáo đã dạy cho em điều dạy cho em thế nào là một người tốt. Em cảm thấy những bài này có rất nhiều ý nghĩa và cô nên tiếp tục tìm và dạy những bài như vậy.

Cách dạy của cô giáo có giúp em học tiếng việt hơn vì cách cô dạy rất vui. Cô cho tụi em thư giản ky đang học bài cho tụi em nói chuyện hay là chơi game. Những cách này làm cho em hứng thú học và làm bài. Bài học về nhà không có khó và cũng không dể cho nên em rất thích.

Năm học năm nay là một năm học có nhiều ý nghĩa vì những bài học dạy em thế nào là người tốt. Cô giáo dạy em bằng cách rất khách với những cô giáo khách mà em đã có. Em rất thích năm học này và em hy vọng em có thể dùng những gì em học được năm nay và ấp dụng những điều này cho sau này. Em cám ơn cô đã dạy cho em những điều nay và em hy vọng em có thể nên người.



Góc hoạt họa thiếu nhi

Họa sĩ Nia Nguyễn

Giới thiệu cộng tác viên mới và câu chuyện hí họa về chú gấu bông Dexter

LTS: Kính thưa quý phụ huynh,

Trang Tiếng Việt Dấu Yêu xin giới thiệu họa sĩ Nia Nguyễn, một cộng tác viên mới, sẽ phụ trách những mẩu chuyện hí hoạ về chú gấu “Dexter.” Câu chuyện bắt đầu ra mắt trong số báo kể từ hôm nay, Thứ Bảy, 12 Tháng Năm, 2018. Nia Nguyễn là một “graphic designer” trẻ vừa tốt nghiệp đại học Cal State Long Beach không lâu. Ngoài việc thiết kế những sản phẩm in ấn, Nia còn yêu thích vẽ truyện ngắn về cuộc sống để chia sẻ cùng các bạn của mình. Chú gấu bông Dexter là một nhân vật được yêu thích trong các câu chuyện tác giả từng vẽ.

Dexter, tên chú gấu trắng, không đơn giản là một con gấu bông. Chú là chiếc cầu kết nối tình cảm và những câu chuyện của cha và con gái. Câu chuyện về những chuyến phiêu lưu, đôi khi hết sức đơn giản ngây thơ của Dexter chính là từ trí tưởng tượng của hai cha con qua những việc xảy ra hàng ngày. Đây là một cách, theo tác giả, để tâm hồn trẻ thơ trong mỗi người không bị quên lãng. Khi chấp bút, tác giả chỉ hy vọng các em nhỏ sẽ tìm được một người bạn thú vị cùng các em học tiếng Việt, và quý vị phụ huynh có thể thoải mái khi xem truyện.

Nguyễn Việt Linh



Tâm tình thầy cô

Chị và em

Cành Hồng

Ba tuần nay, lớp tôi có thêm hai học sinh mới: Hồng 10 tuổi hơn Hùng, em trai 1 tuổi. Hai chị em ruột cùng học một lớp.

Hùng tuy là em nhưng lại lớn hơn chị. Hồng hiền, nhường nhịn em, chăm học nhưng Hùng lại hay bắt nạt chị và nghịch nhiều hơn học.

Buổi học đầu tiên, Hùng không cho chị dùng sách giáo khoa chung với em, tôi can thiệp cũng không được (tôi quay lên bảng là Hùng xô chị ra). Tôi phải lên văn phòng mua cuốn sách mới cho Hồng. Hồng chưa dùng đuợc 5 phút đã bị Hùng giành lấy. Hùng nói với tôi: “Em thích cuốn sách của Hồng vì cuốn sách đó mới hơn.” Hồng đã nhường sách cho Hùng.

Tuần thứ hai, Hồng nhắc Hùng vào lớp đúng giờ sau giờ chơi, Hùng vùng vằng và đá vào chân chị, Hồng nhìn tôi và im lặng vào lớp.

Tuần này, ngoài sân, Hùng đấm vào ngực Hồng và Hồng tát lại Hùng, tôi chạy lại chỉ kịp kéo Hùng ra không cho đá Hồng.

Hồng khóc kể lể Hùng đánh Hồng đau quá, nên Hồng mới đánh lại Hùng. Tôi nói Hồng phải nhường em. Hồng khóc lớn thêm và nức nở: “Ở nhà ba má bắt em nhường hoài. Hùng ăn hiếp và đánh em, bây giờ Hùng đánh em nữa, cô cũng nói em phải nhường.” Tôi phân trần là tôi không bênh vực Hùng nhưng các em không được đánh nhau trong trường. Nếu ai đánh em, em méc tôi, tôi sẽ phân xử.

Hồng tròn mắt nhìn tôi và hỏi: “Cô có xử thật không?” Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Cô xử thật chứ! Em không tin cô à?”

Hồng kể rằng, ở nhà ba mẹ luôn luôn bắt Hồng nhường em, khi em có lỗi, ba mẹ nói sẽ xử, nhưng sau đó làm ngơ, và có lúc Hùng có lỗi mà còn đánh Hồng thật đau, ba má cũng làm ngơ. Hồng thắc mắc thì bà nội bảo: “Hồng là chị, phải nhường em, đau một chút đâu có sao! Hùng là con trai mà.”

Hồng phải làm nhiều việc trong nhà, trong khi Hùng suốt ngày chỉ chơi game và iPad. Hùng được quyền chơi vì là con trai.

Tội nghiệp cô bé, tôi hứa với Hồng chút vào lớp tôi sẽ là “quan tòa” và nếu thật Hùng có lỗi, Hùng phải xin lỗi Hồng và hứa không được đánh chị, nhưng Hồng cũng không được đánh em. Hồng nhắc tôi:  “Cô phải công bằng!” rồi cô bé lau nước mắt, chạy vào lớp.



Tâm tình phụ huynh

Tục ngữ 2 (Tiếp theo)

(Bình Nguyễn sưu tầm)

7- Sẩy đàn tai nghé:

Thành ngữ này dùng để chỉ sự chia lìa, tan nát của một gia đình hoặc một tập thể nào đó khi mất người đứng đầu. Thành ngữ này bắt nguồn từ đời sống của bầy trâu rừng. Bầy trâu bao giờ cũng có những con trâu đực đầu đàn để chống chọi với thú dữ, bảo vệ cả đàn (thường có trâu cái và bầy nghé con). Nếu mất trâu đầu đàn thì cả đàn sẽ tan tác vì bị thú dữ ăn thịt dần. Sẩy là từ cổ, có nghĩa là mất, chết. Tục ngữ có câu: “Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì.”

8- Sơn cùng thủy tận:

Đây là thành ngữ gốc Hán (cùng là cuối, tận là hết), nơi cuối dãy núi, hết nguồn nước, dùng để chỉ những nơi hẻo lánh, hoang vu. Một thành ngữ khác thâm sơn cùng cốc cũng để diễn đạt ý này. (Thâm sơn là núi sâu, cùng cốc là cuối hang núi)

9- Sơn hào hải vị:

Sơn hào là món ăn quý lấy từ động vật rừng như bàn chân gấu, lộc nhung. Hải vị là món ăn quý lấy từ biển như bào ngư, hải sâm…

Thành ngữ này dùng để chỉ các món ăn sang trọng. Câu này gần nghĩa với câu “Cao lương mĩ vị” (cao là thịt béo, lương là gạo trắng, mĩ vị là ngon miệng).

10- Sư tử Hà Đông – Giấm chua lửa nồng:

Các thành ngữ này đều dùng để chỉ những người phụ nữ hay ghen.

– Hà Đông là một địa danh Trung Quốc, tục truyền có nhiều sư tử và sư tử cái thường bắt nạt sư tử đực. Ông Trần Quý Thường, bạn thân của Tô Đông Pha, có bà vợ hay ghen. Tô Đông Pha liền làm bài thơ đùa bạn, trong đó có câu:

Hốt kiến Hà Đông sư tử hống
Trụ trượng lạc phủ tâm mang nhiên.

(chợt nghe tiếng sư tử Hà Đông rống lên. Đang chống gậy lòng hoảng hốt đánh rơi cả gậy).

– Vua nước Kim rất yêu hai cung nữ. Trước khi mất, vua dặn phải chôn theo hai cung nữ đó. Hoàng hậu rất ghen, nên trước khi chôn hai cung nữ, đã đổ giấm vào quan tài để xác và xương mau tan, không thể hầu hạ đức vua được. Lửa nồng dịch từ Hỏa cang (nóng như hang đốt lửa) cũng để chỉ tính ghen. Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh giải thích lửa nồng là chốn lầu xanh (sống ở nơi ngột ngạt). Truyện Kiều có câu:

Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng.

11- Sửa mũ vườn đào, sửa dép vườn dưa:

Khi đi qua vườn đào, dù mũ đội đầu có bị lệch cũng không nên giơ tay lên sửa mũ, sẽ bị ghi là hái trộm đào. Khi đi qua ruộng dưa, dù dép có bị đứt quai cũng đừng cúi xuống sửa, sẽ bị ghi là hái trộm dưa.

Câu này ý nói tình ngay lý gian, khuyên ta nên đề phòng để tránh bị ngờ oan:

Qua: Dưa, trái dưa, như dưa hấu, dưa leo. Điền: ruộng. Lý: cây lý, cây mận. Hạ: dưới. Qua điền: ruộng dưa. Lý hạ: dưới cây lý. Thành ngữ trên nói đầy đủ là: Qua điền bất nạp lý, lý hạ bất chỉnh quan. Nghĩa là: Nơi ruộng dưa thì không nên xỏ giày, dưới cây lý thì không nên sửa nón.

12- Nằm gai nếm mật:

Câu này nói lên sự chịu đựng vất vả gian khổ để mưu việc lớn. Thời Xuân Thu ở Trung Quốc, Câu Tiễn là vua nước Việt bị Phù Sai là vua nước Ngô bắt làm tù binh, phải chịu mọi điều khổ nhục. Khi được thả về, Câu Tiễn thường nằm trên đệm gai, không ăn cao lương mỹ vị mà thường lấy tăm nhúng vào mật đắng để luôn nhắc nhở mình không quên mối thù xưa. Sau hai mươi năm chuẩn bị lực lượng, Câu Tiễn đã phục thù, đánh bại được Ngô Phù Sai.

13- Năm thì mười họa:

Trong tiếng Việt, thì còn đọc là thời (có nghĩa là lúc, thủa). Ví dụ: thời son trẻ, đương thì con gái, tứ thời, thời gian, thời tiết. Còn họa là từ thuần Việt có nghĩa là ít có, có chăng.

Ví dụ:

– Sắc đành đòi một, tài đành họa hai. (Truyện Kiều)

– Vào sinh ra tử họa là thấy nhau. (Truyện Kiều).

[Đừng lầm với họa từ Hán. Họa là vẽ (họa sĩ), họa là đáp lại (họa vần thơ), họa là tai vạ rủi ro (họa vô đơn chí)].

Thành ngữ năm thì mười họa có nghĩa là thỉnh thoảng, họa hoằn mới có:

Năm thì mười học hay chăng chớ
Một tháng đôi lần có cũng không. (Hồ Xuân Hương)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT