Thursday, March 28, 2024

Tiếng Việt Dấu Yêu (Kỳ 319)


Mừng Ngày Từ Phụ
Kính chúc các bậc làm Cha vui với các con cháu hiếu thảo, biết ơn.


Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh

GS Trần C. Trí

Giải đáp câu tục ngữ kỳ trước

CÒN CHA GÓT ÐỎ NHƯ SON,
MẤT CHA GÓT MẸ GÓT CON ÐEN SÌ.

-Nghĩa đen: Khi có cha, người mẹ và các con được bảo bọc, sung sướng. Vì không phải lo sinh kế nên gót chân của mẹ con đều đỏ hồng. Khi cha mất đi, mẹ con phải vất vả kiếm sống. Vì lam lũ nên gót chân của mẹ con đều lấm đen bụi đời.

-Nghĩa bóng: Người cha đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, nuôi nấng gia đình.

-Ý nghĩa văn hóa: Trong gia đình truyền thống của người Việt, người cha là người kiếm cơm trong gia đình, còn người mẹ lo việc nội trợ.

Trang Tiếng Việt Dấu Yêu xin hân hạnh giới thiệu mục Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh để các em vừa tìm hiểu kho tàng tục ngữ Việt Nam, vừa ôn luyện tiếng Việt và giải trí với những hình ảnh vui đẹp.

“Tục” là thuộc về ngôn ngữ bình dân và “ngữ” là một câu nói. Qua tục ngữ, các em sẽ được dịp học hỏi thêm về văn hóa, luân lý, lịch sử, địa lý, kinh nghiệm dân gian, v.v… được truyền từ đời này sang đời khác ở Việt Nam.

Thông qua việc tìm ra câu tục ngữ dựa theo hình ảnh và phần gợi ý kèm theo, các em sẽ có cơ hội ôn luyện tiếng Việt về nhiều mặt: cấu trúc vần, hệ thống thanh, chính tả, dấu giọng và dấu nguyên âm, từ vựng và cú pháp.

Ðây là một trò đố vui khá phổ thông, đã có từ lâu ở Việt Nam. Ðối với mỗi hình ảnh, nếu không có phần chú thích kèm theo thì tên gọi của hình ảnh đó cũng chính là một chữ trong câu tục ngữ. Phần nhiều các hình ảnh cần bỏ đi hay thêm vào một số chữ cái, dấu thanh hoặc dấu nguyên âm mới trở thành những chữ trong câu tục ngữ.

Phần giải đáp câu tục ngữ và giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng cũng như ý nghĩa mở rộng của nó được đăng trong kỳ kế tiếp.

Câu đố kỳ này:
Ô CHỮ ‘NGÀY TỪ PHỤ’

NGANG
1- “cha con” trong tiếng Hán-Việt.
5- Chồng của con gái.
7- Thuận vợ thuận _____ tát biển Ðông cũng cạn.
8- Người ta nguồn _____ từ đâu, Có tổ tiên trước rồi sau có mình.
9- Cha của cha.
11- _____ _____ như thể tay chân.
15- Chị hay em gái của mẹ.
16- Chị hay em gái của cha.
17- Em trai của cha.

DỌC
2- Còn gọi là bà con.
3- Mọi người thường gọi người vợ bằng _____ của người chồng.
4- Công ơn cha mẹ như trời như _____.
6- Con không cha như nhà không _____.
8- Người cha là cột trụ của _____ _____.
10- Công cha như _____ Thái Sơn.
12- Tên của các vì vua đầu tiên của nước ta.
13- Người sinh ra vợ của mình.
14- Anh của cha.



Em viết văn Việt

Những bài viết của học sinh các trường Việt ngữ

Ðặt câu có một mệnh đề, nhưng có 2 động từ

Bảo Uyên Cao, Lớp 5

1- Ba em ăn sáng và lái xe cùng lúc.

2- Mẹ em nấu cơm , kho cá ngon lắm

3- Em thường thích chơi đá banh và đánh cầu.

4- Em của em bò và lật giỏi.

5- Em em biết cười và khóc khi 3 tháng .

6- Cô giáo soạn bài và chấm bài ở nhà.

7- Em học và làm bài trong lớp

8- Em thích chơi game và coi phim mỗi ngày.

9- Em nói và viết tiếng Việt giỏi.

10- Bá em tưới cây và nấu cơm mỗi ngày.

Ðặt câu với một mệnh đề cho mỗi từ sau đây:

Ðinh Thị Thanh Trúc
Thí sinh Lớp 3 – Giải Khuyến Học 2013

1-Trong lớp khoa học,thầy giáo em dạy về bộ não con người.

2-Mạng nhện giúp con nhện bắt đồ ăn.

3-Hôm nay trong lớp, cô giáo em khoác chiếc áo màu xanh dương.

4-Một loại thú rừng mà em biết là con Cọp.

5- Mỗi tuần, mẹ em dưa em tới nha sỉ để khám răng.

6-Sáng sớm, em nghe tiếng chim hót ngoài sân.

7-Trái Sầu riêng có gai bên ngoài (vỏ).

8-Con sư tử là con vật có bờm.

9- Mỗi tuần, em đi học Tiếng Việt ở nhà thờ Westminster.

10- Y tá giúp basc sĩ chăm sóc bịnh nhân.



Góc hoạt họa thiếu nhi

Họa sĩ Nia Nguyễn

Câu chuyện hí họa về chú gấu bông Dexter


Tâm tình phụ huynh

Tục ngữ 4 (tiếp theo)

(Bình Nguyễn sưu tầm)

21- Nợ như chúa chổm:

Chúa Chổm chính tên là Lê Ninh. Thời nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, là hoàng tử nhưng ông rất khéo. Tuy vậy, các quán ăn ở kinh đô, nếu được ông mở hàng thì rất đắt khách. Vì vậy, nhiều quán mời ông ăn chịu và ghi nợ. Khi được lên làm vua, (tức vua Lê Trang Tông) các chủ quán đến đòi nợ. Vua ra lệnh mở kho để trả nợ nhưng trả nhiều lần chưa hết vì có kẻ đòi nợ khống. (Theo truyền thuyết, khi vua đi dạo, hễ đi vào phố Cấm Chỉ thì không ai được theo đòi nợ nữa) (phố Cấm Chỉ ở đầu phố Hàng Bông, gần Cửa Nam ngày nay).

22- Nuôi ong tay áo:

Trong thực tế, không ai nuôi ong ở tay áo cả vì ong dễ đốt vào người, ong ở đấy được dùng để chỉ kẻ xấu. Câu này mang ý nghĩa: nuôi dưỡng giúp đỡ kẻ xấu thì kẻ xấu có khi lại phản bội lại mình, làm hại mình. Tuy vậy cũng không nên hiểu một chiều. Thực tế, kẻ xấu cũng cần sự giúp đỡ, giáo dục để trở thành người tốt. Xã hội ta đã cải tạo được nhiều người xấu trở thành người hữu ích. Câu này chỉ dùng khi người nuôi dưỡng, giúp đỡ, bị phản bội.

23- Nước đục bụi trong:

Thành ngữ này nói lên cảnh trái ngược, những việc làm bất đắc dĩ, trái với ý muốn: nước trong mà lại đục, bụi đục mà lại trong.

Ví dụ:
Lỡ làng nước đục bụi trong
Trăm năm để một tấm lòng từ đây.

(Truyện Kiều)

Tục ngữ ta có câu “Chết trong còn hơn sống đục” để khuyên ta sống trong sạch, thà chết còn hơn làm điều phi nghĩa, bất lương.

24- Lá lành đùm lá rách:

Câu tục ngữ có hai vế đối lập lá lành, lá rách. Lá lành hàm chỉ người có đời sống khá, sung túc. Lá rách hàm chỉ người nghèo khổ. Từ lá và đùm cũng gợi ý về vật chất vì trong đời sống hàng ngày người ta đùm cơm, đùm bánh, đùm xôi thường dùng lá. Từ đùm cũng gợi ý đùm bọc, che chở, giúp đỡ. Câu thành ngữ này khuyên ta phải cưu mang, giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống hàng ngày cũng như lúc hoạn nạn. Câu này cũng nói lên đạo lý tốt đẹp của ông cha ta.

25- Lật đật như sa vật ống vải:

Câu này thường bị nói sai “lật đật như ma vật ông vải.” Nghĩa câu này hàm ý chê trách việc vội vàng, hấp tấp. Khi kéo sợi vải, ta dùng cái sa để quay, con cúi sa bằng bông sẽ dùng mũi quay để kéo thành sợi. Ở mũi quay có ống vải để cuốn sợi. Mũi quay thường làm cho ống vải rung lật đật.

26- Lệnh ông không bằng cồng bà:

Lệnh và cồng là hai dụng cụ bằng đồng dùng để báo hiệu. Có người nói câu này xuất hiện từ thời Bà Triệu khởi nghĩa. Ông Triệu Quốc Ðạt là anh nhưng không được mọi người tin yêu bằng bà Triệu Thị Trinh. Mỗi khi nghe tiếng cồng của Bà Triệu thì binh sĩ ở mọi nơi đều tập hợp ở dưới cờ.

Ngày nay, câu này được dùng với ý: vợ có quyền to hơn chồng trong một gia đình nào đó.

27- May xống phải phòng khi cả dạ:

Câu này khuyên ta phải nhìn xa trông rộng, tính trước mọi việc. Xống là váy. Người phụ nữ khi may váy phải tính toán để khi có thai, bụng to (cả dạ) vẫn mặc được.

28- Mỏng mày hay hạt:

Thành ngữ này thường dùng để chỉ người phụ nữ có khuôn mặt nhẹ nhõm xinh xắn, dáng người thon thả thắt đáy lưng ong.

Mày và hạt xuất phát từ việc chọn giống của nhà nông. Mày là cái vảy dính ở gốc hạt lúa, hạt ngô. Hễ mỏng mày là hạt chắc, nếu dùng làm hạt giống rất tốt. Từ đó người phụ nữ mỏng mày hay hạt cũng hứa hẹn tương lai sẽ phát triển nòi giống tốt, ngoài các đức tính khác như đảm đang, tháo vát.

Tục ngữ còn có câu: Khô chân gân mặt đắt mấy cũng mua; Phành phạch quạt mo cho không ai lấy, hoặc câu: Mặt nạc, đóm dày, mo nang trôi sấp chó cụt đuôi. (Mặt nạc là mặt lắm thịt, chứng tỏ người không khôn ngoan), và câu: Những người béo trục béo tròn; Ăn vụng như chớp đánh con cả ngày. (Béo trục béo tròn đối với thắt đáy lưng ong).

29- Một đồng một cốt:

Ðể hành nghề mê tín dị đoan, các ông đồng bà cốt thường gọi hồn, bắt ma, làm lễ giải hạn để kiếm tiền thiên hạ. Họ dùng nhiều mưu mẹo để lừa dối. Thành ngữ này để chỉ bọn người chuyên dối trá lừa đảo:

Ðà đao lặp sẵn chước dùng;
Lạ gì một cốt một đồng xưa nay.
(Truyện Kiều)

30- Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ:

Câu này nói lên mối tương quan giữa cá thể và cộng đồng. Ðể khuyên bảo về đạo lý. Ông cha ta thường mượn vật để nói người như: “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.” “Một con ngựa đau” nói lên một cá thể bị hoạn nạn. “Cả tàu bỏ cỏ” nói lên sự thông cảm chia sẻ của đồng loại, tất cả các con ngựa trong chuồng đều không ăn cỏ vì thương cảm. Ở đây không nói lên sự giúp đỡ mà nói về tình cảm. Hiểu rộng ra, cả tàu còn nói cả làng, cả nước phải thương yêu đùm bọc lấy nhau; cùng đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi.

(Còn tiếp)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT