Friday, April 19, 2024

Tiếng Việt Dấu Yêu (Kỳ 320)

Một học sinh Việt ngữ tốt nghiệp thủ khoa Trung Học Fountain Valley

Linh Nguyễn/Người Việt

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Thêm một tin vui cùng với nhiều thủ khoa và á khoa gốc Việt trong mùa ra trường như đã loan tin trên nhật báo Người Việt, em Kevin Duy Tô, 17 tuổi, cũng vừa tốt nghiệp thủ khoa Fountain Valley High school, với điểm trung bình GPA là 4.97 (trong số 917 học sinh tốt nghiệp) vào ngày 13 Tháng Sáu vừa qua, theo gia đình cho biết.

Bà Loan Trần, mẹ của Kevin, cho biết con trai bà sẽ theo học UCLA. Trước đó, cũng theo bà, Kevin được nhận vào các trường đại học nổi tiếng, như Harvard, UCLA, USC, chương trình danh dự của UCI, và UC San Diego.

“Kevin là một trong những người thắng giải cuộc thi The Voice of Democracy 2018 do Hội Cựu Chiến Binh Mỹ tổ chức; và giải Đại Bàng (Eagle Scout) thuộc Liên Đoàn Hướng Đạo Lam Sơn. Kevin cũng đạt được sáu Eagle Palms sau khi được trao đẳng cấp Đại Bàng. Cháu được trao giải William T. Hornaday Award năm 2016 (giải thưởng cao nhất của Boy Scout of America về Conservation/Environmental Ethic),” bà chia sẻ.

“Kevin tốt nghiệp trường Việt Ngữ Hồng Bàng năm 2015 và sẽ nhận văn bằng Piano Diploma của hội National Guild of Piano Teachers Tháng Tám, 2018 tại Westminster Music school,” bà nói.

Kevin hiện sống với gia đình và cha mẹ là ông Viễn Tô và bà Loan Trần.

Kevin Duy Tô, thủ khoa Trung Học Fountain Valley, tốt nghiệp tiếng Việt TTVH Hồng Bàng, 2015. (Hình: Loan Trần cung cấp)

 



Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh

GS Trần C. Trí

Trang Tiếng Việt Dấu Yêu xin hân hạnh giới thiệu mục Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh để các em vừa tìm hiểu kho tàng tục ngữ Việt Nam, vừa ôn luyện tiếng Việt và giải trí với những hình ảnh vui đẹp.

“Tục” là thuộc về ngôn ngữ bình dân và “ngữ” là một câu nói. Qua tục ngữ, các em sẽ được dịp học hỏi thêm về văn hóa, luân lý, lịch sử, địa lý, kinh nghiệm dân gian, v.v… được truyền từ đời này sang đời khác ở Việt Nam.

Thông qua việc tìm ra câu tục ngữ dựa theo hình ảnh và phần gợi ý kèm theo, các em sẽ có cơ hội ôn luyện tiếng Việt về nhiều mặt: cấu trúc vần, hệ thống thanh, chính tả, dấu giọng và dấu nguyên âm, từ vựng và cú pháp.

Ðây là một trò đố vui khá phổ thông, đã có từ lâu ở Việt Nam. Ðối với mỗi hình ảnh, nếu không có phần chú thích kèm theo thì tên gọi của hình ảnh đó cũng chính là một chữ trong câu tục ngữ. Phần nhiều các hình ảnh cần bỏ đi hay thêm vào một số chữ cái, dấu thanh hoặc dấu nguyên âm mới trở thành những chữ trong câu tục ngữ.

Phần giải đáp câu tục ngữ và giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng cũng như ý nghĩa mở rộng của nó được đăng trong kỳ kế tiếp.

Câu tục ngữ kỳ này

Giải đáp ô chữ lần trước:

Ô chữ “Ngày Từ Phụ”



Em viết văn Việt

Đặt câu có 3 mệnh đề:

Đoàn Như Thụy, Lớp Chín

1- Em rất muốn chơi với cháu em vì nó rất dễ thương, nhưng em phải học rất nhiều.

2- Em thích ăn thịt ba rọi, nhưng mẹ em không mua vì nó có nhiều mỡ.

3- Hè này , em muốn về Việt Nam nhưng em phải ở lại đây để đón cậu em từ Pháp sang .

4- Bà ngoại rất thương em vì em học giỏi, hơn nữa  em là cháu gái duy nhất của bà.

5- Em thích hoa Hồng vì nó rất thơm, nhưng em không thích những gai hoa Hồng.

6- Computer của em hư, nhưng ba đi vắng, không có ai sửa máy cho em.

7- Em không đánh máy bài tập được và em phải qua nhà bạn để dùng máy của bạn em.

8- Hôm nay, trời lạnh quá,mà em quên không mang áo ấm, do vậy em bị ho.

9- Em thích săn sóc hoa nhưng bà ngoại không đồng ý vì sợ em làm hư hoa.

10- Em để dành tiền vì em muốn mua iPad, nhưng mẹ em không đồng ý.

—–

Một ngày của em

Nu Nguyễn, Lớp Chín

Em đã lên lớp 9, Bài học và bài làm rất nhiều, tiếng Việt em quyên nhiều vì em nghĩ học đã lâu. Cô nói em viết bài, nên em viết, nhưng em sợ bị la vì em viết giở.

Mấy hôm nay em không chơi game nữa vì gần nghỉ Hè rồi và em sắp thi hết lớp. Em phải học bài rất nhiều, nhất là môn toán. Môn Toán em thường có điểm B và C. Em cố gắng học thêm Toán với ba em mỗi tối . Em hy vọng em sẽ được con B trong môn toán năm nay.

Gia đình em ăn cơm chiều lúc 8 giờ tối vì mẹ em đi làm về mới nấu cơm. Em phụ mẹ em rửa rau ,sắp bàn ăn, rửa chén bát. Sau bữa cơm, em coi TV nửa tiếng rồi đi ngủ vì mỗi sáng em phải thức sớm để chuẩn bị đi học.

Một ngày của em rất bận rộn, em không có thì giờ để làm bài và hoc bài, nên em phải nghĩ học tiếng Việt.



Góc hoạt họa thiếu nhi

Họa sĩ Nia Nguyễn

Câu chuyện hí họa về chú gấu bông Dexter



Tâm tình phụ huynh

Tục ngữ 4 (tiếp theo)

(Bình Nguyễn sưu tầm)

31- Muôn chung nghìn tứ:

Chung là cái hộc, đơn vị dùng để đong thóc ngày xưa. Tứ là cỗ xe có bốn ngựa kéo. Câu này chỉ bậc vương hầu khanh tướng, ăn lộc đến nghìn chung thóc, trong nhà có hàng nghìn cỗ xe ngựa.

Một lời đã biết đến ta
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau (Truyện Kiều)

32- Học ăn, học nói, học gói, học mở:

Đây là câu thành ngữ khuyên mọi người phải học cách đối xử ở đời để trở nên người có văn hóa.

Ăn cũng phải học ăn như “Ăn trông nồi ngồi trông hướng”. Đối với trẻ, khi ăn không nên khua bát khua đũa. Nhiều trẻ khi nhai cứ nhồm nhoàm hoặc tạo ra tiếng chồm chộp vì nhai hai hàm một lúc, hàm trên bập xuống hàm dưới tạo thành tiếng kêu. Cần tập cho trẻ chỉ dùng một hàm khi nhai.

Nói cũng phải học để biết cách xưng hô nói năng lễ phép, lịch sự. “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.” Ngày nay, ta thường gặp nhiều cô cậu ăn mặc diện nhưng nói rất tục. Chỉ nghe qua lời nói ta đã biết là loại vô văn hóa. Học gói học mở theo phép lịch sự ở đất kinh kỳ cũng rất khó. Ở đất Hà Nội xưa, một số gia đình giàu sang thường gói nước chấm vào lá chuối xanh đặt vào cái chén xinh bày lên mâm cỗ. Người gói phải khéo tay mới gói được và người ngồi, ăn cũng phải biết cách mở để khỏi bật tung nước chấm ra mâm…

Ngày nay, gói bánh chưng đã mấy người biết gói cho đẹp để bánh cao thành sắc cạnh và mở bánh (bóc bánh) chưng cũng phải học mới khéo được.

Có người còn hiểu rộng câu trên, cho rằng mở và gói khó nhất là khi làm văn:

Văn hay chẳng lọ là dài
Mới đọc mở bài đã biết văn hay.

Còn gói bài văn (kết luận) thế nào để người đọc còn thấy dư âm và gây ấn tượng sâu không phải dễ.

33- Kẻ ăn rươi, người chịu bão:

Hằng năm, cứ khoảng thánh chin âm lịch, các ruộng nước chua mặn ở miền biển có giống rươi nổi lên. Người ta hớt rươi về làm thức ăn (chả rươi, mắm rươi). Nhưng mùa này cũng hay có báo làm thiệt hại. (cũng có người giải thích, mùa này trở trời nên dễ đau lưng đau bão). Câu này nói lên sự không công bằng: kẻ được ăn, người chịu vạ lây.

34- Kẻ tám lạng, người nửa cân:

Cân và lạng ở đây là loại cân cũ của ta. Một cân có 16 lạng (tương đương 605 gam) và một lạng bằng một phần mười sấu cân tương đương với 37.8 gam. Vì vậy nếu cân bằng cân ta thì nửa cân là tám lạng, tám lạng là nửa cân.

Thành ngữ này trong tiếng Việt thường chỉ sự so sánh tương đương lực lượng giữa hai phe, hai đấu thủ trong cuộc đọ sức thì bằng nhau, không ai kém ai.

35- Kết cỏ ngậm vành:

Thành ngữ này chỉ sự báo đền công ơn:

Dám nhờ cốt nhục tử sinh
Còn nhiều kết cỏ ngậm vành về sau (Truyện Kiều)

Đây là hai điển tích xưa của Trung Quốc.

– Ông Ngụy thù đời Tần có nhiều vợ lẽ đẹp. Theo phong tục nước Tần, hễ chồng chết thì vợ lẽ phải chôn theo chồng. Nhưng Ngụy Khảo, con trai của Ngụy Thù có lòng nhân đạo nên không theo tục lệ đó. Sau Ngụy Khảo nên làm tướng nước Tần, đánh nhau với nước Tấn. Bên Tấn có tướng Đỗ Hồi rất giỏi. Hôm đó, đang đánh nhau thì ngựa của Đỗ Hồi bị vướng cỏ, Đỗ Hồi ngã ngựa và bị Ngụy Khảo giết. Đêm hôm ấy, Ngụy Khảo nằm mơ thấy bố người vợ lẽ đến tạ ơn và nói: “Tôi cám ơn ông không chôn sống con tôi, nên tôi đã kết cỏ làm cho Đỗ Hồi ngã ngựa.”

– Dương Bá đời Hán, lúc 9 tuổi bắt được con chim sẻ bị thương. Bá chăm sóc chim cho khỏe rồi thả ra. Sau chim đó ngậm bốn vành ngọc trắng đem đến tạ ơn.

36- Gái thương chồng đương đông buổi chợ/ Trai thương vợ nắng quái chiều hôm:

Câu tục ngữ này có rất nhiều cách giải thích. Sở dĩ có nhiều cách hiểu vì cụm từ “đương đông buổi chợ” và “nắng quái chiều hôm” được hiểu với nghĩa khác nhau. Dưới đây xin nêu một vài cách hiểu đó:

1) Hiểu đây là lời khuyên, không phê phán ai cả.

“Đương đông buổi chợ” được hiểu là thời son trẻ duyên dáng của người phụ nữ, có nhiều chàng trai để ý đến.

Tình thương chồng được thể hiện rõ khi cô ta còn nhan sắc, nhiều người để ý nhưng vẫn một mực chung thủy với chồng. “Nắng quái chiều hôm” được hiểu là thời người con gái đã xế chiều, nhan sắc tàn phai và khuyên chồng nên chung thủy cả khi vợ đã luống tuổi.

2) Hiểu câu này chỉ mức độ tình yêu giữa nam và nữ một cách khách quan, không phê phán ai cả.

Hiểu tình yêu của người phụ nữ đầy đặn, mặn mà như buổi chợ đương đông còn tình yêu của nam giới thì bồng bột, rực rỡ nhưng mau tàn như nắng quái chiều hôm.

3) Hiểu câu này theo cách phê phán.

Tình yêu của người phụ nữ đậm đà bền chặt như buổi sáng lúc đương đông buổi chợ.

Tình yêu của nam giới chỉ thoáng qua, mau tắt ngấm như buổi chiều, lúc nắng quái chiều hôm.

Cho đến nay nhứng cách hiểu khác nhau vẫn tồn tại và chắc còn nhiều cách hiểu khác. Chúng ta chưa có cơ sở để lựa chọn và khẳng định.

37- Gần nhà giàu đau răng ăn cốm/ Gần kẻ trộm ốm lưng chịu đòn:

Nhân dân ta rất coi trọng láng giếng “Bán anh em xa mua láng giềng gần.” Nhưng hai loại láng giềng “nhà giàu” và “kẻ trộm” thì lại khổ cho láng giềng. Câu này được hiểu là “Gần nhà giàu khổ như đau răng lại nhai cốm, gần kẻ trộm khổ như đang ốm lại phải đánh đòn.” Vì sao vậy? Láng giềng giàu thường ít thích giao tiếp với hàng xóm nghèo nên khi tối lửa tắt đèn ít nhờ vả được nhau. Gần kẻ trộm thì dễ mất trộm hoặc có khi bị đòn oan. Câu này khuyên ta nên chọn láng giềng mà ở. (Cũng có người giải thích là gần nhà giàu thì được ăn nhiều đến mức đau cả răng. Giải thích cách này không hợp lô gích).

38- Già kén kẹn hom:

Trong các sách thành ngữ đều giải thích: Tình duyên lỡ làng vì quá kén chọn.

Trong cuốn tục ngữ lược giải của Lê Văn Hòe giải thích như sau:

Già kén là kén kỹ quá, kén nhiều quá.

Kẹn hom là giơ xương ra, ý nói già yếu gầy guộc, giơ xương.

Câu này ý nói: kén chọn kỹ quá thì người già mất.

Giải nghĩa như trên không có gì sai. Nhưng câu này gốc là “Già kén kẹn hom” và chỉ thấy trong từ điển của Gensibrel (1893) ghi là chẹn và dịch tiếng Pháp là serer (tức xương hom bị chẹn lại). Câu này có nghĩa là già kén (kén chồng) thì lấy chồng muộn (vãn hôn) và dễ mắc bệnh chẹn hom. Một số thầy thuốc có nói bệnh chẹn hom là bệnh khi sinh nở lần đầu, xương hom – không giãn nở to, khó sinh và dễ chết cả mẹ lẫn con. Vì vậy, ngày trước có bài thuốc chữa bệnh chẹn hom để làm cho dây chằng dễ giãn khi đẻ. Nếu hiểu như vậy thì câu thành ngữ này khuyên phụ nữ đừng kén chọn quá dễ nguy hiểm đến tính mệnh.

Câu thành ngữ này cũng còn có cách giải thích khách như: Kén là kén tằm (danh từ) nếu để kén đã bị bướm cắn thủng (già kén) thì khó kéo tơ. Cách giải thích này rất xa với nghĩa ta thường hiểu.

39- Giấy rách phải giữ lấy lề:

Sách chữ nho ngày trước thường phải đóng lề ở gáy để kết chặt các tờ thành quyển. Khi viết, ở phần lề được để trắng, rộng độ 3 cm theo chiều dọc. Trong quyển sách, lề là phần gốc, nếu lề bị hỏng thì toàn quyển sách sẽ bung ra hết. Dù giấy có rách, phần gốc vẫn cần bảo tồn.

Câu thành ngữ này khuyên ta nên giữ vững truyền thống, nề nếp của gia đình. Lề từ nghĩa đen đã được mở rộng để chỉ những phong tục tốt đẹp trong câu “Đất có lề, quê có thói.”

40- Gió táp mưa sa:

Thành ngữ này có 2 nghĩa: Nghĩa hẹp chỉ sự vất vả ở đời. Nhưng trong văn học, gió táp mưa sa lại dùng để chỉ người có tài làm câu thơ, tứ thơ đều nhanh như gió mưa do câu Phong vũ thôi thi tứ (tứ thơ đẩy đến ào ạt như gió mưa).

Tay tiên gió táp mưa sa
Khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu. (Truyện Kiều)

(Còn tiếp)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT