Friday, April 19, 2024

Tiếng Việt Dấu Yêu (Kỳ 321)

Hình ảnh sinh hoạt của hướng đạo sinh Liên Đoàn Hướng Đạo Trùng Dương



Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh

GS Trần C. Trí
University of California, Irvine

Trang Tiếng Việt Dấu Yêu xin hân hạnh giới thiệu mục Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh để các em vừa tìm hiểu kho tàng tục ngữ Việt Nam, vừa ôn luyện tiếng Việt và giải trí với những hình ảnh vui đẹp.

“Tục” là thuộc về ngôn ngữ bình dân và “ngữ” là một câu nói. Qua tục ngữ, các em sẽ được dịp học hỏi thêm về văn hóa, luân lý, lịch sử, địa lý, kinh nghiệm dân gian, v.v… được truyền từ đời này sang đời khác ở Việt Nam.

Thông qua việc tìm ra câu tục ngữ dựa theo hình ảnh và phần gợi ý kèm theo, các em sẽ có cơ hội ôn luyện tiếng Việt về nhiều mặt: cấu trúc vần, hệ thống thanh, chính tả, dấu giọng và dấu nguyên âm, từ vựng và cú pháp.

Đây là một trò đố vui khá phổ thông, đã có từ lâu ở Việt Nam. Đối với mỗi hình ảnh, nếu không có phần chú thích kèm theo thì tên gọi của hình ảnh đó cũng chính là một chữ trong câu tục ngữ. Phần nhiều các hình ảnh cần bỏ đi hay thêm vào một số chữ cái, dấu thanh hoặc dấu nguyên âm mới trở thành những chữ trong câu tục ngữ.

Phần giải đáp câu tục ngữ và giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng cũng như ý nghĩa mở rộng của nó được đăng trong kỳ kế tiếp.

Câu tục ngữ kỳ này:

Giải đáp câu tục ngữ kỳ trước:

MỘT CON NGỰA ĐAU CẢ TÀU KHÔNG ĂN CỎ

Nghĩa đen: Khi một con ngựa bị bệnh, tất cả những con ngựa khác trong cùng một tàu (chuồng) đều bỏ ăn.

Nghĩa bóng: Trong một tập thể đoàn kết và biết thương yêu nhau, khi có một cá nhân nào gặp hoạn nạn, mọi thành viên trong đoàn thể đều tỏ lòng thương yêu và đoàn kết qua hành động của mình.

Ý nghĩa xã hội: Câu tục ngữ này đề cao tinh thần thương yêu và đoàn kết của đoàn thể hay cộng đồng. Một xã hội vững mạnh cần có sự đoàn kết để cùng nhau góp phần vào việc làm cho cuộc sống của tất cả mọi người mỗi ngày một tốt hẹp hơn.



Em viết văn Việt

Đặt câu có một mệnh đề, nhưng có 2 động từ:

Bảo Uyên Cao
Lớp 5

1- Ba em ăn sáng và lái xe cùng lúc.

2- Mẹ em nấu cơm , kho cá ngon lắm

3- Em thường thích chơi đá banh và đánh cầu.

4- Em của em bò và lật giỏi.

5- Em em biết cười và khóc khi 3 tháng .

6- Cô giáo soạn bài và chấm bài ở nhà.

7- Em học và làm bài trong lớp

8- Em thích chơi game và coi phim mỗi ngày.

9- Em nói và viết tiếng Việt giỏi.

10- Bá em tưới cây và nấu cơm mỗi ngày.

—–

Đặt câu với một mệnh đề cho mỗi từ sau đây:

Đinh Thị Thanh Trúc
Thí sinh Lớp 3 – Giải Khuyến Học 2013

1-Trong lớp khoa học,thầy giáo em dạy về bộ não con người.

2-Mạng nhện giúp con nhện bắt đồ ăn.

3-Hôm nay trong lớp, cô giáo em khoác chiếc áo màu xanh dương.

4-Một loại thú rừng mà em biết là con Cọp.

5- Mỗi tuần, mẹ em dưa em tới nha sỉ để khám răng.

6-Sáng sớm, em nghe tiếng chim hót ngoài sân.

7-Trái Sầu riêng có gai bên ngoài (vỏ).

8-Con sư tử là con vật có bờm.

9- Mỗi tuần, em đi học Tiếng Việt ở nhà thờ Westminster.

10- Y tá giúp bác sĩ chăm sóc bịnh nhân.



Góc hoạt họa thiếu nhi

Họa sĩ Nia Nguyễn

Câu chuyện hí họa về chú gấu bông Dexter



Tâm tình phụ huynh

Tục ngữ 5 (tiếp theo)

(Bình Nguyễn sưu tầm)

41-Gương vỡ lại lành

Thành ngữ này nói ý hàn gắn, đoàn tụ, sự thay đổi từ xấu thành tốt trong đời sống.

Điển tích xưa chép câu chuyện như sau : Từ Đức Ngôn yêu công chúa Nhạc Xương nhưng vì loạn lạc, hai người phải xa nhau. Họ bẻ đôi chiếc gương, mỗi người giữ một nửa. Về sau, Đức Ngôn lên kinh đô, thấy có người bán mảnh gương vỡ. Nhờ manh mối đó, Đức ngôn đã tìm được người yêu, hai mảnh chắp lại thành gương cũ.

Bây giờ gương vỡ lại lành
Khôn thiêng lừa lọc đã đành có nơi. (Truyện Kiều)

42-Da mồi tóc bạc

Thành ngữ này dùng để miêu tả những người cao tuổi. Tóc bạc là tóc trăng như bạc. Da mồi là da bị vết lốm đốm, thường có màu nâu như mai con đồi mồi. Đồi mồi thuộc họ rùa sống ở ven biển, mai có hoa rất đẹp, dùng làm lược hoặc kẹp tóc.

Tóc quăn chải lược đồi mồi
Chải đứng chải ngồi quăn vẫn hoàn quăn (Ca dao)

43-Dốc bồ thương kẻ ăn đong

Nông dân thường đựng thóc vào bồ. Dốc bồ là nhà hết thóc. Khi đó mới thương những người đi đong gạo ăn hằng ngày. Câu này ý nói có cùng cảnh ngộ thì mới thương nhau, dễ thông cảm với nhau.

44-Dốt đặc cán mai – Dốt có chuôi

Mai là dụng cụ dùng để đào đất. Cán mai thường làm bằng táu, một thứ gỗ rất cứng để khi bẩy đất không bị gãy cán. Dốt đặc cán mai ý nói đầu óc bị đặc như cán mai, không có chỗ để nhét chữ vào được.

Dốt có chuôi (dốt co đuôi) là do điển tích xưa. Một thầy đồ được mời đến cúng cho gia chủ tên là Tròn. Thầy không biết viết chữ Tròn nên khoanh một vòng. Có kẻ tinh nghịch sổ thêm một nét thành cái gáo. Gáo dừa thường có chuôi (cán) dùng để cầm. Khi cúng, thầy đọc tên là gáo làm cho gia chủ bực mình.

45-Đanh đá cá cày

Câu thành ngữ này có nghĩa là ương ngạnh, cứng cỏi, không chịu thua kém ai. Cá cày là cái cá (làm bằng tre hoặc gỗ, to bằng cái cán dao, hình như con cá) dùng để nâng bắp cày lên xuống khi muốn cày nông hoặc sâu. Cá cày tuy nhỏ nhưng điều khiển được cả lưỡi cày.

46-Đánh giáp lá cà

Câu này ai cũng hiểu là đánh nhau mặt đối mặt, hai bên giáp sát vào nhau. Từ điển Việt Nam của Hội Khai Trí Tiến Ðức giải nghĩa giáp lá cà: “nơi quân hai bên xông vào đâm chém nhau.” Từ giáp này hiện nay vẫn dùng: Hai nhà ở giáp nhau. Hai người giáp mặt nhau.

Nhưng lá cà là gì? Có người giải thích: Ngày Xưa, trong chiếc áo của ta có dùng nhiều từ lá. Lá sen là bộ phận đệm phía trong vai áo để mặc được bền. Miếng vải này hình giống lá sen. Lá xoài là một miếng vải đệm bông, lòng vào cổ và tỏa ra hai vai. Phu khiêng kiệu, khiêng cáng thường phải có lá xoài để đỡ đau vai và đỡ rách áo. Lá cà là một bộ phận trong áo võ quan. Loại này có hồng tâm bằng đồng đẻ che ngực và một mảnh lá cà để che bụng và hạ bộ. Mảnh này giống hình chiếc lá cà. Trong quần áo hát hội, các nghệ nhân gọi nó là lá cà. Đánh giáp lá cà là mặt đối mặt, các lá cà của hai tướng sát vào nhau.

47-Đánh trống lảng

Trong lễ tế thần, khi tiến rượu, các tế viên (ông mạnh, ông bồi) phải đi khoan thai, từng bước một, theo điệu nhạc và nhịp trống từ ngoài sân vào trong cung. Khi ở trong cung trở ra, các tế viên phải bước rất nhanh theo nhịp trống dồn nhập gọi là trống lảng (tiếng giục để lảng ra cho nhanh). Sau này, thành ngữ đánh trống lảng được dùng với nghĩa: một người nào đó đang nghe chuyện này thì nói lảng ra chuyện khác, hoặc lảng ra chỗ khác để tránh điều bất lợi cho mình.

48-Đánh trống lấp

Trong lễ tế thần, khi đọc văn tế, vì kiêng tên húy của thần nên người đọc văn chỉ đọc lẩm nhẩm trong miệng. Tuy vậy, vẫn sợ người ngoài biết tên húy nên khi đọc đến tên và chức tước của thần, người đánh trống còn điểm mấy tiếng trống để làm lấp tiếng người đọc. Đánh trống lúc đó gọi là trống lấp. Ngày nay, thành ngữ này thường dùng để chỉ việc kể lể lôi thôi nhằm lấp liếm câu chuyện chính hoặc che đậy lỗi lầm của mình.

49-Đánh trống qua cửa nhà sấm

Đây là một thành ngữ bắt nguồn từ điển tích Trung Quốc với nghĩa là: người kém tài chớ qua cửa người giỏi, gần giống thành ngữ “Đừng thi bơi với giải” (giải là một loài bò sát lớn thường sống ở đầm nước, bơi rất nhanh). Theo điển tích xưa, Ngô Phù Sai đóng đô ở Cô Tô, xây thành có đặt tên cửa là Xà môn (cửa Rắn) để trấn áp nước Việt. Người Việt làm cửa Lôi môn (cửa Sấm) để chống lại. Hễ đánh trống lớn ở cửa Lôi môn thì cửa Xà môn lập tức mở ra để dò xem động tĩnh.

50-Đèo heo hút gió

Thành ngữ này dùng để chỉ nơi hoang vắng (đi vào nơi đèo heo hút gió). Sinh thời, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã giải thích cho tôi như sau:

Chính là “đèo Neo hút gió” bị nói chệch đi. Ngày trước, đường quốc lộ đi từ Thăng Long lên Ảii Nam Quan phải đi qua đèo Neo (một cái đèo ở gần thị xã Bắc Giang bây giờ). Tiễn những người đi sứ sang Trung Quốc, bạn bè dù thân thiết cũng chỉ đi tiễn đến đèo Neo, đặt rượu tiễn hành rồi quay về. Người đi sứ phải đi vào đoạn đường rừng hoang vắng để lên cửa ải.

Cũng nhân từ đèo Neo (một danh từ riêng) nhà văn Nguyễn Công Hoan còn nói: Lưu Đồn trong bài ca dao: “Ba năm trấn thủ Lưu Đồn” cũng là một danh từ riêng. Thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, Chúa Trịnh cho đóng một đồn binh lớn ở phía Bắc sông Gianh để canh phòng. Lưu Đồn là một địa danh nay thuộc tỉnh Quảng Bình.

(Còn tiếp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT