Friday, April 19, 2024

Tiếng Việt Dấu Yêu (Kỳ 322)

Hình ảnh thí sinh dự thi Giải Khuyến Học 2018 tại Viện Việt Học

Tiếng trống trường thi do thầy Châu khai mạc.
Cô Cao Minh Châu, chủ tịch HÐQT Giải Khuyến Học, chào mừng phụ huynh, các thầy cô và thí sinh các trường tham dự.
Các thí sinh chuẩn bị.
Đông đảo phụ huynh đến để ủng hộ tinh thần cho con em.


Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh

GS Trần C. Trí

Trang Tiếng Việt Dấu Yêu xin hân hạnh giới thiệu mục Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh để các em vừa tìm hiểu kho tàng tục ngữ Việt Nam, vừa ôn luyện tiếng Việt và giải trí với những hình ảnh vui đẹp.

“Tục” là thuộc về ngôn ngữ bình dân và “ngữ” là một câu nói. Qua tục ngữ, các em sẽ được dịp học hỏi thêm về văn hóa, luân lý, lịch sử, địa lý, kinh nghiệm dân gian, v.v… được truyền từ đời này sang đời khác ở Việt Nam.

Thông qua việc tìm ra câu tục ngữ dựa theo hình ảnh và phần gợi ý kèm theo, các em sẽ có cơ hội ôn luyện tiếng Việt về nhiều mặt: cấu trúc vần, hệ thống thanh, chính tả, dấu giọng và dấu nguyên âm, từ vựng và cú pháp.

Ðây là một trò đố vui khá phổ thông, đã có từ lâu ở Việt Nam. Ðối với mỗi hình ảnh, nếu không có phần chú thích kèm theo thì tên gọi của hình ảnh đó cũng chính là một chữ trong câu tục ngữ. Phần nhiều các hình ảnh cần bỏ đi hay thêm vào một số chữ cái, dấu thanh hoặc dấu nguyên âm mới trở thành những chữ trong câu tục ngữ.

Phần giải đáp câu tục ngữ và giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng cũng như ý nghĩa mở rộng của nó được đăng trong kỳ kế tiếp.

Câu tục ngữ kỳ này

 

Giải đáp câu tục ngữ kỳ trước

THUA THẦY MỘT VẠN KHÔNG BẰNG THUA BẠN MỘT LI

  • Nghĩa đen: Kém hơn thầy cô của mình nhiều cách mấy cũng không đáng hổ thẹn bằng kém bạn bè dù chỉ một chút thôi.
  • Nghĩa bóng: Khi so sánh về kiến thức và khả năng của mình, chỉ nên so sánh với những người cùng trang lứa.
  • Ý nghĩa giáo dục: Câu tục ngữ cho thấy thầy cô có kiến thức sâu rộng nên tất nhiên lúc nào cũng hơn học trò. Tuy nhiên, học sinh cần phải ganh đua với bạn bè cùng lớp về mặt học lực và hạnh kiểm để khỏi thua kém ai cả.


Em viết văn Việt

Đặt câu với 2 mệnh đề:

Vương Vicky (Thí sinh Lớp 4 – Giải Khuyến Học 2013)

1- Bài lịch sử “Thánh Gióng” rất hay nên con thích đọc bài này mỗi ngày.

2- Mỗi khi thời tiết mưa thì dưới đất có rất nhiều bùn.

3- Ở trong lớp con có nhiều người quấy phá và con không thích mấy người này.

4- Con thông minh vì cha, mẹ con rất thong minh.

5- Con rất kính yêu cha mẹ con vì cha mẹ con đưa đồ ăn và áo quần con thích.

6- Trong người mình có 2 lá phổi, nếu chỉ có một lá phổi thôi thì mình sẽ chết.

7- Gia dình con rất thích ăn Mít, nên mẹ con luôn luôn mua trái Mít.

8- Con không thích leo trèo, nhưng con luôn luôn phải leo trèo để lấy đồ ăn.

9- Khi em đi học, em luôn luôn chăm chỉ học.

10- Ở Texas luôn luôn có bão lụt vì ở Texas nóng lắm.

—–

Đặt câu có một mệnh đề:

Lê Chi Dân (Thí sinh lớp Hai – Giải Khuyến học 2013)

1-Em bị gãy cổ tay của em.

2-Em biết nói hai ngôn ngữ.

3-Cờ của Mỹ có màu đỏ, xanh dương và trắng.

4-Con  bò, chó, mèo và ngựa thộc về gia súc.

5- Thầy cô giảng bài trong lớp.

6-Chị em có thể chăm sóc em của em.

7-Ba em gọt và cắt xoài rất đẹp.

8-Con cọp ở ngoài rừng và ăn thịt các con khác.

9-Em chưa bao giờ được đi thăm Ải Nam Quan.

10-Quả dưa dấu có vỏ màu xanh và ruột màu đỏ.


 

Tâm tình thầy cô

Các em với âm nhạc

Trúc Xanh – Giải Khuyến Học

Tôi từng được chiêm ngưỡng những tài năng trẻ trên sân khấu của Đoàn Văn Nghệ Lạc Hồng và thật hãnh diện với âm nhạc cổ truyền cũng như tài năng của các em thiếu nhi chúng ta.

Ngoài giờ học tại các trường Mỹ, các em vẫn miệt mài học tiếng Việt và giỏi hơn nữa, các em vẫn bảo tồn và phát triển nền văn hóa đặc sắc của dân tộc khi các em học sử dụng các nhạc khí của nền âm nhạc cổ truyền: đàn Tranh, đàn Bầu, đàn Nguyệt,…

Các em trình bày những nhạc khúc với niềm tự tin tuyệt vời trước mấy trăm khán giả. Được nhìn tận mắt các em biểu diễn với niềm hăng say, tôi cảm thấy  rung động từ đáy lòng. Phụ huynh, quý thầy cô âm nhạc đã cùng các em phát huy và bảo tồn nền âm nhạc cổ truyền của chúng ta. Tôi không thể tưởng tượng nổi một thiếu nam, được sinh tại Mỹ và mang hai dòng máu Việt-Mỹ mà lại có thể sử dụng đàn Bầu một cách điêu luyện đến thế.

Các em lại nói tiếng Việt rất rành rẽ, không một em nào phát âm sai khi nói tiếng Việt và nhất là các em nói tiếng Việt trước tất cả quan khách trong suốt buổi trình diễn.

Tinh thần kỷ luật và sinh hoạt của các em rất tuyệt vời. Với sức nóng hầm hập của mùa Hè trong một căn phòng chật, quá đông quan khách và chỉ có vài cái quạt máy, các em vẫn vui vẻ, chào hỏi mọi người rất lễ phép. Dù phải bê những chậu hoa nặng trong một thời gian khá lâu trên sân khấu cho cuộc xổ số gây quỹ, các em vẫn tươi cười  trong khi mồ hôi nhỏ giọt. Tôi thấy nụ cười của các em tươi và đẹp hơn những đóa hoa trên tay các em.

Trước đây, tôi thường âu lo khi nghĩ đến nền văn hóa dân tộc của chúng ta nơi xứ người trong tương lai. Giờ đây, tôi mới hiểu rằng thế hệ chúng tôi cứ an tâm. Thế hệ thứ hai, thứ ba… và những thế hệ tiếp nối thật tuyệt vời…

Văn hóa cổ truyền của chúng ta vẫn tốt đẹp và được bảo tồn mãi mãi dù ở nơi đâu.

 



Tâm tình phụ huynh

Tục ngữ 6 (tiếp theo)

(Bình Nguyễn sưu tầm)

51- Đi một ngày đàng, học một sàng khôn:

Câu tục ngữ này khuyên ta nên tìm học trong thực tế cuộc sống. Lời khuyên này rất quý và sâu sắc.

Ngày là nói về thời gian, đàng (đường) là nói về không gian. Ngày đàng kết hợp tạo nên một nghĩa bao quát là đi vào cuộc sống để học hỏi những tri thức của cuộc sống để nâng cao, mở rộng tầm nhìn, tầm hiểu biết của bản thân mình.

Tại sao lại nói một sàng khôn, mà không nói một thúng khôn, một bị khôn. Nếu suy nghĩ đơn giản thì sàng vần với đàng. Nhưng phải hiểu sàng là gì? Sàng là một dụng cụ đan bằng tre, hình tròn như cái mâm, nông và thưa. Ở nông thôn, nhà nào cũng có sàng để khi xay thóc xong, dùng sàng để làm sạch trấu và cám, chỉ giữ lại gạo.

Vì vậy, đi trong cuộc sống, không phải thấy điều gì cũng học vì có điều hay điều dở. Chúng ta phải sàng lọc, chỉ học điều hay, điều khôn mà thôi.

52- Đổi thay nhạn yến:

Thành ngữ này để chỉ thời gian một năm. Về mùa Đông, chim nhạn (tức hồng nhạn) thường di cư về phía Nam để tránh rét (hồng nhạn còn gọi là chim sếu). Về mùa Xuân, chim yến (én) bay về. Thành ngữ này giống thành ngữ Đông qua Xuân tới.

Đổi thay nhạn yến đã hòng đầy niên. (Truyện Kiều)

53- Đồng không mông quạnh:

Thành ngữ này được dùng để chỉ một nơi trống trải, vắng lặng gây cho ta cảm giác cô đơn (không là trống trải, quạnh là vắng vẻ).

Trong thành ngữ trên, đồng là danh từ (cánh đồng) thì mông cũng là danh từ mới đối xứng theo cách kết cấu phổ biến của thành ngữ. Tiếng Việt cổ, mông là một bãi trống. (ở vùng Nghệ Tĩnh còn giữ từ này trong phương ngữ).

54- Đố ai gánh đá vá trời, đan gàu tát biển, ghẹo người cung trăng:

Câu này có ba thành ngữ: gánh đá vá trời, đan gàu tát biển, ghẹo người cung trăng. Ba thành ngữ này đều nói những điều không thể làm được. Không ai gánh đá vá trời được như nhân vật Nữ Oa trong thần thoại Trung Quốc. (Thuở sơ khai), bầu trời còn thủng lỗ chỗ, bà Nữ Oa đã luyện đá ngũ sắc vá lại bầu trời. (Trích theo sách của Hoài Nam Tử). Nhiều như nước biển mà dùng gàu để tát thì tát sao cạn. Người cung Trăng chỉ Hằng Nga thì sao mà ghẹo được.

Các thành ngữ này khuyên ta đừng có làm điều viển vông, không tưởng. Muốn thành công ở đời cần có óc thực tế.

55- Đơn thương độc mã:

Thương là ngọn giáo, mã là ngựa. Thành ngữ này nghĩa gốc là một giáo một ngựa dùng để chỉ sự đơn độc, lẻ loi trong khi chiến đấu với khó khăn nguy hiểm, không có sự hỗ trợ của người khác.

56- Đơm đó ngọn tre:

Đó là đồ dùng đánh cá hình thon dài, miệng có hom, cá chui vào nhưng không chui ra được. Đơm đó phải đơm chỗ có nước chảy. Đơm đó ở ngọn tre thì làm gì có cá.

Câu này chế giễu người nào mong đợi những điều viển vông.

57- Đứng mũi chịu sào:

Khi con thuyền vượt qua ghềnh thác, người đứng ở mũi thuyền, cầm sào chèo chống có vai trò quan trọng và phải chịu gian khổ nguy hiểm.

Từ nghĩa này, thành ngữ đứng mũi chịu sào chỉ công việc quan trọng, gánh vác nhiệm vụ nặng nề, đương đầu với gian khổ vì lợi ích chung.

Ca dao có câu:

Đôi ta lên thác xuống ghềnh
Em ra đứng mũi cho anh chịu sào.

(phải hiểu là vợ và chồng cùng đứng mũi chịu sào, cùng chung gian khổ, cùng đồng tâm hiệp lực để vượt khó khăn, không nên hiểu là chồng trút khó khăn cho vợ).

58- Đường vòng hay tối, nói dối hay cùng:

Đi đường vòng thì xa có khi trời tối mà chưa đến nơi. Nói dối thường gặp chỗ cùng, bế tắc không dối ai được nữa.

Câu này khuyên ta nên đi đường thẳng, không đi ngang về tắt ý khuyên làm những việc quang minh và nói lời ngay thật.

59- Cạn tàu ráo máng:

Máng là dụng cụ đựng thức ăn cho lợn và gia súc (máng phải kín xung quanh để đổ thức ăn loãng không chảy ra ngoài). Tàu cũng là dụng cụ dùng đựng cỏ cho ngựa, voi (về sau tàu được mở rộng nghĩa, chỉ chuồng nhốt voi, ngựa).

Thành ngữ này lúc đầu chỉ sự chăm sóc thiếu chu đáo đối với vật nuôi vì tàu và máng không có thức ăn. Về sau, thành ngữ này chỉ sự đối sử tàn nhẫn, thiếu tình nghĩa giữa người với người (ăn ở với nhau cạn tàu ráo máng).

60- Cầu toàn trách bị:

Thành ngữ này có nghĩa mong muốn được hoàn toàn, được đầy đủ, không còn thiếu thứ gì… Điều mong muốn này rất khó đạt được trong thực tế. Vì vậy, mọi người thường nói “đừng nên cầu toàn trách bị nữa.”

Cầu: mong, muốn; trách: đòi hỏi; toàn, bị: vẹn toàn, trọn vẹn (Ví dụ: Ông ấy làm việc gì cũng cầu toàn trách bị).

(Còn tiếp)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT