Thursday, March 28, 2024

Tiếng Việt Dấu Yêu (Kỳ 323)

Giải Thi Chính Tả do Ban Đại Diện Các TTVN Nam California tổ chức

Thầy Nguyễn Văn Khoa (trái), thay mặt Ban Đại Diện Các TTVN Nam California, trao giải thưởng thi chính tả tại Hội Chợ Tết Sinh Viên năm Giáp Ngọ, Costa Mesa, California.
Nối gót cha ông.
Đoàn lân Việt ngữ tham dự.
Các em gái múa quạt.
Hai chị em đều thắng giải.


Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh

GS Trần C. Trí
(University of California, Irvine)

Trang Tiếng Việt Dấu Yêu xin hân hạnh giới thiệu mục Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh để các em vừa tìm hiểu kho tàng tục ngữ Việt Nam, vừa ôn luyện tiếng Việt và giải trí với những hình ảnh vui đẹp.

“Tục” là thuộc về ngôn ngữ bình dân và “ngữ” là một câu nói. Qua tục ngữ, các em sẽ được dịp học hỏi thêm về văn hóa, luân lý, lịch sử, địa lý, kinh nghiệm dân gian, v.v… được truyền từ đời này sang đời khác ở Việt Nam.

Thông qua việc tìm ra câu tục ngữ dựa theo hình ảnh và phần gợi ý kèm theo, các em sẽ có cơ hội ôn luyện tiếng Việt về nhiều mặt: cấu trúc vần, hệ thống thanh, chính tả, dấu giọng và dấu nguyên âm, từ vựng và cú pháp.

Ðây là một trò đố vui khá phổ thông, đã có từ lâu ở Việt Nam. Ðối với mỗi hình ảnh, nếu không có phần chú thích kèm theo thì tên gọi của hình ảnh đó cũng chính là một chữ trong câu tục ngữ. Phần nhiều các hình ảnh cần bỏ đi hay thêm vào một số chữ cái, dấu thanh hoặc dấu nguyên âm mới trở thành những chữ trong câu tục ngữ.

Phần giải đáp câu tục ngữ và giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng cũng như ý nghĩa mở rộng của nó được đăng trong kỳ kế tiếp.

Câu tục ngữ kỳ này

Giải đáp câu tục ngữ kỳ trước

ĂN CỖ ĐI TRƯỚC, LỘI NƯỚC ĐI SAU.

Nghĩa đen: Khi đi ăn cỗ (tiệc), nên đi trước mọi người (để được ăn nhiều); khi lội nước (lúc bị lụt lội), nên đi sau mọi người (để tránh bị sụp hố).

Nghĩa bóng: Làm việc gì cũng nên tính toán kỹ để có lợi.

Ý nghĩa văn hóa: Câu tục ngữ muốn ám chỉ những người coi trọng miếng ăn, nhất là vào những dịp tiệc tùng, chỉ muốn đến sớm để ăn được miếng ngon và ăn nhiều hơn người khác. Đồng thời, câu tục ngữ này cũng hàm ý phê phán những người ích kỷ, chỉ biết lợi về phần mình, khi gặp nghịch cảnh thường để người khác đối phó thay.



Em viết văn Việt

Thái Thị Liên
Thí sinh Lớp 2 – GKH 2013

Đặt câu với một mệnh đề:

1- Cổ tay của em ở giữa bàn tay, cánh tay của em.

2- Em vui sướng khi em được giải nhất trong kỳ thi khuyến học hai.

3- Màu đỏ là màu em thích.

4- Chó là gia súc.

5- Thầy cô giáo thường giảng bài cho tụi em.

6- Cô y tá đang chăm sóc cho bệnh nhân.

7- Trái xoài khi chính thì màu vàng, khi còn sống thì màu xanh lá cây.

8- Con Cọp thường có thêm một tên nữa là con Hổ.

9- Em thường nói tiếng Việt ở nhà.

10- Vua Hùng Vương Thứ Nhất là con trưởng của Lạc Long Quân.

——

Cao Hồng Anh
Thí sinh Giải Khuyến Học Viet Olympiad-2013

Đặt câu với một hay hai mệnh đề:

1- Nếu em chăm chỉ học hành thì mai sau khôn lớn sẽ tài giỏi.

2- Bà nội em luộc thịt cho em cuốn bánh tráng.

3- Sau mỗi học kỳ, trường em gởi phiếu điểm về nhà cho cha mẹ em xem.

Các câu có 3 mệnh đề.

4- Em học một danh ngôn “Nếu bệ hạ muốn hàng giặc, thì xin hãy chém đầu thần trước đã”, câu này rất hay và do Ngài Trần Hưng Đạo nói.

5- Bùi Thị Xuân là một danh tướng,bà rất can đảm và Bà theo Ông Trần Quang Diệu khắp mọi mặt trận.

6- Khi em lên lớp 9, bài vở em đã khó hơn vàem phải cố gắng học nhiều hơn.

7- Khi em học và chơi trong trường, em bảo vệ tài sản của trường để chúng em có chỗ học hành.

8- Khi học địa lý, em biết rằng về lãnh hải của Việt Nam bắt nguồn từ Móng Cái đến Hà Tiên.

9- Lê Phụng Hiểu chém đầu một vị Vương thì hai vị Vương kia chạy đi vì quá sợ hãi.

10- Khi em học lịch sử, em biết rằng Lê Quý Đôn là Thần Đồng Nhớ Giỏi.



Góc hoạt họa thiếu nhi

Câu chuyện hí họa về chú gấu bông Dexter

Họa sĩ Nia Nguyễn



Tâm tình phụ huynh

Tục ngữ 7 (tiếp theo)

(Bình Nguyễn sưu tầm)

61- Chạy như cờ lông công:

Ngày trước, trên đường thiên lý có các trạm, các cung. Ở đây, các phu trạm phải chuyển công văn từ trạm này tới trạm khác. Nếu công văn khẩn (hỏa tốc) thì người phu trạm phải mang theo một sợi lông đuôi của con công và phải chạy thật nhanh (về sau, thiếu lông công, phải thay bằng lông gà có buộc cục than).

Nhân dân thấy trên đường, các phu trạm chạy từ cung này đến cung kia nên có thành ngữ này để diễn đạt ý “chạy rối rít, chạy loạn xạ.”

62- Chín chữ cù lao:

Thành ngữ này thường dùng để chỉ công lao khó nhọc của bố mẹ. (Cù là siêng năng, lao là khó nhọc). Chín chữ cù lao ấy là:

Sinh: đẻ, cúc: nâng đỡ, phủ: vuốt ve, súc: cho bú mớm lúc nhỏ, trưởng: nuôi cho lớn, dục: dạy dỗ, cố: trông nom săn sóc, phục: xem tính nết mà dạy bảo cho thành người tốt, phúc: giữ gìn.

Trong Truyện Kiều có câu:

– Duyên hội ngộ, đức cù lao
Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn.

– Nhớ ơn chín chữ cao sâu
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.

63- Chân ướt chân ráo:

Thành ngữ này do phong tục rước dâu ngày trước tạo nên. Khi cô dâu bước chân về nhà chồng, mẹ chồng ra đỡ nón cho cô dâu, nhúng chân cô dâu vào một chậu nước để rửa làm phép (trong chậu có bỏ mấy đồng tiền ngầm chúc tiền của sẽ vào như nước). Sau đó, cô dâu phải bước qua một chậu than hồng (để trừ ma quỷ) trước khi vào buồng.

Vì vậy, thành ngữ này có nghĩa là: thời gian chưa lâu (cô ấy mới chân ướt chân ráo về nhà chồng).

64- Chân le chân vịt:

Le là giống biết bay, vịt là giống không biết bay chỉ lạch bạch đứng một chỗ. Câu này ý nói nửa muốn đi, nửa muốn ở.

65- Chim ra ràng:

Ràng là từ cổ, có nghĩa là chuồng: Một số nơi còn dùng từ ràng trâu để chỉ chuồng trâu. Chim ra ràng là chim đã đủ lông đủ cánh, mới ra khỏi chuồng (tức chim non). Hiện nay, ta dùng từ ràng buộc nghĩa gốc là nhốt vào chuồng và cột chặt.

66- Cho bạc cho tiền không bằng cho nghiên cho bút:

Câu tục ngữ này nói lên truyền thống hiếu học của dân ta. Nghiên bút dùng để chỉ việc học hành. Nuôi con học hành đến nơi đến chốn để tạo cho con thành người hữu ích, có đạo đức còn hơn cho con tiền bạc. Tiền bạc dù nhiều thì tiêu cũng hết (miệng ăn núi lở). Nếu cho con tri thức thì không bao giờ hết vì tri thức gắn liền với nghề nghiệp.

Trong thời đại hiện nay, câu này càng có giá trị vì thế kỷ XXI là thế kỷ kinh tế tri thức.

67- Con rồng cháu tiên:

Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân là giống rồng, Âu Cơ là giống tiên, sinh ra một trăm người con. Sau đó, Lạc Long Quân đem 50 con xuống vùng biển, Âu Cơ đem 50 con lên núi. Số người này đã lập nghiệp tạo nên các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam. Thành ngữ này nói lên nguồn gốc và lòng tự hào dân tộc.

68- Con cà con kê:

Nông dân ta thường gieo hạt cà, hạt kê thành từng đám. Khi đến tuổi trồng, người ta nhổ lên, bó từng bó nhỏ gọi là con, rồi mới đem cấy ở ruộng. Công việc trồng cà, trồng kê rất lâu, rề rà, vì phải tách ra từng cây giống trước khi cấy vào luống. Vì vậy thành ngữ này thường dùng với từ “kể lể con cà con kê suốt cả buổi” để chỉ thói quen nói dai, kể lể dài dòng, hết chuyện này đến chuyện khác.

69- Có công mài sắt có ngày nên kim:

Đây là một câu tục ngữ rất phổ biến, khuyên mọi người phải có ý chí bền bỉ, kiên nhẫn thì dù việc khó đến đâu cũng thành công.

Chuyện xưa kể rằng Lý Bạch thuở nhỏ hay ham chơi, ít chịu khó học hành. Một hôm, cậu thấy một bà già đang ngồi bên tảng đá để mài một thanh sắt. Cậu hỏi thì bà trả lời: “Mài thanh sắt để làm thành cái kim khâu cháu ạ!” Cậu hỏi: “Liệu hôm nay có xong không hả cụ?” Bà già trả lời: “Hôm nay không xong thì ngày mai mài tiếp. Tháng này không xong thì tháng sau mài tiếp.”

Thấy vậy, Lý Bạch chợt hiểu ra và từ đó dốc tâm học tập. Về sau, Lý Bạch học giỏi, trở thành một nhà thơ nổi tiếng đời Đường Trung Quốc.

70- Công dã tràng:

Dã tràng là một con vật nhỏ, giống hình con cáy, chạy rất nhanh, sống ở bãi cát ven biển. Dã tràng thường dùng hai càng để xe cát và ăn các chất hữu cơ có trong cát. Cát bị xe thành từng viên nhỏ như hạt đu đủ, mỗi khi có sóng biển tràn lên thì tan ra hết. Vì vậy mọi người cho rằng dã tràng làm một việc vô ích. Ca dao có câu:

Dã tràng xe cát biển Đông
Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì.

Từ đó, thành ngữ này dùng để chỉ một việc làm phí công sức mà không có ích lợi.

Cổ tích của ta cũng có chuyện Dã Tràng có viên ngọc nghe được tiếng nói của chim. Sau viên ngọc bị Long vương lấy mất nên Dã Tràng cứ ở ven biển đào cát để tìm lại viên ngọc.

(Còn tiếp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT