Friday, April 19, 2024

Tiếng Việt Dấu Yêu (Kỳ 325)

Liên Đoàn Hướng Đạo Lam Sơn trước ngày tựu trường và đi dự Trại Sắp Sẵn 2018 Họp Bạn Ngành Thiếu

Các hướng đạo sinh LĐHĐ Lam Sơn làm lều.
Các trưởng hướng đạo Lam Sơn họp.
Các nữ hướng đạo sinh sẵn sàng.
Các em nghỉ, ăn trưa.
Chuẩn bị phát tập vở, viết chì do một sĩ quan thuộc Hội Quân Nhân Mỹ Gốc Việt tặng.

Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh

GS Trần C. Trí       

Trang Tiếng Việt Dấu Yêu xin hân hạnh giới thiệu mục Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh để các em vừa tìm hiểu kho tàng tục ngữ Việt Nam, vừa ôn luyện tiếng Việt và giải trí với những hình ảnh vui đẹp.

“Tục” là thuộc về ngôn ngữ bình dân và “ngữ” là một câu nói. Qua tục ngữ, các em sẽ được dịp học hỏi thêm về văn hóa, luân lý, lịch sử, địa lý, kinh nghiệm dân gian, v.v… được truyền từ đời này sang đời khác ở Việt Nam.

Thông qua việc tìm ra câu tục ngữ dựa theo hình ảnh và phần gợi ý kèm theo, các em sẽ có cơ hội ôn luyện tiếng Việt về nhiều mặt: cấu trúc vần, hệ thống thanh, chính tả, dấu giọng và dấu nguyên âm, từ vựng và cú pháp.

Ðây là một trò đố vui khá phổ thông, đã có từ lâu ở Việt Nam. Ðối với mỗi hình ảnh, nếu không có phần chú thích kèm theo thì tên gọi của hình ảnh đó cũng chính là một chữ trong câu tục ngữ. Phần nhiều các hình ảnh cần bỏ đi hay thêm vào một số chữ cái, dấu thanh hoặc dấu nguyên âm mới trở thành những chữ trong câu tục ngữ.

Phần giải đáp câu tục ngữ và giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng cũng như ý nghĩa mở rộng của nó được đăng trong kỳ kế tiếp.

Giải đáp câu tục ngữ kỳ trước

THƯƠNG CHO ROI CHO VỌT,
GHÉT CHO NGỌT CHO BÙI.

Câu tục ngữ kỳ này

Nghĩa đen: Khi thương con cái, cha mẹ thường trừng phạt con bằng cách dùng roi để đánh. Khi ghét con cái, cha mẹ lại tỏ ra nhẹ nhàng, không dùng roi vọt.

Nghĩa bóng: Khi dùng những biện pháp nghiêm khắc đối con cái, các bậc cha mẹ đã tỏ ra là mình thật sự thương yêu và muốn con cái mình nên người. Ngược lại, nếu chỉ đối xử với con cái một cách nhẹ nhàng thì chưa chắc cha mẹ đã thương yêu và quan tâm đầy đủ đến con mình.

Ý nghĩa văn hóa: Câu tục ngữ này nói lên một quan niệm mà ngày nay hầu như đã lỗi thời, nhất là đối với xã hội Mỹ mà người Việt tha hương chúng ta đang sinh sống. Người Mỹ ít dùng biện pháp mạnh để răn dạy con cái mà chỉ dùng lời hơn tiếng thật để khuyên răn các con. Luật pháp Hoa Kỳ cũng không thừa nhận việc cha mẹ có quyền đánh đập con cái như trong văn hoá Á Đông. Tuy nhiên, không phải là câu tục ngữ này hoàn toàn sai lầm. Việc sử dụng roi vọt ở đây có thể hiểu được như chỉ có tính cách biểu tượng, nói lên tính chất nghiêm minh trong việc giáo dục con cái. Còn hai chữ “ngọt bùi” không hẳn chỉ là những lời nói dịu dàng mà còn có ám chỉ rằng một số bậc phụ huynh đã chưa nghiêm khắc đủ trong lúc dạy dỗ con cái của mình.


Em viết văn Việt

Những bài viết của học sinh các trường Việt ngữ

Nhằm tạo một diễn đàn cho các em tập viết tiếng Việt, Ban Biên Tập trang Tiếng Việt Dấu Yêu kêu gọi quý phụ huynh và quý thầy cô khuyến khích các em viết văn, diễn tả bằng tiếng Việt những cảm nghĩ và ước vọng trong đời sống của các em. Ước mong nơi đây một sân chơi được mở ra và khu vườn văn hóa Việt sẽ được quý phụ huynh và quý thầy cô góp tay vun trồng, khuyến khích.

Trong các bài nhận được và chọn để đăng, chúng tôi cố ý giữ nguyên văn những gì các em viết. Vì thế, khi đọc đến những ngôn từ, lỗi chính tả và sai văn phạm, chúng tôi mong được phụ huynh và thầy cô chia sẻ và sửa chữa cho các em tại nhà hay trong lớp học.

Tất cả các bài viết dưới dạng MSWord, font Unicode; và hình ảnh dạng .jpg, xin gởi về địa chỉ email: [email protected] (Xin đừng gởi dạng .pdf vì không tiện cho việc layout).

Trân trọng cảm ơn quý vị.

Nguyễn Việt Linh

Đặt câu với một hay hai mệnh đề:

1- Nếu em chăm chỉ học hành thì mai sau khôn lớn sẽ tài giỏi.

2- Bà nội em luộc thịt cho em cuốn bánh tráng.

3- Sau mỗi học kỳ, trường em gởi phiếu điểm về nhà cho cha mẹ em xem.

Các câu có 3 mệnh đề:

4-Em học một danh ngôn “Nếu bệ hạ muốn hàng giặc, thì xin hãy chém đầu thần trước đã”, câu này rất hay và do Ngài Trần Hưng Đạo nói.

5-Bùi Thị Xuân là một danh tướng,bà rất can đảm và Bà theo Ông Trần Quang Diệu khắp mọi mặt trận.

6-Khi em lên lớp 9, bài vở em đã khó hơn vàem phải cố gắng học nhiều hơn.

7-Khi em học và chơi trong trường, em bảo vệ tài sản của trường để chúng em có chỗ học hành.

8-Khi học địa lý, em biết rằng về lãnh hải của Việt Nam bắt nguồn từ Móng Cái đến Hà Tiên.

9- Lê Phụng Hiểu chém đầu một vị Vương thì hai vị Vương kia chạy đi vì quá sợ hãi.

10-Khi em học lịch sử, em biết rằng Lê Quý Đôn là Thần Đồng Nhớ Giỏi.

Cao Hồng Anh

Thí sinh Giải Khuyến Học Viet Olympiad-2013

——

Ðặt câu có 2 mệnh đề:

1-Ba mẹ thường khuyên em là em phải cố gắng học hành cho giỏi.

2-Gia đình em sum họp vào mấy lễ quang trọng như tết hoặc có giỗ, đó là giờ vui vẻ, ăn chơi và nói chuyện.

3-Mẹ em thích dùng bánh tráng làm gỏi cuống chay, nhưng có người bỏ thịt, tôm trong gỏi.

4-Bố mẹ em thường khen em khi nhận được phiếu điểm của em.

Lê Diane, thí sinh lớp Năm Giải Khuyến Học 2013

—–

Đặt câu có 2 mệnh đề:

1-Gia đình em thích ngày Tết Trung Thu vì mẹ em làm nhiều thức ăn.

2-Em chăm chỉ học hành cho cha mẹ em vui lòng.

3-Chúng ta thường dùng bánh tránh để cuốn các thức ăn.

4-Cô giáo phát phiếu điểm cho học sinh  và chúng em đưa nó cho cha mẹ.

Đặt câu có 3 mệnh đề:

1-Khi em vào trường ngày đầu, cô giáo phát thời khóa biểu để chúng em tìm lớp dể dàng.

2-Trong lớp học Việt Ngữ, cô em dạy lịch sử Việt Nam và do đó em biết được nhiều anh hùng nước ta và em biết phụ nữ cũng là anh hùng.

3-Khi bà Triệu ra trận, bà thường cỡi voi, mình mặc áo vàng.

4-Ở ngân hàng có nhiều bảo vệ đứng ở cửa để bảo vệ khách hàng, và họ canh những người ăn cướp.

5-Em con luôn luôn bật đèn khi tối vì khi trời tối em thường hoảng sợ.

6-Em không biết sông Sài Gòn bắt nguồn từ đâu, nhưng em biết nó chảy qua thành phố Sài gòn, rồi nó mới chảy ra biển Đông.

La Xuân Mai Jasmine

Thí sinh Lớp Năm Giải Khuyến Học-2013


Góc hoạt họa thiếu nhi

Câu chuyện hí họa về chú gấu bông Dexter

Họa sĩ Nia Nguyễn


Tâm tình phụ huynh

Tục ngữ 9 (tiếp theo)

(Bình Nguyễn sưu tầm)

74- Cười như nắc nẻ:

Nắc nẻ là loại côn trùng hình như con bướm, ban đêm hay bay vào nơi thắp đèn, luôn đập cánh, xè xè trên vách. Thành ngữ này ý nói cười liên tiếp không dứt. (Có sách giải nghĩa cười giòn giã là không chính xác).

75- Cưỡi ngựa xem hoa:

Câu này có nghĩa là qua loa, đại khái, không tìm hiểu kĩ. Sở dĩ có thành ngữ này cũng là do câu chuyện sau : Một chàng công tử chân bị què muốn đi xem mặt vợ. Không ngờ cô vợ tuy đẹp nhưng bị sứt môi. Người làm mối cho chàng công tử cưới ngựa đi qua cổng và dặn cô gái đứng ở cổng, tay cầm bong hoa che miệng. Hai bên đồng ý kết hôn. Khi cưới mới biết các tật của nhau.

76- Ba voi không được bát nước xáo:

Trong nhiều từ điển đều giải thích nghĩa là “nói khoác, không đúng sự thật,” hoặc “huênh hoang, hứa nhiều nhưng không làm đúng như lời đã hứa.”

Cơ sở cho cách hiểu trên là sự tương phản về khối lượng. Một bên là voi, một loài thú rất lớn (thậm chí là ba voi, hoặc mười voi để tăng về khối lượng) và một bên là bát nước xáo, một lượng rất ít. Đó là nghĩa bóng của thành ngữ này.

Không một người Việt nào hiểu sai thành ngữ trên (ví dụ hiểu thịt voi không ngon cho nên nước xáo nhạt). Nhưng về nghĩa thực (nghĩa đen) thì ít người hiểu rõ. Trong bài “Kể chuyện về loài voi” của Bá Thành (Tuần tin tức số 15-1993) có một thông tin rất đáng chú ý: “Thịt voi là loại thịt săn, chắc, đặc biệt là thịt ở vòi. Khi nấu thịt voi dù có đổ nhiều nước, thịt nở ra vẫn hút hết nước”. có lẽ nhờ tính chất hút rất nhiều nước của thịt voi mà chúng ta hiểu rõ thêm về nghĩa đen của thành ngữ này vì đã mấy ai được ăn thịt voi, luộc thịt voi mà biết rõ. (Theo Hà Quang Năng)

77- Bán chỗ nằm, mua chỗ ngồi:

Câu này cũng gần nghĩa với câu “Bán gia tài mua danh phận.” ngày trước, ở nông thôn, người ta chuộng chỗ ngồi ở chốn đình trung khi hợp làng. Nhiều người bỏ tiền mua một chức Nhiêu, chức Xã để có một chỗ ngồi, rồi lại phải khao vọng tốn kém. Vì thế có người phải bán cả nhà, đất để có một danh vị hão. Chỗ nằm tức là nơi nhà ở, chỗ ngồi tức là góc chiếu nơi đình trung.

78- Bạn tri âm:

Tri âm nghĩa là hiểu được tiếng đàn, nghĩa rộng là hiểu được long mình. Trong truyện “Kim cổ kì quan” của Trung Quốc có ghi lại một tình bạn hiếm có giữa Bá Nha và Chung Tử Kỳ. Bá Nha làm quan, một lần đi thuyền về quê, ghé đậu vào một bến sông. Trong đêm trăng, Bá Nha đem đàn ra gảy.Vừa lúc đó, Tử Kỳ đi qua, nghe tiếng đàn liền dừng lại. Thấy có người mải mê nghe tiếng đàn, Bá Nha liền mời xuống thuyền. Tử Kỳ là người sành nghe đàn. Khi Bá Nha nghe đến núi cao thì Tử Kỳ khên. “Cao vòi vọi như núi Thái Sơn.” Khi Bá Nha nghe đến sông nước thì Tử Kỳ khen “mênh mông như Trường Giang, Hoàng Hà.”

Thấy có người hiểu sâu được tiếng đàn của mình, Bá Nha liền kết làm an hem và hỏi về gia cảnh. Tử Kỳ thưa còn có mẹ già nên hàng ngày phải đi đốn củi để bán lấy tiền nuôi mẹ. Bá Nha từ biệt Tử Kì để xuôi thuyền về quê và hẹn một tháng sau, khi trở lại nhiệm sở sẽ nghé thăm. Đến hẹn, Bá Nha tìm đến thì Tử Kỳ đã qua đời, chỉ còn mẹ già. Bá Nha mời mẹ Tử Kì về ở với gia đình mình và phụng dưỡng rất chu đáo. Từ ngày Tử Kỳ mất, Bá Nha treo đàn vì mất bạn tri âm.

Thành ngữ của ta còn có các câu nói về tình bạn như “bạn cố tri” (bạn hiểu nhau từ lâu), “bạn nối khố” (bạn từ thuở hàn vi chia nhau cả cái khố vải).

79- Bầu dục chấm nước cáy (chấm mắm cáy):

Bầu dục là món ăn ngon và bổ trong bộ lòng lợn. Nước cáy là thứ nước mắm ướp bằng con cáy, thường nặng mùi, có sắc đục, chấm không ngon. Bầu dục mà đem chấm nước cáy thì phí mất cả chất ngon của bầu dục.

Đại ý câu này nói lên hai đối tượng không phù hợp, không cân xứng. Cũng còn có ý chê người có miếng ngon mà không biết cách ăn.

Câu này thường bị nói lầm là “dùi đục chấm nước cáy.”

80- Bạo hổ bằng hà:

Thực ra phải nói là bạo hổ băng hà. Bạo hổ là tay không bắt hổ, băng hà là không có thuyền mà dám vượt qua sông lớn. Thành ngữ này ý nói táo bạo nhưng mạo hiểm.

81- Bằng cái sẩy nẩy cái ung:

Sẩy là nốt rôm nhỏ nổi trên da. Nếu không biết giữ gìn thì có thể trở thành cục to nguy hiểm (cái ung, cái nhọt). Câu này khuyên ta đừng có coi thường việc nhỏ hoặc để chỉ một tai nạn lớn từ việc nhỏ gây nên.

82- Bĩ cực thái lai:

Kinh dịch có 64 quẻ, trong đó có quẻ bĩ và quẻ thái. Quẻ bĩ tượng trưng cho sự bế tắc, không thuận lợi, quẻ thái tượng trưng cho sự thuận lợi, hanh thông. Đây cũng là một quan điểm biện chứng, lạc quan. Khi nào sự bế tắc đến cùng cực (bĩ cực) thì sự hanh thông, thuận lợi sẽ tới (thái lai). Câu này nói ý hết khổ đến sướng, giống như câu “khổ tận cam lai” (khổ là đắng, cam là ngọt, hết thời cay đắng thì đến thời ngọt bùi).

83- Bố vợ là vớ cọc chèo:

Trong tiếng Việt hiện đại, vớ là danh từ có nghĩa là bít tất (miền Nam vẫn dùng), vớ là động từ có nghĩa là tóm được, níu lấy. (chết đuối vớ được cọc, nạ dòng vớ được trai tơ).

Cả hai nghĩa trên đều không khớp với câu tục ngữ này. Vớ trong câu tục ngữ là từ cổ, hiện nay chỉ một số vùng còn dùng như ở Tam Kỳ (Quảng Nam). Vớ là một vật kết bằng thừng, giống hình số 8, một nửa lồng vào mái chèo còn nửa kia lồng vào khấc ở đầu cọc chèo. Nếu không có cái vớ thì không chèo được, nếu buộc chặt mái chèo vào cọc chèo cũng không chèo được. Câu này có nghĩa là : tình cảm giữa bố vợ và chàng rể dù có buộc nhưng không chặt chẽ, khăng khít như con đẻ. Ý này rất hợp với câu thứ hai “Mẹ vợ là bèo trôi sông.”

Bèo trôi sông cũng kết thành mảng nhưng kết không chặt, sóng to gió cả cũng dễ tan.

Từ câu tục ngữ trên nên mới có từ “bạn cọc chèo” để chỉ hai anh rể lấy hai chị em ruột (bạn đồng hao).

(Còn tiếp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT