Wednesday, April 24, 2024

Tiếng Việt Dấu Yêu (Kỳ 330)

Trung Tâm Văn Hóa Hồng Bàng chuẩn bị mừng 25 năm thành lập

Các thầy cô phụ giáo trẻ tình nguyện tham gia dạy Việt ngữ.
Các thầy cô giáo được tuyên dương.
Các em tập họp.
Phụ huynh tình nguyện giúp một tay.
Thầy Quang lặng lẽ chu toàn công việc sau lễ chào quốc kỳ VNCH.
Cô giáo tóc đã đổi màu nhưng vẫn yêu nghề.
Cô Bùi Kim Thu, trung tâm trưởng, nói chuyện với phụ huynh.
Cô giáo vui mừng khi được gọi tên vinh danh.

Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh

GS Trần C. Trí

Trang Tiếng Việt Dấu Yêu xin hân hạnh giới thiệu một mục mới dành cho các em. Qua mục Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh thường xuyên này, các em sẽ vừa tìm hiểu kho tàng tục ngữ Việt Nam, vừa ôn luyện tiếng Việt và giải trí với những hình ảnh vui đẹp.

“Tục” là thuộc về ngôn ngữ bình dân và “ngữ” là một câu nói. Qua tục ngữ, các em sẽ được dịp học hỏi thêm về văn hoá, luân lý, lịch sử, địa lý, kinh nghiệm dân gian,v.v… được truyền từ đời này sang đời khác ở Việt Nam.

Thông qua việc tìm ra câu tục ngữ dựa theo hình ảnh và phần gợi ý kèm theo, các em sẽ có cơ hội ôn luyện tiếng Việt về nhiều mặt: cấu trúc vần, hệ thống thanh, chính tả, dấu giọng và dấu nguyên âm, từ vựng và cú pháp.

Đây là một trò đố vui khá phổ thông, đã có từ lâu ở Việt Nam. Đối với mỗi hình ảnh, nếu không có phần chú thích kèm theo thì tên gọi của hình ảnh đó cũng chính là một chữ trong câu tục ngữ. Phần nhiều các hình ảnh cần bỏ đi hay thêm vào một số chữ cái, dấu thanh hoặc dấu nguyên âm mới trở thành những chữ trong câu tục ngữ.

Phần giải đáp câu tục ngữ và giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng cũng như ý nghĩa mở rộng của nó được đăng trong kỳ kế tiếp.

Câu tục ngữ kỳ này

Giải đáp câu tục ngữ kỳ trước

CỜ ĐN TAY AI NGƯỜI NẤY PHẤT.

Nghĩa đen: Trong một dãy người đứng xếp hàng, khi lá cờ chuyền đến tay mình thì ta giơ cao nó lên và phất qua phất lại trước khi chuyền lá cờ qua cho người kế tiếp.

Nghĩa bóng: Khi cơ hội đến với mình, chúng ta nên hành động mau mắn và kịp thời.

Ý nghĩa thực tiễn: Trong cuộc sống hằng ngày, nhất là trong sự nghiệp, những cơ hội tốt đẹp không phải lúc nào cũng đến với chúng ta thường xuyên hay dễ dàng. Chúng ta phải nắm bắt những cơ hội có thể mang lại may mắn một cách đúng lúc và hành động nhanh chóng để đạt được thành công mỹ mãn.


EM VIẾT VĂN VIỆT 

Những bài viết của học sinh các trường Việt ngữ

1-Nhằm tạo một diễn đàn cho các em tập viết tiếng Việt, Ban Biên Tập trang Tiếng Việt Dấu Yêu kêu gọi quý phụ huynh và quý thầy cô khuyến khích các em viết văn, diễn tả bằng tiếng Việt những cảm nghĩ và ước vọng trong đời sống của các em. Ước mong nơi đây một sân chơi được mở ra và khu vườn văn hóa Việt sẽ được quý phụ huynh và quý thầy cô góp tay vun trồng, khuyến khích.

2-Trong các bài nhận được và chọn để đăng, chúng tôi cố ý giữ nguyên văn những gì các em viết. Vì thế, khi đọc đến những ngôn từ, lỗi chính tả và sai văn phạm, chúng tôi mong được phụ huynh và thầy cô chia sẻ và sửa chữa cho các em tại nhà hay trong lớp học.

3-Tất cả các bài viết dưới dạng MSWord, font Unicode; và hình ảnh dạng .jpg, xin gởi về địa chỉ email: [email protected] (Xin đừng gởi dạng .pdf vì không tiện cho việc layout).

Trân trọng cảm ơn quý vị.

Nguyễn Việt Linh

**

Đặt câu với một mệnh đề

1- Bộ não óc ở trên đầu.

2- Nhà con có nhiều mạng nhện.

3- Nha sĩ của em là đàn bà.

4- Con chim thường hót buổi sáng.

5- Nhiều người sợ con sư tử.

6- Trái sầu riêng màu vàng và có gai nhọn.

7- Kẹo thì thiệt là ngọt.

8- Mình phải nhớ ơn tổ tiên, ông bà và cha mẹ.

9- Mẹ khuyên con nên học tiếng Việt.

10- Hoàng Sa và Trường Sa là quần đảo của Việt Nam.

Lê Thảo Evie (Thí sinh lớp Ba Giải Khuyến Học 2013)

 

Đặt câu có 2 mệnh đề

1- Ba mẹ thường khuyên em là em phải cố gắng học hành cho giỏi.

2- Gia đình em sum họp vào mấy lễ quang trọng như tết hoặc có giỗ, đó là giờ vui vẻ, ăn chơi và nói chuyện.

3- Mẹ em thích dùng bánh tráng làm gỏi cuống chay, nhưng có người bỏ thịt, tôm trong gỏi.

4- Bố mẹ em thường khen em khi nhận được phiếu điểm của em.

Lê Diane (thí sinh lớp Năm Giải Khuyến Học 2013)


Góc hoạt họa thiếu nhi

Câu chuyện hí họa về chú gấu bông Dexter

Họa sĩ Nia Nguyễn


Tâm tình Thầy Cô

Tiếng Việt truyền thống: TỪ và CHỮ  (Phần 2)

Trần C. Trí
University of California, Irvine

…Suy nghĩ một hồi, cô bảo đối với ‘chữ viết’ (‘written word’) thì cô dùng chữ 字 (cũng như chúng ta thường nghe những người Hoa nói tiếng Quảng Đông nói ‘xẻ chì’ 寫 字, có nghĩa là ‘viết chữ’). Còn nói đến ‘chữ nói’ (‘spoken word’) thì cô dùng cả hai chữ 詞và 字! Tuy nhiên, đối với nhóm chữ (‘phrase’) ‘en la mesa’ (mà ở Việt Nam gọi là ‘cụm từ’!), cô bảo chỉ có một cách gọi là 詞mà thôi.

Tổng hợp lại những gì đã tra cứu qua từ điển và lời giải thích của cô học trò người Hoa, tạm thời tôi ghi nhận những nghĩa chính của hai chữ 字và 詞như sau:

Chữ Hán Âm Hán-Việt Âm Việt Nghĩa tiếng Anh Nghĩa tiếng Việt
từ từ word; phrase chữ; nhóm chữ
tự chữ word; character; letter chữ; chữ cái

 

Thật là rắc rối! Tại sao hai chữ Hán này lại vừa đồng nghĩa vừa khác nghĩa như vậy? Tiếng Hán dùng loại văn tự gọi là tượng hình (‘pictographic’ hay ‘logographic’) và tượng ý (‘ideographic’), khác với tiếng Việt chúng ta ngày nay dùng hệ thống chữ cái (‘alphabetic’). Trong khi một chữ tiếng Việt (‘word’) được phân tích ra thành nhiều chữ cái (‘letter’), thì một chữ của tiếng Hán (trong tiếng Anh vừa gọi là ‘word’ = 詞, mà cũng gọi là ‘character’ = 字) được phân tích ra thành nhiều nét (筆 ‘stroke’). Chính từ hai khái niệm khác nhau của hai loại văn tự trong tiếng Hán và tiếng Việt mà nảy sinh ra sự mơ hồ về ý nghĩa của hai chữ 詞và 字 khi du nhập vào tiếng Việt. Nói cách khác, hai chữ này có thể đồng nghĩa trong tiếng Hán, nhưng khi vào tiếng Việt, chúng có thể vừa là đồng nghĩa, vừa có nghĩa tương phản! Người Hoa không có khái niệm “chữ” (có nghĩa là ‘letter’), mà chỉ có khái niệm “nét” (‘stroke’). Trong khi đó, người Việt chúng ta có khái niệm giống như người nói tiếng Anh hay tiếng Pháp về “chữ” (‘word’/‘mot’) và “chữ cái” (‘letter’/‘lettre’) vì cùng dùng chung bảng mẫu tự La-tinh.

Trong kho từ vựng của tôi (và của rất nhiều người khác) không có chữ “từ.” Tuy vậy, trong câu vừa rồi tôi lại có dùng chữ “từ vựng,” có chứa chữ “từ”! Xin được giải thích điều này. Chữ “từ” trong tiếng Việt truyền thống không dùng riêng lẻ mà chỉ dùng trong những chữ kép. Một số ví dụ khác ngoài chữ ‘từ vựng’ là ‘danh từ, động từ, phép tu từ, từ ngữ,’… Trong nhiều cuốn từ điển nổi tiếng, chữ ‘từ’ không được liệt kê riêng mà chỉ nằm chung với một số chữ khác như đã nêu trên dưới dạng chữ kép, hoặc có liệt kê riêng nhưng không có nghĩa là ‘chữ/word.­’ Điển hình là những cuốn từ điển sau đây:
Từ Điển Hán-Việt – Đào Duy Anh, Huế, 1932:

Từ 詞Lời văn – Một thể văn Tàu – Loại chữ cũng gọi là từ (trang 333).

Hán Việt Từ Điển – Thiều Chửu, Hà Nội, 1942:

詞 từ 1 lời văn 2 một lối văn để hát, như từ khúc詞曲 3 các chữ dùng để giúp lời văn đều gọi là từ, như những chữ 兮,只, v.v. (trang 616).

Việt-Anh Anh-Việt Từ Điển Thông Dụng – Nguyễn văn Khôn, Sài Gòn, 1967:

từ Danh từ: Noun. Động từ: Verb. Diễn từ: Speech (trang 819).

Ngược lại, cũng trong cùng một từ điển của Nguyễn văn Khôn đã dẫn ở trên, tác giả đã giải thích chữ “chữ” với nghĩa đầu tiên như sau:

chữ 1 letter, word, character. Hay chữ: lettered, literate, well-read (trang 203).

Trong ấn bản bỏ túi Từ Điển Anh-Việt – English-Vietnamese Dictionary (1967, do nhà xuất bản Khai Trí in lần thứ tư), tác giả Nguyễn văn Khôn đã giải thích chữ ‘word’ trong tiếng Anh là “chữ” chứ không phải là “từ” trong tiếng Việt:

word n. 1 tiếng, chữ, lời. Word for word translation: sự dịch từng chữ một. He doesn’t know a word of Latin: Nó không biết một chữ La-tin nào cả (trang 1727).

Trong năm nghĩa còn lại của chữ “word” ở trên, tuyệt nhiên không có nghĩa nào là “từ” cả.

Trong khi đó, trong cuốn Từ Điển Việt-Anh của Bùi Phụng do trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội xuất bản, (in lần thứ nhất vào năm 1977 và lần thứ hai vào năm 1986) ở miền bắc cộng sản, chữ “từ” đã nghiễm nhiên nằm riêng thành một mục, có ý nghĩa riêng, không cần phải kết hợp với chữ nào khác:

từ word; vocabulary term; anh ấy biết ít từ his vocabulary was sparse; những từ kính trọng honorific words (trang 909).

Gần như cùng thời điểm đó ở Sài Gòn, cuốn Tân Đại Tự Điển Việt-Anh của giáo sư Nguyễn Văn Tạo được dự định phát hành vào Tháng Năm, 1975 nhưng không thành. Tuy nhiên, bản thảo đã may mắn đem được ra nước ngoài và được nhà xuất bản Tân Văn in và phát hành vào năm 1986. Trong cuốn từ điển này, chữ “từ” hoàn toàn không được tác giả để riêng với ý nghĩa là ‘word.’ Ông chỉ kể đến nó trong các chữ kép, bắt đầu từ trang 2095, như ‘từ nghĩa’ semantics, ‘từ nguyên’ etymology, ‘từ nhân’ man of letters,…

Trong lúc chưa có đầy đủ tài liệu cho thấy chữ “từ” đã thâm nhập vào ngữ vựng của người miền Bắc một cách chính xác vào thời điểm nào trong giai đoạn chế độ cộng sản thành hình sau khi đất nước chia đôi vào năm 1954, ta có thể chứng minh được rằng chữ “từ” chưa bao giờ được dùng bởi những cây bút miền Bắc trong Tự Lực Văn Đoàn. Chúng ta hãy xem cuộc đối thoại của một người chồng nói với vợ dưới đây, trích trong tiểu thuyết “Gia đình” (1936) của Khái Hưng (1896-1947):

… Viết cười:

Nói dễ nghe nhỉ! Cứ một chữ “cũng tốt” mà người ta bỏ đi cho chữ “cũn,g, cũng đủ khá, cũng đủ thăng!

Rồi chàng nói lảng, để xa hẳn câu chuyện người đàn bà:

Mợ ạ, cụ tuần này lạ quá, đến hay có cái thói quen dùng chữ “cũng”: cũng tốt, cũng chăm, cũng thông minh. Có lẽ cụ không thạo tiếng An Nam, và cũng không hiểu cái tai hại của chữ “cũng” cụ dùng sai, cụ dùng không phải chỗ (trang 155).

Văn chương miền Bắc thời tiền chiến không đụng đến chữ “từ.” Văn chương miền Nam tự do lại càng không bao giờ có chữ “từ” lạ lẫm đó. Hoàng Ngọc Tuấn (1947-2005), một nhà văn “trẻ” trong thập niên 60-70, là một trong những ví dụ điển hình qua truyện ngắn “Thư về Đường Sơn Cúc” (1972):

… Tôi cúi đầu ngưỡng mộ ngôn ngữ của nước chúng ta. có biết bao chữ than ôi, eo ơi, hỡi ơi… thế mà em chỉ nói chao ơi, hồn tôi cũng chùng xuống như những sợi dây đàn lắng đau theo ngón tay bấm của một bài sầu khúc.

Sau khi miền Bắc cộng sản thôn tính miền Nam tự do vào Tháng Tư năm 1975, dòng văn học tự do, nhân bản của miền Nam Việt Nam bắt đầu trải dài qua hải ngoại. Dòng văn học Việt Nam này bao gồm những cây bút đã thành danh từ trong nước và những cây bút mới. Trong số những người viết mới, có một người “không mới” trong giới khoa bảng ở miền Nam. Đó là Nguyễn Đức Lập (1945-2016), vốn là một luật sư ở Sài Gòn. Qua đến Hoa Kỳ, ông mới bắt đầu cầm bút và trở thành một trong những nhà văn tiêu biểu của dòng văn học Việt hải ngoại. Câu hỏi đặt ra ở đây là nhà văn Nguyễn Đức Lập có bao giờ dùng đến chữ “từ” trong văn chương của ông không. Xin đọc một trích đoạn trong bài viết Tìm nhân tìm ngãi của ông, đăng trong tạp chí Làng Văn số 102, Tháng Chín năm 1993, dưới đây:

… Tìm vàng tìm bạc dễ tìm,

Tìm câu nhân ngãi khó tìm lắm anh.

Bạn thắc mắc rằng, tại sao trong câu hát không nói là “nhân nghĩa” mà lại nói là “nhân ngãi”? Nói cho bạn nghe, đất nầy, hồi trước thuộc về xứ Đàng Trong. Trong số chín vị chúa Nguyễn cai trị Đàng Trong, từ chúa Tiên Đoan quận công Nguyễn Hoàng tới Định Vương Nguyễn Phúc Thuần, có một vị là chúa Nghĩa Hoằng quốc công Nguyễn Phúc Trăn. Bởi vậy, để kiêng tên Chúa, dân xứ Đàng Trong phải đọc trại chữ “nghĩa” thành chữ “ngãi.” Và cũng bởi vậy, Quảng Nghĩa mới thành Quảng Ngãi (trang 53).

(Còn tiếp)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT