Friday, April 19, 2024

Tiếng Việt Dấu Yêu (Kỳ 331)

Hình ảnh Trung Tâm Văn Hóa Hồng Bàng mừng ngày thành lập 25 năm

Các cô giáo trẻ trình diễn vai người già.
Thầy Nguyễn Tấn Thịnh (thứ hai từ trái) giới thiệu thành phần ban tổ chức.
Ban hợp ca thuộc Tập Thể Chiến Sĩ Miền Tây Nam Hoa Kỳ đóng góp phần văn nghệ.
Cô Nguyễn Thị Nguyệt nhận chiếc áo kỷ niệm 25 năm tình nguyện dạy Việt ngữ.
Chiếc bánh kỷ niệm 25 năm TTVH Hồng Bàng.

Tâm Tình Thầy Cô

Lễ Tạ Ơn

Trúc Xanh – Giải Khuyến Học 

Trước khi tan học, tôi thông báo các em được nghỉ học tuần tới nhân dịp Lễ Tạ Ơn. Các em vui mừng reo hò, có em rủ tôi lại nhà ăn tiệc, tôi thật vui với sự hồn nhiên của các em.

Tôi thu dọn sách vở, chờ các em ra hết, tắt đèn rồi bước ra.

Cô bé lớp trưởng, Hoàng Mai, tôi hay gọi đùa là Cô Cụ Non, chờ tôi ngoài sân. Hoàng Mai vui vẻ chuyển lời mời của ba mẹ em: Gia đình có nhã ý mời tôi đến dự bữa tiệc Tạ Ơn do gia đình em tổ chức. Cô bé nằn nì tôi “phải” đến, nếu tôi không đến, em sẽ khóc (tôi rất sợ học trò khóc). Tôi gửi lời cám ơn ba, mẹ Hoàng Mai và xin lỗi không đến được vì tôi sẽ đi thăm con trai tôi vào cuối tuần này. Mặt cô bé sụ xuống, và nước mắt muốn rơi. Tôi vội vàng an ủi và hứa sẽ lại thăm gia đình em tuần tới.

Hồng Mai phụ tôi ôm chồng vở bài tập ra xe. Vừa đi, em vừa đưa ra “vấn nạn”:

Cô Cụ Non đồng ý, chúng ta vui vẻ tiệc tùng hàng năm trong dịp này để Tạ Ơn (với ý nghĩa tôi  giảng trong lớp), nhưng em thắc mắc: đây là phong tục của người Mỹ. Còn người Việt Nam (tôi thiển nghĩ) có rất nhiều vị giúp dân, giúp nước, có thật nhiều công lao mà sao chúng ta lại không TẠ ƠN. Chúng ta chỉ làm đám giỗ “nhỏ xíu xiu,” rất ít người biết.

Để kiểm soát lại trí nhớ của cô bé, tôi nói em cho tôi biết tên của các vị ấy.

Thế là cô bé thao thao: Vua Hùng dựng nước, Hai Bà Trưng, Bà Triệu đánh đuổi ngoại xâm, Vua Quang Trung bảo vệ đất nước… Tôi phục học sinh của tôi: nói vanh vách, không sai chi tiết nào.

Nhìn thấy chú của Hồng Mai chờ em đã lâu, tôi nói hôm nay em về, không nên để chú chờ, tuần tới tôi sẽ trả lời trong lớp cho các bạn em cùng nghe.

Cô bé vẫn vùng vằng trước khi chào tôi: “Nhưng mà, mình kiếm một ngày Chủ Nhật, làm thêm một lễ Tạ Ơn cho mình cũng đâu có sao. Thầy, cô có dịp ôn bài cho chúng em để chúng em cám ơn thêm những vị này, chúng em được nghỉ và vui. Nếu có thêm ngày Lễ Tạ Ơn Việt Nam. Em sẽ nói mẹ nấu phở và chiên chả giò, em không thích ăn gà tây.”

Nhìn cô bé nhảy chân sáo về phía xe chú, tôi cười và nghĩ: thật hết ý!



Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh

    Trần C. Trí
University of California, Irvine

Trang Tiếng Việt Dấu Yêu xin hân hạnh giới thiệu mục Học Tục Ngữ Bằng Hình Ảnh để các em vừa tìm hiểu kho tàng tục ngữ Việt Nam, vừa ôn luyện tiếng Việt và giải trí với những hình ảnh vui đẹp.

“Tục” là thuộc về ngôn ngữ bình dân và “ngữ” là một câu nói. Qua tục ngữ, các em sẽ được dịp học hỏi thêm về văn hóa, luân lý, lịch sử, địa lý, kinh nghiệm dân gian, v.v… được truyền từ đời này sang đời khác ở Việt Nam.

Thông qua việc tìm ra câu tục ngữ dựa theo hình ảnh và phần gợi ý kèm theo, các em sẽ có cơ hội ôn luyện tiếng Việt về nhiều mặt: cấu trúc vần, hệ thống thanh, chính tả, dấu giọng và dấu nguyên âm, từ vựng và cú pháp.

Ðây là một trò đố vui khá phổ thông, đã có từ lâu ở Việt Nam. Ðối với mỗi hình ảnh, nếu không có phần chú thích kèm theo thì tên gọi của hình ảnh đó cũng chính là một chữ trong câu tục ngữ. Phần nhiều các hình ảnh cần bỏ đi hay thêm vào một số chữ cái, dấu thanh hoặc dấu nguyên âm mới trở thành những chữ trong câu tục ngữ.

Phần giải đáp câu tục ngữ và giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng cũng như ý nghĩa mở rộng của nó được đăng trong kỳ kế tiếp.

Câu tục ngữ kỳ này

Giải đáp câu tục ngữ kỳ trước

THUỐC ĐẮNG GIÃ TẬT, LỜI THẬT MẤT LÒNG. 

Nghĩa đen: Vị đắng của thuốc men có thể giúp bệnh mau lành. Lời góp ý thật tình có thể làm phật ý người nghe.

Nghĩa bóng: Một số giải pháp cho những vấn đề hằng ngày trong cuộc sống thoạt nhìn có thể là cứng rắn hay cực đoan, nhưng thật ra mới giúp giải quyết vấn đề một cách rốt ráo.

Ý nghĩa thực tiễn: Ít ai thích nghe những lời phê bình thẳng thắn, không úp mở của người khác dành cho mình, Tuy nhiên, chính những lời thật đó mới có thể giúp chúng ta sửa chữa lỗi lầm cũ và tránh những lỗi lầm tương tự về sau.


Em viết văn Việt

Những bài viết của học sinh các trường Việt ngữ

Nhằm tạo một diễn đàn cho các em tập viết tiếng Việt, Ban Biên Tập trang Tiếng Việt Dấu Yêu kêu gọi quý phụ huynh và quý thầy cô khuyến khích các em viết văn, diễn tả bằng tiếng Việt những cảm nghĩ và ước vọng trong đời sống của các em. Ước mong nơi đây một sân chơi được mở ra và khu vườn văn hóa Việt sẽ được quý phụ huynh và quý thầy cô góp tay vun trồng, khuyến khích.

Trong các bài nhận được và chọn để đăng, chúng tôi cố ý giữ nguyên văn những gì các em viết. Vì thế, khi đọc đến những ngôn từ, lỗi chính tả và sai văn phạm, chúng tôi mong được phụ huynh và thầy cô chia sẻ và sửa chữa cho các em tại nhà hay trong lớp học.

Tất cả các bài viết dưới dạng MSWord, font Unicode; và hình ảnh dạng .jpg, xin gởi về địa chỉ email: [email protected] (Xin đừng gởi dạng .pdf vì không tiện cho việc layout).

Trân trọng cảm ơn quý vị.

Nguyễn Việt Linh

Đặt câu với một mệnh đề:

Mình dùng óc để suy nghĩ.

1-Con nhện làm mạng để bắt con muỗi và con ruồi.

2-Hôm qua, em mặc áo mầu xanh dương rất đẹp.

3-Con Cọp là một con thú rừng, còn con ong là côn trùng.

4-Em đi khám nha sĩ khi em bị sâu răng.

5-Con chim trong vườn em thích hót líu lo.

6-Những con Sư Tử thích ăn thịt và ở trong rừng.

7-Mỗi tuần, em đi học tiếng Việt ở trường Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam.

8-Biển Đông còn được gọi là Biển Thái Bình Dương.

9-Hai Quần Đảo Trường Sa và Hoàng sa thuộc miền Trung nước ta.

Lê Hoàng Jandy
Thí sinh Lớp Ba Giải Khuyến Học 2013


Góc hoạt họa thiếu nhi

Câu chuyện hí họa về chú gấu bông Dexter

Họa sĩ Nia Nguyễn



Tâm tình thầy cô

Tiếng Việt truyền thống: Từ và Chữ  (Phần 3)

Trần C. Trí
University of California, Irvine

Bài này tôi viết không nhằm đưa ra một quan điểm cá nhân, vì tôi tin chắc rằng có rất nhiều, rất nhiều người Việt khác cũng cùng quan điểm như tôi. Quan điểm này không phải là chủ quan mà có. Nó dựa vào cách sử dụng tiếng Việt truyền thống bắt nguồn từ xa xưa, từ lúc chữ Nôm bắt đầu được dùng để thay thế chữ Nho, cho đến thời chữ Quốc ngữ được lưu hành cho đến ngày nay. Quan điểm này cũng dựa vào nền giáo dục Việt Nam từ thời Pháp thuộc đến tận những ngày cuối cùng của nền giáo dục đầy nhân bản của Việt Nam Cộng Hòa. Bên cạnh đó, quan điểm này cũng được thành hình từ nền báo chí, văn chương, thi ca và âm nhạc Việt Nam suốt từ thời tiền chiến đến lúc chiến tranh Việt Nam chấm dứt, và kéo dài ra đến hải ngoại ngày nay.

Để nói rõ hơn, quan điểm đó là như thế này:

– “Từ”(tương đương với tiếng Anh là ‘word’) chỉ dùng trong những chữ kép (danh từ, dộng từ, từ ngữ, từ vựng, v.v.)

– “Chữ”(tương đương với tiếng Anh cũng là ‘word’) có thể dùng độc lập. Ví dụ: “Chữ này nghĩa là gì?”, hay “Cô ấy rất thích chơi chữ!” (Tôi không tin rằng ngay cả những người thích dùng chữ “từ” lại có thể nói “Cô ấy rất thích chơi từ!”).

– “Chữ cái”(tương đương với tiếng Anh là ‘letter’) tất nhiên là các chữ a, b, c, v.v. trong bảng mẫu tự tiếng Việt. Nhiều khi chỉ nói là “chữ.”

Những người có quan điểm này, khi nói chuyện hằng ngày, có thể dùng chữ “chữ” cho cả hai nghĩa “word” và “letter” mà không sợ bị nhầm lẫn vì đã có văn cảnh xác định được ý nghĩa của nó. Thay vì phải nói dài dòng là “chữ cái a, chữ cái b, chữ cái c,…” chúng ta chỉ cần nói “chữ a, chữ b, chữ c” là đã có thể hiểu được. Mặt khác, khi đặt câu hỏi “Chữ này nghĩa là gì?,” tất nhiên chữ “chữ” phải có nghĩa là “word,” chứ “letter” thì làm sao có nghĩa được?

Những ai đã có dịp mài đũng quần trên ghế nhà trường thời Việt Nam Cộng Hòa chắc chưa bao giờ hỏi thầy cô câu này: “Thưa thầy/cô, “từ” này có nghĩa là gì ạ?” Trong gia đình tôi (và rất nhiều gia đình nói tiếng Việt truyền thống) dứt khoát là không có chuyện nói những câu đại loại như “Tại sao con lại dùng “từ” đó?” hay “Em không thích “từ” này.”

Như vậy, cách dùng chữ “từ” riêng lẻ bắt nguồn từ ở đâu và vào lúc nào? Không khó gì để tìm ra điều này. Nhìn vào sách báo, từ điển miền Bắc, từ thời đất nước còn chia đôi cho tới tận bây giờ (và cả miền Nam sau khi bị Cộng Sản cưỡng chiếm), ta có thể thấy chữ “từ” nghiễm nhiên trở thành một chữ riêng. Chữ này, cùng với cơ man nào là những chữ Hán-Việt mới khác, đã ồ ạt du nhập kho từ vựng tiếng Việt từ cửa miệng của những cán bộ Trung Cộng, hay do những người Việt con ông cháu cha du học hoặc đi công tác bên Tàu mang về. Có lẽ phải làm riêng một cuốn từ điển Hán-Việt mới, dành cho những tiếng mới du nhập khi hai nhà nước Cộng Sản Hoa-Việt kề vai sát cánh với nhau suốt nhiều thập niên như “núi liền núi, sông liền sông” mới đủ nói lên hiện trạng này. Kể sơ qua một số chữ Hán-Việt mới ở trong nước thay thế chữ Hán-Việt truyền thống như “đại sứ quán” (thay vì “tòa đại sứ”), “hộ chiếu” (thay vì “sổ thông hành”), “tác nghiệp” (thay vì “hành nghề”), “doanh nhân” (thay vì “thương gia”), “thương lái” (thay vì “lái buôn”), “công nghiệp” (thay vì “kỹ nghệ”), “công nghệ” (thay vì “kỹ thuật”), “chức năng” (thay vì “công dụng”), “đăng ký” (thay vì “ghi danh”), “động viên” (thay vì “khích lệ”), “bức xúc” (thay vì “uất ức”), “động cơ” (thay vì “động lực”), “tham quan” (thay vì “thăm viếng”), “cơ trưởng” (thay vì “phi công trưởng”)… Ôi thôi, rõ ràng là phải cần tới một cuốn từ điển mới liệt kê cho xuể những chữ mới này. Độc đáo nữa là cách dùng chữ “từ” trong nhóm chữ “đài từ” trong giới điện ảnh và chuyển âm ở Việt Nam. “Đài từ” có nghĩa là kỹ thuật (hay nghệ thuật) đối thoại mà các diễn viên sử dụng trong khi đóng phim hoặc chuyển âm (mà trong nước gọi là “lồng tiếng”!).

Nói cho rõ hơn, chữ “từ” chưa bao giờ được chấp nhận trong tiếng Việt truyền thống. Điều này có thể chứng minh một cách rạch ròi qua lịch sử ngôn ngữ, văn hóa, văn học và nghệ thuật của chúng ta cho đến ngày phần còn lại của đất nước rơi vào tay những người Cộng Sản. Từ thời xa xưa đến cuối thế kỷ thứ XIV, khi tiếng Việt chưa có văn tự riêng, chuyện tranh cãi giữa “từ” và “chữ” không thành vấn đề. Lý do đơn giản là trong thời kỳ đó người Việt dùng chữ Nho, nên chuyện muốn gọi chữ của người Tàu là “từ” hay “chữ” cũng không phải là chuyện của mình. Sang đến thế kỷ thứ XV, chữ Nôm bắt đầu được giới thiệu với người Việt. Nội cái tên “Chữ Nôm” cũng đủ nói lên khái niệm “chữ” đối với người Việt là như thế nào. Chữ Nôm dựa vào chữ Hán, mỗi đơn vị viết là một “chữ,” tương đương với tiếng Anh là “character” hay “word.” Như vậy, mỗi chữ Nôm là một “chữ,” có nghĩa là “word” chứ không phải là “letter.” Nếu mỗi chữ Nôm gọi là một “từ” thì tên gọi của văn tự này phải là “từ Nôm”! Ví dụ như chữ Nôm 頭 (đọc là “đầu”) phải là một “chữ” trong hệ thống chữ Nôm, không phải là một “từ,” như chính những học giả sáng tạo ra hệ thống chữ viết này đã ấn định như vậy.

Trong văn học cổ điển Việt Nam, Kim Vân Kiều (thế kỷ XIX) là một trong những tác phẩm đầu tiên dùng chữ Nôm. Trong đại tác phẩm này, chúng ta có thể tìm ra hàng chục câu thơ có chứa chữ “chữ,” tất nhiên là với nghĩa “word” chứ không thể nào là “letter,” vì vào thời đó, khi chữ Quốc ngữ vẫn còn trong giai đoạn phôi thai, chắc cụ Nguyễn Du (1765-1820) chưa biết chữ a, b, c là cái chi chi. Chẳng hạn như với câu”Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài,” tại sao Cụ lại không viết “Từ tâm kia mới bằng ba từ tài”? Đây cũng là một ví dụ để chúng ta suy nghĩ. Chữ “từ” khi đi với một chữ khác (nhưng không phải là trong một chữ kép (hay ghép), rất nhiều khi gây ra hiểu lầm. “Từ tâm” nghĩa là “chữ tâm,” “từ trong tim mà ra” hay là “tốt bụng”? “Từ đó” có nghĩa là “that word” hay “ever since”?

Cao Bá Quát (1809-1855) là một thi sĩ nổi tiếng trong văn học sử, làm thơ bằng cả tiếng Hán và tiếng Nôm. Ông cũng là một người kiêu ngạo có một không hai. Tương truyền rằng có lần ông tuyên bố như sau: “Trong thiên hạ có bốn bồ chữ, mình tôi giữ hai bồ, anh tôi Bá Đạt và bạn tôi Nguyễn Văn Siêu giữ một bồ, còn bồ phân phát cho thiên hạ.” Trong thời của Cao Bá Quát, tuy chữ Quốc ngữ đã được hình thành, phải đến gần cả thập niên sau khi ông mất mới được chính quyền thực dân khuyến khích sử dụng. Vì thế, ta có thể nói rằng Cao Bá Quát dùng chữ “chữ” không với nghĩa là a, b, c vì ông chưa dùng tới chữ Quốc ngữ. Vả lại nếu “chữ” có nghĩa là a, b, c thì đâu cần tới bốn cái bồ chỉ để đựng 29 chữ cái trong tiếng Việt?

Sau này, khi chữ Quốc ngữ đã khá phổ thông, có một bài thơ ái quốc theo thể loại song thất lục bát nổi tiếng của thi sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải (1895-1983), viết bằng chữ Quốc ngữ vào năm 1926, với tựa đề là “Hai chữ nước nhà”. Thi sĩ là một nhà Nho học, sống trong buổi giao thời Hán học và tây học, tại sao ông không dùng chữ Hán-Việt để đặt tựa đề cho bài thơ là “Hai từ nước nhà”?

Trong khi đó, văn học dân gian hay ngôn ngữ bình dân cũng đầy rẫy nhưng câu ca dao, tục ngữ hay thành ngữ có chữ “chữ,” mà hầu như không có câu nào có chữ “từ”, như một số ví dụ đan cử dưới đây:

*Tục ngữ:

– Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ. (Chứ không phải “dốt hay nói từ”!)

– Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. (Chứ không phải “một từ cũng là thầy”!)

– Một kho vàng không bằng một nang chữ. (Chứ không phải “một nang từ”!)

*Ca dao:

– Muốn sang thì bắt cầu kiều,

Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy. (Chứ không phải “muốn con hay từ”!)

– …Anh về học lấy chữ nhu,

Chín trăng em đợi, mười thu em chờ. (Chứ không phải “anh về học lấy từ nhu”!)

*Thành ngữ:

– Một chữ bẻ đôi cũng không biết. (Chứ không phải “một từ bẻ đôi”!)

– Mấy ai học được chữ ngờ. (Chứ không phải “mấy ai học được từ ngờ”!)

Chữ tác đánh chữ tộ, chữ ngộ thành chữ quá. (Chứ không phải “từ tác đánh từ tộ”!)

(Còn tiếp)

Video: Quê Nhà Quê Người Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT