Thursday, March 28, 2024

Brexit hay Break It?

Hùng Tâm/Người Việt


Quyết định của Anh và hậu vận của Liên Âu

Ngày 23 này, Anh hỏi ý người dân về việc có nên ở trong Liên hiệp Âu châu nữa không. Quyết định “Đi” hay “Ở” sẽ có ảnh hưởng sâu xa hơn quyền lợi kinh tế của nước Anh và của Liên Âu vì sẽ chi phối tương lai của toàn khối Âu-Mỹ. Trong một loạt bài liên tiếp, hồ sơ Người Việt sẽ tìm hiểu về vấn đề phức tạp này hầu quý độc giả. Bài này chỉ là mở đầu.

Tổng quan về nội dung

Chính quyền Bảo Thủ của Thủ Tướng David Cameron đã quyết định trưng cầu dân ý về việc Đi hay Ở vào ngày Thứ Năm, 23 Tháng Sáu tới đây. Bản thân ông Cameron thì chủ trương là Anh Quốc nên tiếp tục là thành viên của Liên Âu, nhưng nhiều thành phần khác ở trong và ngoài đảng thì đề nghị ra đi, được gọi tắt là “Brexit,” do động từ Exit.

Chúng ta có thể tìm hiểu về quyết định ấy của người dân, qua cách đặt vấn đề như sau:

Đầu tiên, để bảo vệ quyền lợi của mình thì một quốc gia có thể làm gì và không thể làm gì? Chuyện đi hay ở của Anh sẽ ảnh hưởng thế nào đến quan hệ ngoại thương và đầu tư của Anh với Liên Âu và ngược lại, nhiều nước Liên Âu sẽ bị thiệt hại ra sao? Nhưng làm sao biết trước được hậu quả ấy, vì dựa trên những tính toán hay dự phóng gì, của ai? Trong phạm vi Liên Âu, kịch bản Grexit có thể gia tăng chiều hướng phân hóa của tổ chức và còn gây bất ổn cho các nước buôn bán nhiều với Anh, và đấy là mối lo của Cộng Hòa liên bang Đức. Nhằm khắc phục rủi ro Grexit, Anh Quốc và Liên Âu sẽ phải sớm đàm phán về những thỏa ước ngoại thương. Đấy sẽ là thời sự nóng cho tương lai của đôi bên. Ngược lại, nếu dân Anh muốn ở lại và từ chối giải pháp Grexit, chính quyền Anh có thể đòi gia tăng ảnh hưởng trong Liên Âu và sẽ giới hạn vai trò của cột trụ Âu Châu là nước Đức. Ngoài ra, nan đề Brexit cũng chi phối Hoa Kỳ ở bên này Đại Tây Dương vì Liên Âu bị phân hóa thì nước Anh càng sát cánh hơn với nước Mỹ và quan hệ Anh-Mỹ sẽ gây ảnh hưởng đến Âu Châu.

Những vấn đề quá rắc rối vừa được tóm lược ở trên cho thấy là chúng ta nên chú ý đến bài toán Brexit.

Tranh luận Brexit

Liên Âu đã bị khủng hoảng từ năm 2010 vì các nguyên nhân tài chánh, kinh tế, chính trị và di dân lẫn nạn dân. Việc dân Anh bỏ phiếu đòi đi sẽ gây thêm khủng hoảng cho Liên Âu nhưng cũng tạo ra vấn đề cho nước Anh. Cho tới nay, cuộc tranh luận về hai lẽ Đi/Ở thường tập trung vào hai khía cạnh kinh tế và tài chánh, nhưng thật ra còn có hậu quả sâu rộng hơn vậy.

Khởi đầu và căn bản nhất là quyền tự quyết của người dân, là điều chính đáng vì người dân có quyền quyết định về việc bảo vệ chủ quyền quốc gia thay vì chia sẻ cho một tổ chức quốc tế. Nhưng bên cạnh đó cũng còn một vấn đề quan trọng khác là vai trò chiến lược của nước Anh trên trường quốc tế vì xứ này từng là một đại cường của thế giới. Những người chống Brexit và muốn ở lại thì viện dẫn hậu quả kinh tế, ngược lại, những người đòi ra đi từ chối bỏ hậu quả này mà nhấn mạnh đến tư thế Anh Quốc trước thế giới.

Về bối cảnh lịch sử thì xưa nay người Anh vẫn nghi ngờ lục địa Âu châu (xin gọi tắt là Âu Lục). Đấy là khu vực đông dân, cứ hay có mâu thuẫn xung đột khiến nước Anh trên đảo bị lấn át hoặc bị kéo vào tranh chấp bên trong Âu Lục. Khi trở thành cường quốc, nước Anh chú trọng đến quyền lợi của Đế Quốc Anh trên thế giới. Khi mất vị trí siêu cường từ sau Thế Chiến 2 thì nước Anh chú trọng đến quan hệ Anh-Mỹ. Sự thể này là một đặc tính truyền thống của Anh.

Sau Thế Chiến 2, khi khái niệm hội nhập kinh tế thành hình tại Âu Châu, do sáng kiến của Hoa Kỳ với kế hoạch viện trợ Marshall, Anh quốc đã chối từ sáng kiến này và đặc biệt nghi ngờ vai trò của Pháp, xưa kia đã từng là cừu thù trong nhiều thế kỷ. Đã vậy, vì là đồng minh chiến lược nhất của Mỹ trong Thế Chiến 2, Anh quốc không muốn xếp hàng đồng hạng với các nước Âu Lục để nhận viện trợ Mỹ. Cùng Hoa Kỳ, nước Anh đã góp phần giải phóng Âu Lục, chứ có kém cỏi gì!

Từ chối hội nhập kinh tế, Anh Quốc cũng không muốn bị ràng buộc vào những thỏa thuận hay cam kết của Liên Âu với nhau. Vì vậy mà khi Âu Lục kết hợp với nhau thành Thị Trường Chung Âu Châu và Cộng Đồng Kinh Tế Âu Châu (EEC) thì nước Anh lập ra khu vực quan thuế tự do với Bắc Âu và vài nước khác, đó là Hiệp Hội Tự Do Thương Mại Âu Châu (European Free Trade Association).

Sau bước hội nhập kinh tế và thương mại, các nước Âu Lục lại còn muốn tiến xa hơn, tới việc hội nhập chính trị để thành lập Liên Hiệp Âu Châu với Hiệp Ước Maastritcht, là định chế siêu quốc gia với những thẩm quyền chi tiết có thể thu hẹp chủ quyền của các thành viên. Khi ấy, nước Anh đã miễn cưỡng gia nhập Cộng Đồng EEC vì lợi ích kinh tế trong tinh thần sẽ giới hạn sự can thiệp của Âu Lục để bảo vệ được chủ quyền của mình. Nhưng thủy chung, Anh không chấp nhận hệ thống tiền tệ thống nhất của khối Euro.

Vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008 đã đảo lộn tất cả vì Anh không thể giới hạn được sự can thiệp của Liên Âu và toàn khối trở thành một mối bòng bong khó gỡ. Nhìn từ Anh, vụ Euro gây rạn nứt cho Liên Âu và gieo tai ương cho các nước Nam Âu chỉ vì đồng bạc này được thiết kế cho nhu cầu của nước Đức. Nếu Liên Âu không có ung nhọt Euro bên trong khi có khi đã tránh được nạn phân liệt.

Cuộc tranh luận về Brexit khởi đi từ đó.

Và nhìn ra khỏi khuôn khổ Anh-Âu thì nước Anh cũng có những quan hệ kinh tế và tài chánh chặt chẽ với Hoa Kỳ, thủ đô London là bàn đạp cho doanh nghiệp Mỹ tiến vào Âu Châu. Đã vậy, quan hệ Anh-Mỹ còn có chân rết bất ngờ là “Ngũ Bá.” Năm nước Anh, Mỹ, Canada, Úc và New Zealand không chỉ nói cùng ngôn ngữ, gắn bó về kinh tế và an ninh mà còn là năm đồng minh chí thiết về cả quân sự lẫn tình báo! Vì thế, có ở trong hay ở ngoài Liên Âu, nước Anh vẫn có thể bảo vệ được vai trò quốc tế của mình.

Sau bài dẫn nhập, kỳ sau chúng ta sẽ tìm hiểu tiếp các khía cạnh phức tạp hơn của chuyện Brexit, với hậu quả có thể làm Liên Âu tan rã.

MỚI CẬP NHẬT