Tuesday, April 23, 2024

Bước ngoặt tại Afghanistan: Hòa đàm ở Qatar với Taliban

Hồ sơ

 

 

Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

 

Ðầu tuần này một tin tức thời sự thế giới được chú ý là Hoa Kỳ và Taliban công khai xác nhận đang trên tiến trình đi đến thương thuyết với hy vọng giải quyết cuộc chiến tranh Afghanistan bằng thỏa hiệp hòa bình.

Một cựu chiến binh Taliban trao súng lại cho tỉnh trưởng tỉnh Herat ở Afghanistan, trong một buổi lễ đón cựu chiến binh Taliban trong chương trình hòa giải. Cuộc đàm phán giữa chính quyền Kabul với Taliban đang là bước ngoặt trong chiến cuộc tại đây. (Hình: AP Photo/Hoshang Hashimi)

Hôm Thứ Ba, Phát Ngôn Viên Zabiulla Mujahid của Taliban đưa ra tuyên bố: “Bên cạnh sự hiện diện vững mạnh của chúng tôi trên lãnh thổ Afghanistan, lúc này chúng tôi đang sẵn sàng thành lập một văn phòng chính trị ở hải ngoại để tạo sự thông hiểu với các quốc gia và đã thỏa thuận sơ bộ với Qatar cùng các bên liên hệ khác”. Tuy nhiên đến cuối bản tuyên bố được đưa lên website của Taliban, Mujahid đánh tan sự chờ mong về thương thuyết: “Ngoài sự kiện này, những báo cáo nhiễu loạn của một số cơ quan thông tấn và các giới chức Tây phương về thương thuyết không phải là sự thật và quốc gia Hồi Giáo Afghanistan mạnh mẽ bác bỏ”.

Tuy nhiên người ta hiểu rằng đó chỉ là những luận điệu làm cao thông thường bắt buộc phải nói trước khi người ta đi đến một cuộc thương lượng. Hãng tin ANI (Asian News International) của Ấn Ðộ hôm Thứ Năm loan tin lãnh tụ Mullah Omar xác nhận Taliban đang đi đến hòa đàm với Hoa Kỳ và đây là lần đầu tiên Taliban công khai nêu lên triển vọng dàn xếp hòa bình cho cuộc xung đột đã kéo dài 10 năm.

Theo ANI, Mullah Mohammad Omar, nhà lãnh đạo tinh thần của Taliban, yêu cầu phóng thích các tù nhân Afghanistan ở Guantanamo Bay và rút hết quân đội Hoa Kỳ khỏi Afghanistan. Những điều kiện như vậy không phải là khó khăn và Hoa Kỳ có thể chấp thuận được, tuy nhiên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói là cho đến lúc này chưa có một quyết định gì về việc thả tù binh ở Guantanamo.

Việc thương lượng với Taliban không phải là chuyện mới lạ. Từ lâu Hoa Kỳ đã có những đại diện không chính thức tiếp xúc bí mật với Taliban và chính quyền của Tổng Thống Hamid Karzai cũng mặc nhiên tán thành đường hướng này.

 

Tiến trình chậm chạp

 

Sau nhiều năm bị chính quyền Tổng Thống Bush cứng ép phải từ chối mọi thương thuyết với Taliban, bây giờ Karzai thấy Tổng Thống Obama vượt qua chính phủ của ông để nói chuyện trực tiếp với Taliban. Năm 2011, Tổng Thống Obama dứt khoát tìm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Afghanistan, khởi đầu bằng việc tăng cường quân lực trong một thời hạn nhất định là 2 năm để đảo ngược sự hồi phục của Taliban trên lãnh thổ Afghanistan từ 2005.

Trong lịch sử thế giới chỉ có rất ít cuộc chiến tranh đem đến thắng lợi tuyệt đối cho một phía, và như định nghĩa của chiến lược gia người Ðức Von Clausewitz “Chiến tranh chỉ là sự tiếp nối của chính trị bằng một phương cách khác” được nhiều người tán thưởng, thì nếu xung đột kéo dài không dứt khoát thì trở lại tìm một giải pháp chính trị là điều hợp lý. Giải pháp chính trị phải thông qua một quá trình thương lượng nhưng từ xưa đến nay ít lắm cũng có tới phân nửa những cuộc thương lượng đi đến thất bại và lúc đó có thể đưa đến những hậu quả tàn hại hơn. Tuy vậy các quốc gia và các nhà ngoại giao rất thường phải bằng lòng với một sự giải quyết nhất thời rồi sau đó tiếp tục tìm chiến lược khác.

Ảo tưởng của thời đại Bush về một chiến thắng quân sự đã tiêu tán và tình thế mới khiến cho Hoa Kỳ phải từ bỏ nguyên tắc ấn định một điều kiện tiên quyết cho việc hòa đàm, do đó tiến trình đi tới thương lượng đã có thể dần dần đạt tới. Ðể mở bước đầu, theo yêu cầu của Tổng Thống Obama, Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã tách rời Taliban ra khỏi những biện pháp trừng phạt gắt gao của Liên Hiệp Quốc

Các viên chức Hoa Kỳ qua sự bảo trợ của Ðức đã thảo luận trực tiếp với đại diện của Mullah Omar từ năm ngoái và với Haqqanis – phe phái tàn bạo nhất của Taliban – qua sự bảo trợ của Pakistan. Con đường đến hòa bình như vậy đã có thể mở ra từ Ðức nhưng do những va chạm với Hoa Kỳ từ sau vụ hạ sát Osama bin Laden, Pakistan không tham dự hội quốc tế về Afghanistan họp tại Bonn tháng 11 và do đó không thể đi tới một quyết định chung có hiệu lực về đường lối kết thúc chiến tranh Afghanistan.

Tới cuối năm, với sự chấp thuận của Tổng Thống Obama, Qatar cho phép Taliban đặt một văn phòng chính trị tại thủ đô Doha mặc dầu Tổng Thống Karzai nói rằng ông muốn Taliban mở văn phòng liên lạc ở Saudi Arabia hay Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Tại sao Qatar?

 

Qatar là một nước nhỏ bé trong vùng Vịnh nhưng giầu mạnh về mặt kinh tế và can dự vào nhiều vấn đề quốc tế. Một nhà ngoại giao đã nói rằng Qatar giống như “cú đấm mạnh trên sức nặng của mình”.

Qatar nằm trên một bán đảo nhỏ từ bán đảo Á Rập nhô ra ngoài vịnh Persic, diện tích 11,500 km2, dân số 1.7 triệu. Trữ lượng dầu lửa của Qatar 15 tỷ thùng có nghĩa là có thể sản xuất với mức hiện tại trong 37 năm nữa. Trữ lượng khí đốt 26,000 tỷ mét khối, khoảng 14% trữ lượng toàn thế giới và Qatar đứng hàng thứ ba về sản xuất. Kinh tế phát triển chủ yếu nhờ xuất cảng dầu khí, gần đây với đầu tư và trở thành một trung tâm tài chính quan trọng. Tổng sản lượng quốc gia (GDP) của Qatar ước lượng $190 tỷ, bình quân mỗi đầu người $104,000 và là nước đứng đầu thế giới.

Asian Games 2006 ở Qatar được coi là một trong những Á Vận Hội tổ chức vĩ đại nhất. Năm 2022, Qatar sẽ là nước đầu tiên ở Trung Ðông được đứng tổ chức FIFA World Cup và hiện nay Qatar đang dự tranh tổ chức Thế Vận Hội 2020.

Nhưng sự kiện đáng chú ý ở Qatar là quốc gia nhỏ bé này đóng vai trò quan trọng trong nhiều vấn đề quốc tế. Là một chế độ quân chủ chuyên chế nhưng cho đến nay Qatar rất ổn định về chính trị và là quốc gia Trung Ðông duy nhất không xảy ra những cuộc bầu cử chống đối qua phong trào “Mùa Xuân Á Rập”. Qatar có vai trò then chốt của các nước Á Rập trong cuộc tham gia vào chiến dịch lật đổ Gadhafi ở Libya và trong số nước dẫn đạo Liên Ðoàn Á Rập can thiệp vào Syria.

Mặt khác, Qatar là nơi đặt trụ sở của hệ thống truyền hình Al Jazeera, một cái gai cho nhiều chế độ ở Trung Ðông cũng như đã từng mạnh mẽ phản ứng với chiến tranh Afghanistan và Iraq. Từ 2001 trước khi bị đánh đuổi khỏi Afghanistan, Taliban đã có phái đoàn liên lạc ở Qatar. Từ 10 năm gần đây, Qatar đứng trung gian cho một số quan hệ giữa Hoa Kỳ và Iran cũng như với Palestine.

Hoa Kỳ được phép sử dụng căn cứ không quân al-Udeid trong chiến tranh Afghanistan, Iraq và đặt bộ Tư lệnh khu vực Tây Á và Phi Châu (US Central Command) tại đây. Căn cứ của hạm đội 5 Hoa Kỳ tại Bahrain dự trù sẽ được dời sang Qatar vì tình trạng phức tạp từ những sự chống của dân chúng với chính quyền Bahrain và sự đàn áp mạnh mẽ tại đảo quốc này.

Trong những hoàn cảnh như vậy, Qatar là nơi thích hợp để hòa đàm giữa Hoa Kỳ-Afghanistan-Taliban.

 

Hòa đàm không dễ dàng

 

Tại Afghanistan, động lực quan trọng nhất mà Taliban có thể dựa vào là tinh thần dân tộc, tâm lý chống ngoại bang bất cứ là ngoại bang nào. Anh và Nga (Liên Xô) đã từng thất bại ở Afghanistan và ngày nay cuộc chiến kéo dài gây tổn thất không tránh khỏi cho thường dân càng thúc đẩy thêm những phản ứng với quân đội Hoa Kỳ và NATO.

Cuộc hòa đàm trên lý thuyết sẽ là 3 bên nhưng Taliban chắc chắn sẽ đẩy chính quyền Kabul về phía Hoa Kỳ và chỉ coi như một cuộc hòa đàm hai bên. Người ta chưa thể nào hiểu rõ Taliban sẽ đòi hỏi và chấp nhận thỏa hiệp tới mức độ nào.

Một nghi vấn khác mà các giới quan sát Tây phương nêu lên là không thể biết ảnh hưởng của Mullah Mohammad Omar, một người đã bị đặt trong danh sách truy tầm có treo thưởng giống như Osmar bin Laden, trong toàn bộ tổ chức Taliban như thế nào. Người ta tin rằng Taliban bao gồm nhiều phe cánh và những đơn vị chiến binh không hoàn toàn thống nhất về hành động. Như vậy nếu cuối cùng đạt tới một thỏa hiệp thì có thể có giá trị thực thi được hay không?

Rút kinh nghiệm từ Việt Nam, một số quan sát viên lo ngại là Taliban không có thực tâm thương thuyết mà sử dụng chiến thuật “vừa đánh vừa đàm” kiểu Cộng Sản Việt Nam để mua thời gian cho tới khi Hoa Kỳ rút đi thì chính quyền Afghanistan sẽ không còn đủ sức mạnh đương đầu với họ.

Cũng nên lưu ý là năm nay là năm bầu cử tại Hoa Kỳ và tình thế có thể tương tự như khi Tổng Thống Lyndon Johnson đồng ý hòa đàm năm 1968 sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân. Cuộc nói chuyện tại Paris lúc đó không đi đến một kết quả gì cho đến khi bầu cử xong. Một số người Dân Chủ tố cáo ứng cử viên Richard Nixon ngầm cử phái viên đến Paris xúi giục cả hai phía Việt Nam hãy giữ nguyên trạng để sẽ có thỏa hiệp tốt hơn với chính quyền Cộng Hòa kế tiếp ở Washington. Lập luận và lời đồn đại này chưa bao giờ được chứng thực hay làm sáng tỏ vì sau khi Tổng Thống Nixon nhiệm chức vào Tòa Bạch Ốc đầu năm 1969, không có cuộc điều tra nào được thực hiện.

Và đến nay ai cũng biết là Hiệp định Ngừng Bắn và tái lập Hòa Bình ký kết tại Paris năm 1973 chỉ là một chiến thuật trì hoãn của phía Cộng Sản và một giải pháp tạm thời để Hoa Kỳ có thể chấm dứt can dự quân sự ở Ðông Dương. Tổng Thống Hamid Karzai ngày nay có lý do để lo ngại.

Dù cho có những lý luận gì, hầu hết mọi người đều phải nhìn nhận là khi chiến tranh kéo dài quá lâu mà không cho thấy tương lai có thể đi đến chiến thắng toàn diện thì Hoa Kỳ buộc phải giải quyết với một giải pháp chính trị. Cuộc hòa đàm với Taliban không chắc đã đi đến kết luận và dù cho có kết quả cũng chưa phải là một bảo đảm vững chắc.Vấn đề sẽ còn tùy thuộc vào chính quyền ở Kabul, vào những gì mà Hoa Kỳ có thể làm sau này và vào tình hình khu vực cũng như quốc tế trong tương lai. Thế giới không bao giờ ngưng biến chuyển và không một giải pháp nào đem lại thành công hay thất bại mãi mãi.

MỚI CẬP NHẬT