Friday, April 19, 2024

Chính phủ liên bang đóng cửa sang tuần thứ ba


Nguyễn Văn Khanh


Khi các vị dân biểu Cộng Hòa rời khỏi phòng họp để ra phi trường về địa phương nghỉ cuối tuần, khuôn mặt ai nấy đều đăm chiêu. Những tin tức được tiết lộ sau đó cho hay mọi người được cảnh báo phải thật thận trọng với “chiến lược mới bên Tòa Bạch Ốc, đẩy anh em tới chỗ lục đục với nhau.”

Cảnh báo đó được đích thân ông Paul Ryan, Chủ Tịch Ủy Ban Ngân Sách Hạ Viện đưa ra trong cuộc họp kín mới diễn ra trưa Thứ Bảy vừa rồi ở Washington D.C. Phiên họp được triệu tập theo yêu cầu của ông Trưởng Khối Ða Số Eric Cantor, nhưng những điều ông Ryan trình bày lại là điểm được chú ý đến nhiều nhất. Hai ngày trước đó ông Ryan cùng với các nhà lãnh đạo Cộng Hòa khác vào Tòa Bạch Ốc gặp Tổng Thống Barack Obama, mới vài phút đồng hồ trước khi phiên họp bắt đầu ông nói chuyện với bên Thượng Viện để thăm dò xem tình hình “bên đó” như thế nào hầu có thể thông báo với các đồng viện cùng đảng những tin tức mới nhất liên quan đến cuộc tranh cãi về ngân sách và nợ trần. Kết quả những gì ông Ryan thu thập được cho thấy tình hình “không khả quan”, chuyện chính phủ sẽ phải đóng cửa thêm 1 tuần lễ nữa “là điều 99.99% sẽ xảy ra”, theo tiết lộ của một vị dân biểu Cộng Hòa ngay sau khi rời khỏi phòng họp.









Dân Biểu Paul Ryan vẫy tay chào báo giới trước khi bước vào phòng Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner để giải quyết bế tắc ngân sách. (Hình: Alex Wong/Getty Images)


Chuyện gì khiến tình hình lại nguy kịch đến thế? Câu trả lời từ ông Ryan: “bên Tòa Bạch Ốc đang tìm cớ để không nói chuyện với Hạ Viện, tìm cách đẩy chúng tôi đến chỗ có thể đụng độ với Thượng Viện”. “Chúng tôi sẽ không ngồi yên để cho họ làm điều đó”, ông cựu ứng viên phó tổng thống của đảng Cộng Hòa nói tiếp với giọng bực bội. Ngay chính những vị dân cử Cộng Hòa thường rất im tiếng, chẳng hạn như ông Aaron Schock của tiểu bang Illinois, cũng phải lên tiếng khéo léo nhắc nhở các vị nghị sĩ Cộng Hòa ở Thượng Viện “phải thận trọng, tiếp tục có thái độ cứng rắn như từng nói, đừng để lọt bẫy Tòa Bạch Ốc”.

Chiến lược “tạm thời bỏ Hạ Viện ra khỏi cuộc thương thuyết” được Tòa Bạch Ốc áp dụng từ chiều thứ Sáu, sau khi bà Thượng Nghị Sĩ Susan Collins đưa ra một số để nghị giải quyết căng thẳng chính trị cho cả 2 phía hành pháp lẫn lập pháp, giúp chính phủ liên bang mở cửa trợ lại và đôi bên có thể thảo luận tăng mức nợ trần. Mặc dù các đề nghị khởi đầu của bà Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa không được Tòa Bạch Ốc và những vị nghị sĩ Dân Chủ tán thành nhưng theo lời một viên chức Tòa Bạch Ốc “mọi người đều nhìn thấy một cánh cửa được mở ra, thay vì cứ khép kín hay đóng thật chặt như bên Hạ Viện Cộng Hòa đang làm”.

Viên chức yêu cầu không nêu tên này cho báo chí biết sau cả chục vòng đàm phán với Hạ Viện mà chẳng đi đến đâu, “đích thân ông Chánh Văn Phòng Doug McDonnell quyết định đẩy mạnh kế hoạch thúc đẩy cánh Dân Chủ Thượng Viện làm việc với các vị nghị sĩ Cộng Hòa, hy vọng may ra tình hình sẽ đổi khác”. Kế hoạch này được soạn thảo bởi Ban Tham Mưu Tòa Bạch Ốc với mục đích “để dồn cánh Cộng Hòa Hạ Viện vào chỗ phải làm việc với các nghị sĩ cùng đảng với họ”, một viên chức khác nói tiếp.

Ðiều đó xảy ra vì không chỉ Tòa Bạch Ốc mà ngay chính những Nghị Sĩ Cộng Hòa cũng tỏ thái độ không hài lòng với lối làm việc của những vị dân biểu Cộng Hòa ở Hạ Viện, điển hình là phát biểu của Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham mang đại ý cho rằng “mấy ông bà bạn cùng đảng ở Hạ Viện vẫn chưa làm việc được việạc nhau, chưa thể bỏ phiếu cho chính phủ liên bang mở cửa làm việc trở lại trong khi bên Thượng Viện đã sẵn sàng để làm điều đó”. Ông Graham gọi đó là bằng chứng cho thấy “rõ ràng Hạ Viện Cộng Hòa đang có vấn đề” (nguyên văn: “so it’s dysfunction at every level”).

Ngoài lời phát biểu mang tính trách móc của ông Graham, một số vị nghị sĩ Cộng Hòa khác chê trách cánh Cộng Hòa Hạ Viện dưới nhiều hình thức khác nhau. Nghe đâu trong phiên họp của đảng vào chiều thứ Bảy, Thượng Nghị Sĩ John McCain hỏi thẳng đồng viện Ted Cruz của Tea Party rằng “tại sao không chịu nhìn vào thực tế, làm sao có được 2/3 số phiếu để hủy bỏ Obamacare?”

Cũng có tin cho hay cuộc thảo luận nội bộ này căng thẳng đến độ ông Trưởng Khối Mitch McConnell phải lên tiếng nhắc nhở “xin mọi người bình tĩnh”, sau khi một vị nghị sĩ chỉ trích cánh Tea Party “đưa ra đòi hỏi vô lý, chỉ tổ gây ảnh hưởng bất lợi cho uy thế của đảng đối với dân chúng”. Bên Dân Chủ cũng không bỏ lỡ cơ hội để lên tiếng chê trách đối thủ chính trị, điển hình là tuyên bố Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Joe Manchin của tiều bang West Virginia nói với giọng mỉa mai “đã đến lúc những người trưởng thành nên ngồi nói chuyện đàng hoàng với nhau”.

Lời kêu gọi đó được nhiều cơ quan truyền thông Hoa Kỳ nhắc đi nhắc lại trong suốt những ngày cuối tuần nhưng vẫn chưa có dấu hiệu được lắng nghe. Giữa lúc đó lại có tin Dân Biểu Joseph Crowley của đảng Dân Chủ xô xát với một nhân viên của ông Trưởng Khối Ða Số Cộng Hòa Eric Cantor, sau khi cãi vã với nhau về chuyện chính phủ đóng cửa. Theo những người biết chuyện, anh nhân viên Cộng Hòa bực bội sau khi nghe ông dân biểu Crowley nói rằng “không chỉ các anh đóng cửa chính phủ mà các anh còn đóng cửa cả nền dân chủ của đất nước”. Nghe đâu văn phòng của ông Cantor thoạt đầu định làm lớn chuyện này, nhưng sau đó phổ biến bản thông cáo mang nội dung rất hòa dịu, cho hay “2 phía đã nói chuyện với nhau, và đã giải quyết ổn thỏa”.

Xô xát thì giải quyết được, căng thẳng, tranh chấp chính trị thì chưa có cách tháo gỡ, chính phủ liên bang tiếp tục đóng cửa.

MỚI CẬP NHẬT