Friday, March 29, 2024

Hải Quân Ấn Ðộ sẵn sàng bảo vệ quyền lợi ở Biển Ðông

 


Hà Tường Cát/Người Việt


 


Lần đầu tiên một giới chức cao cấp Ấn Ðộ cho biết cường quốc hải quân Nam Á này sẵn sàng đưa chiến hạm đến Biển Ðông để bảo vệ quyền lợi của mình nếu cần.










Hàng không mẫu hạm Viraat của Hải Quân Ấn Ðộ. (Hình: Punit Paranjpe/AFP/Getty Images)


Ðô Ðốc D.K. Joshi, tư lệnh Hải Quân Ấn Ðộ, tuyên bố trong một cuộc họp báo hôm Thứ Hai 3 tháng 12, 2012: “Chúng tôi chuẩn bị để nếu xảy ra tình thế lợi ích của chúng tôi, như là ONGC bị vi phạm, thì chúng tôi sẽ sẵn sàng đến Biển Ðông.” Ông nói: “Chúng tôi đã tập dượt cho hành động đó chưa? Câu trả lời ngắn gọn là rồi.”


Ðô Ðốc Joshi xác định rằng mặc dầu Ấn Ðộ không có tranh chấp chủ quyền nào trong vùng Biển Ðông, nhưng sẵn sàng hành động để bảo vệ quyền tự do hàng hải và lợi ích kinh tế của mình ở đây. Ông giải thích rằng quan tâm chính của Ấn Ðộ là tự do hàng hải cho tất cả mọi quốc gia và việc khai thác dầu khí ngoài khơi Việt Nam của công ty dầu khí Ấn Ðộ ONSC.


ONGC, một phân bộ của ONSC đang khoan dò 3 lô dầu khí ở Biển Ðông trong đó giàn khoan Scarabeo 9 hoạt động ở khu vực Nam Côn Sơn. Trung Quốc lên tiếng phản đối dự án khoan dò dầu khí ở Biển Ðông nói là vi phạm chủ quyền của họ, tuy nhiên Ấn Ðộ bác bỏ lập luận ấy. Hồi đầu năm, ONGC chỉ loan báo có thể rút khỏi một lô vì điều kiện khoan dò khó khăn và không rõ triển vọng thâu được lợi tức, nhưng cuối cùng vẫn còn lưu lại sau khi Việt Nam đề nghị cho phép kéo dài hợp đồng.


Tuyên bố của Ấn Ðộ xảy ra vào thời điểm căng thẳng leo thang với những hành động khiêu khích liên tiếp của Trung Quốc. Sau khi phát hành tập hộ chiếu có hình bản đồ lưỡi bò bao gồm hầu hết Biển Ðông và cả những lãnh thổ biên giới đang tranh chấp với Ấn Ðộ, hôm 29 tháng 11, truyền thông Trung Quốc loan tin tỉnh Hải Nam ban hành lệnh cho phép tàu tuần cảnh chặn xét và bắt giữ những tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải của họ ở Biển Ðông. Với tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp và ngang ngược bằng ranh giới đường lưỡi bò, người ta không biết rõ Trung Quốc thật sự coi lãnh hải của họ là tới đâu và như vậy lưu thông trên lãnh hải của các quốc gia Ðông Nam Á khác cũng như trên hải phận quốc tế ở Biển Ðông có thể bị ràng buộc với lệnh đó hay không.


Ngược lại từ ngày 25 tháng 11 Việt Nam đã ra lệnh triển khai các tàu tuần dân sự được cảnh sát biển và bộ đội biên phòng hộ vệ, để ngăn chặn các tàu đánh cá xâm phạm vùng biển chủ quyền quốc gia. Việc này không giúp tránh khỏi biến cố một số tàu đánh cá Trung Quốc làm đứt cáp tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 2 của Việt Nam hôm 30 tháng 11 và phát ngôn viên Lương Thanh Nghị Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho biết đã trao công hàm phản đối cho đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội.


Từ lâu, Việt Nam đã muốn Ấn Ðộ giữ một vai trò đối trọng với Trung Quốc ở khu vực Biển Ðông và đã dành cho Ấn Ðộ nhiều sự dễ dàng đến khai thác dầu khí. Tháng 11 năm ngoái một chiến hạm Trung Quốc ghé thăm thân hữu Việt Nam, đã gặp một tàu Ấn Ðộ trong hải phận quốc tế ở Biển Ðông, có ý ngăn cản bằng cách gởi tín hiệu vô tuyến cảnh cáo là đang xâm phạm lãnh hải Trung Quốc. Tuy nhiên không có vấn đề gì xảy ra, tàu Ấn Ðộ vẫn đến cảng Hải Phòng và sau đó cả hai bên đều bỏ qua chuyện này. Ðô Ðốc Joshi trong cuộc họp báo hôm Thứ Hai, trả lời câu hỏi của một phóng viên về lệnh chặn xét tàu do tỉnh Hải Nam Trung Quốc mới đưa ra, nói rằng Ấn Ðộ có quyền tự vệ.


Bình luận của Ðô Ðốc Joshi đưa ra vào lúc cố vấn an ninh quốc gia Ấn Ðộ, Shiv Shankar Manon, sang Bắc Kinh hội đàm với ban lãnh đạo mới của Trung Quốc. Hôm Thứ Ba, một phát ngôn viên chính phủ Ấn Ðộ giảm nhẹ lời bình luận này, giải thích: “Biển Ðông là vấn đề mà những bên liên hệ cần giải quyết.”


Sreeram Chaulia, khoa trưởng trường Bang Giao Quốc Tế Jindal, nói rằng phản ứng của Hải Quân Ấn Ðộ đến lúc này mới đưa ra là hơi chậm nhưng cần thiết. Tuy nhiên ông cho rằng hải lực Ấn Ðộ không đủ mạnh để tranh chấp với Trung Quốc ngay lúc này và lời của Ðô Ðốc Jshi chỉ có giá trị tương lai.


Ấn Ðộ không phải là quốc gia duy nhất không có đòi hỏi chủ quyền Biển Ðông nhưng đã bày tỏ sự quan tâm đến quyền tự do hàng hải. Hoa Kỳ đã nhiều lần nêu lên vấn đề này. Indonesia và Singapore cũng công khai phê phán Trung Quốc về những hành động gây căng thẳng trong khu vực và cùng với các nước ASEAN chủ trương thương lượng đi đến một quy luật ứng xử giải quyết hòa bình các tranh chấp. Các quan sát viên quốc tế cho rằng sự hiện diện của Hải Quân Ấn Ðộ ở Biển Ðông dễ dàng đưa tới những va chạm và xung đột trên biển có thể xảy ra giữa hai nước lớn Châu Á. Nhưng cũng có lập luận tin là với sự hiện diện của nhiều quốc gia, Trung Quốc sẽ không thể ngang nhiên hành động theo ý đồ bành trướng của họ.


Trong buổi họp báo hàng ngày tại Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm Thứ Ba, phát ngôn viên Hồng Lỗi trước câu hỏi về việc Hải Quân Ấn Ðộ có thể đến Biển Ðông, chỉ trả lời gián tiếp. Sau khi khẳng định là Trung Quốc “có chủ quyền không thể chối cãi về các đảo và vùng biển lân cận,” nói rằng: “Trung Quốc chống lại việc đơn phương khai thác dầu khí trong vùng tranh chấp ở Nam Hải. Chúng tôi hy vọng các quốc gia liên hệ tôn trọng lập trường và quyền lợi của Trung Quốc cũng như tôn trọng những nỗ lực giải quyết vấn đề qua các sự đàm phán song phương.”


Hải Quân Ấn Ðộ là một lực lượng mạnh ở Á Châu và đang phát triển nhanh chóng đồng thời với tình trạng của Hải Quân Trung Quốc. Theo dữ kiện của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế, không kể số tiểu đĩnh và tàu phụ trợ các loại, chủ lực của Hải Quân Ấn Ðộ gồm 20 chiến hạm hiện dịch với 8 khu trục hạm và 12 hộ tống hạm mang hỏa tiễn cùng 14 tàu ngầm tấn công loại dùng động cơ diesel/điện. Ngoài ra còn có một hàng không mẫu hạm, một tàu xung kích đổ bộ và một tiềm thủy đĩnh nguyên tử tác chiến.


Theo lời Brahma Chellaney, phân tích gia thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược ở New Delhi: “Biển Ðông là một hải lộ quốc tế quan trọng, một phần lớn hàng hóa Ấn Ðộ chuyển vận bằng đường biển đi qua đây cho nên tự do lưu thông là nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên Hải Quân Ấn Ðộ nên đặt trọng tâm hoạt động vào Ấn Ðộ Dương, địa bàn chiến lược của nước mình.”


Nếu hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc còn phải một thời gian ít nhất 3 năm nữa mới bắt đầu có khả năng tác chiến trên biển, Ấn Ðộ hiện nay đã có thể sử dụng không lực của hải quân viễn dương. Như thế nếu cần triển khai lực lượng tới Biển Ðông, các khu trục hạm và hộ tống hạm – không kể tàu ngầm – sẽ được yểm trợ bằng máy bay từ hàng không mẫu hạm.


Hàng không mẫu hạm INS Viraat mua lại của Anh năm 1987 là một hàng không mẫu hạm nhỏ, 28,700 tấn, chiều dài 226 mét, tầm hoạt động 10,000 km, chở được 30 máy bay. Kiểu máy bay chiến đấu chính dùng trên mẫu hạm là Sea Harrier, tương tự như AV-8 Harrier của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, máy bay cánh thẳng nhưng có khả năng cất cánh và hạ cánh như trực thăng hoặc trên sân bay ngắn. Viraat cũng có nhiều trực thăng chiến đấu và tác chiến chống tàu ngầm.


Ấn Ðô đã mua hàng không mẫu hạm Admiral Gorshkov, 45,000 tấn, của Nga năm 2004, còn đang trong giai đoạn tân trang tại Ấn Ðộ, sẽ đổi tên thành INS Vikramaditya và hai năm nữa mới có thể đưa vào sử dụng.


Nếu một ngày nào đó Hải Quân Ấn Ðộ triển khai lực lượng đến Biển Ðông, tình hình sẽ không chỉ thay đổi tại đây mà cục diện chiến lược sẽ hoàn toàn chuyển biến tại Châu Á. (HC)

MỚI CẬP NHẬT