Friday, March 29, 2024

‘Lưỡi bò’ vô giá trị trên hộ chiếu Trung Quốc

Hà Tường Cát/Người Việt


 


Hiện nay Trung Quốc đang phải tìm cách xoa dịu sự phẫn nộ của các quốc gia láng giềng trong vụ hộ chiếu có in hình bản đồ với “đường ranh giới lưỡi bò” biểu hiện sự xâm phạm ngang ngược vào chủ quyền nhiều nước trong khu vực.









Người Philippines biểu tình phản đối hộ chiếu lưỡi bò trước cơ sở ngoại giao của Trung Quốc ở Manila. (Hình: TED ALJIBE/AFP/Getty Images)


Phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc trong buổi họp báo thường lệ hôm Thứ Tư hạ thấp ý nghĩa của hình bản đồ ấy, nói rằng: “Những hình trên hộ chiếu không nên được diễn giải quá xa. Trung Quốc sẵn sàng duy trì thông tin với các quốc gia liên hệ và khuyến khích phát triển mọi trao đổi hợp lý.”


Từ Mùa Xuân năm nay, Trung Quốc đã phát hành hàng triệu hộ chiếu gắn chip điện tử để dễ dàng kiểm soát và bảo đảm giá trị thật giả. Hộ chiếu điện tử được nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ, sử dụng từ lâu và nhân viên di trú ở cửa khẩu chỉ cần đưa vào máy scan là đọc được đầy đủ chi tiết cần thiết rất mau chóng. Nhưng chỉ mới từ khoảng hai tuần trước mới nổi lên sự phản đối “hộ chiếu lưỡi bò Trung Quốc” của Việt Nam, Philippines, Ấn Ðộ và cả Ðài Loan.


Việc này gây phiền phức cho một số dân Trung Quốc đi ra nước ngoài. Tại Hà Nội, bốn người trong một nhóm 20 người từ Bắc Kinh tới mang hộ chiếu loại mới đã không được nhân viên di trú đóng dấu như bình thường. Một phụ nữ nói rằng không biết hộ chiếu mới lấy hồi Tháng Bảy có cái hình bản đồ này vì nó quá nhỏ và mờ không nhận ra. Theo lời bà kể: “Tôi vào cửa nhập cảnh và nhân viên di trú đưa cho tôi một tờ giấy rời gọi là giấy phép du lịch có giá trị đi lại ở Việt Nam.”


Một tuần trước đó, ông David Li, nhân viên một hãng đóng giày ở Trung Quốc, cũng gặp trường hợp như thế, bày tỏ ý kiến: “Theo tôi chính phủ (Trung Quốc) nên thương lượng rõ ràng với các nước liên hệ, nếu không những người đi ra nước ngoài sẽ chịu ảnh hưởng.”


Nhưng một phụ nữ khác tỏ phản ứng khó chịu nói rằng nhân viên quan thuế đã bắt chờ tới hai tiếng đồng hồ, bà nói: “Tôi du lịch đến Việt Nam để tiêu tiền, nếu Việt Nam từ chối tôi thì họ sẽ mất tiền ấy.”


Không đóng dấu thẳng lên hộ chiếu mà phát một tờ giấy rời là một cách bày tỏ sự phản đối rất chừng mực và khôn khéo của chính quyền Việt Nam. Mặc dầu trên báo chí và Internet có nhiều ý kiến phẫn nộ, cho rằng không thể yên lặng trước việc làm ngang ngược của Trung Quốc mà phải phản ứng mạnh hơn.


Giáo Sư Lê Ðình Thông, dạy môn bang giao quốc tế đại học Paris – Nanterre, Pháp, trả lời phỏng vấn của đài RFI, nói: “Hộ chiếu lưỡi bò của Trung Quốc hoàn toàn không có giá trị pháp lý. Việc in ấn này phát xuất từ Tuyên Truyền Bộ của Trung Quốc, chủ trương mỗi người Hoa là một tuyên truyền viên của đảng Cộng Sản, khoa trương sức mạnh kinh tế và quân sự, nhưng sẽ không đạt được kết quả mong muốn. Ngược lại sẽ bị phản ứng bất lợi của các nước trong khu vực. Việt Nam chưa có phản ứng tương xứng. Thời điểm thuận lợi cho Việt Nam là phải nhân thời điểm bốn nước đòi chủ quyền ở biển Ðông do Manila triệu tập vào Tháng Mười Hai bàn về chính sách đối phó với hộ chiếu lưỡi bò của Trung Quốc.”


Cũng trong một cuộc phỏng vấn khác của đài RFI, luật gia Lê Hiếu Ðằng ở Sài Gòn đồng ý kiến với nhiều người cho là Việt Nam cần phải từ chối nhập cảnh những người mang hộ chiếu lưỡi bò. Nhưng điều này có nghĩa là không chấp nhận hộ chiếu và vấn đề trở thành một rắc rối ngoại giao chính thức.


Theo định nghĩa, hộ chiếu (passport) hay sổ thông hành là căn cước cấp cho công dân của một quốc gia sử dụng khi đi ra nước ngoài. Ðể vào nước khác, phải có hộ chiếu và xin thêm visa, nghĩa là chiếu khán nhập cảnh, cho phép lưu lại nước đó một thời gian định trước. Xuất trình đầy đủ hai giấy tờ đó, nhân viên di trú ở cửa khẩu sẽ đóng dấu chứng thực lên một trang trong hộ chiếu. Trong thỏa ước bang giao quốc tế, một quốc gia có thể từ chối cấp visa, nhưng không có lý do để từ chối hộ chiếu vì không thuộc thẩm quyền của quốc gia mình, trừ khi xác định được hộ chiếu này là giả.


Ðài BBC dẫn lời Ðại Tá Ngô Văn Vũ, chính ủy Bộ Chỉ Huy Biên Phòng Lạng Sơn, cho biết khoảng nửa tháng nay, lực lượng biên phòng cửa khẩu ở Lạng Sơn không đóng dấu chứng thực nhập cảnh lên hộ chiếu cho công dân Trung Quốc nếu họ dùng loại có in hình đường lưỡi bò.


Ông nói: “Ðây là chỉ thị từ trên và được thực hiện nhất quán.”


Theo báo Tuổi Trẻ, tại cửa khẩu Lào Cai, cho đến nay, cơ quan chức năng đã đóng dấu “hủy” lên hơn 110 hộ chiếu của công dân Trung Quốc. Ðại Tá Ngô Văn Vũ giải thích rõ hơn về chuyện này là chỉ đóng dấu “hủy” trong trường hợp phép thị thực nhập cảnh (visa), được cấp viết hay đóng bằng dấu, ngay trên một trang trong hộ chiếu và chỉ có nghĩa là hủy thị thực này để thay bằng một giấy thị thực rời khác.


Hôm Thứ Năm, 29 Tháng Mười Một, ông Vũ Ðức Ðam, bộ trưởng chủ nhiệm văn phòng chính phủ Việt Nam, tuyên bố chính phủ đã “chỉ đạo” không đóng dấu vào hộ chiếu có đường lưỡi bò của Trung Quốc. Báo mạng VNExpress dẫn lời ông Ðam: “Chính phủ đã có chỉ đạo, với người Trung Quốc mang hộ chiếu có in ‘đường lưỡi bò’ thì không đóng bất kỳ dấu nào của Việt Nam.” Ông giải thích rằng thay vào đó, cấp thị thực rời “để một mặt vẫn tạo điều kiện cho công dân Trung Quốc đến làm việc hoặc du lịch, giao lưu với người dân Việt Nam, mặt khác thể hiện rõ chính kiến của chính phủ Việt Nam.”


Như vậy, Việt Nam đã chính thức có phản ứng và biện pháp đối phó thích ứng. Ðến tuần trước, Việt Nam mới chỉ có phản ứng qua lời phát biểu của phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao, ông Lương Thanh Nghị, rằng “đã chuyển công hàm phản đối qua Trung Quốc và yêu cầu họ thu hồi loại hộ chiếu lưỡi bò,” được đánh giá là tiêu cực không đủ hiệu quả trong trận tranh chấp bằng đấu khẩu.


Philippines cũng theo cách phản ứng của Việt Nam và Bộ Ngoại Giao nước này đưa ra thông cáo nói các nhân viên xuất nhập cảnh của họ sẽ “chỉ đóng dấu vào mẫu khai xin thị thực rời” của người Trung Quốc chứ không chứng thực vào hộ chiếu. Ngoại Trưởng Albert del Rosario đã gởi công hàm phản đối tới Bắc Kinh trong đó ông gọi bản đồ lưỡi bò là “tuyên bố chủ quyền biển quá đáng và vi phạm luật pháp quốc tế”. Phát ngôn viên của Tổng Thống Benigno Aquino cũng cho hay rằng Philippines hoan nghênh phát biểu của nữ phát ngôn viên Victoria Nuland của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ rằng Washington có dự định mang sự quan ngại của các nước Á Châu về cuốn hộ chiếu điện tử ra nói chuyện với Trung Quốc.


Trong cuộc họp báo hàng ngày hôm Thứ Hai, 26 Tháng Mười Một, bà Nuland trả lời một phóng viên rằng bà biết có sự rắc rối tranh cãi ở Ðông Nam Á và Ấn Ðộ về hộ chiếu của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhân viên di trú Hoa Kỳ vẫn đóng dấu trên hộ chiếu như bình thường vì không coi hình vẽ trên đó là có giá trị pháp lý nào hết. Bà xác định rằng chứng nhận trên hộ chiếu chỉ là sự chứng nhận cho cá nhân mang hộ chiếu, và lập trường của Hoa Kỳ vẫn là không đứng về bên nào cũng như không công nhận tấm bản đồ “đầy tranh cãi”.


Ấn Ðộ cũng bất bình vì hộ chiếu lưỡi bò cũng vẽ một phần lãnh thổ còn đang tranh chấp với Trung Quốc. Theo lời một giới chức, Ấn Ðộ sẽ phát hành hộ chiếu in bản đồ những phần đất ấy thuộc về mình. Phản ứng này nếu được thực hiện không hẳn là khôn ngoan bởi vì nếu coi việc làm của Trung Quốc là vô giá trị thì cũng chẳng có ý nghĩa gì để phải làm ngược lại.


Tất nhiên, mánh lới mang bản đồ lưỡi bò vào hộ chiếu là một hành động hàm chứa nhiều ý đồ và thủ đoạn thâm hiểm. Tuy nhiên, theo các bình luận gia, việc này chưa chắc có kết quả gì mà có thể bất lợi cho Trung Quốc nhiều hơn. Chưa chắc Trung Quốc đã dự đoán được cách phản ứng của Việt Nam, vừa phải ở mức cần thiết mà không rơi vào cái bẫy nào đó mà họ mưu tính. Trong khi đó, việc làm của Trung Quốc để lộ cho các nước Châu Á và dư luận quốc tế thấy rõ âm mưu bành trướng bá quyền để phải tìm cách đoàn kết đối phó thích ứng hơn.


Hành động mang tính khiêu khích này cũng bị ngay chính nhiều người dân Trung Quốc phê phán vì sẽ chẳng đem đến hiệu quả thực tế nào và phản tác dụng. Mặt khác, vô tình Trung Quốc đã tạo cơ hội cho Hoa Kỳ tham gia ý kiến, vì “nếu như hộ chiếu này bị các nước khác xem là khiêu khích thì chúng tôi có thể tìm cách nói chuyện với Trung Quốc,” theo lời bà Nuland. Ông Marty Natalegawa, bộ trưởng ngoại giao Indonesia, trong một bài phỏng vấn đăng trên nhật báo Jakarta Post nói rằng hộ chiếu mới của Trung Quốc có hình bản đồ lưỡi bò là “xảo trá” và “phản tác dụng”.


Như vậy, qua “hành động hộ chiếu,” Trung Quốc đã vụng về tạo ra một tình thế mà họ vẫn cố tình tránh né. Trung Quốc từ trước đến bây giờ vẫn khó chịu về sự can dự của Hoa Kỳ bằng quan điểm khuyến khích thảo luận vấn đề tranh chấp biển Ðông với tư cách khối ASEAN chứ không phải từng quốc gia riêng lẻ.

MỚI CẬP NHẬT