Friday, March 29, 2024

Máy bay nào được dùng tìm chiếc Boeing 777 mất tích?

Hà Tường Cát/Người Việt



Chiếc Boeing 777-200ER chuyến bay MH 370 của Malaysia Airlines mất tích từ ngày 8 tháng 3 và sau 17 ngày liên tục, công cuộc  tìm kiếm rộng lớn chưa từng có trên thế giới cho đến nay vẫn chưa đạt tới một kết quả cụ thể nào.










Một máy bay AP-3C Orion của Không Quân Hoàng Gia Australia cất cánh từ căn cứ không quân Pearce tại Perth sáng sớm Thứ Tư, giờ địa phương, tiếp tục công tác tìm kiếm MH370 ở Nam Ấn Độ Dương, nhờ thời tiết đã thuận lợi trở lại. (Hình: AP/Rob Griffith)


Hàng chục vệ tinh nhân tạo, ít nhất 40 máy bay, trực thăng  và 30 tàu các loại từ 26 quốc gia tham gia vào công tác này. Ngoài ra hàng trăm tàu hàng và tàu đánh cá cũng được yêu cầu cung cấp thông tin nếu tình cờ bắt gặp những dấu hiệu khả nghi.


Vì những vùng biển tìm kiếm quá rộng lớn, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên thuộc về những máy bay. Khi  phát hiện ra các vật có thể là mảnh vỡ của chiếc máy bay lâm nạn  trôi giạt trên mặt biển, sẽ báo cho tàu đến nơi tìm vớt. Nhưng một trở ngại lớn là thời gian để các tàu tới nơi có thể mất nhiều giờ hay nhiều ngày, và do đó có thể không còn tìm ra những vật đã ghi nhận nữa.


Ba loại máy bay được sử dụng vào công tác, đó  là những máy bay tuần duyên loại nhỏ hoặc trực thăng  xuất phát từ các tàu và các máy bay vận tải không thuộc loại chuyên dụng nhưng thời gian hoạt động có thể dài hơn. Hai loại máy bay này, ít có trang thiết bị đặc biệt, chỉ nhờ vào sự quan sát bằng mắt của phi hành đoàn và kết quả phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết . Loại máy bay thứ ba được dùng là những máy bay tuần thám biển với sứ mạng đặc biệt chống tàu ngầm, có trang bị nhiều phương tiện điện tử và được coi là có khả năng đạt được kết quả hơn hết.  


Trong tuần lễ đầu tiên khi người ta còn cho rằng máy bay Malaysia có thể lâm nạn gần vịnh Thái Lan, Việt Nam dùng các máy bay An-26,  C-212 và DHC-6 vào việc tìm kiếm.


An-26 là máy bay vận tải quân sự hạng nhỏ sản xuất ở Ukraine, Liên Xô, từ thập niên 1980, 2 động cơ cánh quạt bán phản lực, chở được 40 người và tầm bay xa 2,500 km, có thể hoạt động khoảng 4 giờ trên khu vực tìm kiếm. Một trong 4 chiếc An-26 ngay ngày đầu đã nhận ra được vết dầu loang trên biển nhưng khi các tàu đến lấy mẫu về thử thì không phải là nhiên liệu của máy bay.


CASA C-212 là máy bay vận tải 2 động cơ cánh quạt bán phản lực, chở 26 người, cất cánh được trên sân bay ngắn, do Tây Ban Nha  sản xuất và cũng cấp bản quyền chế tạo cho Indonesia, Việt Nam dùng máy bay này cho lực lượng Cảnh Sát Biển để tuần tiễu vùng duyên hải. Một số phóng viên Việt Nam và ngoại quốc  được đưa đi theo các máy bay An-26 và C-212 cất cánh từ sân bay quốc tế Phú Quốc trong những chuyến tìm kiếm ngoài vịnh Thái Lan.


Malaysia, Indonesia và Australia cũng đưa C-212 vào việc tìm kiếm máy bay mất tích nhưng chỉ sử dụng hạn chế vì tầm bay xa dưới 2,000 km, quá ngắn không đủ đến những khu vực xa ngoài Ấn Độ Dương.


Đặc biệt Việt Nam dùng tới một thủy phi cơ DHC-6 của hải quân, máy bay do công ty De Havilland Canada chế tạo. Thủy phi cơ DHC-6 Sea Otter là máy bay nhỏ 2 động cơ chở khoảng 10 người, vận tốc bình phi 250 km/giờ tầm hoạt động 1,000 km, có nghĩa là chỉ sử dụng cho việc tìm kiếm ở vùng biển gần trong thời gian ngắn. Nhưng lợi điểm của nó là nếu thời tiết tốt có thể đáp ngay xuống mặt biển nếu thấy những vật gì muốn tìm.


Thái Lan dùng Dornier Do-228 của Đức, máy bay tuần tiễu duyên hải,  trong công tác tìm máy bay mất tích. Singapore. Australia và New Zealand dùng C-130, máy bay vận tải quân sự 4 động cơ cánh quạt bán phản lực, tầm hoạt động xa và có thể bay cao hay xuống rất thấp gần mặt biển để quan sát tìm kiếm.


Trung Quốc dùng Ilyushin IL-76, máy bay vận tải 4 động cơ  phản lực loại lớn do Liên Xô chế tạo, tương đương C-141 của Hoa Kỳ, cất cánh từ Hải Nam bay tới vùng biển Tây Nam Việt Nam rồi trở về. Sau đó 2 chiếc IL-76 của Trung Quốc được phái tới tham gia cuộc  tìm kiếm ở Ấn Độ Dương. Theo Reuters, hôm 22 tháng 3 một chiếc IL-76 đến Australia đã đáp lầm xuống phi trường quốc tế thành phố Perth, Tây Úc, thay vì xuống căn cứ không quân Pearce ở vùng ngoại ô, nơi đặt bộ chỉ huy phối hợp công tác của Australia.


Ưu điểm của IL-76 là  tầm hoạt động xa nên có thể bay tới  khu vực biển Tây Nam cách Perth 2,500 km và chụp được hình một số vật khả nghi trên biển.  Máy bay có khoang kính ở trước mũi dể dàng cho quan sát viên tìm kiếm và chụp hình nhưng vì phải bay cao nên không chắc những vật được chụp hình đã là của máy bay mất tích.


Việc tìm kiếm bằng máy bay đặt hy vọng nhiều nhất vào P-3 Orion, các máy bay tuần thám /chống tàu ngầm có  từ thập niên 1960 và sau 50 năm đến nay vẩn còn được Hải Quân Hoa Kỳ sử dụng. P-3 Orion  4 động cơ cánh quạt bán phản lực, tầm hoạt động 9,000 km trong 16 giờ bay, trang bị những dụng cụ điện tử, âm thanh, từ tính và hồng ngoại tuyến. Australia và New Zealand dùng 4 chiếc P-3 Orion vào việc tìm kiếm máy bay mất tích, Nhật Bản đưa tới 2 chiếc và Nam Hàn 1 máy bay loại này.


Hải Quân Hoa Kỳ gởi đến một máy bay P-8 Poseidon, loại hiện đại nhất đang được thay thế dần dần cho P-3 Orion. Đây là phiên bản quân sự của Boeing 737 mới bắt đầu được đưa vào hoạt động từ năm ngoái. P-8  nhờ vận tốc cao hơn loại máy bay cánh quạt nên có thể bay khoảng từ 2 đến 4 giờ trên khu vực tìm kiếm. Trang thiết bị dò tìm của P-8 gồm nhiều dụng cụ điện tử hiện đại nhất có khả năng phát hiện những vật trên mặt biển cũng như dưới nước,


Với tất cả những phương tiện ấy, ngày Thứ Ba 25 tháng 3, mọi phi vụ trong vùng biển Ấn Độ Dương phải tạm ngưng vì bão tố và mây mù. Như vậy sau khi chính phủ Malaysia căn cứ theo phân tích vệ tinh của Anh đã xác định chuyến bay MH.370 kết thúc ở Nam Ấn Độ Dương, nhưng vẫn chưa thể tìm ra bằng cớ cụ thể nào đề minh  chứng sự kiện ấy.  (HC)
 

MỚI CẬP NHẬT